Trần Quang (giới thiệu)
Bất kỳ một vụ thử hạt nhân nào đều gây lo ngại, nhưng vụ thử diễn ra ở vùng cực Bắc của Nga hồi đầu tháng này là điều đặc biệt gây lo ngại. Đó là lời nhắc nhở rõ ràng và nghiêm túc rằng chúng ta đang nhanh chóng quay trở lại một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc vốn đã làm cho những ngày đen tối nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh trở nên hết sức nguy hiểm. Và lần này, những mối nguy hiểm lớn nhất đang hiện hữu ở châu Á.
Theo Washington, sự cố đã xảy ra trong thời gian diễn ra vụ thử một tên lửa hành trình mới được phóng bằng năng lượng hạt nhân của Nga. Burevestnick theo cách gọi của Nga và Skyfall theo cách gọi của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một trong một số chương trình tên lửa mới mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hồi năm ngoái.
Người ta hầu như không biết chi tiết về dự án này, nhưng nó dường như là sự khôi phục một ý tưởng mà người Mỹ đã thăm dò khả năng thực hiện vào những năm 1950 và 1960. Kế hoạch của Mỹ - bí danh là Pluto – dự định chế tạo một tên lửa khổng lồ được kích hoạt bởi một lò phản ứng hạt nhân. Nó có thể bay ở tầm rất thấp với tốc độ lớn hơn gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, bắn tới khoảng cách rất xa và bắn ra một số lượng lớn đầu đạn hạt nhân trên đường bay của nó trước khi nhắm vào mục tiêu và gây ô nhiễm hạt nhân ở mức thảm họa.
May mắn là Mỹ đã từ bỏ hoàn toàn ý tưởng này khi điều trở nên rõ ràng là ngay cả việc thử một vũ khí như vậy cũng đã trở nên nguy hiểm đến mức nào. Tại sao Nga lại muốn khôi phục nó vào lúc này? Chắc chắn là do nó đưa ra được cách để tránh các hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ. Tên lửa Burevestnick bay thấp tới mức khó có thể trở thành mục tiêu của bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nào và bay nhanh đến mức khó có thể có bất kỳ thứ gì bắn được nó.
Thực tế Nga đang phát triển một loại vũ khí khủng khiếp như vậy và việc họ tin là có thể đưa vào phục vụ vào một ngày nào đó cho thấy vũ khí hạt nhân đang nhanh chóng đóng vai trò trung tâm trong quan hệ giữa các nước lớn như thế nào.
Sự chấm dứt của một ảo tưởng
Trong nhiều thập kỷ trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, khả năng rất thực tế xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trên quy mô toàn diện đã phủ bóng đen lên mọi khía cạnh của sự tương tác Mỹ-Liên Xô.
Sau đó, trong những năm 1990 đầy lạc quan, sự chú ý chuyển sang những nguy cơ do những vũ khí hạt nhân nằm trong tay các nhà nước không lương thiện gây ra. Dường như không có lý do gì để các nước lớn trên thế giới lại đe dọa nhau một lần nữa bằng vũ khí hạt nhân khi họ đều cho rằng họ sống vui vẻ dưới sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Ảo tưởng này đã kéo dài lâu hơn nhiều so với nó cần có.
Chỉ đến cuối năm 2017 Washington cuối cùng mới nhận ra điều đã trở nên rõ ràng đối với một số nước trong ít nhất một thập kỷ là Trung Quốc và Nga không chấp nhận tầm nhìn về một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Hai nước này đã quyết tâm thách thức trật tự đó và trừ phi Washington từ bỏ những sự tranh giành, nếu không những cuộc đối đầu đầy cay đắng và ngày càng leo thang là điều không thể tránh khỏi.
Điều cũng không thể tránh khỏi tương tự là các lực lượng hạt nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện trong những cuộc đối đầu này bởi bất chấp việc Mỹ và Nga đã giảm bớt trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, tất cả 3 lực lượng hạt nhân lớn được giữ lại vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tư thế chiến lược và các kế hoạch tiến hành chiến tranh của họ. Và khi thực tế này được hiểu ra, điều cũng không thể tránh khỏi là tất cả các bên sẽ bắt đầu mở rộng và phát triển các lực lượng hạt nhân của mình để tìm kiếm cái được cho là lợi thế và giảm bớt cái được cho là những yếu kém trong tư thế hạt nhân của họ. Và đó chính là những gì đang diễn ra hiện nay.
Sự kết thúc của Hiệp ước START Mới?
Hậu quả là sự sụp đổ của một hiệp định kiểm soát vũ trang then chốt – Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung (INF). Hiệp ước này ràng buộc Mỹ và Nga không triển khai các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Sự kết thúc của nó cuối cùng đã xảy ra khi Washington chính thức rút khỏi INF vào đầu tháng này.
Chính quyền Trump cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận một cách có hệ thống, nhưng rõ ràng đây không phải là lý do duy nhất để Mỹ rút khỏi hiệp ước. Một lý do quan trọng hơn là Washington muốn chế tạo các tên lửa tầm trung của riêng mình để chống lại kho hạt nhân của Trung Quốc ở Đông Á.
Và hiệp ước INF không phải là thỏa thuận kiểm soát vũ trang lớn duy nhất sụp đổ. Hiệp ước START Mới mà Mỹ và Nga ký kết năm 2010 đến kỳ ký lại vào năm 2021. Theo những điều kiện của nó, cả hai nước đã nhất trí cắt giảm số lượng các đầu đạn hạt nhân, tên lửa và bom mà họ có thể duy trì. Hiệp ước này không những đã cắt giảm quy mô các kho vũ khí của Mỹ và Nga, nó cũng đã giảm bớt những sự khích lệ khiến Trung Quốc mở rộng các lực lượng hạt nhân nhỏ hơn của nước này.
Có những lo ngại thực tế là nếu đến năm 2021 Donald Trump vẫn là tổng thống, ông có thể quyết định hủy bỏ hiệp ước START Mới khi nó đến kỳ ký lại. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từ lâu là nhân vật chỉ trích mạnh mẽ hiệp ước này và bản thân Tổng thống Trump cũng gọi đây là “một thỏa thuận tồi”. Khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ rút khỏi INF, ông đã tránh đưa ra cam kết rằng hiệp ước START Mới sẽ không phải chịu chung số phận. Không ai ngạc nhiên với điều đó vì Chính quyền Trump đã có thành tích coi thường tất cả các hiệp ước quốc tế.
Nếu điều đó xảy ra, sẽ có nguy cơ thực sự là các cường quốc chủ yếu – không chỉ Mỹ và Nga, mà cả Trung Quốc – sẽ nhanh chóng bắt đầu mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ. Chúng ta có nguy cơ phải chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mới với quy mô chưa từng có kể từ thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh. Không có nước lớn nào đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân kể từ khi Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện được Liên hợp quốc thông qua năm 1996, mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều không phê chuẩn.
Nhân tố Trung Quốc
Tất cả những điều này mang đến một thông điệp gây ớn lạnh về ý nghĩa thực sự của một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” giữa Mỹ và Trung Quốc mà hiện được rất nhiều người ở Washington háo hức thúc đẩy. Giờ đây có lý do để lo ngại rằng tình trạng đối địch của họ càng leo thang thì mỗi bên càng có khả năng dựa vào đe dọa tấn công hạt nhân để hăm dọa bên kia.
Nguy cơ ngày càng gia tăng là bất kỳ xung đột quân sự nào cũng có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân mang tính hủy diệt. Bởi vậy, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng giống với tình trạng mong manh hạt nhân. Tình trạng này đã gây ra những mối nguy hiểm khủng khiếp trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Chúng ta có thể chứng kiến một bước đi dài theo hướng này trong các kế hoạch của Washington nhằm phát triển và triển khai tên lửa tầm trung đặt trên mặt đất ở Đông Á. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác nhận các kế hoạch này trong thời gian ở thăm khu vực vào đầu tháng 8. Gần như chắc chắn là các tên lửa này sẽ mang đầu đạn hạt nhân bởi sẽ là quá tốn kém nếu tên lửa đạn đạo tầm trung được sử dụng chỉ để mang đầu đạn thông thường.
Về mặt quân sự thuần túy, những sự triển khai như vậy hầu như không có ý nghĩa gì. Mỹ lập luận rằng nước này cần các tên lửa đặt trên mặt đất ở châu Á để chống lại các tên lửa của Trung Quốc có tầm bắn vươn tới khu vực. Nhưng Mỹ đã có sẵn rất nhiều tên lửa trên biển và trên không trong bất kỳ cuộc đối đầu nào của châu Á. Một mục đích rõ ràng hơn là làm yên lòng các đồng minh châu Á của Washington về cam kết của Mỹ bảo vệ các nước này, và đưa ra một bài kiểm tra đối với cam kết của các nước này với Mỹ bằng việc thúc ép họ cho đặt các tên lửa trên lãnh thổ của họ.
Nhưng để đáp trả, gần như chắc chắn Bắc Kinh sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân vốn tương đối nhỏ của Trung Quốc bằng việc bổ sung các lực lượng tên lửa tầm trung và liên lục địa. Và điều đó có thể hối thúc Washington đáp lại theo cách tương tự, tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang kinh điển.
Liệu có thể tránh được tình huống này hay không? Cách thức rõ ràng là Trung Quốc và Mỹ bắt đầu đàm phán về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang đang dần hiện ra này, nhưng dường như cả hai bên đều không tỏ ra quan tâm đến điều đó. Bắc Kinh vẫn lập luận rằng Trung Quốc có kho vũ khí nhỏ hơn nên việc kiềm chế phát triển vũ khí là trách nhiệm của Washington. Còn Washington dường như tin rằng Mỹ không cần kiểm soát vũ trang bởi họ có thể chế tạo nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn Bắc Kinh.
Cả hai đều sai lầm nhưng trên thực tế cốt lõi của vấn đề lại nằm sâu hơn. Sự đối kháng hạt nhân đang leo thang ở châu Á chỉ là triệu chứng của xung đột cơ bản giữa những mục tiêu chiến lược tối thượng của Mỹ và Trung Quốc: Mỹ muốn vẫn là cường quốc hàng đầu của Đông Á còn Trung Quốc thì muốn thay thế vị trí đó. Hầu như không có cơ hội để tránh được một cuộc đối đầu hạt nhân đang leo thang ở châu Á khi cả hai bên đều giữ chặt những tham vọng này.
Hugh White, Giáo sư Nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc, Canbera, Úc. Bài viết được đăng trên The Straits Times.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét