Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

‘Cán bộ ta mua hết đất Long Thành rồi’ là những ai?

  Thiền Lâm - Cali Today
Lời tán thán thật lòng “Cán bộ ta mua hết đất Long Thành rồi” củ- a tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng bộ quốc phòng – tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017 đã phần nào giả mã ẩn số về giới đại gia đã “ôm” đất dự án tại khu vực phi trường Long Thành.
Ông Lê Chiêm cũng là quan chức quân đội hiếm hoi có được tiếng nói thật lòng vào tháng Năm năm 2017: “quân đội không làm kinh tế nữa”.
Long Thành – thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai – đã từng có những đợt “sốt” đất vào những năm 2008-2009. Đây chính là giai đoạn tích tụ đất đai của nhiều “ông lớn” địa ốc. Nhiều nhà đầu tư biết được quy hoạch đã chọn mua hầu hết những vị trí đẹp để phân lô bán nền. Điều đáng nói là những lô đất này hiện vẫn chỉ là đất nông nghiệp, chưa làm thủ tục đóng thuế lên đất thổ cư nhưng những người mua này vẫn rao bán với giá thổ cư. Cũng là giai đoạn mà nhiều đại gia và quan chức từ trung ương xuống địa phương vung tiền quá trán mà khi cơn sốt bất động sản trôi qua, toàn bộ khu vực Long Thành đều chìm trong băng giá, toàn bộ đất đai đều trở thành “hàng tồn”, chỉ thấy rao mà chẳng ai mua.
Từ sau những cơn sốt đất năm 2007 và 2009, trong thị trường bất động sản đã tràn ngập tin tức cho biết rất nhiều quan chức, kể cả quan chức cao cấp và đại gia bị kẹt đất tại khu vực này, nhưng không làm sao “thoát hàng” được. Thỉnh thoảng, tên một quan chức hay môt đại gia nào đó được hé lộ.
Vây quanh phi trường Long Thành hiện thời là hàng trăm dự án bất động sản lớn nhỏ, được sở hữu bởi nhiều đại gia địa ốc. Nổi bật trong số đó là Sonadezi, Tổng Công ty Tín Nghĩa, Dic Corp, Khang Điền, Công ty Đình Thuận, DonaCorp…
Nhưng không chỉ có thế…
Vào ngày 27/10/2017, trong một buổi thảo luận tại phiên họp tổ Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bất ngờ đặt vấn đề: Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa XIII chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành có nêu trong 5.000 ha đất của dự án có 1.050 ha đất cho quốc phòng. “Tuy nhiên tôi đọc báo cáo thẩm tra của Quốc hội về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành thì không thấy nói gì về cái này!”, ông Trương Trọng Nghĩa nói.

    Thượng tướng Lê Chiêm. Ảnh Như Ý
Ông Nghĩa cho rằng phải nêu rõ các công trình sẽ xây ở đây, mục đích rõ ràng và có luận chứng đầy đủ. Vì trừ những công trình quân sự quá bí mật, còn lại các công trình quân sự thông thường thì cần có sự giải trình, ít nhất là tại Quốc hội.
Câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã khiến dư luận bắt buộc phải phát thêm một câu hỏi khác: liệu một phần hay toàn bộ diện tích 1.050 ha “đất quốc phòng” ở khu vực phi trường Long Thành có thuộc về nhóm đại gia quân đội, hoặc một nhóm lợi ích nào đó mượn tên “Bộ Quốc phòng”?
Không quá khó để điều tra về nguồn gốc những người đang đứng tên sở hữu, hoặc những người đứng phía sau những cái tên sở hữu ấy. Chỉ là có muốn điều tra hay không mà thôi.
Tiền lệ về “đất quốc phòng” đã ngập ngụa. Minh chứng rõ nhất là vụ Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh đã chiếm dụng đến 157 ha đất của sân bay quân sự Tân Sơn Nhất từ nhiều năm qua để xây dựng sân golf, nhà hàng và khách sạn, trong khi sân bay dân dụng Tân Sơn Nhất đã lâm vào tình trạng kẹt cả dưới đất lẫn trên trời từ đầu năm 2016 đến nay. Nhưng khi vụ chiếm dụng đất sân bay bị phát hiện, có quan chức thậm chí còn bao biện bằng quan điểm sân golf Tân Sơn Nhất là “lá chắn phòng thủ” cho quân đội.
Một vụ việc đình đám khác cũng liên quan đến “đất quốc phòng” là 59 ha đồng Sênh ở xã Đồng Tâm, Hà Nội. Vụ khủng hoảng Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017 đã làm bộc ra sự thật về giới chức quân đội và dân sự đã tìm nhiều cách để Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) chiếm đoạt đất của người dân Đồng Tâm trên danh nghĩa “đất quốc phòng” mà không có bất kỳ giải thích minh bạch nào về tính mục đích của nó.
Trong những ngày gần đây khi vấn đề bồi thường giải tỏa tại phi trường  Long Thành được nêu trước Quốc hội, trên mạng xã hội chợt rộ lên thông tin về một vài “thiếu gia” có đến hàng ngàn ha đất ở Long Thành. Chưa biết tin tức này có cơ sở đến mức nào, nhưng từ tán thán “Cán bộ ta mua hết đất Long Thành rồi” của tướng Lê Chiêm đến phát hiện về 1.050 ha “đất quốc phòng” của đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã cho thấy “cán bộ ta” có lẽ không ai khác là giới sỹ quan “quân đội nhân dân”.

Bộ Quốc phòng của ông Ngô Xuân Lịch sẽ “xử” vụ bê bối ở Long Thành, nếu quả đúng như thế, ra sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét