Đảng cộng sản “không sợ đối thoại”?
Ngày 18/5 vừa qua, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn
Thưởng đã tuyên bố rằng đảng cộng sản “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận”
đã gây chú ý trong người dân và nhất là tầng lớp trí thức. Khi ông Thưởng phải khẳng định “không sợ” tức là để phủ định
ý kiến trong dân chúng là đảng cộng sản rất sợ đối thoại. Thế thì tại sao lại
có dư luận như vậy, dù rằng đảng cộng sản đang cầm quyền, muốn bắt ai thì bắt?
Ngược lại lịch sử, ngay từ năm 1958, đảng Lao Động, tên trước
đây của đảng cộng sản, trong vụ án Nhân văn Giai phẩm, đã phải đàn áp các nhân
sỹ trí thức dám nêu các ý kiến phản biện lại đường lối của đảng. Ngay từ thời
điểm đó, giới lãnh đạo của đảng cộng sản đã biết rõ không thể biện minh được
cho các chính sách của đảng, nhất là chính sách độc quyền chính trị, nếu tất cả
được đem ra thảo luận công khai.
Việc ông Thưởng cho biết Ban bí thư đang thông qua vấn đề
trao đổi, đối thoại cho thấy trên đất nước Việt Nam này, đến giờ phút này, người
dân vẫn không thể trao đổi thẳng thắn với nhau và với đảng cầm quyền trên nền tảng
một nền báo chí tự do. Cũng có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn không có dân chủ, vì
như Hồ Chí Minh đã nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”.
Thật vậy, ở Việt Nam hoàn toàn không hề có báo chí tư nhân
trong khi thời thực dân Pháp vẫn có rất nhiều nhà xuất bản tư nhân được hoạt động.
Cuộc Cách mạng tháng Tám hóa ra lại đưa dân tộc vào thế bị kìm kẹp ghê gớm hơn
về mặt tự do ngôn luận, trong khi “tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự
do” (Voltaire).
Những người phản biện, góp ý ôn hòa cho giới lãnh đạo cộng sản
đều bị sách nhiễu, bức hại, tiêu biểu như tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức
đang chịu án tù 16 năm vì cái “tội” thành lập “Nhóm nghiên cứu Chấn” để góp ý
chính sách cho nhà cầm quyền.
Ngay cả những đảng viên cộng sản muốn góp ý cho giới lãnh đạo
cũng rất dễ bị chụp ngay cái mũ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” như nghị quyết của
Hội nghị Trung ương 4, khóa 12 đã cho thấy.
Do đó, tôi cho rằng các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam rất
sợ đối thoại một cách sòng phẳng và trung thực với người dân, với trí thức, thậm
chí cả với chính các đảng viên cộng sản.
Những điểm đồng thuận để thảo luận
Việc thảo luận nhằm chỉ ra cho đúng gốc rễ vấn nạn của đất
nước và đưa ra giải pháp cho quốc gia. Thật ra từ đảng cộng sản cho đến thành
phần đối lập cũng đều nhận thấy mục tiêu của quốc gia phải là “dân chủ, công bằng,
văn minh”, dù cách diễn đạt có khác nhau. Đó là điểm đồng thuận rất lớn. Khác
biệt nằm ở cách thức đi đến mục tiêu đó.
Thứ nhất, “dân chủ” nghĩa là dân làm chủ, dân là chủ qua nhà
nước cộng hòa chính danh. Thế thì dân đã được bầu lãnh đạo quốc gia chưa hay một
đảng tự tiếm quyền dân và tự cho mình được độc quyền lãnh đạo qua một bản Hiến
pháp do đảng đó tự thông qua? Đại biểu quốc hội do dân bầu ra hay do “cơ cấu”,
“quy hoạch” của một đảng?
Thứ hai, tạo dựng một xã hội “công bằng” phải thông qua pháp
luật chuẩn mực, áp dụng bình đẳng như nhau cho tất cả mọi người, bắt đầu từ bản
Hiến pháp chuẩn mực được toàn dân phúc quyết. Bản Hiến pháp hiện tại chỉ ưu
tiên cho một nhóm người trong xã hội là đảng cộng sản được độc quyền cai trị mà
không cần do dân bầu, bắt lực lượng vũ trang là con em nhân dân phải trung
thành với một đảng. Vậy có “công bằng” không?
Thứ ba, “văn minh” trong chính trị chính là tinh thần “đa
nguyên hợp tác, đoàn kết quốc gia, thượng tôn pháp luật”. Đa nguyên chống đối
hay chống phá không phải là văn minh. Chia rẽ quốc gia, dán nhãn người Việt với
nhau là “thế lực thù địch” cũng không phải là văn minh. Độc quyền nhà nước đứng
trên Hiến pháp và pháp luật càng không phải là văn minh.
Người Việt là đồng bào nên cần hợp tác với nhau, thảo luận với
nhau để cùng nhau xây dựng đất nước chứ không phải chỉ trích, chống đối nhau,
nhìn nhau như thù địch. Một nước Việt chia rẽ, có nội chiến, bất ổn, sẽ là mồi
ngon cho ngoại xâm đang chực chờ ra tay.
Mục tiêu do đảng cộng sản đề ra là đúng đắn nhưng hành vi
thì ngược ngạo. Việc bây giờ là các lãnh đạo cộng sản phải công nhận sự thật và
nói đi đôi với làm. Quốc gia đang cần các lãnh đạo chính trực với nhân dân và với
pháp luật chuẩn mực.
Điều kiện để đối thoại
Nói đến chính trị là nói đến thế lực. Để hai bên đàm phán với
nhau thì thế và lực của hai bên phải tương xứng với nhau. Trong trường hợp nhà
cầm quyền nuốt lời thì bên còn lại có đủ thế và lực để buộc nhà cầm quyền phải
tôn trọng thỏa thuận.
Đến giờ phút này, nhà cầm quyền chỉ đối thoại về vấn đề nhân
quyền với Mỹ, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Na Uy và Úc, hoàn toàn phớt lờ tiếng
nói của người dân trong vấn đề nhân quyền.
Lý do cũng là vì chưa có tổ chức chính trị nào đủ đông, uy
tín, ôn hòa có được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và sự hậu thuẫn của cộng đồng
quốc tế để có thể đứng ra đàm phán với các lãnh đạo cộng sản.
Tướng công an Trương Giang Long trong một đoạn clip dài 30
phút cũng nói rõ: “Trong các nhân tố mà Mỹ phân tích về Việt Nam, thì Mỹ cũng
thấy rất rõ, không có một đảng phái chính trị nào có thể lãnh đạo quản lý đất
nước bằng đảng cộng sản Việt Nam”.
Các đời Tổng bí thư nào của đảng cộng sản cũng phải nhắc nhở
lực lượng vũ trang là tuyệt đối không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập.
Cần các đảng chính trị chân chính
Do vấn đề Việt Nam là vấn đề chính trị nên nó chỉ được giải
quyết tận gốc bằng những đảng chính trị, bằng những con người chính trị, cũng
như ở Nam Phi với đảng Đại hội quốc gia dân tộc Phi (ANC), Miến Điện với đảng
Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD).
Cũng như Nam Phi hay Miến Điện, thời gian để xây dựng một
chính đảng ở tầm quốc gia trong hoàn cảnh bị đàn áp khắc nghiệt có thể lên tới
hàng chục năm.
Lực lượng nào sẽ có đủ ý chí kiên trì để làm chuyện này? Đảng
nào sẽ đứng ra đàm phán với đảng cộng sản một cách sòng phẳng trong tư thế bình
đẳng, với tình tự dân tộc?
Đảng cầm quyền cũng nên nhớ rằng dân tộc Việt Nam này “tuy mạnh
yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn
Trãi). Do đó, đối thoại thực tâm với dân là con đường tiến lên phía trước, còn
cứ mãi độc thoại thì sẽ mãi “độc tài, bất công, lạc hậu” chứ không phải “dân chủ,
công bằng, văn minh”.
*
Thạc si tin học
Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân chính trị, hiện vẫn đang bị quản chế, sinh sống
tại Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét