Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

"Hai nước Iran"




Le Monde và La Croix ngày 23/05/2017, có bài tổng kết về chuyến đi Ả Rập Xê Út của tổng thống Mỹ. Trước đông đảo đại diện và lãnh đạo của khoảng 50 quốc gia Hồi Giáo, tổng thống Mỹ khẳng định cuộc chiến chống khủng bố là một cuộc chiến đấu khó khăn giữa cái « Thiện » và « Ác ».

Việc Donald Trump vạch ra một « trục tội ác mới », bao gồm Daech – Iran cho thấy Washington đang thay đổi chiến lược của mình tại Trung Đông, như nhận định của bài xã luận trên Le Monde. Nhưng với La Croix, khi chỉ định Iran là kẻ thù chính cho các đồng minh của Mỹ tại Trung Cận Đông, phớt lờ kết quả bầu cử tổng thống khách quan tại Iran, tổng thống Mỹ như đang cho thấy trên thế giới tồn tại « hai nước Iran ».

Một Iran khủng bố, cần phải được cô lập với thế giới. Bởi vì Teheran ủng hộ Hezbollah tại Liban và Hamas tại Palestine…Nước Iran này can thiệp vào các nước khác trong khu vực, như Syria, Irak và Yemen… Donald Trump đặt Iran ngang hàng với những tổ chức thánh chiến quốc tế như Al-Qaida hay Daech. Phê phán Iran, nhưng tránh chỉ trích Ả Rập Xê Út, Qatar hay Thổ Nhĩ Kỳ, vốn dĩ cũng làm điều tương tự… Nói tóm lại, tại Riyad, tổng thống Mỹ đã đơn giản hóa chính sách Trung Đông của ông như sau : Tất cả đều chống Iran và lợi ích của Mỹ sẽ được bảo vệ.

Nhưng tổng thống Mỹ cũng quên rằng còn có một quốc gia Iran khao khát được mở cửa với thế giới. Điều đó được thể hiện rõ nét qua việc ông Hassan Rohani, người có tư tưởng Hồi Giáo ôn hòa tái đắc cử tổng thống vẻ vang ngay trong vòng một bầu cử, trước đối thủ có lập trường đóng cửa là ông Ebrahim Raissi.

Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei, người đảm bảo sự sinh tồn của hệ thống chính trị thần quyền do giáo chủ Khomeyni xây dựng trong những năm 1980, dù không hề có chút tư tưởng dân chủ nào nay buộc phải nghĩ đến những khát vọng của người dân.

Do đó, La Croix cho rằng tại một vùng Trung Đông phức tạp, nơi mà những trào lưu cấp tiến đang củng cố lẫn nhau, nước Pháp của Emmanuel Macron nên có những chính sách khôn khéo. Paris có lẽ nên tăng cường các mối hợp tác trao đổi – văn hóa, kinh tế, du lịch… với Teheran, kể cả trong lĩnh vực y tế, giáo dục, truyền thông. Nói một cách rộng hơn, Pháp không nên ủng hộ một phe nào (Ả Rập và hệ phái Sunni) để chống lại phe nào (Iran và hệ phái Shia).

Trump mơ mang đến hòa bình cho Cận Đông

Báo chí Pháp tiếp tục theo dõi sát sao chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại chặng dừng thứ hai, sau Ả Rập Xê Út, Les Echos cho biết « Chính quyền Israel trải thảm đỏ đón Trump ». Một chuyến thăm « lịch sử » đối với thủ tướng Benyamin Netannyahu. Bởi vì, « trước đây chưa có một tổng thống Mỹ nào đã xếp Israel vào trong hành trình công du ngoại quốc đầu tiên », theo như lời thủ tướng Israel.

Về phần mình, Le Figaro thấy rằng « Donald Trump muốn thúc đẩy chính sách Cận Đông ». Sau Israel, tổng thống Mỹ cũng đến vùng lãnh thổ Palestine. Ông muốn đóng vai trò người kiến tạo hòa bình trong cuộc xung đột Israel – Palestine. Ngay khi đặt chân xuống phi trường quốc tế tại Tel Aviv, tổng thống Mỹ đã không quên nhấn mạnh đến một « cơ hội hiếm hoi cho an ninh, sự ổn định và hòa bình » trong khu vực.

Tuy nhiên cả hai nhật báo đều nhận thấy chính sách tìm kiếm hòa bình cho Cận Đông của Donald Trump vẫn chưa rõ ràng. Điều này khiến La Croix lo lắng đặt câu hỏi « Liệu Donald Trump có thể đạt được hòa bình ở Cận Đông hay không ? ».

Cải cách Luật Lao Động, Pháp « không được phép thoái lui »

Tại Pháp, một cuộc chiến « xã hội » mới đã được khởi động. Emmanuel Macron muốn đặt việc cải cách Luật Lao Động là một ưu tiên ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống.

Nước Pháp có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn các nước láng giềng, doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh, trong khi cánh cửa gia nhập thị trường lao động lại quá hạn hẹp đối với người thất nghiệp và những người nhập cư, do những quy định xã hội quá cứng nhắc. Tổng thống mãn nhiệm François Hollande, trong suốt nhiệm kỳ 5 năm đã không thực hiện được lời hứa đảo chiều đường cong thất nghiệp.

Trong khi đó, hôm 22/5, Ủy Ban Châu Âu công bố những khuyến cáo về chính sách kinh tế cho từng thành viên trong khối Liên Hiệp Châu Âu. Một trong những khuyến nghị đó cũng đã được gởi đến Pháp, đề nghị nước này phải tiếp tục theo đuổi cải cách thị trường lao động được tiến hành dưới thời bộ trưởng Lao Động tiền nhiệm El Khomri năm 2016.

Trong bối cảnh này, tân tổng thống Pháp muốn thúc đẩy nhanh hơn nữa những chương trình cải cách Luật Lao Động. Đây cũng là lý do hôm nay tổng thống Pháp tiếp lãnh đạo các tổ chức nghiệp đoàn người lao động và giới chủ để trình bày chương trình cải cách Luật Lao Động. Tuy nhiên, trên trang nhất, Le Figaro cảnh báo « Luật Lao Động : Macron khởi động một công trường với những rủi ro cao ».

La Croix, trong bài viết đề tựa « Emmanuel Macron tiến hành cải cách xã hội », nhắc lại trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Macron đã cho biết rõ ý định thay đổi ba điểm quan trọng bằng những « sắc lệnh » nếu cần thiết ngay từ mùa hè 2017. Đó là cách thức thương lượng trong doanh nghiệp, mức trần tiền bồi thường sa thải người lao động và qui định sáp nhập các định chế đại diện.

Vậy ông « Macron có phương pháp gì để tiến hành cải cách Luật Lao Động » là câu hỏi của La Croix trên trang nhất. Nhật báo Công Giáo trích nhận định của ông Guy Groux, nhà chính trị học, chuyên nghiên cứu về giới nghiệp đoàn, cho rằng giới nghiệp đoàn sẽ bị chao đảo. Khác với người tiền nhiệm, « Emmanuel Macron, sẽ áp đặt các ưu tiên và nhịp độ thương lượng ».

Bài xã luận của Le Figaro còn nhấn mạnh rằng trong cuộc chiến với các nghiệp đoàn, Emmanuel Macron « không có quyền thoái lui ». Tổng thống Pháp và chính phủ của ông sẽ là rất nhầm lẫn, nếu vẫn để cho những tổ chức nào luôn chống đối mọi thay đổi - những tổ chức không còn đại diện cho « người lao động » gây ấn tượng.

Tiếng nói của các nghiệp đoàn giờ không còn trọng lượng. Chưa tới 9% những người lao động trong khối tư nhân là tham gia nghiệp đoàn, trong khi mà cải cách này chẳng ảnh hưởng gì đến giới công chức. Do đó, theo Le Figaro, tổng thống Emmanuel Macron ngàn lần có lý khi cho thông qua chương trình cải cách Luật Lao Động.

Macron đắc cử, Nga thất vọng

Điện Elysée cho biết sẽ tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Grand Trianon, một di tích lịch sử vào ngày 29/05/2017. Thông báo đưa ra vào lúc điểm xuất phát của quan hệ Nga-Pháp dưới thời Emmanuel Macron rất thấp. Chưa bao giờ - cho đến lúc này, một chính trị gia Pháp lại bị truyền thông thân chính quyền Matxcơva hoặc các dân biểu Nga chỉ trích, bôi nhọ, lăng mạ đến như vậy. Để giải thích hiện tượng này, báo Le Monde có bài phân tích : « Macron làm cho nước Nga thất vọng ».

Sau khi nhắc lại những trò bôi nhọ, nói xấu, mạt sát của một số phương tiện truyền thông thân chính phủ Nga, báo Le Monde trích dẫn cựu bộ trưởng Pháp Jean Pierre Chevenement cho biết là hồi tháng Giêng 2016, ông có đi cùng Emmanuel Macron, lúc đó là bộ trưởng Kinh Tế, sang Nga thì không có gì báo hiệu trước phản ứng dữ dội của truyền thông và dân biểu Nga nhắm vào tân tổng thống Pháp.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng các phương tiện truyền thông và một số dân biểu đã đi quá trớn, vượt qua lằn ranh mà điện Kremlin đề ra ? Nhà báo Maxime Ioussine, thuộc nhật báo Nga Kommersant, chuyên gia về đối ngoại, cho rằng đúng như vậy, bởi vì « các nhà tuyên truyền chuyên nghiệp ở Matxcơva không mong đợi xẩy ra kịch bản Macron thắng cử. Do vậy, họ có phản ứng làm như cuộc bầu cử Pháp đe dọa những lợi ích sống còn của nước Nga… Trong số bốn ứng viên có thể vào chung cuộc, Macron là người duy nhất không đòi xem xét lại việc trừng phạt nhắm vào nước Nga ».

Theo Le Monde, ông Macron – một con người khó lường trước được thái độ, ít người biết đến và trẻ tuổi, vốn có quan điểm không thân thiện hữu hảo với Nga, ủng hộ mạnh mẽ phát triển Liên Hiệp Châu Âu. Đó là những lý do giải thích chiến dịch nói xấu Macron tại Nga.

Sau khi đặt cược bất thành vào François Fillon, ứng viên cánh hữu có quan điểm ủng hộ phát triển quan hệ với Nga, tổng thống Vladimir Putin đã rất mong muốn ứng viên cực hữu Marine Le Pen, thuộc đảng Mặt Trận Quốc Gia đắc cử. Do vậy, có thể nói, Macron đắc cử tổng thống Pháp làm cho Nga thất vọng đến mức coi đây là một thất bại.

Trung Quốc tuyên chiến với gián điệp Mỹ

Khoảng 20 gián điệp của CIA đã bị Trung Quốc thủ tiêu hay bị bỏ tù trong giai đoạn 2010-2012. Một tổn thất lớn cho mạng lưới gián điệp hoạt động hiệu quả nhất của Hoa Kỳ, nhưng với Trung Quốc đây là một thắng lợi lớn.

Thế nhưng theo quan điểm của thông tín viên báo Le Figaro tại Bắc Kinh, vụ việc phản ảnh rõ một cuộc đối đầu khốc liệt giữa hai cường quốc nhằm tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới. Cuộc chiến săn lùng gián điệp nước ngoài tại Trung Quốc đã được chính quyền triển khai rầm rộ từ tháng 4 khi thông báo treo thưởng đến 500.000 nhân dân tệ (68.000 euro) cho những ai tố cáo các hoạt động gián điệp. Trước đó một năm, Bắc Kinh còn vẽ truyện tranh trên các tường tòa nhà cảnh báo các nữ công chức trẻ cảnh giác trước những chiêu lừa tình để moi tin của những chàng gián điệp ngoại bang điển trai.

Le Figaro cũng ghi nhận bên cạnh những chiến dịch tuyên truyền, chính quyền Trung Quốc còn tăng cường giám sát chặt chẽ Internet và các mạng xã hội, khi nhắc đến mối đe dọa từ những « thế lực thù địch ». Một dự thảo luật về giám sát mạng sẽ được thông qua không những tăng cường cho các biện pháp đang được thực hiện mà còn sẽ cho phép sử dụng « các biện pháp công nghệ thông tin để nhận dạng ».

Nghĩa là, cảnh sát được quyền đánh cắp dữ liệu và nghe lén điện thoại. Mặt khác, « các tổ chức, cơ quan nước ngoài », có những « hoạt động được cho là tổn hại đến an ninh và lợi ích quốc gia cũng sẽ bị trừng phạt ». Vấn đề là theo Le Figaro, do khái niệm lợi ích quốc gia quá rộng, điều này có nguy cơ bị sử dụng để trấn áp những người đối lập chính trị.

Thương mại : Cuộc chiến liên minh tại châu Á

Đây là tựa bài nhận định của Les Echos, liên quan đến việc 11 nước còn lại đồng ý tiếp tục thương lượng để duy trì Hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, dù không có Mỹ.

Một mặt Les Echos nhận định việc Hoa Kỳ thoái lui đã mở rộng đường cho Trung Quốc cạnh tranh với mô hình thương mại của mình. Mười sáu bộ trưởng Thương Mại, bao gồm các quốc gia thành viên khối ASEAN, và cả Ấn Độ, Hàn Quốc hay Nhật Bản đã họp tại Hà Nội hôm thứ Hai 22/5 để thúc đẩy Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP, mà Hoa Kỳ không được mời tham gia.

Một thỏa thuận kinh tế có quy mô lớn. Vì theo nhận xét của ông Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế của tập đoàn tài chính Nhật Bản Nomura tại châu Á, thỏa thuận này sẽ liên quan đến hơn 3,5 tỷ người dân, và có mức Tổng Thu Nhập lên đến 23.800 tỷ đô la, với mức tăng trưởng đều đặn.

Mặt khác, nhật báo kinh tế cũng thấy rằng nhiều nước trong khu vực, đứng đầu là Nhật Bản e sợ trước đà lớn mạnh của Trung Quốc. Những nước này trong những ngày gần đây đang cố vận động hồi phục TPP mà không cần đến Washington. Hôm Chủ Nhật, 21/5, các nước còn lại trong Hiệp định đã đồng ý tập trung tìm phương cách thúc đẩy hiệp ước. Một phiên họp thảo luận mới sẽ diễn ra vào tháng 7 này tại Tokyo, nhằm thuyết phục những nước còn do dự tiếp tục tham gia dự án, đặc biệt là Malaysia và Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét