Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Lý giải sự trì trệ kéo dài của kinh tế toàn cầu

Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp




Có một thiên kiến tâm lý cho rằng các sự kiện đặc biệt cuối cùng sẽ nhường chỗ cho sự trở lại của “thời kỳ bình thường”. Nhiều nhà bình luận kinh tế hiện đang tập trung vào triển vọng cho việc “thoát” khỏi một thập niên của chính sách tiền tệ cực lỏng, với việc các ngân hàng trung ương hạ bảng cân đối kế toán của họ xuống mức “bình thường” và từ từ nâng lãi suất. Nhưng chúng ta còn xa mới trở lại được giai đoạn bình thường tiền khủng hoảng.

Sau nhiều năm dự báo tăng trưởng toàn cầu suy giảm, năm 2017 đã có sự khởi sắc đáng kể, và có cơ sở để có thể nâng nhẹ lãi suất. Tuy nhiên, các nền kinh tế tiên tiến vẫn đối mặt với mức lạm phát quá thấp cùng với mức tăng trưởng vừa phải, và sự phục hồi sẽ tiếp tục phải dựa vào kích thích tài khóa, được hỗ trợ nếu cần thiết bằng cách sử dụng tài trợ từ nợ công.

Từ năm 2007, GDP bình quân đầu người ở khu vực đồng euro, Nhật Bản và Hoa Kỳ chỉ tăng lần lượt là 0,3%, 4,4% và 5%. Sự suy giảm từ mức tăng trưởng hàng năm 1,5-2% trước khủng hoảng có thể một phần nào phản ánh các yếu tố cung-cầu; trong khi đó tăng năng suất có thể đối mặt với các khó khăn về mặt cấu trúc.

Nhưng vấn đề một phần nằm ở sự suy giảm cầu danh nghĩa. Mặc cho các nỗ lực kích cầu khổng lồ từ các ngân hàng trung ương, GDP danh nghĩa từ năm 2007 đến năm 2016 chỉ tăng 2,8% mỗi năm ở Mỹ, 1,5% ở khu vực đồng euro, và chỉ 0,2% ở Nhật Bản, khiến khó có thể đạt được mức tăng trưởng vừa phải cộng với lạm phát hàng năm đạt mục tiêu 2%. Lạm phát ở Mỹ hiện nay không đạt mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang trong năm năm liền, và đã có xu hướng giảm xuống trong năm tháng vừa qua.

Đối mặt với sự bất thường này, một số nhà kinh tế tìm kiếm các yếu-tố-một-lần đang tạm thời kìm nén mức lạm phát của Mỹ, chẳng hạn như các phút gọi điện thoại di động “miễn phí” ở Hoa Kỳ. Nhưng chính sách giá cước điện thoại di động ở Mỹ không thể giải thích tại sao mức lạm phát cơ bản của Nhật Bản lại vẫn nằm ở mức zero. Các yếu tố dài hạn chung phải giải thích được cho hiện tượng này.

Các diễn tiến trên thị trường lao động là điều chính yếu, cùng với sự tăng trưởng tiền lương vẫn còn thấp một cách dai dẳng ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp giảm tới mức “bình thường” tiền khủng hoảng. Nhật Bản là trường hợp cực đoan nhất: lực lượng lao động giảm, mức nhập cư thấp, và tỉ lệ thất nghiệp chỉ 2,8%, và tất cả các mô hình mẫu đều tiên lượng tiền lương sẽ tăng nhanh hơn. Nhưng dù Thủ tướng Shinzo Abe có kêu gọi các nhà tuyển dụng tăng lương cho công nhân bao nhiêu đi nữa thì mức tăng trưởng tiền lương vẫn chậm chạp: trong tháng 6, tổng tiền lương chỉ tăng 0,4%. Tại Mỹ, mỗi đợt dữ liệu hàng tháng mới đều cho thấy sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ nhưng đi kèm với nó là sự gia tăng tiền lương thấp một cách đáng ngạc nhiên.

Ba yếu tố có thể giải thích xu hướng này. Trong 30 năm, thị trường lao động đã trở nên linh hoạt hơn, cùng với đó là sức mạnh công đoàn đã suy yếu đáng kể. Cùng lúc đó, toàn cầu hóa đã khiến người lao động trong khu vực sản xuất hàng hóa xuất khẩu được phải chịu sự cạnh tranh về tiền lương trên toàn cầu. Nhưng, quan trọng nhất, công nghệ thông tin cung cấp cơ hội cho việc ngày càng mở rộng tự động hóa tất cả các hoạt động kinh tế. Trong một thị trường lao động hoàn toàn linh hoạt với một đội quân robot dự bị, như hiện tại, thì tiềm năng tự động hóa rộng khắp có thể làm giảm mức tăng lương thực tế ngay cả khi đạt được mức toàn dụng lao động.

Trong khi đó, cầu danh nghĩa vẫn đang bị ghìm lại bởi một lương nợ chưa được giải quyết. Từ 1950 đến 2007, nợ tư nhân của các nền kinh tế tiên tiến tăng từ 50% lên đến 170% GDP. Từ năm 2008, nợ đã chuyển từ khu vực tư nhân sang khu vực công, với sự thâm hụt ngân sách lớn, hậu quả không thể tránh khỏi của hậu khủng hoảng kinh tế và cũng là điều cần thiết để duy trì mức cầu vừa đủ. Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu được duy trì nhờ mức gia tăng đòn bẩy nợ khổng lồ của Trung Quốc, với tỷ lệ nợ/GDP tăng từ khoảng 140% năm 2008 lên 250% hiện nay. Trên toàn thế giới, tổng nợ công và nợ tư nhân đã đạt mức cao kỷ lục, tăng từ 180% GDP toàn cầu năm 2007 lên 220% vào tháng 3 năm 2017. Do đó, lãi suất không thể trở lại được mức trước khủng hoảng mà không có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái mới.

Đối mặt với khoản nợ này, chỉ chính sách tiền tệ nới lỏng thôi chắc chắn không có hiệu quả và, nếu vượt quá mức độ nào đó, còn có khả năng gây hại và phản tác dụng. Cả đầu tư và tiêu dùng đều không phản ứng mạnh với lãi suất thấp kỷ lục khi nợ vẫn còn lớn. Trong khi đó, lãi suất rất thấp khiến tăng giá tài sản, đem lại lợi ích cho những người vốn đã giàu có và làm giảm thu nhập của những người gửi tiền ngân hàng ít khá giả hơn, những người trong một số trường hợp có thể phải cắt giảm tiêu dùng nhiều hơn so với mức tiêu dùng gia tăng mà những người vay nợ nhiều mang lại.

Trong bối cảnh này, theo quan điểm của nhà kinh tế Christopher Sims thuộc Đại học Princeton đưa ra năm 2016, nới lỏng chính sách tiền tệ không thể phát huy tác dụng thông qua các kênh truyền tải bình thường, và nó chỉ có hiệu quả khi và chỉ khi nó tạo thuận lợi cho việc mở rộng tài khóa bằng cách giữ chi phí vay của chính phủ ở mức thấp. GDP danh nghĩa ở Mỹ đã tăng nhanh hơn ở khu vực đồng euro kể từ năm 2007, bởi vì Mỹ có mức thâm hụt ngân sách trung bình 7,2% GDP so với khu vực đồng euro là 3,5%. Tăng trưởng toàn cầu ngày nay được nâng đỡ bởi thâm hụt ngân sách ở mức 3,7% GDP của Trung Quốc, tăng từ 0,9% vào năm 2014. Sự tăng trưởng liên tục của Nhật Bản chỉ được đảm bảo bởi những khoản thâm hụt ngân sách lớn kéo dài tới những năm 2020; Ngân Hàng Nhật Bản, hiện nắm giữ số trái phiếu chính phủ tương đương khoảng 75% GDP, sẽ giữ một phần trong số đó mãi mãi, vĩnh viễn tiền tệ hóa các khoản nợ tài khóa tích tụ lâu nay.

Việc phục hồi một phần trong năm nay do đó không phản ánh sự trở lại với tình trạng bình thường trước khủng hoảng cũng như sự thành công của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát có thấp hơn mục tiêu, vẫn có khả năng cao cho một vài động thái tăng lãi suất. Do việc áp dụng chỉ duy nhất chính sách tiền tệ ngày càng nới lỏng sẽ ngày càng giảm hiệu quả khi vượt qua một mức nào đó, nó có thể bị đảo ngược một phần với ít rủi ro đối với cầu danh nghĩa; và lãi suất cao hơn một chút giúp điều chỉnh, dù chỉ đôi chút, tác động bất bình đẳng của tập hợp chính sách hiện tại.

Nhưng mức tăng lãi suất sẽ và nên ở mức rất nhỏ. Tôi nghi ngờ khả năng lãi suất liên bang của Mỹ sẽ vượt quá 2,5% vào năm 2020, trong khi lãi suất ở Nhật Bản và khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng nhẹ, có lẽ vẫn thấp hơn nhiều mức 1%. Lạm phát sẽ nằm dưới hơn là vượt qua mục tiêu 2%. Tăng trưởng ở mức vừa phải sẽ là không đủ để bù lại tác động từ thập niên mất mát giai đoạn 2007-2017.

Thiên kiến tâm lý mong muốn trở lại sự “bình thường” sẽ vẫn mạnh mẽ. Nhưng các động lực của sự vận hành nền kinh tế hậu khủng hoảng vẫn sâu sắc tới mức không có sự trở lại tình trạng bình thường nào sẽ sớm xảy ra.
 *

Adair Turner, cựu chủ tịch Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính và thành viên Ủy ban Chính sách Tài chính của Vương quốc Anh, là Chủ tịch của Viện Tư duy Kinh tế Mới (INET). Cuốn sách mới nhất của ông là Between Debt and the Devil.

Nguồn: Adair Turner, “The Normalization Delusion”, Project Syndicate, 04/09/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét