Ngày hôm qua 23/5/2017, báo chí quốc tế và trong nước đều
đưa tin về phiên tòa và hình ảnh cựu tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye xuất
hiện tại phiên tòa đối mặt với các cáo buộc về các tội nhận hối lộ, lạm quyền
và để lộ bí mật quốc gia. Bà Park đã xuất hiện với hình ảnh bị còng tay.
Trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm thán phục
về sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật xứ Kim Chi. Bà Park vừa mới đây
thôi (chỉ hơn 1 tháng trước) còn là đương kim Tổng thống - một chức vụ đầy quyền
uy, "số một" tại một quốc gia thuộc hàng hùng mạnh trên thế giới. Vậy
mà ...
Bà Park Geun-hye trên đường đến phiên tòa. Ảnh: REUTERS
Về mặt tình cảm con người, cá nhân tôi thấy thương cảm cho
bà Park khi thấy cảnh bà bị còng tay, và chia sẻ quan điểm của luật sư bào chữa
cho bà (xem bên dưới). Tôi thấy bà có thần thái của một người đàng hoàng. Trên
thực tế thời gian bà Park làm tổng thống, đất nước Hàn Quốc ổn định, phát triển
về mọi mặt. Tôi mong bà nhận được một bản án công bằng, nhân đạo. Nếu bà thực sự
có tội, thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, điều ấy cũng là lẽ công bằng.
Trông người, nghĩ lại mình, rất nhiều người, trong đó có
tôi, cảm thấy chán ngán cho tình trạng tham ô, tham nhũng, hối lộ đã và đang
phát triển tràn lan tại Việt Nam, lại càng ngán ngẩm cho "thành tựu"
chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước suốt mấy chục năm qua. Mà có thể nói một
cách ngắn gọn là kém hiệu quả, "thùng rỗng kêu to". Rồi đây thế hệ
con cháu của chúng ta sẽ khốn khổ ra sao, khi đất nước ngập trong nợ nần, tài
nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng ...vv. Nói một
cách thẳng thắn, thế hệ chúng ta có lỗi với đất nước, với thế hệ mai sau, với
tương lai của dân tộc, với tổ tiên.
Chúng ta từ lâu có một hệ thống pháp luật, một Bộ luật hình
sự tốt chứ không phải kém. Cụ thể là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật,
không phân biệt đảng viên hay người thường, cán bộ lãnh đạo cấp cao hay cấp thấp
... hễ ai tham ô tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì có thể bị
hình phạt từ chung thân đến tử hình, hễ ai nhận hối lộ từ 300 triệu đồng trở
lên thì có thể bị hình phạt chung thân đến tử hình (xem điều luật bên dưới). Rõ
ràng là luật Việt Nam quy định rất nghiêm, thậm chí nghiêm khắc hơn nhiều nước,
trong đó có Hàn Quốc. Thế nhưng thực tế pháp luật đã đi vào cuộc sống như thế
nào?
Hình ảnh bà Park bị còng tay tại phiên tòa thực tế làm cho
không ít người Việt Nam cảm thấy thương cảm cho bà, có người viết rằng nếu như
bà Park ở Việt Nam, chắc không đến mức "khổ nạn" như vậy. Tuy nhiên
hình ảnh này có lẽ không ảnh hưởng hay ám ảnh gì đến nhiều cán bộ cấp to tại Việt
Nam.
Thôi thì chép bài vào đây làm tư liệu quốc tế.
...........
Theo REUTERS, khi bắt đầu phiên tòa, một công tố viên tố cáo
bà Park lạm quyền và gây áp lực lên các công ty để nhận hối lộ hàng triệu USD.
Nếu bị kết tội nhận hối lộ từ lãnh đạo của các công ty lớn như người thừa kế
Jay Y. Lee của tập đoàn Samsung, bà Park sẽ đối mặt với mức án 10 năm tù.
Cựu tổng thống Hàn Quốc bị cho là nhận số tiền hối lộ khổng
lồ lên tới 29,8 tỉ won (khoảng 26,65 triệu USD) chỉ riêng từ ông Lee. "Bị
cáo Park Geun-hye, thông đồng với bạn là bà Choi Soon-sil, lạm quyền và gây áp
lực lên các doanh nghiệp để nhận hối lộ và thu lợi riêng. Bị cáo thậm chí bác bỏ
những sự thật cơ bản nhất nhưng các cáo buộc được hỗ trợ đầy đủ bởi những bằng
chứng xác đáng và lời khai" - công tố viên cao cấp Lee Won-seok nói.
Tuy nhiên, bà Park đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào
và không nhận tội tại phiên xét xử sơ thẩm. Trước khi phiên tòa bắt đầu, các luật
sư của bà Park bác bỏ 18 cáo buộc chống lại bà. Người thừa kế của Samsung cũng
phủ nhận cáo buộc hối lộ.
"Tổng thống Park không có lý do gì để ép buộc các công
ty quyên góp số tiền mà bà không thể dùng cho mục đích cá nhân. Bà không thu được
tài sản nào từ việc thành lập 2 tổ chức vì không cá nhân nào có thể tự do lấy
tiền quỹ từ tổ chức" - ông Yoo Yeong-ha, luật sư của bà Park, đề cập đến 2
tổ chức thể thao được thành lập để hỗ trợ chính sách của bà Park.
Cựu tổng thống Hàn Quốc còn bị buộc tội để lộ bí mật quốc
gia khi để cho bà Choi tiếp cận các giấy tờ công việc bằng cách nhờ bà sửa các
bài phát biểu. Ngoài ra, bà Park còn bị cho là nắm trong tay một danh sách các
nhân vật truyền thông bị cấm nhận được sự hỗ trợ của nhà nước vì chỉ trích
chính quyền.
Đây là lần đầu tiên bà Park xuất hiện kể từ khi bị bắt vào
tháng 3. Bà đến phiên tòa trong tình trạng bị còng tay, mặt nghiêm nghị, mắt
hơi sưng và luôn nhìn thẳng về phía trước. Bà Choi cũng ngồi cùng băng ghế với
bà Park, ở giữa là một luật sư. Cả 2 người không hề nói chuyện hay nhìn nhau
khi bước vào phòng xử án.
Trong ngày đầu tiên diễn ra phiên xét xử, bà Park rất kiệm lời.
Tuy nhiên, bà Choi lại tỏ ra khá xúc động khi khóc và nói: "Tôi đã phục vụ
Tổng thống Park suốt 4 thập kỷ qua. Tôi cảm thấy có lỗi vì đã khiến bà ấy ra
tòa như thế này. Bà ấy không phải là người có thể bị cám dỗ bởi tiền hối lộ".
Dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử vào ngày 25-5-2017.
................
Quy định tại Bộ luật hình sự Việt Nam:
Điều 278. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi
triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau
đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A
Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến
dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến
dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở
lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ
một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu
đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 279. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua
trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất
kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới
hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không
làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù
từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A
Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm
mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba
trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ
một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối
lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét