Bản đồ nới tranh chấp - Doklam - giữa Bhutan và Trung Quốc.
© RFI
Nhân vụ căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ sau khi Bắc
Kinh, vào trung tuần tháng 6 này, cho lính tiến vào cao nguyên Doklam trên lãnh
thổ Bhutan để xây đường, một chuyên gia Ấn Độ về quốc phòng, nữ tiến sĩ Namrata
Goswami, đã có bài phân tích trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày
18/08/2017 về thủ đoạn của Bắc Kinh : Ký kết các « Nguyên tắc chỉ đạo việc duy
trì nguyên trạng ở các vùng tranh chấp » để ràng buộc láng giềng, để rồi sau đó
phớt lờ thỏa thuận đã ký để ngang nhiên đòi xâm lấn vùng lãnh thổ tranh chấp
Trong bài viết mang tựa đề « Có nên nghiêm túc tin vào ‘lời
hứa’ đàm phán về tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc hay không - Can China Be
Taken Seriously on its ‘Word’ to Negotiate Disputed Territory? », tác giả đã lần
lượt phân tích thủ đoạn của Bắc Kinh tại ba vùng tranh chấp : Doklam ở Bhutan,
Arunachal Pradesh ở Ấn Độ và Biển Đông.
Tại vùng cao nguyên Doklam ở Bhutan, nơi binh lính Ấn Độ và
Trung Quốc đang gờm nhau ở vùng biên giới với Trung Quốc từ trung tuần tháng
Sáu, Bắc Kinh đã gây căng thẳng khi đưa công binh đến xây một con lộ trên lãnh
thổ Bhutan chạy từ Dokola đến Jampheri, nơi có căn cứ quân sự Bhutan.
Đối với bộ Ngoại Giao Bhutan, hành động của Trung Quốc đã «
vi phạm các thỏa thuận song phương, tác động đến tiến trình phân định biên giới
hai bên ». Bhutan đồng thời hy vọng là « nguyên trạng của vùng Doklam như trước
ngày 16/06/2017 được duy trì. »
Tuy Bhutan và Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao nhưng
hai bên đã tiến hành 7 vòng đàm phán và chủ trương giải quyết tranh chấp một
cách hòa bình. Năm 1988, hai nước đã ký một thỏa thuận về « Các nguyên tắc chỉ
đạo », và đến năm 1998 thì ký thỏa thuận « Duy trì hòa bình và sự yên ổn ở biên
giới Trung Quốc - Bhutan ».
Qua hai thỏa thuận này, hai quốc gia cam kết giải quyết
tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại, và không có bất kỳ hành động nào
đe dọa hòa bình. Hai bên cam kết giữ nguyên trạng, không thay đổi gì ở biên giới.
Nhưng Trung Quốc gần đây đã khẳng định thỏa thuận về vấn đề
biên giới với Bhutan không liên quan đến vùng Doklam, vì đứng trên mặt lịch sử
vùng này thuộc Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lục Khảng, trong cuộc
họp báo tại Bắc Kinh ngày 28/06, khẳng định : « Doklam là một vùng của Trung Quốc
từ thời xa xưa, chứ không phải là của Bhutan, và càng không phải là của Ấn Độ.
Đó là điều không thể chối cãi và được lịch sử chứng minh. Trung Quốc xây dựng một
con đường ở Bhutan là một hành động chủ quyền trên lãnh thổ của mình... »
Theo tác giả bài viết, việc Trung Quốc đột nhiên vào Bhutan
xây đường có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng khi nhìn những gì Trung Quốc
đã làm đến nay, liên quan đến lãnh thổ đang tranh chấp, từ Ấn Độ qua Bhutan rồi
đến Biển Đông, thì dường như Bắc Kinh theo đúng một mô hình, tiến hành một cách
có hệ thống.
Trung Quốc ký « nguyên tắc chỉ đạo » hay « thỏa thuận duy
trì hòa bình và ổn định » với quốc gia tranh chấp, thiết lập như vậy một cái
khung, với quy tắc rõ rệt, ràng buộc nước ký kết và che mắt đối thủ về những kế
hoạch tương lai của Trung Quốc đòi chủ quyền một cách hung hăng.
Ấn Độ
Một ví dụ là trường hợp Ấn Độ. Năm 2005, Trung Quốc và Ấn Độ
ký thỏa thuận mang tên « Thông số chính trị và các nguyên tắc chỉ đao việc giải
quyết vấn đề biên giới Ấn-Trung ». Điều IX của thỏa thuận này quy định hai bên
tôn trọng đường ranh hiện hữu và cùng duy trì ổn định vùng biên giới.
Nhưng năm 2006, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Đô, Tôn Ngọc Tỉ
(Sun Yuxi) tuyên bố là « cả bang Arunachal Pradesh thuộc lãnh thổ Trung Quốc,
và nơi tranh chấp, vùng Tawang, chỉ là một bộ phận của Arunachal. Chúng tôi đòi
cả bang. Đó là quan điểm của chúng tôi. »
Sau tuyên bố này, quân đội Trung Quốc thường xuyên thâm nhập
vào khu vực, tìm cách dựng trại, căn cứ tại đây. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng
cho in bản đồ Arunachal Pradesh trên hộ chiếu Trung Quốc cũng như những vùng
tranh chấp ở Biển Đông, coi như thuộc về Trung Quốc.
Biển Đông
Mô hình mà Trung Quốc sử dụng ở 3 nơi tranh chấp chủ quyền y
hệt như nhau: Yêu sách chủ quyền dựa trên nền tảng lịch sử xa xưa, tiếp theo là
đưa quân thâm nhập, xây đường xá, bất chấp thỏa thuận đã ký kết là bảo đảm duy
trì nguyên trạng và giải quyết tranh chấp qua đàm phán hòa bình.
Trường hợp Biển Đông cũng vậy. Trung Quốc cũng đồng ý với
ASEAN về một khung ứng xử (CoC) vào tháng 5 vừa qua. Theo bản dự thảo (CoC),
các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh lắp đặt vũ khí tấn công
trên các đảo.
Năm 2002 trong Bản Tuyên Bố Ứng Xử - DOC mà Trung Quốc và
ASEAN đã thông qua, có phần ghi rõ « các bên tự kềm chế trong hoạt động có thể
làm tranh chấp phức tạp hay leo thang, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, trong
đó có việc cư ngụ trên các đảo, đá, vốn không người ở hay những thực thể địa lý
khác... ».
Nhưng Trung Quốc đã sử dụng sự hiện diện của họ và những yếu
tố khác tại hiện trường để đưa ra yêu sách chủ quyền, mặc dù đã ký kết bản
tuyên bố 2002, và đã lập ra những vùng cấm, những vùng quân sự ở Biển Đông.
Tháng Giêng 2014, tàu Trung Quốc ồ ạt nạo vét cát, tiến vào
bên trong các rạn san hô ở 7 thực thể ở Trường Sa : Chữ Thập (Fiery Cross
Reef), Vành Khăn (Mischief Reef), Ga Ven (Gaven Reef), Châu Viên (Cuarteron
Reef), Xu Bi (Subi Reef), Gạc Ma (South Johnson Reef), và Tư Nghĩa (Hughes
Reef).
Một khi các đảo nhân tạo được hoàn tất, bước tiếp theo là
các công trình xây dựng cơ sở, bến cảng, phi đạo, đài rađa, nơi đóng quân, tóm
lại, tất cả hoạt động xác định chủ quyền và kiểm soát lãnh thổ tranh chấp.
Yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc cũng dựa trên lịch
sử; thủy thủ Trung Quốc thời xa xưa đã khám phá ra các đảo Nam Sa (Nansha), tức
là các đảo Biển Đông bây giờ. Theo Bắc Kinh, đó là từ thế kỷ thứ 2 trước công
nguyên, và ngư phủ Trung Quốc luôn qua lại vùng này từ thời nhà Minh và nhà
Thanh.
Tóm lại, theo chuyên gia Goswami, chiến lược của Trung Quốc
là luôn đi ngược lại với những gì chính họ ký kết. Họ đưa quân xây đường ở vùng
tranh chấp với Bhutan, thâm nhập vùng tranh chấp với Ấn Độ, xây đảo nhân tạo ở
Biển Đông trong lúc vẫn cổ vũ duy trì nguyên trạng.
Câu hỏi là tại sao ký « nguyên tắc chỉ đạo », « thỏa thuận
khung » để rồi vi phạm sau đó ? Có lẽ là để kềm chế, ràng buộc nước tranh chấp
với Trung Quốc, còn Bắc Kinh thì hành động ngược lại, sử dụng lịch sử, che mắt
đối phương trên các đường biên giới không rõ ràng.
Bài viết kết luận : Điều rõ nét qua chiến lược của Trung Quốc
ở 3 nơi tranh chấp trên là Trung Quốc không hề tôn trọng « những thỏa thuận
khung », những cam kết, khiến người ta nghi ngờ về tính nghiêm túc, đáng tin cậy
của Trung Quốc trong đàm phán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét