Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong những năm gần đây tỏ ra có quan hệ ấm áp. Tuy nhiên The Economist trong bài viết mang tựa đề « Nga và Trung Quốc, đối tác bấp bênh » đã nhận định,mối nghi ngờ tiềm ẩn giữa đôi bên cũng rất sâu sắc.
Hôm
21/07/2017, ba tàu chiến Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên
tại Biển Baltic với hạm đội Nga. Hai cường quốc muốn gởi đi một thông
điệp đến nước Mỹ cũng như người dân trong nước, rằng chúng tôi đoàn kết
chống lại sự thống trị của phương Tây, không sợ hãi trong việc biểu
dương lực lượng ngay tại sân sau của NATO ! Cuộc tập trận cũng nhằm
chứng tỏ tình hữu nghị Nga-Trung thắm thiết như thế nào. Bao nhiêu nước
đã chảy qua cầu kể từ sau cuộc chiến tranh lạnh giữa Matxcơva và Bắc
Kinh từ thập niên 60 đến thập niên 80.
Có thể kể ra nhiều sự kiện
mang tính biểu tượng như thế lúc gần đây. Tháng Bảy năm nay, trên đường
đến Đức dự hội nghị G20, ông Tập Cận Bình đã dừng chân ở Matxcơva. Đồng
nhiệm Nga, ông Vladimir Putin quàng vào cổ ông huân chương St Andrew,
tấm huy chương cao quý nhất của nước Nga. Truyền hình nhà nước Nga ca
ngợi : « Nga đang xoay trục sang phương Đông, còn Trung Quốc quay sang hướng Tây, về phía nước Nga ».
Từ
khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình thăm Matxcơva nhiều hơn hẳn bất cứ
thủ đô nào khác. Năm 2013, trong hội nghị APEC ở Indonesia, ông Tập còn
tham dự buổi lễ sinh nhật của ông Putin. Bên ly vodka, Vladimir Putin kể
về người cha từng tham chiến chống Đức quốc xã, còn Tập Cận Bình hồi
tưởng về người cha chống Nhật.
Năm 2015, ông Tập là khách mời
danh dự trong cuộc diễn binh kỷ niệm 70 kết thúc Đệ nhị Thế chiến – bị
phương Tây tẩy chay vì Nga xâm chiếm Crimée. Bốn tháng sau, ông Putin có
mặt trên khán đài ở Bắc Kinh, dự khán cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến
thắng của Trung Quốc trước Nhật Bản. Lần đó cũng chỉ có mỗi mình bà Park
Geun Hye, tổng thống Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, tham dự.
Sao chép cách cai trị độc tài của nhau
Tập
Cận Bình và Vladimir Putin học hỏi kinh nghiệm độc tài của nhau. Trung
Quốc cóp lại các đạo luật cứng rắn của Nga về các tổ chức phi chính phủ
(NGO), còn điện Kremlin cố tìm hiểu Bắc Kinh kiểm duyệt internet như thế
nào. Trong chuyến thăm Matxcơva của ông Tập, bà Margarita Symonyan,
giám đốc Russia Today, kênh truyền hình bằng tiếng nước ngoài của điện
Kremlin nói với hai nhà lãnh đạo là Nga và Trung Quốc đều là « nạn nhân của thông tin khủng bố » từ báo chí phương Tây. Theo bà, cả hai nước cần phải giúp đỡ lẫn nhau vì « chúng ta đang đơn độc chống lại đạo quân hùng mạnh của truyền thông dòng chính phương Tây ».
Channel
One, kênh truyền hình chính của nhà nước Nga vốn rất hăng hái chống Mỹ
và bênh vực cho việc Nga sáp nhập Crimée của Ukraina, sau đó đã được
phép khai trương dịch vụ truyền hình cáp tại Trung Quốc với phụ đề tiếng
Hoa, mang tên Kachiusa – một loại hỏa tiễn thời Liên Xô cũ.
Quan
hệ giữa Nga và phương Tây bị đổ vỡ do cuộc xung đột Ukraina, đã khiến
Matxcơva phải quay sang Trung Quốc. Nhưng theo các nhà quan sát, tình
đồng chí này chỉ ngoài mặt, phía sau là những bất đồng sâu sắc. Nga cần
Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Nga. Và Nga cảm thấy không thoải mái
trước mối quan hệ mất cân bằng này, cho thấy một nước Nga vĩ đại chỉ là
ảo tưởng. Matxcơva quan ngại trước người láng giềng nổi tiếng đầy tiềm
năng kinh tế, và sức mạnh quân sự đang nhanh chóng gia tăng.
Về
phía Trung Quốc thì lo ngại ý muốn thay đổi trật tự thế giới hậu chiến
tranh lạnh của Nga. Bắc Kinh đã hưởng lợi rất nhiều từ toàn cầu hóa, dĩ
nhiên không muốn xáo trộn nguyên trạng.
Trong vụ Nga can thiệp vào
Ukraina, các lãnh đạo Bắc Kinh giữ im lặng, cũng như Nga đã làm ngơ
trước hành động bành trướng, bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc
trên Biển Đông. Tuy nhiên người ta ghi nhận, Bắc Kinh chưa hề chính thức
công nhận việc Nga sáp nhập Crimée. Sau cuộc « trưng cầu dân ý » giả
tạo tại Crimée về việc gia nhập Liên bang Nga, cơ quan kiểm duyệt Trung
Quốc đã ra lệnh cho truyền thông không nhắc đến sự kiện này. Các quan
chức Trung Quốc lo sợ người dân ở Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương đòi độc
lập, và cũng không muốn phe dân tộc chủ nghĩa nhân cơ hội này đòi sáp
nhập Đài Loan.
Đối với Trung Quốc, quan hệ kinh tế và chính trị
với Hoa Kỳ là hết sức quan trọng, còn thương mại Nga-Mỹ chỉ bình bình từ
nhiều năm qua. Trong giao thương với Nga, Bắc Kinh chỉ quan tâm đến dầu
khí. Năm ngoái Nga đã vượt qua Angola và Ả Rập Xê Út, trở thành nhà
cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Năm 2014 Nga và Trung Quốc đã
ký kết hợp đồng lên đến 400 tỉ đô la, để khai thác hai mỏ khí thiên
nhiên ở đông Xibêri bán cho Trung Quốc dự kiến bắt đầu từ 2019. Tuy
nhiên hai bên đang bất đồng về việc tài trợ xây đường ống dẫn khí, Bắc
Kinh không muốn đầu tư vào trong lúc giá dầu thế giới đang ở mức thấp.
Một
trong số những mặt hàng xuất khẩu hiếm hoi nữa của Nga là vũ khí. Từ
khi Liên Xô bị sụp đổ năm 1991, Nga đã bán cho Trung Quốc 32 tỉ đô la,
chiếm khoảng 80% tổng số tiền Bắc Kinh đổ ra mua vũ khí. Gần đây
Matxcơva cung cấp cho Trung Quốc loại hỏa tiễn địa đối không S-400 hiện
đại, và chiến đấu cơ Su-35 lợi hại. Tuy nhiên điện Kremlin chỉ quan tâm
đến vấn đề thương mại hơn là chiến lược : Nga cũng bán vũ khí cho các
đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ và Việt Nam.
Ảo ảnh con đường tơ lụa
Với
việc Nga bị phương Tây siết chặt về thị trường vốn, Trung Quốc đã trở
thành nguồn cung cấp chính cho Nga. Các bạn bè của ông Vladimir Putin,
bị phương Tây đóng sập cửa, là những người được hưởng lợi. Một trong số
đó là Gennady Timchenko. Ông này là đồng sở hữu với con rể của ông Putin
công ty hóa dầu Sibur. Tháng 12/2015, Sibur bán 10% cổ phần cho tập
đoàn quốc doanh Trung Quốc Sinopec, thu về 1,3 tỉ đô la và năm ngoái bán
tiếp 10% cho Silk Road Fund.
Đối với các lãnh đạo Bắc Kinh, hỗ
trợ cho những nhân vật như thế là rất đáng đồng tiền bát gạo, để bảo đảm
nguồn cung ứng năng lượng và vũ khí. Họ không mấy tin tưởng vào khả
năng vươn lên của nền kinh tế Nga. Một chuyên gia Trung Quốc cho biết
đối với Bắc Kinh, Nga chỉ đáng quan tâm về mặt an ninh chứ không phải
kinh tế. Để thay đổi cách nhìn này, Nga cần phải cải cách kinh tế sâu
rộng : sửa chữa những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp và định rõ quyền
sở hữu trí tuệ. Nhưng dưới thời ông Vladimir Putin, không có hy vọng gì.
Trung
Quốc không ảo tưởng về sức mạnh của Nga. Bắc Kinh biểt rằng Matxcơva
yếu sức, và đang trên đà xuống dốc. Nhiều chính phủ Mỹ liên tiếp cũng
kết luận như thế. Nhưng nếu các lãnh đạo Hoa Kỳ coi thường Nga, thì
Trung Quốc lại làm ngược lại. Bắc Kinh cho rằng không nên chọc giận một
cường quốc đang yếu đi, nhưng sở hữu vũ khí nguyên tử.
Trong lịch sử, « tình bạn không có gì lay chuyển nổi » giữa
Nga và Trung Quốc mà Stalin và Mao Trạch Đông từng tuyên bố năm 1950,
đã kết thúc bằng một cuộc nghênh chiến Nga-Trung không đầy 20 năm sau.
Một cựu viên chức ngoại giao Trung Quốc nhớ lại, hồi đó dọc theo 4.200
km đường biên, hàng trăm ngàn quân Liên Xô và Trung Quốc đã dàn trận.
Dân chúng vô cùng sợ hãi trước nguy cơ chiến tranh hiển hiện.
Phía
Nga cũng rất cảnh giác trước Trung Quốc. Mặc cho cuộc tập trận trên
Biển Baltic (và các cuộc tập trận chung khác trong hai năm qua trên Biển
Đông và Địa Trung Hải), Nga vẫn cho thao dượt để đề phòng một cuộc
chiến với Trung Quốc. Matxcơva sợ rằng nước láng giềng đông dân một ngày
nào đó chiếm lấy vùng Viễn Đông cư dân thưa thớt của Nga. Các nhà hoạch
định chiến lược Nga không quên lịch sử : dù ngoài mặt thơn thớt nói
cười, nhưng Bắc Kinh có thể bỗng dưng đòi chia phần vùng đất này, trong
đó có Vladivostok hồi thế kỷ 19 đã có một phần thuộc về vương triều nhà
Thanh.
Hai nước tranh giành ảnh hưởng tại Trung Á, nơi Trung Quốc
đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của tất cả các nước thuộc Liên
Xô cũ (trừ Uzbekistan), đồng thời là nhà đầu tư số một. Nga tự cho mình
là sức mạnh quân sự và chính trị tối quan trọng tại vùng này, còn Trung
Quốc chỉ tập trung vào kinh tế. Nhưng theo chuyên gia Úc Bobo Lo, tình
trạng này không kéo dài. « Con đường tơ lụa mới » của ông Tập Cận
Bình, nối kết Trung Quốc với Trung Á và các nước ở xa hơn thông qua các
dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng, sẽ tạo ảnh hưởng chính trị lớn cho
Bắc Kinh.
Tính
chất bất đối xứng giữa Nga và Trung Quốc đặc biệt thấy rõ tại vùng Viễn
Đông. Vài năm trước, cư dân vùng này rủng rỉnh tiền bạc, đem chi xài
tại Trung Quốc, nhưng nay đồng rúp bị mất giá theo với đà xuống dốc của
kinh tế Nga. Giờ đây họ phải trông đợi vào sự vung tay xài tiền của du
khách Trung Quốc. Tại Vladivostok, một công ty du lịch cho biết không đủ
phòng nghỉ cho khách từ Hoa lục.
Trên đường phố, các thanh niên
Nga cố gắng bán do du khách Trung Quốc những tờ giấy bạc và tiền đồng
Liên Xô cũ. Trong một khách sạn, khách du lịch người Hoa chen chúc ở nhà
hàng mỗi khi có các nữ vũ công ăn mặc « thiếu vải ». Sự xấu hổ của cư
dân trước sự sa sút của đất nước mình so với sự hãnh tiến của Trung Quốc
rất rõ. Những tàu chiến Trung Quốc trên Biển Baltic lại càng làm đậm
thêm cảm giác này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét