Tóm Lược: Có hai ý thức hệ
chính trị quan trọng tại Hoa Kỳ: conservatism (bảo thủ) và
liberalism. Đảng Cộng hòa theo đuổi conservatism trong khi Đảng Dân
chủ hướng về liberalism. Ảnh hưởng chính trị của hai đảng này
tạo nên tình trạng phân cực chính trị trong giới truyền thông
ngày càng mạnh mẽ tại Hoa Kỳ. Sự phân cực chính trị này có
thể gây khó khăn cho người dân trong việc thu thập tin tức về
các biến cố, dữ kiện, và hoạt động chính trị. Người dân nên
hiểu rõ tình trạng này và biết cơ sở truyền thông nào nghiêng
về khuynh hướng chính trị nào để có thể tự tạo cho mình một
kiến thức không bị chi phối bởi các cơ sở truyền thông. Tuy
nhiên, tình trạng phân cực chính trị này không áp dụng cho các
quốc gia theo chế độ độc tài như Việt Nam.
***
Vào ngày 16 tháng 1 năm 1787, Đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp Thomas
Jefferson (1743 - 1826), người được coi là tác giả bản Tuyên Ngôn
Độc Lập Hoa Kỳ và sau này là Tổng thống Hoa Kỳ thứ ba, viết
trong lá thư gửi Edward Carrington, đại biểu Virginia, "[N]ếu để
cho tôi quyết định chúng ta nên có chính quyền không báo chí,
hoặc báo chí không chính quyền, tôi không ngần ngại chút nào
chọn báo chí không chính quyền" (Xem, Founders).
Câu nói bất hủ của Jefferson, cách đây 230 năm, nhấn mạnh quyền
lực thứ tư (the Fourth Estate, the Fourth Power), được coi là sức
mạnh của báo chí, độc lập với ba ngành chính quyền (lập
pháp, hành pháp, và tư pháp) (Wikipedia 2017b), và là căn bản
của tự do ngôn luận, được tôn trọng qua Tu chính án thứ nhất
trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Cho tới nay, qua hơn hai thế kỷ, báo chí
tại Hoa Kỳ vẫn duy trì sức mạnh đó, nhưng có phần nào suy
giảm. một phần vì tính chất của ngành "báo chí" đã thay đổi
để trở thành ngành "truyền thông đại chúng" (mass media) và một
phần vì tình trạng chính trị và xã hội có ảnh hưởng ngày
càng lớn trên ngành này.
Sự kiện ngành báo chí truyền thông chịu ảnh hưởng chính trị
đã có từ lâu, nhưng gần đây, với sự thịnh hành của Internet,
phạm vi của những cơ sở truyền thông mở rộng, nhất là có
những cơ sở truyền thông không chính thống như các trang mạng và
bloggers. Ngoài ra, tại các nước tự do dân chủ, tự do ngôn luận
càng làm tình trạng này thêm phần phức tạp. Tự do ngôn luận,
nhất là tự do báo chí, là một điều kiện cần thiết cho một
xã hội ổn định vì người dân có quyền phát biểu ý kiến mà
không bị chính quyền ngăn cấm. Tuy nhiên, trong một thể chế dân
chủ đa đảng, tự do báo chí thường dẫn đến phân cực chính trị
trong ngành truyền thông.
Phân cực chính trị nghĩa là gì?
Một cách tổng quát, phân cực chính trị là sự khác biệt, gây
ra bởi một tiến trình tách rời, về ý kiến hoặc thái độ đối
với một ý thức hệ hoặc chủ nghĩa nào đó, thường là đối
nghịch nhau trong những thực thể có cùng vị trí hoặc nhiệm vụ
(thí dụ, giới truyền thông, quốc hội) (Xem, thí dụ như,
Wikipedia 2017a). Phân cực chính trị có thể được định lượng qua
những con số cụ thể tiêu biểu mức độ khuynh hướng chính trị.
Nhiệm vụ chính yếu của giới truyền thông là truyền bá tin
tức, dữ kiện tới dân chúng và giúp mọi người hiểu biết những
gì xảy ra ngoài xã hội, địa phương, toàn quốc, hay trên thế
giới. Để cho tin tức có giá trị, việc đăng tải, báo cáo tin
tức cần phản ảnh sự thật và tường trình mọi việc một cách
chính xác và khách quan. "Ai cũng đồng ý nhà báo phải nói sự
thật, nhưng người ta rối trí không hiểu 'sự thật' nghĩa là
gì" (Kovac và Rosenstiel 2014, 49). Đó là vì ngoài việc loan tải
tin tức, đa số các cơ sở truyền thông còn đăng tải, phát hình,
phát thanh những bài diễn giải, phê bình, bình luận, trình
bày ý kiến, hoặc lý luận về các sự kiện tin tức. Tin tức do
đó nhiều khi được loan tải với mục tiêu phù hợp với khuynh
hướng chính trị trong các bài bình luận này. Người dân, nếu
không cẩn thận hiểu được những dụng ý hoặc mục tiêu ngầm của
các bài bình luận này, sẽ có thể có cái nhìn thiếu chính
xác vào vấn đề.
Tại Hoa Kỳ, mức độ phân cực trong ngành truyền thông trở nên
ngày càng sâu đậm. Để hiểu rõ tình trạng phân cực này, chúng
ta nên hiểu về các ý thức hệ chính trị, đảng phái chính trị,
và ảnh hưởng chính trị trên các cơ quan tổ chức truyền thông
đại chúng.
A. Các ý thức hệ và đảng phái chính trị quan trọng tại Hoa Kỳ:
Để có thể hiểu sự phân cực chính trị trong ngành truyền thông
tại Hoa Kỳ, ta nên có kiến thức căn bản về các ý thức hệ và
đảng phái chính yếu tại Hoa Kỳ, và mối liên hệ giữa các đảng
phái và ý thức hệ.
1. Ý thức hệ:
Ý thức hệ nghĩa là gì? Đã có nhiều định nghĩa cho ý thức
hệ nhưng không có một định nghĩa nào thỏa đáng hoàn toàn. Có
nhiều ý nghĩa gán ghép với ý thức hệ như sau: một hệ thống
niềm tin chính trị, một loạt những ý tưởng chính trị hướng
động, ý tưởng của giới cai trị, v.v... (Heywood 2012, 5). Theo
Heywood, mọi ý thức hệ có ba sắc thái sau: trình bày hiện
trạng, thúc đẩy kiểu mẫu của một tương lai mong muốn cho một
xã hội tốt đẹp, và giải thích cách nào mà việc thay đổi
chính trị có thể đi từ hiện trạng tới tương lai mong muốn (tlđd., 11).
Có hàng chục ý thức hệ khác nhau, mỗi cái chú trọng một số
khía cạnh nào đó của cuộc sống con người. Sau đây là một số
ý thức hệ thường được nhắc đến: chủ nghĩa liberal (như sẽ
được trình bày sau, tôi không dịch "liberal" sang tiếng Việt),
chủ nghĩa bảo thủ (conservatism), chủ nghĩa xã hội (socialism),
chủ nghĩa quốc gia (nationalism), chủ nghĩa đa văn hóa
(multiculturalism) (Xem, thí dụ như, Heywood 2012; Wikipedia 2017c,
2017e). Mỗ́i ý thức hệ còn có thể được chia ra nhiều ý thức
hệ khác nhau.
Mỗi quốc gia thường đi theo một hay nhiều ý thức hệ. Tại các
quốc gia dân chủ tự do, hệ thống đa đảng tạo ra môi trường
thích hợp cho sự phát triển các ý thức hệ cho mỗi đảng, và
người dân có quyền lựa chọn, qua thể thức bầu cử, ý thức hệ
hoặc đảng nào để điều hành đất nước. Tại các quốc gia không
có dân chủ tự do và chỉ có độc đảng, giới nắm quyền tự chọn
ý thức hệ để theo đuổi.
Tuy nhiên, tại các quốc gia dưới chế độ độc tài, không phải
giới nắm quyền nào cũng có khả năng hiểu biết hoặc thực tâm
theo đuổi ý thức hệ mình lựa chọn. Có giới nắm quyền tự xưng
theo đuổi một ý thức hệ nào đó, nhưng thực ra điều hành đất
nước theo một đường hướng không phù hợp với các nguyên tắc căn
bản của ý thức hệ mà họ lựa chọn, và chỉ theo đuổi mục tiêu
đem lại lợi lộc cho giới nắm quyền. Tại các quốc gia này,
giới nắm quyền dùng ý thức hệ để mị dân và để che đậy những
thủ đoạn đàn áp, cướp bóc tài nguyên thiên nhiên và tài sản
của cải của người dân. Điển hình là Việt Nam và nhóm cầm
quyền cộng sản (NCQCS) Việt Nam.
NCQCS Việt Nam thường tung ra những lời tuyên bố hoặc cho đăng
tải những bài viết về các lý thuyết về xã hội chủ nghĩa,
Marx-Lenin, và cái gọi là tư tưởng Hồ chí Minh, với mục đích
ru ngủ hoặc lừa đảo người dân và che giấu những tội ác xâm
lăng, giết người, khủng bố, và chiếm đoạt miền Nam Việt Nam
dưới chiêu bài chống Mỹ cứu nước và thống nhất xứ sở. Thực
tế cho thấy NCQCS không hiểu biết gì về các lý thuyết ý thức
hệ và chỉ dùng những danh từ này để bào chữa cho những tội
ác trong thời chiến và trong thời hòa bình, tham nhũng, cướp
bóc, và đàn áp nhân quyền. Bài này chú trọng vào cuộc chiến
ý thức hệ trong giới truyền thông tại Hoa Kỳ. Cuộc chiến ý
thức hệ này khác hẳn với cuộc chiến tại Việt Nam giữa người
dân, trong nước và hải ngoại, và NCQCS.
Tại các quốc gia có tự do dân chủ thực sự, người dân có nhiều
vấn đề theo nhiều phương diện. Do đó, việc phân loại họ vào
các nhóm khác nhau rất khó. Có quá nhiều phương diện người dân
chú trọng và mỗi phương diện thường có nhiều giải pháp khác
nhau, khiến cho tổng số mọi vấn đề cho từng giải pháp sẽ rất
lớn. Việc nghiên cứu tỉ mỉ các phương diện và các giải pháp
để dẫn đến việc phân loại các ý thức hệ chính trị là một
công trình nghiên cứu phức tạp. Đặt tên cho các khuynh hướng
này lại càng khó khăn vì tính chất đa chiều của ý thức hệ
chính trị. Khó có một danh xưng nào tiêu biểu cho một nhóm với
cả chục phương diện. Trong bài này, tôi sẽ chỉ chú trọng vào
các khuynh hướng chính yếu trong các ý thức hệ chính trị, và
tôi dùng "ý thức hệ" và "chủ nghĩa" gần như đồng nghĩa.
Một cách đơn giản, ý thức hệ chính trị tại Hoa Kỳ có thể
được chia ra thành hai khối chính yếu khác nhau: bảo thủ
(conservatism) và liberalism. Ý nghĩa của hai từ ngữ conservative
và liberal dẫn đến "lẫn lộn và mơ hồ" (Ellis và Stimson 2012,
2). Ngoài ra, hai ý thức hệ này còn được chia ra thành nhiều ý
thức hệ khác nhau (thí dụ, liberalism cổ điển và tân thời).
Một điểm quan trọng nữa là ý nghĩa của hai từ ngữ này tại
các quốc gia Âu châu có thể khác với ý nghĩa tại Hoa Kỳ.
Conservatism có định nghĩa khá rõ rệt và có từ ngữ tương đương
trong tiếng Việt. Conservative thường được định nghĩa là giữ
những thái độ và giá trị truyền thống và cẩn thận trong
việc, hoặc cưỡng lại, thay đổi hoặc đổi mới. Định nghĩa này
phù hợp với từ ngữ "bảo thủ" trong tiếng Việt. Thực ra, như
trình bày ở trên, "bảo thủ" không hoàn toàn mô tả chính xác
và đầy đủ ý thức hệ này, nhưng ít nhất từ ngữ đó phản ảnh
khá trung thực.
Liberalism dường như không có từ ngữ ngắn gọn tương đương trong
tiếng Việt. Liberal thường được định nghĩa là đón nhận những
quan điểm mới và sẵn sàng bỏ các giá trị truyền thống. Một
số từ ngữ dịch cùa liberal là tự do, phóng khoáng, phóng
túng, canh tân, cấp tiến, hoặc đổi mới. Các từ ngữ này, tuy
phản ảnh một số khía cạnh của liberalism, có thể dễ gây hiểu
lầm và lẫn lộn vì ý nghĩa của chúng có hàm ý khác trong
tiếng Việt. Vì không có tiếng Việt ngắn gọn tương đương, tôi
quyết định không dịch liberalism/liberal sang tiếng Việt mà dùng
nguyên bản tiếng Anh.
Điểm quan trọng là hai khuynh hướng này không hiện hữu với ranh
giới rõ rệt như đen và trắng. Đó là vì có những mức độ khác
nhau trong mỗi khuynh hướng, thí dụ cực đoan, vừa phải, trung
dung, v.v... Một người theo bảo thủ vừa phải có thể có nhiều
quan điểm giống như quan điểm của một người theo liberal vừa
phải. Ngoài ra, còn có một số người tự coi mình là bảo thủ
nhưng lại có những quan điểm liberal. Những người này được gọi
là "bảo thủ mâu thuẫn" (conflicted conservatives) (Ellis và Stimson
2012, 149).
Những vấn đề hai ý thức hệ liberal và bảo thủ khác nhau gồm
có: kinh tế, giáo dục, năng lực, nhập cư, ngân phí quân sự, tôn
giáo, hôn nhân cùng phái, an sinh xã hội, thuế má, gia tăng
nhiệt độ toàn cầu, kiểm soát súng, y tế, an ninh nội địa, tài
sản riêng tư, chiến tranh chống khủng bố, phá thai, hình phạt
tử hình, trợ cấp xã hội, v.v. (Xem, thí dụ như, Student 2010).
Liberalism nhắm vào những thay đổi mới lạ. "Người Mỹ liberal coi
họ là người tiếp nhận thay đổi và các ý tưởng mới lạ. Thí
dụ, họ thường chấp nhận các ý tưởng khoa học mà một số
người bảo thủ chống đối, như thuyết tiến hóa và nhiệt độ thay
đổi toàn cầu (global warming)" (Wikipedia 2017d, 2017c). Ngoài ra,
"[b]ình đẳng về cơ hội là thành phần cốt lõi của liberalism"
(Ellis và Stimson 2012, 3). Một cách tổng quát, liberalism ủng hộ
chính quyền điều hành kinh tế thị trường, môi trường kinh tế
để tránh lạm dụng, thiết lập tiêu chuẩn; tăng thuế trên nhà
giàu; tăng quyền lực hiệp hội; tăng lương tối thiểu. Về đối
ngoại, liberalism cổ xúy tăng giới hạn ngoại thương, giảm chi
tiêu quân sự. Về xã hội, liberalism ủng hộ thoát khỏi các xâm
phạm cuộc sống riêng tư của dân; nới lỏng giới hạn di trú, nới
lỏng các luật chống phá thai; bảo vệ quyền lợi nhóm dân
thiểu số được coi là bị thiệt thòi như người Mỹ gốc Phi châu,
đàn bà, và những người đồng tình luyến ái (Ellis và Stimson
2012, 4; Groseclose 2011, 39; Wikipedia 2017d).
Ngược lại, chủ nghĩa bảo thủ tin rằng "người dân, gia đình, và
cộng đồng, không phải chính quyền liên bang, là những lực dẫn
đến xã hội thành công, tiến bộ" (Ellis và Stimson 2012, 5). Chủ
nghĩa bảo thủ cũng tin vào bình đẳng cơ hội, nhưng ủng hộ
phương thức mở rộng tự do thị trường cho mỗi người lựa chọn
con đường kinh tế của mình thay vì để chính phủ làm giảm
thiểu khác biệt thu nhập. Chủ nghĩa bảo thủ muốn chính phủ
khuyến khích, thay vì kiểm soát, tư nhân cung cấp lợi lộc xã
hội; và các vấn đề của giới thiếu điều kiện nên được giải
quyết hay nhất qua từ thiện hoặc trách nhiệm xã hội tư nhân
(Ellis và Stimson 2012, 5; Wikipedia 2017c, 2017e).
Với các mục tiêu khác nhau với nhiều vấn đề ở trên, ta thấy
các ý thức hệ chính trị thường phức tạp và có nhiều biến
thể. Tuy nhiên, đôi khi ta cũng có thể có một cái nhìn đơn giản
dựa vào nét đặc thù của các ý thức hệ này. Lấy thí dụ
Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam, dưới sự chiếm đóng của phe nhóm
cộng sản, theo chế độ cộng sản và NCQCS hô hào chủ nghĩa xã
hội trong khi Hoa Kỳ được luân phiên điều hành bởi ý thức hệ
liberal và bảo thủ. Bốn ý thức hệ này khác nhau thế nào? Có
cách đơn giản nào tóm tắt đặc tính cốt lõi của bốn ý thức
hệ này không?
Cách đây 88 năm, nữ văn hào người Anh Richmal Crompton nổi tiếng
qua những truyện cho trẻ em, viết một câu nói bất hủ của một
nhân vật trong truyện, gói ghém đặc tính cốt lõi của bốn ý
thức hệ Bảo thủ, Liberal, Xã hội, và Cộng sản.trong tác phẩm
"William, Prime Minsister" (William, Vị Thủ tướng) vào năm 1929. Câu
này, tuy viết cho một truyện trẻ em giả tưởng, có giá trị sâu
sắc và được nhiều nhà chính trị học tán thưởng (Xem, thí dụ
như, Bogdanor 2013; Whyte 2011, 146). Câu đó như sau (Xem, Hình 1).
(Tôi giữ y nguyên cách viết dùng điệp ngữ và chấm câu của tác
giả Richmal Crompton.)
"Có bốn loại người muốn được là kẻ cai trị. Họ đều muốn
làm mọi việc tốt hơn, nhưng họ muốn làm những việc đó tốt hơn
theo các đường lối khác nhau. Có những người Bảo thủ và họ
muốn làm mọi việc tốt hơn bằng cách duy trì những việc đó như
hiện trạng. Có những người Liberal và họ muốn làm mọi việc
tốt hơn bằng cách thay đổi những việc đó một chút, nhưng không
để cho ai nhận ra cách họ làm, và có những người theo Xã hội
chủ nghĩa, và họ muốn làm mọi việc tốt hơn bằng cách lấy
hết tiền mọi người, và có những người Cộng sản và họ muốn
làm mọi việc tốt hơn bằng cách giết hết mọi người trừ họ
ra." (Richmal Crompton, nữ văn hào người Anh, 1929).
Câu nói của Richmal Crompton về Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản vào năm 1929 quả thật chính xác một cách tiên tri về NCQCS tại Việt Nam trong thế kỷ thứ 21: cướp của giết người.
2. Đảng phái chính trị:
Đảng phái chính trị là một thực thể hiện hữu cụ thể có mục
đích nắm giữ quyền hành trong việc điều hành guồng máy chính
quyền của một quốc gia. Theo Antony Downs, một học giả Mỹ về
kinh tế và khoa học chính trị, "[m]ột đảng chính trị là một
nhóm người muốn kiểm soát khí cụ cai trị bằng cách nắm giữ
chức vụ trong một cuộc bầu cử hợp hiến" (Hofmeister và Grabow
2011, 11). Một khái niệm liên hệ mật thiết với đảng phái chính
trị là bầu cử. "Phương tiện bầu cử hàm ý rằng có sự cạnh
tranh của ít nhất hai đảng" (tlđd., 12). "Một hệ thống
'độc đảng' là một hệ thống tự mâu thuẫn vì một 'đảng' chỉ
nên là phần của một nhóm lớn hơn. Hệ thống độc đảng do đó
được mô tả qua sự đàn áp cạnh tranh chính trị và tự do dân
chủ" (tlđd., 18). Do đó, những quốc gia theo hệ thống độc
đảng như Việt Nam là một hệ thống tự mâu thuẫn, và không thể
nào có nền dân chủ.
Tại các quốc gia có tự do dân chủ thực thụ, hệ thống chính
trị luôn luôn có đa đảng. Thông thường các đảng phái chính trị
cạnh tranh nhau trong chính trường để giành quyền lực điều hành
quốc gia. Tại Hoa Kỳ, có bốn đảng lớn và hơn 30 đảng nhỏ
(Wikipedia 2017h). Trong bốn đảng lớn, chỉ có hai đảng thực sự
đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành quốc gia. Đó là
đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Một cách tổng quát, Đảng Dân chủ hướng về liberal (hơn bảo
thủ) và Đảng Cộng hòa hướng về bảo thủ (hơn liberal) (Grossmann
và Hopkins 2016, 31). Các thành viên của hai đảng này, kể cả
các lãnh tụ trong ba ngành tư pháp, lập pháp, và hành pháp
tại tiểu bang và liên bang, thường theo đường hướng quy định
trong hai ý thức hệ tương ứng, với nhiều mức độ khác nhau, như
được trình bày ở trên.
Bảng 1 so sánh hai đảng Dân chủ và Cộng hòa một cách tổng
quát (Diffen; Student 2010). Vì hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đi
theo hai ý thức hệ liberal và bảo thủ, theo thứ tự, sự khác
nhau giữa hai đảng tương tự như sự khác nhau giữa hai ý thức hệ
liberal và bảo thủ tuy có vài ngoại lệ nhỏ nhặt. Nên ghi nhận
rằng sự khác biệt của hai đảng theo các vấn đề trong Bảng 1
không nhất thiết tuyệt đối và có nhiều mức độ khác nhau. Thí
dụ, đa số thành viên đảng Dân chủ hỗ trợ hôn nhân đồng tính
nhưng cũng có một số người chống đối. Tương tự, đa số thành
viên đảng Cộng hòa chống đối hôn nhân đồng tính nhưng cũng có
một số người hỗ trợ.
Vì hai ý thức hệ bảo thủ và liberal có khá nhiều điểm khác
nhau, và nhiều khi đối nghịch nhau, hai Đảng Dân chủ và Cộng
hòa thường đối chọi nhau kịch liệt trong những cuộc tranh cãi,
dẫn đến tình trạng phân cực không thể tránh được. "Phân cực
được định nghĩa là khoảng cách ý thức hệ trung bình giữa
điểm cân bằng của đảng Cộng hòa và Dân chủ" (Shor 2014).
B. Liên hệ giữa truyền thông đại chúng và mức độ phân cực chính trị tại Hoa Kỳ:
Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền hình, truyền thanh,
mở rộng phạm vi, nhất là với sự tiến bộ về viễn thông, điện
toán và mạng. Danh từ truyền thông đại chúng (mass media) bây
giờ áp dụng cho mọi phương tiện truyền bá thông tin tới người
dân, gồm có các cơ quan truyền thông căn bản (báo chí, truyền
hình, và truyền thanh) và các phương tiện truyền thông mới phát
triển trong vòng mười năm qua như blogs, trang mạng, truyền thông
xã hội (social media như Facebook, Twitter, Instagram), và phim ảnh
(thí dụ, YouTube).
Ngành báo chí (journalism) bây giờ không còn hạn hẹp trong các
tờ báo hoặc tạp chí in trên giấy hoặc qua làn sóng phát hình
hay phát thanh, mà mở rộng tới mọi hình thức truyền bá trên
mạng, kể cả hình ảnh và đoạn phim. Blogs và trang mạng đang có
ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên khán giả (Atkins 2016, 110).
"Nhiều trang mạng đăng tin tức chính trị, như Salon, Slate, Daily
Beast, Politico, và Huffington Post, đã nổi lên là những trang
mạng tin tức nghiêm trọng và đáng nể" (tlđd.).
Ngoài số lượng và hình thức, hiện nay đa số các cơ sở truyền
thông không những chỉ loan tải tin tức mà còn dùng những tin
tức để cổ xúy một mục tiêu chính trị, xã hội, hay văn hóa
nào đó. Truyền thông hay báo chí cổ xúy (advocacy journalism) là
một hiện tượng đang thịnh hành tại Hoa Kỳ. "Ký giả hay phóng
viên cổ xúy không chỉ thông báo; họ còn có ý định thúc đẩy
một chiến dịch nào đó, bảo thủ hay liberal" (Atkins 2016, 14).
Cho dù dưới hình thức nào, truyền thông cổ xúy thường nhắm
vào mục tiêu vạch ra bởi các ý thức hệ chính trị mà người
thực hành truyền thông cổ xúy đang theo đuổi. Tuy nhiên, truyền
thông cổ xúy không theo đuổi các ý thức hệ bằng nhau. Phần
nhiều dân Mỹ tin rằng giới truyền thông thiên về liberal nhiều
hơn là bảo thủ (Wikipedia 2017g). "Giới đại học và truyền thông
tin tức, hai định chế xã hội thường có trách nhiệm tạo và
truyền bá thông tin, đều có đầy rẫy nhóm liberal và người theo
Đảng Dân chủ" (Grossmann và Hopkins 2016, 133). "Giới bảo thủ
trội hơn nhiều giới liberal trong công chúng Mỹ, nhưng giới nhà
báo liberal có nhiều hơn giới nhà báo bảo thủ ở cả mức độ
toàn quốc và địa phương và khắp phương tiện truyền thông báo in
giấy, truyền hình, truyền thanh, và trên mạng" (tlđd., 135).
Nhiều người tin rằng truyền thông cổ xúy đóng góp đáng kể vào
khí hậu văn hoá và chính trị ̣đối nghịch (Atkins 2016, 201) và
là yếu tố quan trọng trong tình trạng phân cực hiện nay tại
Hoa Kỳ (Atkins 2016, 204). Tình trạng này dường như khó cải tiến
được vì "giới truyền thông và giới cử tri chính trị hóa bị
cùng mắc bẫy trong một chu kỳ ác hiểm: truyền thông đảng phái
cung cấp phân cực vào dân đi bầu vả dân đi bầu muốn có thêm
truyền thông đảng phái, và cứ thế" (Anderson, Downie, và Schudson
2016, 162). Tình trạng phân cực của giới truyền thông Hoa Kỳ
phản ảnh cuộc chiến ý thức hệ trong một thể̀ chế tự do dân
chủ. Cuộc chiến này, tuy rất khốc liệt trên phương diện tranh
cãi và thảo luận, thường có những hậu quả tốt đẹp vì người
dân có dịp tìm hiểu thêm về các lý thuyết và thực hành về
cuộc sống con người trong xã hội.
Câu hỏi quan trọng là: "Có mối liên hệ nào giữa các khuynh
hướng chính trị, đảng phái chính trị, và tổ chức truyền
thông?" Có nhiều bằng chứng cụ thể cho thấy quả thật có mối
liên hệ giữa các cơ quan truyền thông và hai đảng (Wikipedia
2017f). Có nhiều nghiên cứu, tìm tòi, hoặc báo cáo về mối liên
hệ này. Nhiều trang mạng đưa ra danh sách những cơ sở tổ chức
truyền thông và khuynh hướng chính trị (Xem, thí dụ như, Brown
2016, Haskins 2017, Wikipedia 2017i).
Trong số các nghiên cứu và báo cáo về khuynh hướng chính trị
của giới truyền thông, có hai nghiên cứu có giá trị: Nghiên cứu
do trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center, Wikipedia 2017g) và
nghiên cứu do giáo sư Tim Groseclose thực hiện.
1. Nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Pew:
Trung tâm nghiên cứu Pew tổ chức một cuộc thăm dò lớn trong năm
2014, thăm dò 10.000 người lớn về ý thức hệ chính trị. Kết
quả cho thấy đảng Cộng hòa và Dân chủ hiện nay tách xa ra hơn
hết thẩy trong lịch sử cận đại (Atkins 2016, 199). Việc này dẫn
đến một Quốc hội rất phân cực, ảnh hưởng đến giới truyền
thông.
Hình 2 cho thấy khuynh hướng chính trị của khán giả của các cơ
quan truyền thông thịnh hành tại Hoa Kỳ do trung tâm nghiên cứu
Pew trình bày (Pew 2014; Pew 2016). Pew vẽ vị trí các tổ chức
truyền thông trên trục có trị số từ +10 (cực hữu) đến -10 (cực
tả) với zero là trị số thăng bằng. Tôi sửa khoảng [+10, -10]
thành [0, 100] để dễ so sánh với kết quả nghiên cứu của giáo
sư Groseclose trong Hình 2 có trị số nằm trong khoảng [0, 100].
Điểm trung bình của tất cả khuynh hướng chính trị là khoảng -1
(55 trong khoảng [0, 100]). Điểm nằm bên trái của điểm trung
bình này coi là thiên tả, và nằm bên phải coi là thiên hữu.
Mức độ thiên tả hay thiên hữu tùy vào chỉ số. Thí dụ, New
Yorker và Slate được coi như thiên tả khá mạnh. Ta có thể cho
trị số khuynh hướng chính trị của các tổ chức truyền thông
này như sau:
Thiên hữu (bảo thủ): Breitbart, Rush Limbaugh Show, The Blaze, Sean
Hannity Show, Glenn Beck nằm khoảng vị trí từ +5.25 tới +6 (20
tới 23 trong khoảng [0, 100]); Drudge Report khoảng +4.7 (27); Fox
News khoảng +2 (40).
Thiên tả (liberal): Yahoo News, Wall Street Journal khoảng -0.8 (53);
CBS News, Google News, Bloomberg, ABC News, USA Today, NBC News khoảng
từ -1.2 tới -2 (55 tới 58); CNN, MSNBC khoảng từ -2.0 tới -2.2 (60
tới 62); BuzzFeed, PBS, BBC, Huffington Post, Washington Post, The
Economist, Politico khoảng từ -3 tới -3.9 (65 tới 69); Daily Show,
The Guardian, NPR, Colbert Report, New York Times khoảng từ -4 tới
-4.1 (71 tới 76); New Yorker, Slate khoảng từ -5 tới -5.8 (78 tới
80). Nên để ý Google News không phải là một cơ sở truyền thông
chính thức mà chỉ là trang mạng thu thập tin tức bài vở từ
các nguồn khác.
2. Nghiên cứu của Groseclose:
Groseclose và đồng nghiệp đặt ra thương số chính trị (political
quotient, PQ) và từ đó chỉ số lệch (slant quotient, SQ). Trị số
PQ trải từ khoảng 0 tới 100 và đo lường mức độ liberal của một
người dựa vào tiêu chuẩn của nhóm Americans for Democratic Action
(ADA) (Groseclose 2011, 38-40). PQ càng lớn mức độ liberal càng
cao. Groseclose thiết lập một phương thức định lượng để đánh
giá khuynh hướng hướng chính trị của các Thượng nghị sĩ và
Dân biểu Hoa Kỳ và các tổ chức hoặc cơ sở truyền thông.
Thiên vị (bias) có nghĩa theo khuynh hướng nào đó dựa vào một
định kiến có sẵn hoặc theo một mục tiêu được đặt ra trước đó.
Groseclose, trong công trình nghiên cứu về thiên vị truyền thông,
định nghĩa thiên vị truyền thông là "mức độ chiều hướng một cơ
sở truyền thông khác với trung điểm của các quan điểm chính
trị Mỹ" (Groseclose 2011, 48). Nhưng thế nào là "trung điểm "?
Theo Groseclose, trung điểm là "thương số chính trị trung bình,
cho một năm nào đó, của tất cả các nhà lập pháp phục vụ
trong năm đó tại Quốc hội" (tlđd.).
Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết về những phương thức Groseclose
tính toán để có một định nghĩa và trị số hợp lý cho trung
điểm. Nhưng những phương thức này có vẻ hợp lý trong việc đơn
giản hóa vấn đề.
Hình 3 cho thấy khuynh hướng chính trị thể hiện qua thương số
chính trị của các tổ chức cơ sở truyền thông dựa vào nội dung
bài viết hoặc chương trình phát hình, theo Groseclose (Groseclose
2011, 17). Đặc biệt, Hình 3 cho biết khuynh hướng hướng chính
trị của hai đảng chính trị và cử tri Hoa Kỳ. Đảng Cộng hòa
có thương số trung bình khoảng 15 trong khi đảng Dân chủ có
thương số trung bình khoảng 84. Cử tri Hoa Kỳ có thương số trung
bình từ khoảng 54 (trong năm 75-94) cho tới khoảng 50 (trong năm
95-99). Ta có thể giả sử rằng các con số đó không thay đổi
nhiều vào giai đoạn hiện nay. Ta nên nhớ khối ở giữa, gọi là
trung dung hoặc ôn hòa (moderate), là trung bình của tất cả
khuynh hướng chính trị. Vì là trung bình (average) thay vì điểm
cân bằng (median), số thành phần nằm hai bên điểm trung bình
không nhất thiết bằng nhau.
Hình 3 cho thấy hầu hết các cơ quan tổ chức truyền thông có
khuynh hướng gần gũi với đảng Dân chủ nhiều hơn đảng Cộng hòa.
Ngoài ra, tuy Fox News thường được coi là thiên hữu, mức độ
thiên hữu này không nhiều lắm. Hình 3 cho thấy hầu hết các cơ
quan tổ chức truyền thông, kể cả Fox News đều nằm phía bên trái
của điểm trung bình của đảng Cộng hòa.
3. So sánh nghiên cứu của Pew Research Center và Groseclose:
Một cách đáng kể, hai cuộc nghiên cứu Pew (Hình 2) và Groseclose
(Hình 3) được thực hiện độc lập, dùng các phương pháp khác
nhau, và cách nhau gần mười năm, nhưng kết quả rất phù hợp.
Vài điểm cần chú ý khi so sánh Hình 2 và Hình 3.
Trước hết, Hình 2 và Hình 3 khác nhau về thời gian. Hình 2
phản ảnh thời gian vào khoảng năm 2014, gần với hiện tại khi
bài này được viết (tháng 5 năm 2017). Hình 3 phản ảnh thời gian
vào khoảng năm 2009 khi Groseclose và đồng nghiệp, Milyo, thực
hiện cuộc nghiên cứu. Sự khác biệt 5 năm có thể có tác dụng
quan trọng cho vài cơ sở truyền thông, và ngay cả người dân, vì
tình trạng xã hội thay đổi và có nhiều tiến bộ về kỹ thuật
và sự thịnh hành của Facebook, YouTube, Twitter, v.v. Tuy đa số
duy trì khuynh hướng chính trị, có vài cơ sở truyền thông di
chuyển khuynh hướng. Drudge Report di chuyển từ thiên tả trong
Hình 3 sang thiên hữu trong Hình 2. Wall Street Journal có khuynh
hướng chính trị khác nhau giữa hai hình, vì Wall Street Journal
có hai phần: tin tức và xã luận và mỗi phần có thể có khuynh
hướng chính trị khác nhau.
Thứ nhì, Hình 2 và Hình 3 khác nhau về đối tượng của khuynh
hướng chính trị trên trục ngang. Hình 2 cho thấy khuynh hướng
chính trị của khán giả xem hoặc đọc bài của các tổ chức và
cơ sở truyền thông, trong khi Hình 3 cho thấy khuynh hướng chính
trị của tổ chức hoặc cơ sở truyền thông dựa vào slant quotient
(SQ) do Groseclose và Milyo đặt ra. Khuynh hướng chính trị của
khán giả không nhất thiết giống như khuynh hướng chính trị của
tổ chức hoặc cơ sở truyền thông, nhưng thông thường khán giả xem
hoặc đọc những gì thích hợp với thị hiếu hoặc sở thích của
mình. Do đó, hai khuynh hướng này thường có liên hệ mật thiết
với nhau.
Thứ ba, Hình 3 không có thương số cho các cơ sở truyền thông như
Huffington Post, Breitbart, The Blaze, Glenn Beck. Việc này dễ hiểu
vì đa số cơ sở này chưa thành lập hoặc chưa tạo dựng ảnh
hưởng sâu đậm vào thời gian Groseclose và Milyo thực hiện cuộc
nghiên cứu của họ. Thực ra, cả hai Hình đều thiếu sót khá
nhiều cơ sở truyền thông, nhất là các trang mạng chính trị. Sự
thiếu sót này không nghiêm trọng lắm, vì cả hai nghiên cứu
liệt kê các cơ sở truyền thông chính yếu, cả về truyền hình
và báo chí. Độc giả có thể tham khảo thêm tài liệu về danh
sách những trang mạng liberal hoặc bảo thủ (Xem, thí dụ như,
Brown 2016, Haskins 2017).
Tuy có những điểm khác nhau, cả hai nghiên cứu đưa đến kết quả
khá tương đồng. Trước hết, quả thực có phân cực chính trị
trong giới truyền thông đại chúng. Mức độ phân cực này ngang
ngửa với mức độ phân cực giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Thứ nhì, phần lớn giới truyền thông hướng về liberal, và thân
thiện với đảng Dân chủ. Hầu hết các cơ sở truyền hình (trừ
Fox News) và báo chí chính yếu (thí dụ, The New York Times,
Washington Post) đều thiên tả. Nhận xét này phù hợp với các
báo cáo và thăm dò dân chúng (Xem, thí dụ như, Carney 2015;
Matthews 2015; Mendes 2013; Wikipedia 2017f). Lý do cho khuynh hướng
thiên tả trong giới truyền thông đại chúng khá phức tạp và đi
ngoài phạm vi bài viết này.
C. Người dân nên làm gì?
Với tình trạng phân cực khá trầm trọng trong ngành truyền
thông, chúng ta, người dân và người tiêu thụ bình thường, nên
đối phó thế nào? Có hai thái cực: tiêu cực và tích cực.
Phản ứng tiêu cực nhất là không theo dõi tin tức nữa và gạt
bỏ mọi tin tức ra khỏi hoạt động hàng ngày. Rolf Dobelli, tác
giả một sách trong các sách bán chạy nhất về nghệ thuật suy
nghĩ rõ rệt (2014), có nhiều nhận xét và lý luận lý thú.
Dobelli (2010; 2013; 2014, 296-298) cho rằng tin tức không có lợi
gì cho chúng ta vì tin tức có những tác dụng sau: đánh lạc
hướng; không liên hệ đến cuộc sống và sự nghiệp chúng ta; không
có khả năng giải thích; tạo độc tố trong cơ thể chúng ta; gia
tăng sai lầm về nhận thức; ngăn cản suy nghĩ; có tác dụng như
thuốc làm thay đổi cơ cấu trí não; làm mất thì giờ và do đó
tốn kém; cắt đứt mối liên hệ giữa nổi tiếng và thành quả vì
có những người nổi tiếng mà chẳng liên hệ gì đến cuộc sống
chúng ta; thường được tạo ra bởi những nhà báo bất tài, không
công bằng, hoặc không có khả năng viết bài vở có ý tưởng sâu
sắc; những sự kiện được báo cáo thường sai lạc; có tác dụng
khuấy động, thao tác; cho ta ảo tưởng móc nối với mọi người
toàn cầu; khiến chúng ta trở nên thụ động; và tiêu diệt trí
sáng tạo.
Dobelli thực ra không bác bỏ tin tức hoàn toàn. Ông tin rằng báo
chí truyền thông điều tra (investigative journalism) có nhiều
điểm hữu ích (Dobelli 2013). Tuy nhiên, Dobelli không cho biết làm
cách nào chúng ta nhận ra sự phân cực của báo chí truyền thông
điều tra.
Phản ứng tích cực nhất là chúng ta nên có trách nhiệm gần như
là nhà báo, ký giả, phóng viên, hoặc người bình luận. Kovac
và Rosenstiel (2011, 2014), hai nhà báo Hoa Kỳ chuyên nghiệp và
có kinh nghiệm lâu năm, tin rằng người dân phải có trách nhiệm,
nhất là khi họ là người truyền bá và/hoặc phê bình về các
nguồn tin. Chúng ta không nên chỉ là khán giả hoặc độc gỉả
thụ động đón nhận tin tức bài vở từ các cơ sở truyền thông,
mà nên đóng vai trò chủ động trong việc truyền bá tin tức bài
vở. Chúng ta cũng có trách nhiệm tham dự các diễn đàn công
cộng, thí dụ như diễn đàn thảo luận trên mạng, các cuộc hội
họp, câu lạc bộ dân sự, hoặc xuất hiện trên truyền hình hoặc
truyền thanh (Kovac và Rosenstiel 2014, 296). Đó là trách nhiệm
chung của mọi công dân.
Kovac và Rosenstiel trình bày những phương thức để đem ý nghĩa
cho tin tức. Một cách tổng quát, chúng ta cần có thái độ nghi
ngờ khi chúng ta đọc tin (Kovac và Rosenstiel 2011, 115). Chúng ta
nên có thái độ "cho tôi thấy đi," hoặc " bạn hãy chứng minh
việc đó," hoặc "Tại sao tôi nên tin việc đó?" đối với chứng cớ
(tlđd., 116). Khi đọc một bài diễn giải hoặc bình luận
về một sự kiện, chúng ta nên hỏi, "Có cách hiểu hoặc giải
thích nào khác không?" (tlđd., 117).
Trên lý thuyết, hai thái độ đó không đến nỗi khó lắm. Nhưng
trên thực tế, người dân bình thường khó có thể theo đuổi một
trong hai thái cực trên. Về việc không theo dõi tin tức, cuộc
sống hàng ngày khiến chúng ta không thể tránh được tiếp nhận
tin tức, nhất là với thời đại Internet và các phương tiện
truyền thông xã hội như Facebook. Về việc đóng vai trò gần như
nhà báo trong việc đọc tin, không phải ai cũng có thì giờ,
phương tiện, hoặc/và khả năng làm được.
Tuy nhiên, chúng ta có thể có thái độ trung dung trong giữa hai
thái cực trong việc tiếp cận tin tức bài vở. Một cách tổng
quát, chúng ta nên ráng giữ thái độ khách quan trong việc tiếp
nhận tin tức bài vở. Trước hết, chúng ta không nên theo dõi quá
nhiều tin tức, và nên gạn lọc ra những đề tài phù hợp với ý
thích của mình. Thứ nhì, với những đề tài thích hợp, chúng
ta nên có thói quen thu nhận tin tức với tinh thần xét đoán,
phân biệt sự kiện và ý kiến, kiểm chứng tài liệu, đối chiếu
các nguồn tin khác nhau, và dùng lý luận để đưa đến kết luận
thoả đáng. Khi đọc một bản tin hoặc một bài viết về một đề
tài nào đó, ta nên tìm tòi các nguồn tin hoặc các bài viết
cùng đề tài từ các cơ sở truyền thông có khuynh hướng chính
trị khác nhau. Trang mạng AllSides trình bày tin tức qua các cơ
sở truyền thông dưới cả ba khuynh hướng chính trị: thiên hữu,
thiên tả, và trung dung (Xem AllSides). Thứ ba, chúng ta nên "cẩn
thận về các tin đồn, dự đoán, và kết luận vội vàng" (Atkins
2016, 259). Đôi khi, có người bị dễ tin vào các tin bịa đặt
hoặc giả mạo, hoặc các bài viết có tính cách khôi hài hoặc
châm biếm (Xem, Kiely và Robertson, 2016).
Một điểm quan trọng cần được đề cập đến. Ý kiến của Dobelli,
và Kovac và Rosenstiel, và thảo luận trên chỉ thích hợp cho
quốc gia có tự do ngôn luận và giới truyền thông thuộc tư nhân
và độc lập với chính quyền. Với các quốc gia dưới chế độ
độc tài và không có tự do ngôn luận như Việt Nam, các ý kiến
này có thể không thích hợp hoàn toàn và cần có thêm những
cẩn thận trong việc thu thập tin tức, bài vở. Vì không có tự
do ngôn luận và ngành báo chí truyền thông trong nước hoạt động
dưới sự điều khiển của nhóm cầm quyền, người dân Việt Nam
khao khát tin tức và thường thảo luận tranh cãi về các vấn đề
xã hội, chính trị, và thời sự. Cuộc sống khó khăn và bận
rộn nhiều khi càng làm tăng ý muốn theo dõi tin tức vì người
dân mong mỏi có sự thay đổi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không có
phương tiện hoặc khả năng thu thập tin tức hoặc các nguồn khác
nhau để kiểm chứng hoặc đối chiếu, nhất là có những biện
pháp của nhóm cầm quyền ngăn cản dân tiếp cận những nguồn tin
khắp nơi. Đó là không kể cuộc sống xã hội khiến người dân,
nhất là giới trẻ, thiếu những sinh hoạt lành mạnh, dùng thì
giờ theo dõi những tin tức mà Dobelli coi là không hữu ích như
chi tiết về ca sĩ, tài tử, giới giàu có, thời trang, v.v.
Ngoài ra, trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam,
cuộc chiến giữa người dân và NCQCS khác với cuộc chiến ý thức
hệ tại Hoa Kỳ, như được trình bày ở trên. Trên phương diện
hình thức hoặc lý thuyết, các từ ngữ tự do dân chủ được đặt
ra để phân biệt với cộng sản. Trên phương diện nội dung hoặc
thực tế, cuộc chiến giữa người dân Việt Nam, trong nước và hải
ngoại, với NCQCS và bè lũ không phải là cuộc chiến ý thức
hệ, mà là cuộc chiến giữa người dân hiền lành và lũ cướp
tàn ác, khủng bố, giết hại dân lành, phá hủy tài nguyên, băng
hoại văn hóa, tham nhũng, quỳ lạy Tàu cộng. Cuộc chiến đó là
cuộc chiến giữa thiện (người dân) và ác (NCQCS). Vì thiện và
ác có mục tiêu hoàn toàn khác nhau, sẽ không có vấn đề phân
cực chính trị, ngoài đời hay trong giới truyền thông. Do đó,
ngoài việc đối phó giới truyền thông, trong nước và hải ngoại,
với cùng sự xem xét cẩn thận ở trên, người dân Việt Nam cần
phải duy trì trí óc sáng suốt để hiểu rõ những âm mưu thâm
độc của NCQCS trong việc mị dân hoặc lừa đảo dân qua những tuyên
truyền về những ý thức hệ, và nên nhận rõ bản chất của
cuộc chiến. Đó là cuộc chiến giữa người dân lành và lũ cướp
của giết người, theo đúng như lời của nữ văn hào Richmal
Crompton vào năm 1929 trình bày ở trên.
D. Kết Luận:
Có nhiều ý thức hệ chính trị tại Hoa Kỳ, nhưng chỉ có hai ý
thức hệ chính yếu: liberal và bảo thủ. Trong chính trường Hoa
Kỳ, đảng Dân chủ ủng hộ chủ nghĩa liberal trong khi đảng Cộng
hòa theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ. Hai công trình nghiên cứu của
Trung tâm nghiên cứu Pew và của giáo sư Groseclose đưa ra những
kết quả phù hợp: Giới truyền thông Hoa Kỳ có khuynh hướng thiên
tả, nghiêng về đảng Dân chủ hơn là đảng Cộng hòa.
Đối diện với tình trạng phân cực của giới truyền thông, người
dân cần phải cẩn thận trong việc tiếp nhận tin tức bài vở.
Việc này đòi hỏi người dân tham gia tích cực trong việc truyền
bá thông tin, kể cả kiểm chứng và xét đoán tin tức bài vở
một cách khách quan. Đọc tin không còn là một hoạt động thụ
động mà là một hoạt động chủ động, kèm theo tìm tòi và thảo
luận về mọi tin tức. Đó là nghĩa vụ của mọi công dân.
Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam không phải là cuộc
đấu tranh giữa các ý thức hệ đối nghịch như tại các quốc gia
tự do dân chủ. Đó là cuộc chiến giữa thiện (người dân) và ác
(NCQCS). Do đó, không có phân cực chính trị, ngoài đời hay trong
giới truyền thông. Người dân Việt Nam nên đối phó với tuyên
truyền cộng sản vớí nhận thức rõ rệt bản chất của cuộc
chiến này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét