Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Dư âm Hội nghị Trung ương 5


Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng chào hỏi các quan chức đã nghỉ hưu trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội ngày 22 tháng 5 năm 2017.AFP photo


Hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam lần 5 đã kết thúc khá lâu, nhưng dư âm của nó vẫn còn được nhiều blogger nhắc đến vì hội nghị này có liên quan đến nhiều vấn đề lớn, là chống tham nhũng, đẩy mạnh kinh tế tư nhân, và đặc biệt là chuyện kỷ luật một Ủy viên Bộ chính trị là ông Đinh La Thăng, vì đã có nhiều sai phạm khi làm chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty dầu khí Việt Nam.

Đứng trước những vấn đề có liên quan rất nhiều với nhau như vậy, người ta đặt ra một câu hỏi lớn là liệu việc kỷ luật ông Đinh La Thăng là kết quả của một sự tranh giành phe phái trong đảng, hay chính là kết quả thật sự của cuộc đấu tranh chống tham nhũng của đảng?

Hai phe phái được người ta cho là của hai ông, Nguyễn Phú Trọng đương kim Tổng bí thư, và Nguyến Tấn Dũng, cựu thủ tướng.

Đấu tranh nội bộ hay chống tham nhũng?

Viết về sự đấu tranh quyền lực giữa các nhóm khác nhau, trang blog Ngày Đêm của Nguyễn Quốc Minh có dẫn lại bài viết của Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia phân tích chính sách của Bộ kế hoạch và đầu tư, bàn về việc làm cách nào để kiểm soát sự tha hóa quyền lực tại Việt Nam. Trong bài này tác giả có đề cập đến việc sử dụng mạng thông tin xã hội, lẫn mạng thông tin truyền thống như báo chí của nhà nước, phục vụ cho cuộc đấu tranh quyền lực giữa các phe nhóm:

Một công cụ 'kiểm soát tha hóa quyền lực' ở Việt Nam trong thời gian gần đây là sự 'vào cuộc' của mạng xã hội và báo chí. Mặc dù tính mở của mạng bị hạn chế và chưa có báo chí tư nhân, nhưng, dường như, các nhà cầm quyền đã 'tìm cách' lợi dụng 'ưu thế' cho mục đích củng cố lợi ích chế độ trong những thời điểm cần thiết.

Thời điểm cần thiết mà Tiến sĩ Thọ  đề cập chính là những khoảng thời gian trước khi có những sự kiện chính trị như đại hội đảng toàn quốc, hội nghị trung ương đảng diễn ra. Người ta vẫn nhớ các thông tin về đời tư các quan chức được tung ra trên các trang mạng Quan Làm Báo, hay Chân Dung Quyền Lực trước đây, mà ở đó người ta không thể nào kiểm tra được sự tin cậy của các nguồn tin.

Ngay sau khi ông Thăng bị kỷ luật, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại tuyên bố là kỷ luật đó là chỉ về mặt đảng. Điều đó làm nhiều người đưa ra giả thuyết là cuộc thanh trừng còn tiếp tục. Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đưa ra năm bước đi của một qui trình kỷ luật, mà nếu ông Thăng không có thế lực và không có may mắn sẽ phải trải qua, đó là tố tụng hình sự, cách chức ủy viên trung ương, tước bỏ tư cách đại biểu quốc hội, khai trừ đảng, và đi tù.

Cuộc thanh trừng ấy, theo tác giả Khánh Mi, viết trên trang Việt Nam Thời báo, có thể đang được chuẩn bị để tấn công trực tiếp cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì những cuộc thanh trừng thường bắt đầu bằng một chiến dịch trên báo chí. Đó là một bài báo xuất hiện trên báo Thanh Tra về những sai phạm đất đai tại đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang nơi con trai Thủ tướng Dũng đang làm Bí thư tỉnh ủy, và vụ việc liên quan trực tiếp đến một người là ông Trần Minh Chí, em vợ Thủ tướng Dũng.

Bài báo trên báo Thanh Tra đăng ngày 16 tháng 5 và bị rút xuống ngay sau đó. Không ai rõ điều gì đã xảy ra.

Câu hỏi chống tham nhũng hay đấu tranh phe phái không chỉ đặt ra trên các trang blog tiếng Việt mà còn được thấy trên các trang báo mạng tiếng nước ngoài nữa. Theo Giáo sư Trần Hữu Dũng, chủ của trang mạng Viet-Studies, thì đa số các nhà quan sát từ nước ngoài nhìn vào chính sự Việt Nam, nghiêng về cuộc đấu tranh phe phái hơn là chống tham nhũng. Giáo sư Dũng nói cái nhìn đó khá là phiến diện, giống như nhìn một căn phòng qua lỗ khóa, vì các tác giả đó không biết sâu sắc về Việt Nam.

Một người Việt Nam sống ở nước ngoài là ông Bùi Quang Vơm lại có cái nhìn khác về sự kiện Đinh La Thăng.

Trong bài viết Liệu có một âm mưu trong vụ Đinh La Thăng hay không, ông phân tích rằng chuyện đấu tranh nội bộ, cũng giống như bất cứ đảng phái chính trị nào khác, là có thật, nhưng chuyện chống tham nhũng cũng là có thật. Ông viết là Nếu đây là cuộc thanh trừng phe nhóm ông Dũng, thì cuộc thanh trừng này trùng hợp với việc thanh trừng các phần tử tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo đảng.

Ông viết tiếp là vẫn còn rất nhiều nhân vật thời ông Dũng vẫn còn nằm trong guồng máy quyền lực vậy cho nên, nếu có một âm mưu thì đó là âm mưu thay máu hoàn toàn cho đảng cộng sản. Điều này ông dựa trên ý nghĩa của một sự kiện sắp xảy ra là Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm nay. Hội nghị này có mục đích là để sắp xếp lại tổ chức nhân sự của đảng.

Ông Bùi Quang Vơm kết luận với một hy vọng rất lớn.

Với những gì đang đến, chỉ cần dấn thêm một bước, có thể biến đảng cộng sản thành một đảng chính trị tiến bộ, thượng tôn dân chủ đích thực, khởi đầu bằng cách trả quyền lập pháp tối cao cho Quốc hội xây dựng và phê chuẩn một Hiến pháp mới, đảm bảo cơ chế luân phiên cầm quyền hoà bình và cạnh tranh đa nguyên. Dân tộc Viêt Nam vĩnh viễn thoát khỏi ách cai trị độc đảng.

Nhưng có lẽ tác giả cho rằng hy vọng của mình khó có thể thành sự thật vì ông viết tiếp rằng trong hoàn cảnh hiện nay, người có thể làm được việc thay máu đó, duy nhất chỉ có ông Trọng. Nhưng ông Trọng lại là người duy nhất không nhìn thấy điều đó. Bởi vì vậy, lịch sử không chọn ông mà quyết định đào thải ông. Con người lạc hậu như ông không thể đi tiếp và đồng hành với dân tộc.

Nhưng dù là đấu tranh chống tham nhũng, hay đấu tranh phe phái, nhiều tác giả và blogger nhận xét rằng diễn biến bên ngoài, trên khía cạnh pháp luật là rất không bình thường, mà tác giả Nguyễn Trọng Bình gọi là một sự trần trụi chỉ có ở chính trường Việt Nam.

Nguyễn Trọng Bình viết:

Phải nói vụ xử lý này là một điển hình cho “độ quái” của “Đảng ta” trong việc “xoa dịu” đám đông dân chúng liên quan đến vấn đề xử lý cán bộ cấp cao lâu nay. Làm thất thoát hàng ngàn tỉ, “sai phạm rất nghiêm trọng” nhưng vẫn được xem là “có tài” và có “đóng góp”; không đủ tư cách làm Bí thư một thành phố lớn thì điều sang làm Phó ban kinh tế Trung ương… Những kết luận cùng những phát ngôn mâu thuẫn nhau chan chát và nhất là chẳng khác gì một vở tuồng trên sân khấu thế nhưng một bộ phận đám đông dân chúng vẫn hoan hô và nhiệt thành ủng hộ. Nhất là khi nghe ông Tổng Bí thư mang “truyền thống” về “lòng nhân ái”, “đánh kẻ chạy đi không ai người chạy lại” của dân tộc ra mặc cả, phân bua nhiều người càng thêm phấn chấn hơn. Điển hình như phát biểu của một lão thành cách mạng: “Tổng bí thư đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân”.

Cây bút Thảo Vy thì viết trên trang blog Bauxite Việt Nam rằng cách hành xử của đảng cầm quyền đang đặt ra một vấn đề rất lớn cho nền tư pháp của quốc gia. Thảo Vy đặt câu hỏi là tại sao một loạt các quan chức cao cấp của đảng bị xử tội vì sai phạm, nhưng chắc chắn sự bổ nhiệm họ phải được sự đồng ý của người có quyền cao nhất của đảng là ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng ông Trọng không bị ảnh hưởng gì cả?

Câu hỏi tiếp theo là người ta cách các chức vụ cũ của các bộ trưởng sai phạm đi, vậy trong các tập hồ sơ tội phạm đang còn phải giải quyết, những người bị cách chức đó có chịu trách nhiệm gì không?

Thảo Vy hỏi tiếp là ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường  bị cách chức vì ký giấy cho phép Formosa hoạt động, xả thải làm cá chết hàng loạt ở miền Trung hồi tháng 4 năm ngoái, thế nhưng tại sao ông Trọng lại tiếp tục cho phép Formosa hoạt động?

Tác giả kết luận:

Với hàng loạt câu hỏi đặt ra như trên, cay đắng ở chỗ câu trả lời sẽ là “ông Tổng Bí thư không sai”. Và “ông Tổng Bí thư không thể sai”, bởi hoạt động tư pháp Việt Nam vẫn còn mang đặc điểm của thời kỳ chiến tranh, bao cấp; chú trọng bảo vệ chế độ, chưa nghiêng hẳn về bảo vệ công lý.

Cải cách thể chế để phát triển

Mặc dù vụ kỷ luật ông Đinh La Thăng gây ồn ào nhất trong thời gian diễn ra và sau khi kết thúc Hội nghị trung ương 5, nhưng nghị quyết của hội nghị này lại liên quan phần lớn đến vấn đề kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Trong mục Diễn Đàn của tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn, người ta thấy bài bình luận về phát triển kinh tế tư nhân. Bài bình luận kết thúc bằng câu: chấm dứt chủ nghĩa thân hữu mới mong tư nhân mạnh lên.

Nhưng làm thế nào để chấm dứt chủ nghĩa thân hữu thì không thấy bài báo có câu trả lời.

Phạm Quý Thọ, trên trang Ngày Đêm của Nguyễn Quốc Minh, viết rằng:

Đảng Cộng sản thật khó kiểm soát tha hóa quyền lực, khi những sai phạm trở thành 'lỗi hệ thống'.

Đằng sau các vụ đại án, dư luận cho rằng, luôn có các thế lực chính trị, các lãnh đạo cao cấp, được gọi là lợi ích nhóm, nuôi dưỡng sự tha hóa quyền lực. Đây chính là sự thách thức lớn nhất đối với kiểm soát quyền lực của chế độ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thốt lên chống tham nhũng là 'ta đánh ta', và ông muốn 'đánh chuột, nhưng không làm vỡ bình'.

Với sự thay đổi cách nhìn nhận, chuyển sang coi trọng bộ phận kinh tế tư nhân, coi trọng nền kinh tế thị trường, ông Phạm Quí Thọ nói rằng

Những nhà phân tích chính trị cho rằng thời gian tới 'sự đấu tranh nội bộ đảng' sẽ căng thẳng, bởi vì các nguyên tắc, chuẩn mực và giá trị của kinh tế thị trường đang thách thức quyền lực tuyệt đối và các chuẩn mực đạo đức truyền thống.

Sau khi đọc bài của Tiến sĩ Phạm Quí Thọ, ông Nguyễn Quốc Minh, chủ của trang blog Ngày Đêm trả lời rằng chỉ có một Quốc hội đa đảng, chỉ có cấu trúc tam quyền phân lập mới giúp dân chúng nắm được quyền lực, kiểm soát và trừng trị bọn tham nhũng mà thôi.

Cũng trên khía cạnh kinh tế, blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết rằng với cái quan niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì đất đai thuộc về đảng chứ không phải của dân, và công nhân thì bị triệt tiêu quyền đấu tranh với chủ nhân vì không được phép thành lập nghiệp đoàn tự do.

Ông Chênh kết luận rằng đó là lý do mà hơn 30, Việt Nam trở thành một quốc gia không chịu phát triển.

Nhưng ông Nguyễn Trọng Bình trong bài Điển hình Đinh La Thăng, lại kết luận rằng dẫu cho trách nhiệm lớn đối với sự trì trệ của đất nước là thuộc về chính quyền, nhưng nguyên nhân cốt tử là thuộc dân chúng Việt Nam, nguyên văn theo lời của ông là ngây thơ, ngờ nghệch, và đôi khi hồ đồ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét