Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Thể chế tạo điều kiện cho quân đội làm kinh tế

(Ảnh minh họa internet)
Tướng kinh tế
Chừng nào thể chế còn là nguyên nhân sinh ra các nhóm lợi ích kinh tế trong nhà nước, thì chừng đó sẽ còn tồn tại các nhóm lợi ích kinh tế trong quốc phòng.
Trước thực trạng các nhóm lợi ích đang làm suy yếu quân đội, trước sức ép của dư luận, trước sự đấu tranh của một bộ phận tướng lĩnh trong quân đội, Bộ quốc phòng đã có chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn một bộ phận các doanh nghiệp quân đội như Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã khẳng định mà truyền thông đã đưa tin. Đây là một bước tiến tích cực đáng khích lệ. Nhưng vẫn là bước tiến nhỏ ban đầu.

Bởi vì, không khó nhìn thấy, sẽ xuất hiện ít nhất là hai dòng chuyển động đối phó với chủ trương này.
1. Một số doanh nghiệp quân đội sẽ sát nhập vào các doanh nghiệp quân đội khác có hơi hướng phục vụ công nghiệp quốc phòng.
2. Sẽ có các doanh nghiệp quân đội mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang hơi hướng phục vụ quốc phòng.
Cho nên, việc chấm dứt quân đội làm kinh tế là cuộc đấu tranh dài lâu. Điều này không chỉ rút ra từ hai nguyên nhân nêu trên. mà nó có căn nguyên từ một điều khác quan trọng hơn.
Đó là, chủ trương quân đội làm kinh tế vẫn được một bộ phận tướng lĩnh trong quân đội ủng hộ chính thức. Kinh tế ở đây không phải chỉ là công nghiệp phục vụ quốc phòng. Chứng minh cụ thể là hai lập luận sau đây:
3. Một là, các vùng miền sâu xa lợi nhuận thấp, các doanh nghiệp dân sự không đầu tư.
4. Hai là, các doanh nghiệp quân đội như Viettel, Tổng công ty trực thăng Việt Nam … là các doanh nghiệp “không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước” (Vnexpress 24/11/2017).
Xin đưa ra hai luận cứ ngắn gọn phản biện hai lập luận trên:
5. Một là, nếu các vùng miền xa các doanh nghiệp dân sự không đầu tư vì không có lời, thì doanh nghiệp quân đội có phép thần nào để biến lỗ thành lời ngoài nguồn bù lỗ từ ngân sách nhà nước? Từ đó để thấy, các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế các vùng miền khó khăn này thì nhà nước phải bù lỗ rất lớn, chí ít cũng nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân đầu tư ở các vùng miền này. Đó là điều chắc chắn.
6. Hai là, nếu các doanh nghiệp như Viettel, Tổng công ty trực thăng Việt Nam… có tài “ không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước” thì ra khỏi quân đội họ vẫn giữ được những cái tài này cơ mà. Họ vẫn tiếp tục “ không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước”. Có ai tước được những cái tài này của họ đâu? Hay họ chỉ có những cái tài này khi khoác áo quân đội?
Từ đó dễ dàng thấy được, căn nguyên sâu xa là một bộ phận quân đội đang thiết tha làm kinh tế. Chẳng những thiết tha mà còn là “gánh vác nhiệm vụ” như lời của Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó chính ủỷ quân khu 7, rằng “quân đội làm kinh tế là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội!”
Bởi thế, các TƯỚNG KINH TẾ sẽ tiếp tục đông đúc. Nhưng các TƯỚNG KINH TẾ, cuối cùng cũng chỉ là hệ quả của thể chế, rút ra từ nhận định sau đây.
Chừng nào thể chế còn là nguyên nhân sinh ra các nhóm lợi ích kinh tế trong nhà nước, thì chừng đó sẽ còn tồn tại các nhóm lợi ích kinh tế trong quốc phòng.
Nói một cách khác, không thể xóa bỏ hết các nhóm lợi ích trong quốc phòng nếu không xóa bỏ được các nhóm lợi ích kinh tế sinh ra do nguyên nhân nội tại của thể chế.
Cuối cùng vẫn là căn bệnh thể chế. Cải cách thể chế đã được cựu TT Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần kêu gọi. Nhiều vị lãnh đạo khác cũng nhiều lần đề cập đến cải cách thể chế. Nhưng cải cách thể chế mãi vẫn là những lời kêu gọi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét