Nhân chuyện bà Hiền, công an Hà Nội, vừa đại náo sân TSN, tôi điểm sơ qua thử xem sách giáo khoa VN đã dạy cho con em chúng ta về mẫu hình phụ nữ nào, bởi ai cũng biết giáo dục rất quan trọng trong hình thành nhân cách một con người. Họ dạy gì?
– Trong cổ tích, họ dạy truyện Tấm Cám. Tôi từng viết đây là câu chuyện không nên đưa vào chương trình giáo dục bởi nó phi nhân bản. Tấm là hình mẫu của tâm thế kẻ nghèo hèn, van xin khi thất thế sa cơ và ngạo mạn, ác độc khi gặp thời. Về bản chất, Tấm phản ánh đúng hình tượng bần cố nông trong 1 chuỗi sống: nghèo hèn- bị áp bức, gặp thời- nắm quyền- trả thù- sống giàu sang, và nếu bị phản ứng thì dùng “uy quyền” để phô bày bản chất, y như mụ Hiền!
– Trong văn học họ dạy Truyện Kiều, nhưng thay vì dạy cái hay cái đẹp của ngôn ngữ thơ Nguyễn Du, họ lại nhấn mạnh đến “phẩm chất” của cô Thúy Kiều, dạy các trích đoạn về Thúy Kiều mượn tay Từ Hải xử án, nhấn mạnh đến “đấu tranh giai cấp” (?), “tư tưởng” này tôi e Nguyễn Du sống lại cũng chào thua (bởi cốt truyện ông vay mượn từ truyện ngôn tình của Tàu).
Như vậy dù muốn hay không, các em học sinh vẫn phải ca ngợi Thúy Kiều, một cô gái sa cơ phải làm đĩ 15 năm, và dù cái nghề đó, ở quan điểm nhân bản nó không xấu, nhưng cho đến nay tại VN vẫn cấm, và trên toàn thế giới dù có nơi hợp thức hóa nó vì quan điểm tự do, nhưng vẫn không ủng hộ.
– Trong lịch sử hiện đại, và cả trong văn học, họ dạy về Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, Út Tịch, chị Sứ… toàn là những nhân vật sử dụng bạo lực cách mạng. Nó có thể phù hợp trong giai đoạn tuyên truyền khi chiến tranh, nhưng không phù hợp với xu thế hiện đại.
Như vậy trong sách giáo khoa hiện nay, Bộ Giáo dục VN không hề cập nhật hình ảnh người phụ nữ hiện đại dù đã bước qua thế kỷ 21 gần 20 năm. Phụ nữ VN vẫn được dạy “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, mà quên rằng có những cái đã lỗi thời, đã thuộc về thế hệ gia trưởng trọng nam khinh nữ.
Thế giới văn minh từ lâu đã công nhận vai trò ngang bằng của phụ nữ với nam giới. Phụ nữ hiện đại biết cách yêu, cách sống, cách cân bằng bản thân, cách kiếm tiền, văn minh lịch thiệp nơi công cộng không hề thua kém nam giới, nhưng lại hoàn toàn vắng bóng trong nền giáo dục VN.
Trong tình thế này thì tôi khẩn cầu quý vị: Hãy luôn chú trọng đến GIÁO DỤC GIA ĐÌNH!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét