Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Cục Nghệ thuật Biểu diễn hành xử bất nhất

Hòa Ái-RFA
 


                                 Ảnh: Nhạc sĩ Văn Cao


Hành xử “bất nhất”

Cục Nghệ thuật Biểu diễn Việt Nam vừa qua ra quyết định cấm một số bài hát; sau đó lãnh đạo của Cục phải có biện pháp sửa chữa sai lầm.
 
Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, ông Nguyễn Thái Bình, vào ngày 22/05/2017, cho biết Cục Nghệ thuật Biểu diễn thực hiện theo chỉ đạo của Bộ đăng tải cập nhật các ca khúc được phổ biến rộng rãi từ rất lâu để khẳng định những bài hát được phép sử dụng. Ông Nguyễn Thái Bình còn nhấn mạnh đây là lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận tiện và dễ dàng cho việc sử dụng khi cần thiết.

Mặc dù đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch viện dẫn như vừa nêu về việc cập nhật hơn 300 bài hát cách mạng, còn được gọi là nhạc đỏ trên website của cơ quan này vào hôm 19/05/2017, nhưng giới văn nghệ sĩ lẫn những người yêu âm nhạc tại Việt Nam vẫn không đồng tình. Họ nêu ra lập luận kho tàng văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc của Việt Nam vô cùng phong phú. Câu hỏi họ đặt ra đến bao giờ Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới cập nhật xong danh sách những ca khúc nào được phép và các nhạc phẩm nào bị cấm đoán? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng cũng nói với báo giới trong nước rằng dù dưới bất kỳ gốc độ nào thì việc cập nhật hơn 300 bài hát của Cục Biểu diễn Nghê thuật là “việc khó lý giải, khó chấp nhận”.

Kể từ thời điểm Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 hồi trung tuần tháng Ba và không lâu sau đó, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn lên tiếng nhận trách nhiệm chính về quyết quyết định này khiến cho dư luận hoang mang không biết bài hát nào của những thể loại nhạc gì, khi nào được hát, khi nào không. Và qua việc cập nhật danh sách 300 ca khúc nhạc đỏ mà đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều thập niên qua càng làm cho nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao hàng trăm bài hát trong danh sách vừa được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cập nhật đến bây giờ mới được cấp phép? Họ càng không hiểu khi bài Tiến quân ca do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, nay là Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phải cho phép thì dân chúng mới được hát? Một người dân cư ngụ ở Sài Gòn lên tiếng về sự bức xúc của mình:

“Mấy tháng trước đây và cũng gần đây nhất có lệnh là Cục Biểu diễn cấp phép thì mới được hát, không có phép thì không được hát. Cụ thể đợt trước đây cấm 5 bài hát không được hát. Mặc dù 5 bài hát này được hát rất nhiều. Cấm xong thì chưa đầy một tháng nói ‘xin lỗi’. Làm như vậy tôi không hiểu được, khiến cho tôi đánh giá rằng người ra chỉ định đó không được bình thường và hình như họ không có trình độ về âm nhạc, về cả kiến thức, nói chung là ‘cờ trong tay’ mà phất tầm bậy. Mới đây nhất là bài Quốc ca. Quốc ca mà phải cấp mới được hát, không cấp thì không được hát. Vậy gọi là Quốc ca để làm gì? Tôi thấy quá nhảm nhí.”

Xin lỗi là xong?

Trước những thắc mắc của dư luận, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương, vào sáng ngày 23/05/2017, chính thức xin lỗi và nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết cơ quan này không cấp phép cho các ca khúc đã được phổ biến, mà những ca khúc đó có nội dung tốt, không trái thuần phong mỹ tục và đi ngược lại chủ trương chính sách nhà nước.

Vào tối ngày 23/05/2017, Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) kiêm phó chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội, cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin liên quan mới nhất từ Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch:

“Chính ngày hôm nay Bộ Văn hóa đã ra một văn bản, trong đó có sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng là đã quy định lại và xóa bỏ tất cả những vấn đề mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn làm trong mấy ngày vừa rồi và cả mấy tháng trước nữa. Bây giờ chỉ yêu cầu tất cả những tác phẩm đã diễn rồi thì đương nhiên không cần phải có việc công bố được phép lưu hành nữa mà tất cả các tác phẩm ấy đương nhiên được lưu hành, trừ những trường hợp mà văn bản của Bộ Văn hóa đưa ra chỉ hai điều: trái với lợi ích quốc gia, xâm hại đến thuần phong mỹ tục. Ngoại trừ hai điều đó thì đương nhiên các bài hát được phép lưu hành.”

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhắc rõ theo quy định của pháp luật hiện hành thì các tổ chức và cá nhân sử dụng tác phẩm của những tác giả và chủ sở hữu quyền tác phẩm trong môi trường kinh doanh phải xin phép tác giả vì chỉ tác giả và chủ sở hữu quyền tác phẩm mới có quyền cho phép sử dụng về mặt phổ quát cơ bản. Còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ có vai trò làm nhiệm vụ kiểm duyệt trong trường hợp tác phẩm vi phạm hai điều quy định được nêu trong văn bản vừa ban hành của Bộ Văn hóa-Thông tin & Du lịch.

Trả lời câu hỏi của RFA xoay quanh lời xin lỗi của Cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ thuật, một số thính giả ở Việt Nam, là những người yêu âm nhạc, bày tỏ việc làm của Cục Biểu diễn Nghệ thuật trong những tháng qua làm mất thể diện của một quốc gia có lịch sử bốn ngàn năm văn hiến vì trong thời đại internet, thông tin được tiếp cận một cách nhanh chóng và dễ dàng:

“Người ta sẽ đánh giá như thế nào một người cầm cân nẩy mực, đâu phải con nít mà làm lệnh đưa ra cho cả nước Việt Nam tuân theo, rồi tự nhiên bây giờ xin lỗi”.

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận cư dân mạng tại Việt Nam cho rằng ông Cục trưởng của Cục Biểu diễn Nghệ thuật nên từ chức vì một cơ quan nhà nước không phải là nơi để những người lãnh đạo đem người dân ra thử nghiệm với các quyết định “hôm nay vầy, ngày mai khác”, mà hơn hết lại là những quyết định liên quan đến kho tàng văn hóa của Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét