Một hoạt động của các nhà đấu tranh của Oxfam nhằm kêu gọi các lãnh đạo G7 chú ý đến "đấu tranh chống bất bình đẳng", ngày 23/08/2019, Biarritz, Pháp.REUTERS/Regis Duvignau
Gần 24 triệu euro được chi ra để tổ chức thượng đỉnh G7 từ ngày 24-26/08/2019, ở thành phố Biarritz, miền nam nước Pháp và bàn về “cuộc chiến chống bất bình đẳng”. Hơn 10.000 cảnh sát và hiến binh được huy động để bảo vệ an ninh cho thượng đỉnh, khoảng 5.000 đại biểu và nhà báo đổ về Biarritz để đưa tin. Theo những người phản đối, thượng đỉnh G7 quá tốn kém, mang tính hình thức và ít có kết quả cụ thể.
Vậy thực sự, G7 có vai trò gì ? Theo trang Francetvinfo (22/08/2019), đầu tiên G6 được được hình thành năm 1975 trên cơ sở của nhóm G5 không chính thức (Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Anh và Tây Đức). Người chủ trì cuộc họp đầu tiên là tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing khi ông mời đến lâu đài Rambouillet (ngoại ô Paris) bốn nhà lãnh đạo các nước giầu nhất thế giới thời kỳ đó, cùng với Ý, để “hình thành mối liên hệ trực tiếp giữa các nhà cầm quyền”, “thoát khỏi sự ì ạch của Liên Hiệp Quốc”.
Thực vậy, thế giới vừa trải qua cú sốc dầu lửa năm 1973 khiến nền kinh tế thế giới chao đảo và buộc phương Tây phải điều hòa các chính sách tài chính. Năm 1976, Canada gia nhập nhóm và G7 chính thức hình thành. Vào năm 1997, Nga gia nhập khối : G7 trở thành G8. Nhưng sau đó, Nga lại "bị mời" rút khỏi khối, sau khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014.
G7 mất dần ảnh hưởng
Mục tiêu của khối G7 là thống nhất với nhau về những định hướng lớn, hơn là đưa ra những quyết định cụ thể. Điểm này được bộ Ngoại Giao Pháp nêu rõ trên website, “G7 không phải là một định chế quốc tế : đó là một nhóm phi chính thức đóng vai trò định hướng và thúc đẩy chính trị. Các nước thành viên thống nhất để thúc đẩy các vấn đề liên quan đến chính sách an ninh, quản trị toàn cầu hóa và quản lý tài sản công thế giới”.
Tuy nhiên, theo thời gian xuất hiện nhiều vấn đề mới như trật tự kinh tế tự do và chống khủng bố… cỗ máy G7 mất dần hiệu quả. Thêm vào đó, “cùng với những phái đoàn chính thức ngày càng cồng kềnh và vài trăm nhà báo tham gia ngày hội truyền thông này, khả năng hành động đã biến mất”, theo phân tích của ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng khối G7 không còn phản ánh đúng tình hình thế giới hiện nay. Thực vậy, khối bẩy nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới hiện nay chiếm 45% GDP toàn cầu, thấp hơn hẳn so với 62% GDP thế giới năm 1975 và chỉ chiếm 10% dân số.
Trước sự trỗi dậy của khối G20, được thành lập năm 1999, câu lạc bộ thu hẹp G7 dần mất ảnh hưởng. Khối G20 hiện chiếm đến 85% GDP thế giới (nhưng không gồm một số quốc gia trong số 20 nước giầu nhất thế giới, như Thụy Sĩ hoặc Iran). Chỉ riêng ba nền kinh tế Trung Quốc - thứ hai thế giới, Ấn Độ - nước đứng thứ 7 và Brazil, quốc gia xếp thứ 9, đã chiếm 21% tài sản toàn cầu.
“G20 chính đáng hơn” so với G7
Trả lời nhà báo Julien Chabrout của tuần báo L’Express, giáo sư Christian Lequesne, thuộc trường Khoa học Chính trị (Sciences Po), cho rằng về mặt quan hệ quốc tế, từ giờ G20 “là một cơ cấu chính đáng hơn” và phù hợp hơn so với G7. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn.
Lần họp thứ 45 của khối G7 diễn ra tại Pháp. Cuộc họp của giữa lãnh đạo các cường quốc lần nầy liệu có tác động đến kế hoạch ngoại giao không ?
Christian Lequesne : Việc giới lãnh đạo các cường quốc truyền thống thế giới ngồi lại với nhau để bàn thảo về tình hình quốc tế và đưa ra các tuyên bố dĩ nhiên là luôn mang lại hệ quả. Ví dụ trong quá khứ đã có những tác động đến vấn đề tiền tệ quốc tế. Hoặc những quyết định trừng phạt Nga vì sáp nhập bán đảo Crimée và tổng thống Vladimir Putin bị mời rời khỏi khối G8 và sau đó chỉ tổ chức họp G7.
Nhưng điều quan trọng nhất, đó là các phát biểu, tuyên bố của các nhà lãnh đạo. Tác động thường có hiệu lực trong thời gian ngắn. Ngoại giao ở thượng đỉnh G7 thường là ngoại giao bình luận về vấn đề tức thời. Tôi không đánh giá cao hẳn những hiệu ứng cấu trúc trong dài hạn của các cuộc họp G7, kể cả của G20. Trong kiểu thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo hiếm khi đưa ra những giải pháp về lâu dài, cũng như về vấn đề môi trường.
Cần phải nhắc lại là đằng sau G7 không có bất kỳ cấu trúc hành chính nào, cũng như không có ngân sách để thực hiện những đề xuất của các nhà lãnh đạo. Đây là một điểm khác giữa nhóm G7 và các định chế ngoại giao khác, như Hội Đồng Châu Âu chẳng hạn, khi họp thượng đỉnh.
G7 vừa có họp chính thức, vừa có các cuộc gặp bên lề. Trong kiểu sự kiện này, phải chăng điều thú vị nhất lại là những gì không được ghi trong lịch làm việc, ngôn ngữ cơ thể của các nhà lãnh đạo, trao đổi của các phái đoàn…?
Đúng vậy. Xung quanh G7 là cả một quá trình chuẩn bị của các chính phủ và đội ngũ cố vấn của các nhà lãnh đạo, mà người ta vẫn gọi là “sherpa” (cố vấn cho một chính trị gia), thường là các cố vấn ngoại giao.
Mục đích của họ là hình thành một mạng lưới để có thể giải quyết trực tiếp với nhau các xung đột lớn, nếu có. Các mối quan hệ mang tính cá nhân được hình thành, trên cơ sở đó để thúc đẩy đồng thuận.
Vào thời đầu G7, các nhà ngoại giao không thích kiểu ngoại giao thượng đỉnh vì họ cho rằng điều này tạo thuận lợi cho các mối quan hệ trực tiếp giữa các cố vấn của lãnh đạo Nhà nước, và hạ thấp vai trò của bộ Ngoại Giao, cũng như các đại sứ, được coi là những nhà trung gian truyền thống trong lĩnh vực ngoại giao. Tuy nhiên, vai trò của các “sherpa” giờ đây được chấp nhận. Các cuộc họp của họ thường diễn ra trước các cuộc gặp chính thức của các nhà lãnh đạo. Và sau thượng đỉnh, họ tiếp tục họp lại với nhau .
Khối G7 còn có tầm quan trọng nữa không, hay trở nên lỗi thời so với G20 ?
Theo tôi, đúng là G7 phần nào đó đại diện cho thế giới ngày trước hơn. Chắc chắn là thế giới của ngày hôm qua không mất hết sức mạnh, nhưng ngày nay, nếu muốn tiến xa trong các vấn đề lớn của thế giới, như môi trường hoặc an ninh, khó mà làm được nếu không có Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhiều dấu ấn khác của thế giới cũ vẫn tồn tại trong hệ thống quốc tế. Ví dụ trường hợp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cho dù Trung Quốc và Nga là thành viên thường trực, nhưng lại không có Ấn Độ và Brazil.
Đến một lúc nào đó, một câu hỏi sẽ được đưa ra là liệu nên có cả cùng lúc G7 và G20 hay không ? Chắc chắn G20 là hình thức hợp lý hơn nhiều, nếu tính đến tính đại điện của hệ thống quốc tế.
Một số ý kiến cho rằng G7 vẫn còn có ích cho ổn định tập thể đối thoại giữa các nền dân chủ tự do…
Tôi không chắc rằng lập luận này còn thực sự hữu ích. Ngoài ra, các nền dân chủ tự do cũng đang mất hiệu quả khi mà họ cũng bầu ra các nhà lãnh đạo dân túy. Tổng thống Donald Trump là một người phản tự do. Liên minh giữa đảng Liên Đoàn và Phong Trào Năm Sao ở Ý vừa bị đổ vỡ, cũng không thể hiện hẳn khuynh hướng tự do chính trị.
Thế giới xưa mà G7 là đại diện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính hiện đại và, với sự hỗ trợ của người dân, đang đẩy họ theo khuynh hướng chống tự do. Những người dân này muốn có các nhà lãnh đạo, nếu không phải là độc tài, thì ít nhất cũng phải mạnh bạo. Nhóm G7 ngày càng biến thành câu lạc bộ “những quái vật lớn” theo cách nói dân dã ở miền tây nước Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét