Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Những ‘điệp viên phi lợi nhuận’ của Nga

Nguồn: Robert Skidelsky, “Russia’s Nonprofit Spies”, Project Syndicate, 29/03/2017.

 


Không có gì chọc giận dư luận Phương Tây đối với nước Nga ngày nay bằng đạo luật về các cơ sở nước ngoài của nước này. Được ban hành hồi tháng 7 năm 2012, luật này yêu cầu tất cả các tổ chức phi thương mại (NCOs) tham gia vào những hoạt động chính trị (không được định nghĩa cụ thể) phải đăng ký với Bộ Tư pháp là “mang chức năng vận hành của một cơ sở nước ngoài” (foreign agent). Một biện pháp tiếp theo vào năm 2015, Luật Tổ chức Không mong muốn, yêu cầu bất kỳ NCO nào cũng phải tự công khai là “cơ sở nước ngoài”.

Cách gọi như vậy là khác thường và đáng chú ý. Suy cho cùng, những “chức năng của một cơ sở nước ngoài” theo cách hiểu chung sẽ là gì nếu không phải là để phục vụ lợi ích của một cường quốc nước ngoài?

Thật vậy, luật của Nga trên thực tế đã ngăn chặn các NCO không thuộc quyền kiểm soát của nhà nước thực hiện bất kỳ hoạt động nào ở nước Nga. Chắc chắn việc dán nhãn này khiến các NCO không thể nhận được các nguồn tài chính bên trong nước Nga, bởi nếu nhận họ có thể bị xoá sổ đăng ký. Theo đó, họ không chỉ như người nước ngoài: họ còn là những kẻ xâm nhập và phản bội.

Một số nhóm đã tự nguyện giải thể; một số khác bị đàn áp do không tuân thủ quy định; và số còn lại thì lưu vong. Những nạn nhân nổi bật có thể kể đến Trung tâm Nhân quyền Sakharov, Trung tâm Tưởng niệm Nhân quyền, và Trường Giáo dục Công dân Moskva. Đại học Châu Âu ở St. Petersburg, sau khi chống lại một nỗ lực nhằm gọi nó là “cơ sở nước ngoài”,  hiện phải đối mặt với việc bị đóng cửa vì những vi phạm chuyên môn không đáng kể – một thủ thuật được ưa chuộng của các cơ quan chính quyền.

Sự thù địch chống lại các nhóm độc lập có liên hệ với nước ngoài không mang lại lợi ích gì cho Nga và còn gây thiệt hại cho danh tiếng quốc tế của nước này. Có thể hiểu điều này ở ba cấp độ.

Thứ nhất, luật năm 2012 là một phản ứng trực tiếp của chính phủ chống lại các cuộc biểu tình lớn bắt đầu từ một năm trước ở Moskva, St. Petersburg và các thành phố khác của Nga để phản đối việc Putin tranh cử tổng thống lần thứ ba, việc ông đắc cử, cũng như lễ nhậm chức của ông. Trong bài diễn văn tranh cử duy nhất của mình vào tháng 23 tháng 2 năm 2012, Putin đã nhắc lại chiến thắng của nước Nga trước quân đội của Napoléon năm 1812, cảnh báo chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của đất nước. Đây là một sự hàm ý rõ ràng nhắm đến cuộc Cách mạng Cam năm 2004 của Ukraine, được cho là do CIA tổ chức và tài trợ nhằm lật đổ Viktor Yanukovych, ứng cử viên tổng thống được Moskva ưu ái. Luật năm 2015 được ban hành theo sau cuộc nổi dậy Maidan vào năm trước ở Kyiv, sự kiện đã phế truất thành công Yanukovych lần thứ hai.

Nỗi sợ hãi về sự tan rã của nước Nga, một di sản của đế chế, không bao giờ rời xa tư tưởng của các nhà cai trị nước này. Đó là rào cản chủ yếu đối với sự phát triển chính trị dân chủ.

Đó là một di sản vẫn còn gắn liền với thế giới mờ ám của “các tổ chức bình phong”: “những cơ sở nước ngoài”  thực sự, nhìn bên ngoài có vẻ độc lập và cống hiến vì những mục đích chính đáng nhưng lại được kiểm soát một cách bí mật từ nước ngoài. Người Nga biết rất rõ về chúng bởi chính Liên Xô thường thiết lập những tổ chức như vậy làm công cụ chính sách ngoại giao bí mật. “Bình phong” này thường bao gồm các học giả, nhân vật văn hóa, thể thao đáng kính, thường không có gì đáng ngờ; nhưng KGB đứng “đằng sau” kiểm soát tất cả. Quan điểm của các tổ chức này thường đồng tình hoặc chí ít là không chỉ trích quan điểm của Liên Xô.

CIA đáp trả theo cách tương tự. Đại hội Tự do Văn hóa (Congress for Cultural Freedom) được thành lập năm 1950 là một trong nhiều “bình phong” đã tài trợ cho nhiều tạp chí chính trị và văn học nổi tiếng như tờ Encounter ở Vương quốc Anh cũng như giúp đỡ cho nhiều học giả bất đồng chính kiến phía sau Bức màn Sắt (thuộc khối cộng sản – NBT).

Các tổ chức “bình phong” này có tác động bao nhiêu lên các sự kiện là điều khó biết được. Với những ai say mê thuyết âm mưu, chúng là một phần thiết yếu của lịch sử bí mật trong thời Chiến tranh Lạnh. Và những ấn phẩm cùng với phương tiện điện tử ngày nay tạo ra một phạm vi mới cho phương thức “bình phong” này. Nếu có trí tưởng tượng đủ sống động, người ta có thể nhìn thấy cánh tay nối dài của Putin trong việc bổ nhiệm George Osborne làm biên tập viên tờ  Evening Standard của London, tờ báo thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Alexander Lebedev.

Nhưng sự ngờ vực đối với người nước ngoài có nhiều nguồn gốc sâu xa hơn ở Nga. Bất kỳ ai phải chật vật để học tiếng Nga đều sẽ nhanh chóng thấy nản lòng với sự mù mờ khác thường của nó. Bộ gen văn hóa của người Nga (DNA) phát triển trong một môi trường nông thôn nơi mà tài sản và cuộc sống đều là của chung. (Chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, bất chấp những giá trị du nhập từ Phương Tây, vẫn được bắt nguồn từ ý tưởng truyền thống về tài sản chung của nước này). Các mối quan hệ được điều chỉnh không phải bởi những quy chuẩn luật pháp mà bằng những cách hiểu phi chính thức và sự phân biệt rõ ràng giữa người bên trong và bên ngoài tinh thần cộng đồng. Với truyền thống của một xã hội khép kín, theo như cách giải thích của nhà làm phim Andrei Konchalovsky hồi năm 2015, người Nga chỉ yêu hay ghét, họ không tôn trọng (luật pháp).

Sự Âu hóa được khởi đầu bởi Peter Đại đế (Pyotr I) vào thế kỷ 18 là một sự phát triển ép buộc –một sự chắp vá mà không phải là phát triển tự nhiên. Konchalovsky viết, nếu không có Peter sẽ không có Pushkin, Tchaikovsky, hay Tolstoy, mà chỉ có Pimen, Feofan Grek và Andrei Rublev. Nhưng điều đó không làm thay đổi trọng tâm nền tảng văn minh Nga, vẫn mang tính tập thể và ái-Slavơ (Slavophile) chứ không phải mang tính cá nhân và gần gũi với Phương Tây. Phương Tây đã truyền lại cho Nga những người bất đồng chính kiến và những quả tên lửa, chứ không phải là ý nghĩa của nó. Putin hiểu rất rõ điều này. Thỉnh thoảng trong các bài phát biểu của ông có lọt vào vài từ tiếng lóng của nhà tù, hay còn gọi là tyurma, một ví dụ điển hình của xã hội khép kín.

Việc bãi bỏ luật về các cơ sở nước ngoài là một mong đợi quá mức. Tuy nhiên, Putin có thể đưa ra một nhượng bộ không quá tốn kém là hạn chế những chủ thể được gọi là “các cơ sở nước ngoài” vào nhóm các NCOs nhận hơn 50% tài trợ từ các nguồn không phải của Nga. Điều này sẽ mở ra khả năng giúp các tổ chức này nhận tài trợ trong nước, cho phép chúng hoạt động ở Nga. Và Phương Tây có thể đưa ra một nhượng bộ tương tự – chẳng hạn như việc loại tên một số quan chức Nga ra khỏi danh sách những người bị cấm nhập cảnh đến Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Với việc hòa bình và thịnh vượng toàn cầu một phần phụ thuộc vào với mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây, liệu có quá mức khi đề nghị một bước đi nhỏ giúp loại bớt sự lo lắng quá mức như vậy không?

***

Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét