Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

13377 - Có phải Tập Cận Bình châm ngòi chống đối?

Trần Quang (giới thiệu)

Có phải Tập Cận Bình đã phạm sai lầm khi khẳng định vị thế cường quốc thế giới lớn hơn cho Trung Quốc tương xứng với sức mạnh kinh tế của nước này? Lẽ nào Trung Quốc cần phải tiếp tục “giấu mình chờ thời” thêm một đến hai thập kỉ nữa, cho đến khi đạt được vị thế dẫn đầu về công nghệ tiên tiến và thương mại toàn cầu ở ngưỡng không thể bị đánh trả?


Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh mới của quốc gia để thách thức trật tự do phương Tây lãnh đạo - hành động gây tranh cãi trong nước và tiềm ẩn nguy cơ chống đối trên toàn thế giới.
Khi quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây xấu đi sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đưa ra đường lối dẫn dắt tiến trình phát triển của Bắc Kinh trong nhiều thập kỉ. Ông đã đưa ra quan điểm “giấu mình chờ thời, giỏi về phòng thủ, quyết không đi đầu”. Khi Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm đưa Trung Quốc vươn ra thế giới và tránh xung đột quốc tế, họ đã tạo ra phép màu kinh tế giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói.
Một thái độ rất khác biệt đang ngày càng chiếm ưu thế ở Bắc Kinh. Khi nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ theo một số tiêu chí, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cự tuyệt với thái độ thận trọng của những nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Tập Cận Bình đã sử dụng sức mạnh mới của Trung Quốc để thách thức trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo, một nỗ lực vừa gây ra những cuộc phản kháng ở cấp độ toàn cầu chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh vừa khuấy động một xu thế thảo luận chính sách ở trong và ngoài nước. Sự bùng phát các cuộc biểu tình ở Hong Kong làm tê liệt sân bay mới đây một phần là bởi người dân địa phương tức giận cho rằng Bắc Kinh vi phạm cam kết “một nước, hai chế độ” từng được Đặng Tiểu Bình đề xuất vào những năm 1980, tạo thêm một mối đe dọa lớn đối với kinh tế và uy tín của Trung Quốc.
Có phải Tập Cận Bình đã phạm sai lầm khi khẳng định vị thế cường quốc thế giới lớn hơn cho Trung Quốc tương xứng với sức mạnh kinh tế của nước này? Lẽ nào Trung Quốc cần phải tiếp tục “giấu mình chờ thời” thêm một đến hai thập kỉ nữa, cho đến khi đạt được vị thế dẫn đầu về công nghệ tiên tiến và thương mại toàn cầu ở ngưỡng không thể bị đánh trả?
Thái độ quyết đoán của Trung Quốc khởi nguồn từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Nhưng nhà lãnh đạo 66 tuổi đã biến chủ nghĩa dân tộc mới thành dấu ấn cá nhân trong thời gian nắm quyền. Quay lại quá khứ một chút, tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình với Tổng thống Barack Obama ở California năm 2013, các quan chức Mỹ đã bất ngờ khi nhận ra rằng tầm nhìn của Tập Cận Bình về căn bản là chia đôi không gian ảnh hưởng thế giới, trong đó Trung Quốc quán xuyến phần châu Á để đổi lấy việc nước này không thách thức vị thế thống trị của Mỹ ở những khu vực khác.
Trong diễn văn đọc tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, Tập Cận Bình hồ hởi thông báo Trung Quốc đã “vươn mình, trở nên giàu có và hùng mạnh”. Ông cũng nói thêm rằng mục đích tối thượng của Trung Quốc là “trở thành lãnh đạo toàn cầu dựa trên sự kết hợp giữa sức mạnh quốc gia và ảnh hưởng quốc tế”.
Theo Vương Huy Diệu, cố vấn chính phủ đồng thời là Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, việc rời bỏ quan điểm kiềm chế từng phổ biến trong giai đoạn trước là điều không thể tránh khỏi. Ông lý giải: “Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ thời Đặng Tiểu Bình, khi mà kinh tế Trung Quốc còn chưa đứng trong top 10 thế giới, và vì thế lời khuyên ‘giỏi về phòng thủ’ giờ không còn phù hợp”. Ông bổ sung: “Trung Quốc hiện có quy mô rất lớn. Ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc là hiện hữu. Không ai có thể che giấu điều đó”.
Vậy nên những cuộc phản kháng dữ dội ở cấp độ toàn cầu trước thái độ hống hách mới đây của Trung Quốc đã khiến nhiều quan chức nước này bất ngờ. Vương Huy Liệu bình luận: “Việc ghét bỏ Trung Quốc là đúng về mặt chính trị ở thời điểm hiện nay. Trung Quốc không nói họ sẽ thống trị thế giới, mà là họ đang xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Nhưng ở một chừng mực nào đó, thông điệp không được truyền tải đầy đủ và có một sự phản kháng khá mạnh mẽ”.
Tại Mỹ, việc ngăn chặn Trung Quốc vươn tầm quốc tế, chống lại hành vi thương mại và các bước đi quân sự của Bắc Kinh – chủ đề từng được Trump nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử năm 2016, giờ đã được nâng lên thành điểm đồng thuận lưỡng đảng. Bất chấp việc hai nước gặp gỡ để thảo luận về các vấn đề thương mại, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại đã leo thang trong vài tuần trở lại đây, với việc Bắc Kinh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Mỹ để đáp trả đòn trừng phạt thuế mới của Mỹ, còn Washington vì tức giận việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã liệt nước này vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Các lãnh đạo phe Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội cũng bảy tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, cảnh báo Bắc Kinh chớ có hành động đàn áp bạo lực.
Tại châu Âu, Trung Quốc giờ không được xem là cường quốc nhân từ theo đuổi sự ổn định mà là “một đối thủ có hệ thống thúc đẩy các mô hình điều hành thay thế”, như Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố hồi tháng 3/2019.
Cùng lúc đó, ở thế giới đang phát triển, ngày càng xuất hiện nhiều tranh cãi xung quanh Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đầy tham vọng của Tập Cận Bình với ý định rải hàng tỉ USD đầu tư khắp toàn cầu. Từ Malaysia đến Maldives, các chính trị gia thắng cử một phần nhờ vào việc lên tiếng phản đối tệ tham nhũng và bẫy nợ liên quan đến nhiều dự án của Trung Quốc. Theo nhận định của Lý Minh Giang, điều phối viên chương trình về Trung Quốc thuộc Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS) tại Singapore, “sự dịch chuyển từ chiến lược giỏi về phòng thủ quốc tế sang thái độ quyết đoán tuyệt đối và chủ nghĩa hành động đã diễn ra hơi sớm và Trung Quốc thực sự chưa có sự chuẩn bị để bước vào một cuộc chuyển đổi căn bản như vậy”. Câu hỏi lớn đặt ra cho Trung Quốc ở vị thế mới chính là liệu Bắc Kinh có thể chèo lái bước chuyển đó với sức mạnh còn khiêm tốn mà không rơi vào một cuộc đối đầu mạnh mẽ với Mỹ hay không. Một cuộc đối đầu như thế có thể cản trở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và trong tình huống tồi tệ nhất sẽ đẩy châu Á vào một cuộc chiến lớn – viễn cảnh các nhà hoạch định chính sách ở hai bờ Thái Bình Dương đang công khai thảo luận. Theo bình luận của Chu Phong, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh, “sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ là hào quang mà còn là định mệnh nguy hiểm”.
Khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền vào năm 1978, Trung Quốc vừa mới thoát khỏi những ký ức rùng rợn về nạn đói và Cách mạng Văn hóa, cùng với đó là hàng thập kỉ bị cô lập. Đặng Tiểu Bình hối thúc người Trung Quốc làm giàu và tìm cách đưa đất nước hội nhập vào thị trường toàn cầu. Nền kinh tế tăng tốc và nhiều nhà lãnh đạo phương Tây phỏng đoán Trung Quốc theo thời gian cũng sẽ mở cửa.
Khủng hoảng tài chính năm 2008, mà hệ quả tiêu cực của nó đã được giảm bớt phần nào nhờ việc Bắc Kinh bơm tiền vào các thị trường phương Tây, đã làm thay đổi những niềm tin này. Khủng hoảng khiến nhiều nhà lãnh đạo chính trị ở Bắc Kinh tin rằng hệ thống phương Tây sắp sụp đổ và giờ là lúc để Bắc Kinh bước ra từ trong bóng tối và đề xuất lựa chọn thay thế. Hồ An Cương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Thanh Hoa và là nhân vật có ảnh hưởng trong giới theo đuổi chính sách hiếu chiến ở Bắc Kinh cho rằng “trong năm 2008, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã cứu sống chủ nghĩa tư bản. Trước năm 2008, nhiều nhà kinh tế Trung Quốc xem Mỹ là mô hình tốt nhất cho việc điều hành kinh tế vĩ mô. Nhưng khủng hoảng tài chính đã phá vỡ quan niệm này”.
Tại Trung Quốc, ít khi bắt gặp những chỉ trích nhằm vào đường hướng cứng rắn của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, nhiều nhân vật có ảnh hưởng lớn trong giới chính sách đối ngoại ở Trung Quốc và giới tinh hoa doanh nghiệp vẫn tiếp tục cảnh báo về những mối nguy hiểm ở phía trước và kêu gọi cần phải có sự sửa đổi. Thời Ân Hoằng, một cố vấn chính phủ khác và là giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh đánh giá: “Trung Quốc lúc này nên hành xử lặng lẽ, cần tới ít nhất 5-6 năm để có thể rút ngắn chiến lược vốn là điều cần thiết. Trung Quốc với những thành tựu to lớn đã tiến quá xa và quá nhanh trên mặt trận chiến lược”. Đặng Phổ Phương, con trai cả của Đặng Tiểu Bình, cũng có quan điểm tương tự khi lên tiếng cảnh báo trong bài phát biểu tháng 11/2018 rằng Trung Quốc “nên giữ cái đầu tỉnh táo và biết mình đang đứng ở đâu”.
Chưa thể biết rõ mức độ lắng nghe của Tập Cận Bình trước những lời khuyên này là như thế nào. Theo Ryan Hass, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Brookings, người từng theo dõi chính sách đối với Trung Quốc tại Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ trong giai đoạn 2013-2017, “Tập Cận Bình cần kiểm soát chặt chẽ hệ thống Trung Quốc, nhưng ông phải chú tâm quan sát. Ở thời điểm hiện nay, chắc chắn đang có sự phàn nàn và bất mãn nhất định về đường hướng mà Trung Quốc đang đi. Tôi không nghĩ rằng nó đến ngưỡng buộc giới lãnh đạo phải điều chỉnh lại đường lối, nhưng cũng không thể xem nhẹ”.
Những tiếng nói ủng hộ hòa hoãn trong cộng đồng chính sách, các trung tâm nghiên cứu do nhà nước bảo trợ và giới doanh nghiệp tư nhân phần nào cũng giúp tạo thế cân bằng với những chỉ trích từ phía các nhà dân tộc chủ nghĩa có tư tưởng hiếu chiến. Những người này, bao gồm các tướng lĩnh về hưu, mới đây còn hối thúc Bắc Kinh cần phải có cách tiếp cận liều lĩnh hơn, nổi bật là việc thu hồi Đài Loan và đánh chìm tàu sân bay của Mỹ. Trong bài phát biểu hồi tháng 6/2019 trước sự hiện diện của người đồng cấp phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa tuyên bố Bắc Kinh sẽ không đầu hàng trước sức ép của Mỹ. Ông nói: “Càng đối diện với sức ép và khó khăn, người Trung Quốc càng mạnh mẽ và can đảm. Sự thù địch chỉ khiến đất nước chúng ta đoàn kết và mạnh mẽ hơn. Quan điểm phổ biến ở Trung Quốc hiện nay là: Muốn đàm phán? - Hoan nghênh; Muốn giao tranh? – Sẵn sàng; Muốn hăm dọa? - Không có đâu”.
Khi cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại với Washington leo thang vào mùa Hè này, tổng biên tập của nhiều tòa soạn báo do chính phủ quản lý đã tấn công không thương tiếc cái gọi là “những kẻ đầu hàng” - những người cho rằng cần có quan điểm mềm mỏng hơn với Mỹ và theo đuổi một chính sách đối ngoại bớt hiếu chiến hơn, cũng là những người được cho là thiếu niềm tin vào khả năng của Trung Quốc và phản bội lợi ích dân tộc. Một quan chức cấp cao trong quân đội bày tỏ: “Đúng là giới tinh hoa đang thận trọng, nhưng nếu trò chuyện với một người dân trên đường phố, bạn sẽ thấy mọi chuyện rất khác. Họ muốn làm nhiều hơn thế”.
Nhưng sức mạnh của Trung Quốc là có giới hạn. Quân đội Trung Quốc dù đang được hiện đại hóa nhanh chóng nhưng thiếu kinh nghiệm tác chiến. Một vị thế mới theo cách ngành ngoại giao Trung Quốc theo đuổi đã dẫn đến một vài sai lầm; những nỗ lực gần đây của đại sứ quán Trung Quốc tại các nước từ Nga tới Italy nhằm đe nẹt truyền thông địa phương đã bị đáp trả thậm tệ. Và dù đã có được những thành tựu phát triển trong lịch sử, điển hình là các sân bay, đường sắt và đường cao tốc mà nếu đem ra so sánh thì hệ thống hạ tầng đang xuống cấp của Mỹ phải xấu hổ, Trung Quốc vẫn là nước có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người chỉ bằng Mexico.
Hơn thế, tuy là nước đi đầu trong một số ngành của tương lai, như mạng 5G và trí tuệ nhân tạo, nhưng Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào dòng chảy công nghệ từ Mỹ và nhiều nước phương Tây khác. Các biện pháp trừng phạt mới đây của Washington và đồng minh nhằm vào Huawei và ZTE đã gây lo ngại rằng phương Tây sẽ tìm cách chặn đường tiếp cận các bước tiến công nghệ của Trung Quốc. Ni Jianjun, chuyên gia Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu có liên quan đến Bộ An ninh Trung Quốc, nhìn nhận: “Trung Quốc cần có được không gian phù hợp với sự phát triển của mình. Trung Quốc lúc đầu kỳ vọng tìm được một chỗ đứng thoải mái trong hệ thống quốc tế hiện hành, nhưng giờ đây nhận ra rằng điều này ngày càng khó khăn và vấp phải sự kháng cự ngày càng lớn”.
Nhiều nước nghi ngờ ý định của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh hoàn toàn mập mờ về cách mà họ nhìn nhận vai trò mới của mình trên thế giới. Trung Quốc đưa ra bảo đảm về sự hợp tác “các bên cùng thắng” và cam kết tránh bá quyền tại chính thời điểm mà nước này ngày càng tìm cách ức hiếp các nước nhỏ hơn.
Thành Hiểu Hà, giáo sư chuyên ngành nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nhân dân, nói: “Trung Quốc không phải là nhà lãnh đạo thế giới. Trung Quốc chưa bao giờ là nhà lãnh đạo thế giới. Đó hoàn toàn là một thách thức mới đối với Trung Quốc. Có một số điều Trung Quốc cần nghĩ đến: Liệu cộng đông quốc tế hoặc ít nhất là đa phần cộng đồng quốc tế có hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Trung Quốc, hoặc liệu hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể duy trì được vị thế lãnh đạo thế giới hay không?”.
Quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới trong thời kỳ quốc gia này chưa bị nước ngoài chiếm đóng thường theo mô hình đế quốc ở vị trí trung tâm, bao quanh là các nước láng giềng hữu hảo, vận hành theo luật lệ của mình miễn là họ chịu cống nạp và tuân thủ các mục tiêu của Trung Quốc. Ở một cấp độ nào đó, đây dường như là điều Bắc Kinh đang khao khát đạt tới, ít nhất là đối với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đánh giá: “Trung Quốc không tìm cách thay đổi phương thức quản trị của Anh hay Úc. Điều Trung Quốc muốn là các chính phủ nước ngoài phải tôn trọng và ủng hộ cái mà Bắc Kinh tìm kiếm. Trung Quốc mong muốn có thể đạt được các mục tiêu đề ra với sự phản đối ở mức tối thiểu. Khi theo đuổi mục tiêu đó, những hành xử gần đây của Trung Quốc, điển hình là việc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông có tranh chấp, đã phản tác dụng. “Họ đẩy những nước láng giềng, nổi bật là Việt Nam, xích lại gần quỹ đạo của Mỹ”.
Trên thực tế, trong vài năm gần đây, hầu như không có nước láng giềng nào của Trung Quốc, có lẽ ngoại trừ một nước Nga ngày càng tỏ thái độ hữu hảo và lệ thuộc vào Bắc Kinh, là không phẫn uất và điều này không chỉ liên quan đến Biển Đông. Mông Cổ, nước không có biển, từng phải đối mặt với tình cảnh giao thương biên giới đình trệ sau khi cho phép Đạtlai Lạtma đến thăm vào năm 2016 và đã phải hứa với Bắc Kinh rằng vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng sẽ không bao giờ quay trở lại. Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến sát đến ngưỡng đụng độ quân sự tại khu vực biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya hồi năm 2017. Cũng trong năm này, quyết định của Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đẩy Trung Quốc đến chỗ phát động chiến dịch tẩy chay nhằm vào các công ty và sản phẩm của Hàn Quốc. Việc vận chuyển than đá của Úc phải đối mặt với nhiều rào cản mới hồi đầu năm nay sau khi nước này ra lệnh cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G. Và hai công dân Canada đã bị Trung Quốc bỏ tù vào tháng 12/2018 với cáo buộc gây nguy hại đến an ninh quốc gia sau khi Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhìn nhận: “Trung Quốc giờ là một cường quốc lớn với ngân sách quốc phòng đứng hàng thứ hai thế giới; nên lời nói và hành động cũng được xem là đáng chú ý. Để gây dựng ảnh hưởng quốc tế không dựa vào quyền lực cứng, Trung Quốc cần có kiềm chế và tính hợp pháp”.
Việc Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình tạo dựng ảnh hưởng này như thế nào và phản ứng ra sao trước các nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế Trung Quốc sẽ là vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu trong vài năm tới. Rory Medcalf, Hiệu trưởng trường Đại học An ninh trực thuộc Đại học quốc gia Úc bình luận: “Hy vọng Trung Quốc rút ra được một vài bài học từ chủ nghĩa đế quốc mà không cần phải trải qua khủng hoảng và xung đột, vốn là thứ mà chủ nghĩa đế quốc hay kích thích. Nhưng đó sẽ là một chuỗi lựa chọn mà Trung Quốc phải thực hiện và mọi việc sẽ phụ thuộc vào chất lượng của tiến trình thảo luận và ra quyết định bên trong Trung Quốc”.
Yaroslav Trofimov là giám đốc phụ trách mảng bình luận về các vấn đề ngoại giao của tờ The Wall Street Journal. Bài viết được đăng trên The Wall Street Journal.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét