Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Sự vô minh trong Quy định số 90

Nguyễn Đình Cống




Ngày 4-8-2017 Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 90-QĐ/TW: Tiêu chuẩn đánh giá cán bộ Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Về quy định này, tôi đã đọc được một số phản biện và nhận xét rất hay của Tô Văn Trường, Lê Phú Khải, Hòa Ái, Hạ Đình Nguyên, Bùi Quang Vơm đăng trên trang Boxitvn. Chỉ xin có vài ý kiến bổ sung.



Vô minh là khái niệm thường dùng trong Phật giáo để chỉ tình trạng không hiểu biết thấu đáo về bản chất của sự việc, tạo ra nhận thức nhầm lẫn và hành động sai trái, dẫn đến kết quả lợi ít hại nhiều. Vô minh là cách nói văn hoa còn theo dân dã, nói trắng ra là sự ngu tối. Trong tác phẩm "Thất bại lớn", Brzezinski chỉ ra rằng chủ nghĩa cộng sản chắc chắn sụp đổ, mà nguyên nhân cơ bản là "thiếu trí tuệ", hoặc nói cách khác là vô minh. Đảng Cộng sản Việt Nam vì vô minh mà đã phạm nhiều sai lầm như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, kinh tế quốc doanh, vụ Vinashin, Vinaline, Bô-xit Tây Nguyên, Formosa, Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Vĩnh Bình… Trong các nước dân chủ, khi đảng cầm quyền chỉ phạm một trong những sai lầm loại trên thì đã mất tín nhiệm, bị nhân dân dùng lá phiếu loại bỏ. Ở Việt Nam, mặc dầu vì vô minh, Đảng Cộng sản mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác nhưng dựa vào bạo lực, tuyên truyền và trên nền dân trí thấp mà vẫn giữ được sự thống trị tạm thời. Để tỏ ra sự sáng suốt, Đảng Cộng sản viết và công bố hết nghị quyết này đến nghị quyết khác, hết quy định này đến quy định khác. Nhưng xem ra trong các nghị quyết và quy định đó, ngoài những khẩu hiệu và ngôn từ sáo rỗng, còn chứa đựng nhiều điều vô minh. Xin phân tích vài điều như vậy trong Quy định số 90-QĐ/TW.

1- Mục đích của Quy định



Sau khi Quy định được công bố, nhiều người hỏi nhau: Mục đích của quy định này là gì. Hỏi rồi đưa ra lời đoán. Đoán thì có thể đúng hoặc sai. Không có giải thích rõ ràng và trung thực, thế là đã vô minh. Đề ra tiêu chuẩn để đánh giá chứ không phải tiêu chuẩn để lựa chọn. Ừ thì tiêu chuẩn đánh giá và tiêu chuẩn lựa chọn có thể giống nhau, nhưng tiêu chuẩn lựa chọn là thuộc tiềm năng, còn tiêu chuẩn đánh giá là dựa vào công việc đã làm. Trong hơn tám chục năm tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi chưa thấy có khi nào tổ chức đảng đưa ra tiêu chuẩn cụ thể để lựa chọn cán bộ mà chủ yếu dựa vào bầu cử ở các đại hội. Ở đó, về hình thức có các khẩu hiệu "Sáng suốt lựa chọn…" và bầu cử dân chủ. Nhưng dưới chế độ cộng sản, càng ngày bầu cử càng chỉ là cách hợp pháp hóa của một sự áp đặt độc đoán. Những người được bầu chủ yếu đạt tiêu chuẩn quan trọng nhất là "được lòng cấp trên" và cùng phe cánh với các nhóm lợi ích.



Bỗng dưng xuất hiện Quy định 90. Phải chăng vì từ trước đến nay không có tiêu chuẩn đánh giá nên mới làm cho Đảng nát bét như hiện nay và rồi với quy định này, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trở nên trong sạch, vững mạnh, tiến thêm một bước vững chắc hay Quy định 90 chỉ là cái cớ để các phe phái lợi dụng đấu đá lẫn nhau. Vậy mục đích là vô minh.

2- Phương pháp thể hiện



Đặt ra tiêu chuẩn là để vận dụng. Tùy vào đối tượng mà tiêu chuẩn cần rất cụ thể hoặc có tính khái quát hóa. Sự khái quát ở mức cao đưa về 2 khái niệm tốt và xấu. Ở các nước dân chủ, để chọn lựa người đứng đầu nhà nước hoặc một tổ chức nào đó, chỉ cần tiêu chuẩn quan trọng và duy nhất là được sự tín nhiệm của đa số cử tri. Để đánh giá hoạt động của cá nhân hoặc tổ chức cũng chỉ cần tiêu chuẩn quan trọng và duy nhất là được lòng hay mất lòng đa số cử tri. Để loại bỏ một người khỏi cương vị (ví như Tổng thống Nixon của Mỹ, Tổng thống Park Geun-hye của Hàn Quốc), chỉ cần vạch ra một tội nào đó đáng kể, chẳng cần những tiêu chuẩn dài dòng. Để chọn lựa quan chức của chính quyền, ông Lý Quang Diệu chỉ dựa vào 2 tiêu chuẩn: có tài năng và liêm chính. Các cụ của chúng ta ngày trước cũng có một số tiêu chuẩn được khái quát hóa thành Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín hoặc Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm, hoặc gần đây là Cần, Kiệm, Liêm, Chính… Sự đánh giá một con người, một cán bộ nhiều khi và có thể quan trọng nhất là một sự cảm nhận tổng hợp về mức độ lương thiện và năng lực, mức độ đáng tin cậy. Cần gì phải viết cho dài dòng, kể ra nhiều thứ như trong Quy định 90.



Quy định 90 có tiêu chuẩn chung lại có tiêu chuẩn chức danh cụ thể. Trong tiêu chuẩn chung có 5 mục: 1- Về chính trị tư tưởng; 2- Về đạo đức lối sống; 3- Về trình độ; 4- Về năng lực và uy tín; 5- Về sức khỏe. Mỗi mục lại có nhiều tiêu chuẩn cụ thể. Tôi cố đọc đi đọc lại các tiêu chuẩn. Nếu tách ra từng thứ thì tiêu chuẩn nào cũng đúng, cũng cần, nhưng ghép chung lại thì thành một mớ hỗn loạn. Như vậy, về hình thức trình bày, Quy định 90 cũng thuộc loại vô minh.

3- Về một số tiêu chuẩn cụ thể



Nhiều tiêu chuẩn đưa ra là những tính cách thông thường, cần thiết cho bất kì một con người lương thiện nào, thí dụ: trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, không tham nhũng, cơ hội, chống tệ quan liêu, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền. Nhiều tiêu chuẩn là thông thường đối với bất kì cán bộ hoặc đảng viên nào, thí dụ: Nắm chắc tình hình chung và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực, địa bàn, địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công. Kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, vận hội, vấn đề mới, vấn đề khó, hạn chế, yếu kém trong thực tiễn; chủ động đề xuất những nhiệm vụ giải pháp có tính khả thi và hiệu quả. Năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao… Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; có tinh thần yêu nước nồng nàn; có trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.



Đưa ra nhiều tiêu chuẩn của người bình thường để gán cho cán bộ cấp cao cũng phạm vào lỗi vô minh.



Tiêu chuẩn "tuyệt đối không tham vọng quyền lực" đã được một số người phân tích, tôi chỉ viết thêm. Vấn đề quan trọng không phải là tham hay không tham quyền lực mà người ta định dùng quyền lực để làm gì, tương quan giữa năng lực và quyền lực có phù hợp không. Nếu lên án sự tham vọng quyền lực chung chung thì những ứng viên tổng thống của tất cả các nước đều bị lên án và loại bỏ. Không tham vọng quyền lực là một khái niệm vô minh.



Tiêu chuẩn "tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng" là mơ hồ vì chưa thấy một văn bản nào định nghĩa lợi ích của Đảng gồm những thứ gì. Thỉnh thoảng có được nghe giải thích, ngoài lợi ích của dân tộc thì Đảng không còn lợi ích nào khác. Bây giờ lại có thêm "trung thành với lợi ích của Đảng". Việc trung thành này có gì khác so với trung thành với các lãnh đạo chóp bu của Đảng? Trong điều lệ đảng không thấy viết gì về quyền lợi của Đảng. Sự trung thành này thuộc dạng vô minh.



Tiêu chuẩn "kiên định chủ nghĩa Marx - Lenin" thể hiện sự vô minh rõ ràng nhất. Điều này không cần chứng minh thêm. Một mặt bắt kiên định chủ nghĩa Marx - Lenin, mặt khác đề ra tiêu chuẩn năng động sáng tạo, sự vô minh càng lộ rõ.



Tiêu chuẩn "tốt nghiệp đại học trở lên" thể hiện cái nhìn thiển cận về bằng cấp, sự vô minh về cách đánh giá trình độ. Các bậc tiền bối như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Đỗ Mười… chắc sẽ giật mình khi biết tiêu chuẩn này.



Tiêu chuẩn "sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng". Hỏi rằng hiện nay Đảng đang định làm cách mạng gì nữa trong lúc khẳng định là đảng cầm quyền.



Tiêu chuẩn "có trình độ cao về lí luận chính trị, xây dựng Đảng" là một tiêu chuẩn mơ hồ, vô minh. Những lí luận chính trị theo chủ nghĩa Marx - Lenin, đường lối xây dựng đảng theo mô hình chủ nghĩa Marx - Lenin đã tỏ ra quá lỗi thời, quá lạc hậu. Ai đánh giá trình độ này? Liệu có dám đối thoại công khai để thể hiện trình độ này cho toàn dân biết không?



Trong Quy định 90 có khá nhiều nhầm lẫn giữa tiêu chuẩn đánh giá và tiêu chuẩn lựa chọn.



4- Kết luận



Sự vô minh hoặc kém trí tuệ là một bệnh nặng và cố hữu của phong trào cộng sản. Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân từ đâu? Phải truy tìm từ gốc. Chủ nghĩa cộng sản được sinh ra từ sự vô minh là đánh giá sai động lực phát triển xã hội, vạch ra con đường sai lầm là làm cách mạng và chuyên chính vô sản. Không thấy được cái sai, hoặc thấy nhưng vì để củng cố quyền lợi cá nhân mà cố níu giữ, càng đẩy sâu thêm vào trạng thái vô minh. Từ vô minh trong nhận thức dẫn đến vô minh trong hành động.



N.Đ.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét