Nếu Lịch sử biết nói thì thời gian 43 năm lặng lẽ trôi qua sẽ bảo các Nhà viết sử Cộng sản Việt Nam rằng: "Vì kiêu ngạo và nhát gan mà đảng cầm quyền đã lỡ một chuyến tầu." Tại sao? Vì rằng đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã để mất chính nghĩa chủ
quyền quốc gia ở Biển Đông ngay khi quần Hoàng Sa bị quân Trung Cộng
đánh chiếm từ tay Hải quân của Việt Nam Cộng hòa ngày 19/01/1974.
Thời đó, chính quyền miền Bắc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không dám hé
răng phản đối Bắc Kinh vì sợ mất viện trợ và bị cắt đường tiếp vận vũ
khí của Nga và các nước Đông Âu Cộng sản cho miền Bắc xâm lăng Việt Nam
Cộng hòa đi qua lãnh thổ Trung Cộng.
Bây giờ, 43 năm sau, bộ sách “Lịch sử Việt Nam" từ khởi thủy đến năm
2000, gồm 15 tập có tổng số gần 10,000 trang đã không còn dùng từ “ngụy
quân ngụy quyền Sài Gòn” để chỉ chính thể Việt Nam cộng hòa trước 1975.
Và khi làm việc này, đảng CSVN nhắm đạt được 2 điều:
Thứ nhất, việc công nhận Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam là một thực thể
chính trị, song song với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc
trong giai đoạn 1954-1975 “có lợi trong việc tranh biện pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trước Trung Quốc”, theo quan điểm của giới nghiên cứu Việt Nam.
Thứ hai, mở ra một cánh cửa mới trong nỗ lực hòa giải, hòa hợp dân tộc
giữa hai miền Nam-Bắc nói chung và giữa đảng cầm quyền CSVN với ngót 4
triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nói riêng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ (PGS.TS) Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử
học, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách nói
với báo chí trong nước rằng: "Đây là tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ sử học. Hơn 30 nhà nghiên cứu sử học mất 9 năm để biên soạn bộ sử."
PGS Cường cho rằng: "Vấn đề Việt Nam Cộng hoà trong các bộ sử tới sẽ
phải nêu rõ hơn, khi đây là một thực thể tồn tại ở miền Nam Việt Nam gần
21 năm. Có một sự gối nhau khi năm 1954 có thể chế nữa gọi là Quốc gia
Việt Nam. Đến năm 1955, Ngô Đình Diệm truất Bảo Đại để làm quốc trưởng,
rồi trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống...
Thời gian trước, nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, nhiều người
vẫn quen gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền. Nhưng trong bộ sách gọi trung
tính hơn là "quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn". Theo ông Cường,
lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận." (VNExPRESS 19/8/017)
Vẫn theo VNEXPRESS, ông Cường nói thêm: "Khi viết tập 12, giai đoạn
1954 đến 1965, chúng tôi cũng có những tranh luận rằng có nên dùng "nguỵ
quân, nguỵ quyền" như trước đây không? Từ lâu, giới nghiên cứu đã cho
rằng không nên dùng, nói hay viết cũng đều không sai, nhưng mang hơi
hướng miệt thị. Trong bối cảnh hoà hợp dân tộc thì có những cách gọi cần
thay đổi. Khái niệm dùng trong văn bản khoa học nên có sự khách quan,
trung tính nên cuối cùng qua vài buổi tranh luận, tổ biên soạn quyết
định dùng từ quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn.”
Trên lãnh thổ Việt Nam từng tồn tại những thực thể chính quyền. Thời
chống Pháp (1945 - 1954) ngoài chính thể là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
thì ở các đô thị lớn thuộc vùng tạm chiếm, Pháp đã thành lập chính quyền
Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng. Sau Hiệp định Giơnevơ
(Geneve), ở miền Nam cũng có chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Dĩ nhiên,
thực thể này không chính danh, không hợp pháp.
Ngoài nói thẳng tính chất phụ thuộc về mặt chính trị của chính quyền
ấy, bộ sử cũng không né tránh khi viết về những thay đổi về kinh tế, văn
hoá, xã hội ở những vùng chiếm đóng. Thậm chí, thừa nhận nền kinh tế
hàng hoá miền Nam khi ấy phát triển hơn ở miền Bắc kế hoạch hoá tập
trung; hay chính quyền ấy cũng có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển
đảo, khi Trung Quốc ra tay đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974...”
Trong câu nói này, ông Giáo sư Cường đã “tiền hậu bất nhất”. Một mặt ông
bảo “lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp
nhận” nhưng ông lại cho rằng nói hay viết (nguỵ quân, nguỵ quyền) cũng
đều không sai .
Tại sao nó “đúng” và như vậy là không “mang hơi hướng miệt thị” hay sao?
Ông còn “nửa tỉnh nửa say” khi nói “chính quyền Việt Nam Cộng hoà” được
thành lập ở miền Nam sau Hiệp định Giơnevơ (Geneve) 1954, không chính
danh, không hợp pháp.
Tại sao “không chính danh” và “không hợp pháp” khi VNCH (1955-1975) là
một thực thể chính trị độc lập, có một chính quyền do dân bầu, có Hiến
pháp và được 78 Quốc gia công nhận?
Trong khi, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) của đảng CSVN, từ năm 1954 đến năm 1976 cũng là nhà nước độc lập nhưng không do dân bầu và chỉ quản lý thực tế miền Bắc Việt Nam.
Nhưng trong đầu lãnh đạo đảng và các nhà khoa bảng Cộng sản Việt Nam thì
chỉ có nhà nước VNDCCH mới “chính danh” và “hợp pháp” trên toàn lãnh
thổ.
Bằng chứng như cái loa tuyên truyền của Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) từng xuyên tạc: "Có
thể nói, ngay từ đầu, chính thể “Việt Nam Cộng hòa” đã không có một cơ
sở pháp lý vững vàng nào. Mãi tới tận năm 1955 nó mới ra đời và ra đời
một cách bất hợp pháp trên nửa lãnh thổ phía nam của Việt Nam như một
“sáng tạo” thuần túy của người Mỹ nhằm theo đuổi các mục tiêu phản ánh
lợi ích riêng của họ (thị trường Đông Nam Á, gia tăng ảnh hưởng ở vị trí
chiến lược, ngăn chặn làn sóng xã hội chủ nghĩa…).
Trong khi đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập một cách chính
danh trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1945 sau cuộc Cách mạng tháng
Tám của muôn triệu con dân đất Việt trước khi bất kỳ một lực lượng quân
Đồng minh nào vào giải giáp quân Nhật. Ngay trong năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
đã tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội theo chế độ phổ thông đầu phiếu
trên toàn quốc với sự tham gia của đông đảo đồng bào và đã có bản Hiến
pháp đầu tiên được thông qua – hai sự kiện này đặt cơ sở pháp lý vững
chắc cho nhà nước dân chủ mới khai sinh. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa đã ban hành những sắc lệnh, những văn bản pháp lý đầu tiên khẳng
định nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc chí Nam.
Không những vậy, sau năm 1954 nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù
đang trên thế thắng về mặt quân sự (với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm
châu) vẫn chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử sòng phẳng trên tinh thần hòa
hợp để thống nhất đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Tuy nhiên cả phía
Mỹ và cái gọi là Việt Nam Cộng hòa đều kiên quyết từ chối thiện chí
đó!" (VOV, ngày 23/04/2015)
Lu loa như thế chỉ đúng nửa sự thật. Bởi vì từ sau Chính phủ Liên Hiệp
Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hay liên hiệp Quốc-Cộng 1946, và
Quốc hội có dân bầu đầu tiên 1946, dù nhiệm kỳ cho đến 1960 mới chấm
dứt, nhưng lực lượng phá hoại của đảng CSVN do hai ông Võ Nguyên Giáp và
Trần Quốc Hoàn chỉ huy đã tìm mọi cách để đánh phá hai đảng Việt Nam
Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội để chiếm độc quyền cai
trị.
Bằng chứng đã được ghi trong Bách khoa Toàn thư mở: "Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn, sau này trở thành Bộ trưởng Công an, nhiệm vụ vô hiệu hóa các cuộc biểu tình do Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội
tổ chức nhằm chấm dứt hoạt động tuyên truyền của các đảng này trong dân
chúng. Võ Nguyên Giáp kể lại: "Chúng tôi phải trừng trị bọn phá hoại...
Nhưng bằng mọi giá phải tránh khiêu khích và đảm bảo không xảy ra xung
đột lớn". Võ Nguyên Giáp dùng lực lượng tự vệ và các hội viên Hội Cứu
Quốc phá các cuộc biểu tình này."
Như vậy, dù có “chính danh” trên giấy tờ nhưng chính phủ liên hiệp ban
đầu đã thay hình đổi dạng bằng một Chính phủ và Quốc hội đảng cử dân
bầu của riêng đảng CSVN. Từ đó cho đến ngày được gọi là “thống nhất đất
nước chính thức”, sau cuộc tổng tuyển cử ngày 25 tháng 4 năm 1976 và sau
20 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng CSVN chủ động xâm lược
VNCH từ 1955 đến tháng 4/1975, cái “chính danh” của Quốc hội đảng cử dân
bầu và nhà nước do đảng độc quyền lãnh đạo chưa bao giờ là “của dân,
do dân và vì dân” như nhà nước tuyên truyền.
Lời Nguyễn Cơ Thạch
Nhưng tại sao Chính phủ VNDCCH ở miền Bắc đã không dám phản đối Trung
Cộng khi Bắc Kinh xua quân đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa tháng 1/1974?
Ông Dương Danh Dy, một chuyện gia về Trung Hoa của Việt Nam đã trích lời
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào thời điểm xảy ra vụ Hoàng Sa
để trả lời cho thắc mắc này.
Báo Tuần Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông CSVN, trong số ra
ngày 6/1/2014 viết: "Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm
Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, 19.1.1974, có một băn khoăn của nhiều
người là tại sao lúc đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng.
Có phải chăng như sử gia Nguyễn Đình Đầu đã nghĩ rằng tình đồng chí giữa những người Cộng sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ?
Tuanvietnam có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành
Dương Danh Dy - người có may mắn biết được nội tình câu chuyện.
Phóng viên: Có một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là, hồi Trung Quốc
đánh Hoàng Sa đầu năm 1974, tại sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
lại không lên tiếng phản đối?
Và, đối với một số người, thậm chí còn đặt vấn đề nặng hơn là Việt Nam
lúc đó đã nể, sợ Trung Quốc. Thậm chí không ít người còn chỉ trích Ban
Lãnh đạo Việt Nam lúc đó còn đặt tình đồng chí cao hơn lãnh thổ quốc
gia?
Dương Danh Dy: “Tôi xin nói rằng đó chính là câu hỏi mà tôi cũng thắc
mắc cách đây 40 năm, khi còn là một tổ trưởng theo dõi quan hệ Việt -
Trung. Tất nhiên, tôi phàn nàn với mấy anh bạn đồng nghiệp thôi. Nhưng
không hiểu sao, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao,
nghe được, và cho gọi tôi lên gặp ông.
Ông Thạch, vốn rất quý tôi vì biết rõ tính ngay thẳng của tôi, đã nói luôn:
"Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất
nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn?
Cậu có biết rằng viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông
Âu dành cho chúng ta chủ yếu đi qua đường nào? Rồi cậu chắc biết hơn
những người khác rằng Trung Quốc viện trợ cho chúng ta như thế nào trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ...
Thế mà bây giờ, vì cái chuyện Hoàng Sa, mà đằng nào họ cũng chiếm của
Việt Nam rồi, chúng ta lên tiếng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng
tới sự nghiệp lớn hơn."
Lúc đó, ông Thạch chỉ nói cho tôi đến thế thôi, và tôi cũng thông."
Ông Dy “thông” nhưng lịch sử thì không vì vào năm 1958, Thủ tướng Phạm
Văn Đồng đã gửi Công hàm cho Thủ tướng Trung Hoa Chu Ân Lai nhìn nhận
chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc trên Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong một dịp khác, lời nói của ông Dương Danh Dy còn được phổ biến trên Internet nhận định rằng: "Việc
không nói để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước thì rõ
rồi. Nhưng việc không nói còn làm cho Ban Lãnh đạo Trung Quốc chủ quan,
nghĩ rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi nhẹ vấn đề biển đảo mà không tìm
cách đánh chiếm luôn quần đảo Trường Sa nữa.".
Rất tiếc dự đoán về ý đồ của Trung Cộng ở Trường Sa của chuyên gia
Dương Danh Dy không hoàn toàn đúng. Thay vì “đánh chiếm hết”, Trung Cộng
đã làm chủ 7 đảo quân sự được tân tạo từ các bãi đá có vị trí chiến
lược ở Trường Sa để đe dọa trực tiếp Việt Nam.
Đó là: đá Châu Viên, đá Chữ Thập, cụm đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn và đá Xu Bi.
Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Cộng sẽ chỉ dừng chân ở 7 vị trí này.
Như vậy, qua lời ông Nguyễn Cơ Thạch, ai cũng thấy rõ việc bảo vệ sự
toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đối với đảng và chính phủ miền Bắc khi Hoàng
Sa bị Trung Cộng đánh chiếm năm 1974 không quan trọng bằng việc phải
đánh phá để chiếm Việt Nam Cộng hòa!
Bây giờ, có sáng mắt ra cũng đã quá muộn vì dù sách sử mới có nhìn nhận
VNCH thì Hoàng Sa và một phần Trường Sa cũng đã nằm trong tay Trung
Cộng.
Cho nên nếu Tiến Sỹ sử học Nguyễn Nhã (thời VNCH ở lại) cho rằng "Việc
thừa nhận này (VNCH) có lợi trước nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ
chủ quyền biển đảo của Việt Nam" (Tuổi Trẻ online, ngày 20/08/017) thì
cũng chi là mong ước mà thôi.
Bởi vì khi Phi Luật Tân mời Việt Nam tham gia vụ kiện Trung Cộng ra tòa
án Quốc tế năm 2013 để bác bỏ chủ quyền tự nhận của Bắc Kinh trong
hình Lưỡi Bò (hay đường 9 đoạn), chiếm ¾ diện tích trên 3 triệu cây số
vuông biển đảo ở Trường Sa thì Việt Nam không dám làm.
Tiến sỹ Nguyễn Nhã cũng nói với báo Tuổi Trẻ rằng: "Từ năm 1954 -
1975 chỉ có chính quyền ở miền Nam Việt Nam mới có quyền quản lý Hoàng
Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này ở vị trí dưới vĩ tuyến 17, cũng đã
từng được rất nhiều nước thừa nhận, nên chính quyền Việt Nam cộng hòa
phải được chính thức thừa nhận mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên
tục."
Nhưng tại sao phải mất tới 43 năm, kể từ khi Trung Cộng dùng võ lực đánh
chiếm quấn đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974, từ tay Hải quân
VNCH, sách sử của nhà nước CSVN mới biết nhìn nhận có một Chính quyền
Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam để có lợi về mặt chủ quyền biển đảo ở Biển
Đông nói chung và Hoàng Sa nói riêng?
TS Nguyễn Nhã còn lạc quan, theo tường thuật của Tuổi Trẻ: "Trong cái
nhìn triển vọng về việc thừa nhận chính thể Việt Nam cộng hòa, ông Nhã
cũng lưu ý rằng “Hiện nay có hơn 4 triệu Việt kiều trong đó các thành
phần trong chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng rất quan trọng. Công nhận
Việt Nam cộng hòa sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, như ý
nguyện lúc sinh thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt".
Không chỉ thế, theo ông Nhã, “...Thừa nhận Việt Nam cộng hòa, Việt Nam
chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về
văn hóa giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay
đang thực hiện. Đặc biệt như tôi đã phát biểu trong Đại hội kỷ niệm 50
năm thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam rằng giới sử học ở miền Nam
trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm. Bất cứ nước
nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát
triển và ngược lại rất khó phát triển”.
Quả là nhiêu khê đấy. Nếu chỉ cần tập sách sử biết nhìn nhận có một
Chính quyền VNCH ở miền Nam từng kiểm soát chủ quyền ở Hoàng Sa và
Trường Sa mà đảng CSVN lấy lại được chính nghĩa để vận động toàn dân hy
sinh bảo vệ lãnh thổ thì rẻ quá.
Nhưng cái giá mà nhà nước CSVN phải trả cho hòa hợp, hòa giải dân tộc
với người Việt Nam Cộng hòa trong và ngoài nước còn cao gấp vạn lần
hơn.
Còn cao hơn, nếu cụm từ “ngụy quân ngụy quyền” chỉ có giá trị trên trang sách mà trong đầu thì không.
Chỉ lỡ một chuyến tầu thôi mà khổ thế đấy. -/-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét