Cảnh sát canh gác trước cổng Tòa Án Tối Cao trong ngày ra quyết định giải
thể đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt CNRP, ngày 16/11/2017. REUTERS/Samrang Pring
Thứ Năm 16/11/2017, Tòa Án Tối
Cao Cam Bốt tuyên bố giải thể đảng đối lập chính. Đối với tờ báo mạng Les Yeux
Du Monde (Nhãn Quan Thế Giới), đây là « Một vố đau cho nền dân chủ » mong manh
này. Còn tờ Asia Correspondent thì tỏ ra lo ngại cho tương lai nền dân chủ Cam
Bốt khi hỏi rằng: « Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo ? ».
Hun Sen, người điều hành
Trước hết, báo mạng Les Yeux Du
Monde nhắc lại, sau khi chế độ độc tài Khmer Đỏ chấm dứt, Đảng Nhân Dân Cam Bốt
CPP đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên chính trường. Ông Hun Sen và
CPP đã liên tục điều hành đất nước trong suốt 33 năm qua. Nếu như ông cố tìm
cách kiểm soát cuộc bầu cử năm 2018, đó là vì đảng CPP đang chứng kiến ảnh hưởng
của mình đã tàn lụi dần qua mỗi kỳ bầu cử.
Xu hướng này bắt đầu thể hiện rõ
từ cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Đảng CPP cầm quyền nhận được 48% số phiếu bầu,
nhỉnh hơn đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt CNRP, ra đời năm 2012, có 4 điểm. Đây
là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ năm 1985, tuy phe đối lập tố cáo có gian lận
trong bầu cử. Nhưng báo động thực sự đến từ cuộc bầu cử địa phương hồi tháng
6/2017. Đảng cầm quyền đã mất 1/3 số địa phương mà đảng này kiểm soát.
Gia tăng đàn áp
Viện lý do « an ninh quốc gia »,
Tòa án Tối cao, vốn thân cận với Hun Sen, ra quyết định cấm 118 lãnh đạo đảng đối
lập CNRP hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Như vậy là 55 nghị sĩ của đảng
CNRP sắp tới sẽ bị mất ghế, 489 thị trưởng đã trúng cử hồi tháng 6 cũng sẽ bị
cách chức. Nhiều người trong số họ đã chọn
đi tị nạn, số khác cho biết bị đe dọa « xuống địa ngục », nếu không gia nhập
hàng ngũ của CPP.
Mọi sự bắt đầu từ năm 2015. Sam
Rainsy, một nhà đối lập đã bị gạt và đành phải chọn việc đi tị nạn lần thứ 4. Đến
tháng đầu tháng 9/2017, đến lượt Kem Sokha, một trong những gương mặt đối lập
tiêu biểu đã bị bắt giữ. Ông bị cáo buộc thông đồng với ngoại bang chỉ vì những
lời tư vấn của chuyên gia Mỹ cho chiến lược hành động, như lời ông giải thích.
Ông Hun Sen cho rằng : « Đằng sau
Kem Sokha, luôn luôn có một bàn tay, đó chính là Hoa Kỳ ». Ngày 04/09, tờ nhật
báo độc lập bằng tiếng Anh, The Cambodia Daily, buộc phải đóng cửa theo yêu cầu
của chính phủ. Ngày 11/10, Hun Sen ví Thỏa thuận Paris 1991 là những thỏa thuận
« ma ». Thỏa thuận được ký nhằm chấm dứt nội chiến tại Cam Bốt và dự kiến tổ chức
các cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào năm 1993. Một lời tuyên bố khiêu khích từ
chính thủ tướng Hun Sen.
Trong bối cảnh này, tờ báo mạng
Asia Correspondent đặt ra nhiều câu hỏi lo lắng cho tương lai nền dân chủ Cam Bốt.
Thứ nhất, Quốc Hội Cam Bốt rồi sẽ
ra sao?
Theo tờ báo, xét thuần túy thực tế
thì việc giải thể Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt
(CNRP) có nghĩa là 5 đảng khác sẽ chiếm các ghế của CNRP tại Quốc Hội.
Trong quá khứ, Hun Sen đã từng áp dụng phương cách này để trấn an người dân rằng
Cam Bốt sẽ không trở thành một quốc gia độc đảng, như nhiều người lo sợ. Nhưng
với bản chất chia rẽ và không được lòng dân của các phe phái đối lập còn lại,
thì phán quyết hôm thứ Năm vừa qua, về cơ bản, sẽ tạo ra tình trạng này.
Mặc dù Cam Bốt có hàng chục chính
đảng, nhưng chỉ có hai đảng đã thể hiện được khả năng huy động số lượng lớn cử
tri là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Hun Sen và Đảng Cứu Nguy Dân Tộc CNRP.
Theo sau là đảng hoàng gia Funcinpec, chỉ thu được có 3,7% số phiều bầu và
không có nổi một chiếc ghế tại Quốc Hội, sau một thập niên dài hoạt động không
có hiệu quả. Họ cho rằng những đảng phái nhỏ đó sẽ không tạo ra được sự khác biệt.
Và nhất là các đảng này đang rất bận rộn chống lại nhau.
Thứ hai, số phận của đảng Cứu
Nguy Dân Tộc Cam Bốt sẽ như thế nào?
Tuy đã dự tính đến khả năng tư
pháp ra quyết định này, nhưng phán quyết hôm Thứ Năm là một đòn nặng nề giáng
vào CNRP. Đảng này gần như chắc chắn bị suy giảm nhưng họ không hoàn toàn bị gạt
ra bên lề. Cô Monovithya Kem, phó giám đốc phụ trách Quan hệ công chúng của
CNRP, con gái của lãnh đạo phe đối lập bị bỏ tù Kem Sokha, vài giờ trước khi có
phán quyết của tòa án, cho biết trong hai tháng qua, cô đã kêu gọi sự hỗ trợ của
cộng đồng quốc tế.
Theo cô, thời điểm này là quan trọng.
Cơ hội để kháng án vẫn còn nếu như cộng đồng quốc tế hành động một cách kịp thời,
ví dụ như ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân nhằm khôi phục
môi trường bầu cử. Do cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2018, do vậy mọi thủ tục
kháng án phải được tiến hành trước cuối năm 2017.
Thế nhưng, tờ báo cho rằng cho dù có sự can thiệp của các chính phủ
phương Tây, tương lai của CNRP dường như không sáng sủa. Theo nhận định của nhà
báo Sebastian Strangio, tác giả cuốn Cam Bốt của Hun Sen, những động thái vừa
qua cho thấy thủ tướng Cam Bốt dường như muốn chấm dứt sự tồn tại của đảng
CNRP. Do đó, khả năng cho phép CNRP phục hồi là ít, và nếu có, thì đảng này sẽ
không thể ngăn chận, dưới bất kỳ hình thức nào, việc ông Hun Sen tiếp tục nắm
giữ quyền lực.
Nhà báo Strangio nhận định: « Những
hoạt động này làm cho người ta nghĩ rằng trò chơi đã kết thúc và ông Hun Sen
không còn sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ cho sự tồn tại của một phe đối lập chính trị
chính thức tại Cam Bốt. »
Thứ ba, cộng đồng quốc tế có phản
ứng gì ?
Những năm gần đây Cam Bốt đã trở
thành một trong những nền kinh tế năng động nhất của khu vực, có mức tăng trưởng
ở khoảng 7%. Nhiều nghị sĩ đối lập kêu gọi cộng đồng quốc tế có những biện pháp
trừng phạt thương mại hay tài chính nhắm vào chính quyền Hun Sen. Quả thật, cho
đến lúc này Cam Bốt hưởng rất nhiều chương trình hỗ trợ phát triển nhằm thúc đẩy
đất nước tiến bước đến nền kinh tế thị trường và dân chủ.
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã
kêu gọi Cam Bốt xem xét lại quyết định cấm đảng đối lập chính, khi chỉ còn có
vài tháng nữa là bước vào kỳ bầu cử quan trọng. Vương Quốc Anh lấy làm tiếc là
Cam Bốt trở thành « một quốc gia độc đảng ». Tuy nhiên, chế độ Hun Sen, được
Trung Quốc hậu thuẫn, cho đến lúc này tỏ ra không mấy nao núng trước áp lực của
các cường quốc phương Tây.
Cuối cùng, người dân Cam Bốt sắp
tới sẽ ra sao?
Một nguồn kháng cự có ý nghĩa có
thể là chính người dân Cam Bốt. Như nhà báo Strangio nêu ra, nếu không có phe đối
lập chính thức, các nhà độc tài sẽ mất lòng tin của người dân và có nguy cơ xa
rời người dân – điều này có thể đang diễn ra tại Cam Bốt.
Campuchia là một quốc gia thay đổi
nhanh chóng, và làm thế nào Hun Sen có kế hoạch đáp ứng được nhu cầu về quản trị
tốt hơn, tạo nhiều việc làm hơn và cơ hội tốt hơn cho người dân bình thường mà
không cần có phe đối lập mạnh mẽ. Ở một đất nước có các công đoàn lớn mạnh, có thể người dân vùng lên phản đối
như họ đã làm trong năm 2013. Mặc dù chúng ta dường như không thể nhìn thấy mọi
người xuống đường vào bất cứ lúc nào, nhà báo Strangio tin rằng đa số người Cam
Bốt ủng hộ một cách thụ động một phong trào phản kháng.
Một tỷ lệ lớn các cử tri đã bỏ
phiếu cho CNRP, giờ đây bị vỡ mộng bởi vì việc họ bỏ phiếu trong quá khứ đã
không có ích gì và hiện không có một đảng nào đáng tin cậy trong cuộc bỏ phiếu
năm 2018. Như cô Monovithya Kem đã nói: « Xét cho cùng, tác nhân có ảnh hưởng
nhất trong tất cả những vụ việc này chính là người dân Campuchia. Tất cả phụ
thuộc vào việc người dân chấp nhận nguyên trạng hoặc chống lại nó. »
Hun Sen có thể nghĩ rằng ông đã gạt
bỏ được bất kỳ thách thức nào đối với quyền lực của ông qua việc giải thể CNRP,
nhưng giờ đây, ông ta phải tìm cách làm hài lòng người dân hoặc tạo ra được một
sự thay đổi chính trị bền vững từ dưới đi lên.
Nhà báo Strangio nói: « Bạn có thể
giải thể một đảng đối lập, nhưng không thể giải thể được mong muốn thay đổi của
mọi người. Cách thức Hun Sen đáp ứng những mong muốn này là vấn đề chủ chốt đối
với tương lai.»
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét