(Hình minh họa:
Wikipedia.org)
Năm 1999, trong thời gian Bolsa xảy ra vụ Trần Trường, tôi
đang có mặt tại đây. Sau 52 ngày đêm sôi sục đấu tranh, có thể nói, không một
người Việt tị nạn nào không chia sẻ tình cảm của mình trong biến cố chung này,
tiêu biểu cho tinh thần chống Cộng không chấp nhận một hình ảnh hay một hoạt động
nào của Cộng Sản trên đất tự do này. Thời gian ấy, Orange County chưa có đài
truyền hình Việt Nam, trong khi đài truyền hình địa phương của Mỹ thì chưa vào
cuộc, nên người Việt tại đây chỉ còn theo dõi biến chuyển này qua hai đài phát
thanh, mà quyết liệt năng nổ nhất là đài Radio Bolsa của Minh Phượng và Việt
Dzũng, gần như làm phóng sự ngay tại chỗ suốt 24 tiếng đồng hồ.
Qua đài phát thanh, tiếng la hét, tiếng đồng ca, tiếng hoan
hô đả đảo vang dội từ khu phố Bolsa dội về mỗi gia đình, đôi khi tưởng chừng
như bóp nghẹt con tim của mọi người.
Căng thẳng nhất là đêm 22 Tháng Hai, 1999, đêm cao điểm của
trận chiến quyết tiêu diệt hình ảnh Hồ Chí Minh và là cờ máu, số người tham dự
tràn ra các ngõ đường tại góc đường Bolsa và Bushard đến mức kỷ lục. Cảnh sát Mỹ,
với ngựa, chó săn, dàn trận đối diện với hàng nghìn người biểu tình, đề phòng một
cuộc bạo loạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thử tưởng tượng vào lúc ấy, mà chuyện đã xẩy ra có thực,
trong không khí sôi sục của cả một cộng đồng người Việt đang ở giữ cơn sốt đấu
tranh, trên một đài phát thanh, cô xướng ngôn viên chuyển mục, không biết vô
tình hay hữu ý, bắt đầu giới thiệu một bài hát kiểu: “Tôi đưa em sang sông…”
hay “Chuyện tình hoa sim…” Thật tình trong lúc ấy, nếu không ghìm được sự bực tức,
tôi đã đập vỡ cái máy thu thanh xuống sàn nhà, hay liệng nó ra cửa sổ.
Mười tám năm sau, ngày hôm nay, thỉnh thoảng tôi vẫn mang
cái cảm giác bực tức ấy trở lại.
Trong muôn vàn bản tin thời sự gửi đi từ Việt Nam, gây đau
xót, căm phẫn cho người đọc, người nghe, trên Internet, tôi vẫn nhận được những
câu chuyện lạc loài, tưởng như không hề dính líu đến tình cảm của một người Việt
Nam, một bản nhạc, một bài thơ tình đi lạc vào chiếc máy điện toán của tôi. Tôi
cảm thấy một niềm xót xa. Thật sự bây giờ tôi không đang còn ở Việt Nam, nhưng
tôi biết tôi là một người Việt Nam, nếu không tôi đã không chịu đựng nỗi ray rứt,
phiền muộn như thế này, thì ra Việt Nam vẫn còn đang luôn ở trong tôi. Thỉnh
thoảng ở trong một quán cà-phê tôi vẫn vô tình nghe được những câu chuyện từ
chiếc bàn bên cạnh, về những chuyến du lịch, những thú ăn chơi trên những địa
danh ở Việt Nam được kể lại.
Nói như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ: “Có còn gì không, không lẽ
bây giờ chúng ta chỉ nói chuyện vợ đẹp, con ngoan và những chuyện lạc thú ăn
chơi ở trên đời này!”
Nếu chúng ta sống vô tình, như người đang đứng ngoài lề cuộc
đời, không thấy đau, thấy giận, thấy buồn về những chuyện đất nước, chúng ta
không mang mặc cảm là những người vô tình và có tội với quê hương, nói rõ là những
con người họ hàng, đồng bào của chúng ta, hay sao?
Trên Facebook, một người tên Thanh Tôn từ Canada đã kêu gọi
mọi người nên vào Facebook để tranh đấu cho chính nghĩa của chúng ta, vì hiện
nay Facebook là phương tiện phổ biến nhanh chóng và rộng rãi nhất:
“Như hàng triệu người Việt Nam khác, thấy rằng không thể nào
sống chung được với loại người mê muội, điên loạn; tàn ác thờ Tàu và bất tài vô
đức; đã phá nát cái đất nước Việt Nam về mọi mặt, hủy hoại đạo đức, môi trường…
và không muốn chết chùm với chúng nên bạn tìm cách thoát ra, và may mắn đã
thoát ra được.
Thoát ra được rồi và bây giờ bạn đã có cuộc sống mới, sung
túc hạnh phúc, nhưng bạn không còn quan tâm gì đến chuyện Việt Nam, muốn quên hết
chuyện đất nước, và bạn đã quên Việt Nam được rồi; bạn nghĩ chuyện bây giờ là
chuyện của người trong nước; đã không còn là chuyện của bạn; đó cũng là quyền của
bạn.
Thế nhưng mà một khi đã tạm ổn về công ăn việc làm, vì ở đâu
cũng phải làm mới có ăn, khi đã tạm an cư lạc nghiệp và bạn vẫn nhớ mình là người
Việt Nam, vẫn mong đất nước không lọt vào tay Tàu, muốn đồng bào mình sớm có độc
lập, tự do, hạnh phúc… thật sự thì như nhiều người Việt Nam tha phương khác, bạn
sẽ không thể không vào mạng Facebook để theo dõi, tìm hiểu tình hình Việt Nam.
Và rồi trước những băn khoăn về những tội ác của bọn Tàu và
bọn Cộng Sản tay sai trên quê mẹ, bạn sẽ bị thôi thúc muốn có những đóng góp
thiết thực nào đó cho quê mẹ, mà trở thành người viết Facebook tố cáo tội ác của
chúng, hình như đã trở thành cách nhanh nhất và dễ nhất hiện nay.
Facebook và báo chí đang tiến dần đến tuy hai mà một, và mỗi
trang Facebook cũng là một tờ báo, một đài truyền hình có thể phát tin, hình trực
tiếp, mỗi người viết Facebook đều có thể là một nhà văn nhà báo tự do, một nhà
cổ xúy, tổ chức sự kiện và cũng là một tổng biên tập báo đài tự do thực sự!”
Ở hải ngoại này, tin một phụ nữ bị giật sợi dây chuyền trong
tiệm ăn hay Minh Béo bị cảnh sát còng tay cũng gây xôn xao dư luận để thiên hạ
gặp gỡ nhau, bàn tán. Còn chuyện Việt Nam chúng ta coi như chuyện ở vùng Giang
Nam bên Trung Quốc, hình như không có liên hệ gì đến chúng ta cả!
Cá chết đầy sông đầy biển hay một người bị cắt cổ chết trong
đồn công an cũng là chết. Con số 5,000 người từ các giáo xứ tỉnh Nghệ An đồng
loạt xuống đường phản đối Formosa, 2,000 người dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu,
bao gồm phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, được chính quyền đưa ra để đấu
tố Linh Mục Đặng Hữu Nam, bên cạnh bản tin hàng nghìn người tham dự lễ Phật Đản
ở Sài Gòn có Thiếu Tướng Trần Quốc Liêm, phó tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh,
Bộ Công An, tham dự cũng là những con số. Cái tên công an đứng trên xe buýt đạp
lên mặt người biểu tình và tên công an ở phi trường Tân Sơn Nhất đang cười “cầu
tài” với bạn khi bạn chìa cái “passport” màu xanh ra, hình như cũng là công an.
Người ta trách chuyện người qua đường lạnh lùng với một người
đang bị tai nạn không người cứu giúp, lạnh lùng với người vô gia cư đứng ở đầu
đường nơi đèn xanh đèn đỏ, nhưng chúng ta không thấy rất nhiều người lạnh lùng
với những chuyện gì đang xẩy ra trên quê hương mình.
Và cả trong nước, chính quyền hiện nay rõ ràng là đang “ngậm
miệng” để ăn tiền, “nhắm mắt” để khỏi thấy cái khổ của dân, “bịt tai” để khỏi
nghe lời dân ta thán!
Sách vở hàm ý sâu xa chuyện ba con khỉ thông thái Mizaru,
Iwazaru và Kikazaru cho rằng bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm
mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói, chẳng qua đó là thái độ ngụy biện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét