Một người đàm phán giỏi biết rằng phải nhìn vào trò
chơi theo quan điểm của phía bên kia, thì mới biết họ thích kết quả nào
và tìm được nền tảng chung. Hơn nữa, muốn đạt thỏa thuận thì phải có
niềm tin vào cả những biện pháp khuyến khích lẫn trừng phạt. Người Mỹ đã
hiểu sai đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đánh giá sai biện pháp giải
quyết vấn đề này suốt nhiều năm liền. Họ cũng hiểu sai về thâm hụt
thương mại song phương với Trung Quốc, đánh giá quá cao mức độ quan
trọng của nó. Hiện nay, khi Tổng thống Donald Trump đe doạ sẽ tạo ra
những rào cản thương mại mới đối với hàng hóa của Trung Quốc, trong khi
Mỹ cần Trung Quốc giúp để kiềm chế mối đe dọa ngày càng nguy hiểm hơn từ
Bắc Triều Tiên. Hai vấn đề này ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau. Tuy
nhiên, dường các quan chức Mỹ vẫn chưa nhích hơn được chút nào trong
quá trình tìm kiếm biện pháp xử lý.
Khoản đặt cược
liên quan tới quan hệ với Bắc Triều Tiên rõ ràng là cao hơn hẳn, cùng
với các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn trong tuần này, làm trầm
trọng thêm những căng thẳng vốn đã cao rồi. Nếu xảy ra đối đầu về quân
sự giữ Mỹ và Bắc Triều Tiên, có nguy cơ là vũ khí hạt nhân sẽ được sử
dụng. Ngay cả chiến tranh thông thường cũng có thể trở thành thảm khốc.
Buôn bán có
liên quan đến thách thức hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vì các biện pháp
trừng phạt kinh tế nghiêm trọng do Trung Quốc thực hiện – trong đó có cả
việc ngừng cung cấp dầu - có lẽ là cách tốt nhất nhằm chặn đứng chương
trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên (để đổi lấy những biện pháp đảm bảo an
ninh của Mỹ). Trump có thể hiểu rõ vấn đề này. Nhưng dường như ông ta
tin rằng, có thể sử dụng việc buôn bán giữ Mỹ và Trung Quốc để mặc cả
nhằm bảo đảm rằng nước này sẽ đối phó với Bắc Triều Tiên. Đây là cách
tiếp cận sai lầm.
Cách tiếp cận
của Trump – có đặc điểm là không quan tâm tới luật lệ, nguyên tắc, liên
minh và các thiết chế - đôi khi được mô tả như là mang tính trao đổi.
Cách tiếp cận như thế thường được giải thích là do Trump vốn là doanh
nhân, làm cho ông ta trở thành người đàm phán của Mỹ. Trên thực tế, cách
hành xử của Trump cho thấy ông ta thiếu một số yêu cầu cơ bản nhất để
làm cho đàm phán thành công.
Một người đàm
phán giỏi biết rằng phải nhìn vào trò chơi theo quan điểm của phía bên
kia, thì mới biết họ thích kết quả nào và tìm được nền tảng chung. Hơn
nữa, muốn đạt thỏa thuận thì phải có niềm tin vào cả những biện pháp
khuyến khích lẫn trừng phạt.
Những nỗ lực
của Trump trong quá trình thương lượng với Trung Quốc cho thấy sự thất
bại trên cả hai mặt trận. Theo quan điểm của Trung Quốc, việc Bắc Triều
Tiên có vũ khí hạt nhân là không tốt, nhưng vẫn tạo ra ít vấn đề hơn là
sự sự sụp đổ chế độ ở nước này, lúc đó sẽ có rất đông người tị nạn chạy
vào Trung Quốc và đưa quân đội Mỹ tới gần biên giới Trung Quốc hơn.
Trong bối cảnh đó, những lời đe dọa về thương mại của Mỹ không phải là
cách để thuyết phục Trung Quốc gây áp lực đối với nước đồng minh thích
gây phiền phức của họ.
Thay vào đó, Mỹ
và Hàn Quốc phải hứa rằng, nếu các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc
làm cho chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ, thì Trung Quốc sẽ không thấy quân
đội Mỹ ở bên kia vĩ tuyến 38 hay bán đảo Triều Tiên thống nhất, được
trang bị vũ khí hạt nhân. Trong ngắn hạn, Mỹ và Hàn Quốc phải ngừng
triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc, nếu
Trung Quốc thông qua và thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung đối
với Bắc Triều Tiên.
Nhưng muốn thực
hiện chiến lược này - hoặc bất kỳ chiến lược nào khác – Tổng thống Mỹ
phải là người được người ta tín nhiệm. Thật không may là, những lời
tuyên bố của Trump - dù về quá khứ, hiện tại, hay tương lai - thường
không liên quan gì với thực tế. Chỉ nói về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều
Tiên, ông ta đã tỏ ra là người thiếu nhất quán, không đáng tin và không
kiên định rồi.
Tháng 1 vừa
qua, Trump đã viết trên mạng Twitter rằng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều
Tiên không thể tới được lãnh thổ Mỹ! Tháng 7, Bắc Triều Tiên bắn thử tên
lửa đạn đạo xuyên lục địa, có khả năng bay tới Mỹ và người ta tin rằng
nước này đã có khả năng sản xuất được tên lửa liên lục địa (ICBM) mang
đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.
Đầu tháng này,
khi Trump nói rằng bất cứ mối đe dọa nào của Bắc Triều Tiên cũng “sẽ gặp
sự đáp trả mà thế giới chưa từng thấy”, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên,
Kim Jong-un, liền trả lời bằng cách đe dọa tấn công Guam. Không những
không đáp trả, Trump nhắc lại rằng nếu Kim “đưa ra một lời đe doạ công
khai ...hắn ta sẽ phải hối hận thật sự. Và chẳng bao lâu sau hắn sẽ phải
hối hận”. Những tuyên bố này rõ ràng là không đáng tin và không chính
xác.
Trump cho thấy
tính đồng bóng và không nhất quán tương tự như thế trong vấn đề Trung
Quốc. Tháng 12, lúc còn là Tổng thống mới đắc cử, Trump đã thách thức
chính sách “Một Trung Quốc” mà những người tiền nhiệm của ông ta, cả Dân
chủ lẫn Cộng hòa, đều tôn trọng. Ông ta cũng không biết rằng Trung Quốc
sẵn sàng đánh chiếm Đài Loan hơn là Mỹ sẵn sàng bảo vệ, hoặc đang thể
hiện sự thiển cận vốn có của mình. Dù sao mặc lòng, ngày 9 tháng 2, ông
đã phải rút lại quan điểm của mình, mất mặt chỉ sau vài tuần nhậm chức
và tạo ra tiền lệ xấu cho quá trình giao dịch trong tương lai với Trung
Quốc.
Tương tự như
vậy, Trump đã rút lại lời hứa được lặp đi lặp lại rằng, ngay sau khi
nhậm chức, ông ta sẽ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Đấy cũng
là một lời đe dọa ngu ngốc – vì, nếu chính quyền Trung Quốc ngừng can
thiệp vào thị trường ngoại hối trong giai đoạn 2015-2016, thì kết quả sẽ
là đồng nhân dân tệ yếu hơn, chứ không phải là mạnh hơn.
Đến lúc này,
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tương tự như hầu hết các nhà lãnh đạo
thế giới khác, đã biết coi thường những lời cảnh báo của Trump. Những
lời tuyên bố của Trump cho thấy ông ta không trung thành với các đồng
minh của Mỹ - phải mất vài tháng ông ta mới khẳng định sự ủng hộ Điều 5 -
điều khoản bảo vệ tập thể của NATO, làm cho các đối tác gần gũi với Mỹ
cũng cảm thấy do dự trong quan hệ với chính quyền của ông ta.
Nhà Trắng vẫn
đang theo đuổi các chính sách thương mại hung hăng nhằm chống lại Trung
Quốc, nhưng chỉ một vài biện pháp là có giá trị mà thôi. (Mặc dù những
cố gắng nhằm thực thi quyền sở hữu trí tuệ là có cơ sở, nhưng những cố
gắng nhắm ngăn chặn nhập khẩu thép với lí do an ninh quốc gia là lố
bịch). Nhưng những sáng kiến này sẽ chẳng có mấy giá trị đối với cán cân
thương mại của Mỹ hay tạo ra việc làm. Và chắc chắn là sẽ không thuyết
phục được Trung Quốc giúp làm dịu bớt đe dọa hạt nhân của Bắc Triều
Tiên.
Jeffrey Frankel, giáo sư ở Trường Quản Trị Kennedy trực thuộc Đại học Harvard, từng là thành viên của Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông hiện là Giám đốc Chương trình Tài chính Quốc tế và Kinh tế học Vĩ mô ở Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét