Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Sáp nhập tỉnh: viển vông, mơ mộng, bao cấp

Kỳ Lâm



Ngày 31/10, đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết 18 Trung ương 6. Theo đó, đề xuất sáp nhập các tỉnh có dân số ít lại với nhau, dẫn đến có thể tinh giảm 10 tỉnh.

Điều đó có nghĩa cụm tỉnh Bình-Trị-Thiên hay Hà-Nam-Ninh có thể được tái hợp trong tương lai?

Nhiều quan điểm ủng hộ cho rằng, một đất nước với 94 triệu dân, và diện tích nhỏ, nhưng lại có 64 tỉnh thành, với nhiều phân cấp hành chính dẫn đến sự sụt giảm ngân sách và thiếu hụt cơ chế quản lý hiệu quả.


 
Đại biểu Phạm Văn Hoà đề xuất sáp nhập hàng loạt đơn vị hành chính. Ảnh: QH

Tuy nhiên, câu chuyện sáp nhập hay tách ra chưa bao giờ là dễ dàng.

Trở về với lịch sử,  Việt Nam từng tiến hành sáp nhập các tỉnh thành lại với nhau, với lý do chúng ta chịu ảnh hưởng mọi thứ từ Liên Xô, trong đó cả về luật pháp (hệ thống quy phạm pháp luật sao chép y nguyên) cho đến phân định đơn vị cơ sở hành chính. Tuy nhiên, sau khi hợp lại thì phải chia ra, bởi Việt Nam dù diện tích nhỏ hơn so với Nga, nhưng tính đa dạng vùng miền lại cao, bên cạnh đó địa lý là hệ thống song ngoài chèn chịt, núi chiếm ¾ diện tích, do đó vấn đề giao thông trong tỉnh nếu quá lớn cũng sẽ là một ràng buộc về mặt phát triển cơ chế.

Câu chuyện nhập tỉnh và sau đó buộc phải tách ra phải nói đến tỉnh Quảng – Đà; cái thời kỳ mà tỉnh “diện tích rộng, miền núi nhiều, chính quyền tỉnh phân tâm phát triển giữa vùng thành phố [Đà Nẵng cũ], hay nông thôn và miền núi [Quảng Nam]”, trong khi chỉ có 1 cơ chế chung.

Đặt thành phố [Đà Nẵng] nằm trong tỉnh Quảng Nam tức lúc này cơ sở hành chính Đà Nẵng chỉ ngang cấp với huyện.

Do đó mà tách tỉnh ra là đòi hỏi dựa trên thực tế địa lý, điều kiện vùng để phân cấp cơ chế phát triển, và từ năm 1997 đến nay, sau khi tách ra khỏi Quảng Nam, Đà Nẵng dưới cơ chế thành phố trung ương đã phát triển mạnh mẽ.

Vấn đề đặt ra lúc này, là dù cho nhập tỉnh thì nó sẽ không giảm biên chế, bởi bộ máy hành chính sẽ phình to ra theo cấp độ biên giới hành chính, trong khi đó lại không thể đảm bảo tính tinh gọn và đặc điểm địa hình thuận lợi của mỗi tỉnh.

Ví dụ như Bắc Ninh nếu về với Hà Nội thì sẽ không bao giờ phù hợp, ngay cả lãnh đạo tỉnh này cũng phải từ chối, lý do, Bắc Ninh là trung tâm công nghiệp và nơi có đầu tư FDI hàng top cả nước (năm 2016 Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI và 5 tháng đầu năm 2017 cũng dẫn đầu cả nước về vấn đề này). Nếu về Hà Nội, Bắc Ninh sẽ không phân phối nguồn tiền nuôi cho vùng địa giới cũ mà lại phải nộp về xây dựng cho cả Hà Nội đang phình to. Và cũng chính vì lý do này mà trong đợt mở rộng Hà Nội mấy năm về trước, chỉ có Hà Tây gật đầu, trong khi Bắc Ninh buộc phải từ chối.

Tính lợi thế về mặt cơ chế của phân cấp địa lý hành chính là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển sáng tạo, thay vì sự dồn vào để phụ thuộc vào cơ chế tập trung trung ương.

Bản thân tư duy muốn sáp nhập các tỉnh, thực chất ra là tư tưởng cào bằng kinh tế vùng, muốn cho tất cả các hệ vùng – miền đều phát triển, và kết quả là thất bại. Bởi cái cần nhất không phải cào bằng, mà là điều tiết nguồn ngân sách để tránh co giãn quá lớn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền trong nước.

Việc sáp nhập tỉnh cũng phá hỏng tính trụ cột về mặt kinh tế, tạo trung tâm điểm phát triển để kéo liên vùng lên. Ví dụ như Sài Gòn có thể tạo ra một big city – với hàng loạt vệ tinh là các tỉnh lân cận; tương tự Đà Nẵng,…

Trong điều kiện hiện nay, muốn tạo tính biên giảm biên chế, chính là sáp nhập cơ quản Đảng và Nhà nước vào làm một; tinh giảm số lượng cấp lãnh đạo một số biên ngành; giảm số nhân viên trong các hệ cơ quan nhà nước; thay thế biên chế thành hợp đồng dài hạn; sáp nhập các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng.

Nhưng suy cho cùng, vẫn cần 1 quyết tâm đúng đắn là thực hành đúng và đẩy đủ trong công tác tinh giảm biên chế, chứ nếu không, sẽ xảy ra tình trạng mèo hoàn mèo như cách mà ĐBQH Trần Văn Lâm nhận định, là  về vấn đề chia tách, sáp nhập các cơ quan nhà nước hiện nay là: khá tùy tiện.

“Xin hãy để khắc nhập, khắc xuất mãi là cổ tích trong truyện Cây tre trăm đốt chứ không phải là tình trạng của việc chia tách, sáp nhập các cơ quan nhà nước”.

Và sáp nhập tỉnh thành – suy cho cùng là ước mơ viển vông, thiếu thực tiễn, cũng là nguồn cơn của bao cấp sống lại. Và nó sống lại bởi vì nhiều ĐBQH, lãnh đạo Nhà nước đang khủng hoảng trong con đường giải quyết nạn phình to của bộ máy nhà nước, uy hiếp sự tồn vong của chế độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét