(Nội dung gỡ băng cuộc phỏng vấn livetream)
.....
Chị Thanh Tâm: Vừa rồi anh Bình có nhắc đến tổng thống Donad Trump, trong bài diễn văn của tổng thống Donad Trump đọc ở Hội nghị Thượng đỉnh có đề câp đến Hai Bà Trưng, chúng ta đều biết Hai Bà Trưng là hai vị nữ lưu luôn nêu cao tấm gương về tinh thần đấu tranh bất khuất bảo vệ bờ cõi, đất nước Việt Nam trước sự xâm lấn của giặc ngoại xâm phương Bắc, theo anh Bình, tổng thống Donad Trump có dụng ý gì khi nhắc đến hai vị nữ anh hùng này của dân tộc Việt Nam, Thanh Tâm xin mời anh Bình?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Có thể nói, trong diễn văn Tổng thống Donad Trump đề cập tới cuộc đấu tranh của Hai Bà Trưng chống giặc ngoại xâm, nó rất là tế nhị, rất mạnh mẽ. Theo chúng tôi hiểu, đó là một thông điệp ngầm, bởi vì Hai Bà Trưng chống chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, đấy là nói theo ngôn ngữ bây giờ. Hay ở chỗ khi ông ấy nói vậy thì không ai bắt bẻ gì được, vì nó là truyền thống của đất nước Việt Nam. Nói như vậy là ông ấy hiểu được cái nội tình của Việt Nam, thảm cảnh của nhân dân Việt Nam đang bị o ép, đang bị xâm lấn bởi Trung Quốc, đó là thông điệp ngầm, ông ấy muốn chuyển tải là người dân phải đứng lên để thoát khỏi sự xâm lấn, bành trướng, o ép của Trung Quốc theo gương của Hai Bà Trưng. Chính vì vậy, rất nhiều người đánh giá cao bài diễn văn có nội dung này. Chúng tôi cũng chia sẻ sự đồng tình với nội dung đó, vì như vậy ông ấy rất hiểu Việt Nam và rất tế nhị, nhưng cũng rất hiệu quả, một sự động viên khích lệ ngầm.
Chị Thanh Tâm: Nhà báo Nguyễn Vũ Bình có thể cho biết dự đoán của anh về tương lai gần tình hình của đất nước cũng như của phong trào dân chủ Việt Nam hay không?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Với câu hỏi này, chúng ta cần hiểu, đối với một nhà nước cộng sản, với một cơ chế và bộ máy khổng lồ hoạt động được bẩy mấy năm như vậy, thì nó rất khủng khiếp. Hiểu để chúng ta biết được giới hạn của phong trào dân chủ. Có rất nhiều quan điểm, có rất nhiều người nói, hô hào nhân dân đứng lên lật đổ, giải phóng, vv… những quan điểm đó cũng không sai, nó phản ánh nguyện vọng chính đáng của người dân, của những người đấu tranh. Nhưng chúng ta phải hiểu cái giới hạn của phong trào dân chủ, ngoài lý thuyết về sự vận hành của hệ thống cộng sản (chặt chẽ, khó khăn) thì chúng ta cũng cần hiểu là: năm 45 đảng cộng sản Việt nam thành lập được 15 năm, có 5000 đảng viên, được tổ chức rất chặt chẽ và sắt máu. Khi đó, chính phủ đô hộ pháp đã yếu, vô cùng rệu rã… vậy mà họ cũng phải chờ đến khi Nhật đảo chính Pháp, rồi lợi dụng cuộc biểu tình của công nhân viên chức Hà Nội, mới nhảy ra cướp chính quyền. Nay, nhà cầm quyền cộng sản có hệ thống, guồng máy mạnh gấp hàng nghìn lần chế độ Pháp thuộc lúc đó, trong khi đó phong trào dân chủ chúng ta có gì??? Chúng ta hoạt động chưa có tổ chức, chưa có đảng phái nào hoạt động (công khai) trong nước, bí mật thì không biết có không, nếu có thì cũng không đáng kể nhưng lại nói là đi lật đổ chế độ thì chúng ta lấy gì để lật đổ chế độ? Đó là những điều mà chúng ta không nắm được giới hạn của chúng ta. Mong muốn của chúng ta là lật đổ cộng sản, nhưng trong tay chúng ta chưa có lực lượng được tổ chức, thì chưa thể nới tới chuyện lật đổ được. Cuối cùng, phong trào dân chủ làm được gì? Nó tác động để đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản, vì quy luật của cộng sản là quy luật tự sụp đổ do cạn kiệt nguồn lực. Trở lại câu hỏi về dự phóng cho tương lai của Việt Nam, chúng ta đã chứng minh được sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ, chúng ta biết hiện nay Việt Nam nợ khoảng 600 tỷ đô la, đó là tổng thể toàn bộ khoản nợ của Việt Nam, từ nợ của chính phủ, doanh nghiệp, địa phương các lĩnh vực… số nợ này gấp khoảng 3 lần GDP của Việt Nam. Trong bối cảnh cả nước làm ra không đủ chi cho hệ thống trong một năm, tức là làm hiện tại chưa đủ ăn. Như vậy, hiện tại, thực chất chúng ta không trả được 1 đồng tiền lãi nào trong số 600 tỷ đô la nợ, chưa nói đến nợ gốc… đó là con số rất thực, trực tiếp. Bây giờ dự phóng tương lai chúng ta chỉ căn cứ vào quy luật của chế độ cộng sản, tự sụp đổ do cạn kiệt nguồn lực, và cái chứng minh là số nợ hiện tại, khả năng trả nợ thực tế của Việt Nam như thế.
Như vậy, có thể nói, chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng sự tồn tại của chế độ cộng sản, sự sụp đổ của nó sẽ xảy ra trong tương lai rất gần. Theo quan điểm của tôi, là trong năm nay và sang năm… những giới hạn cuối cùng (về số nợ, khả năng trả nợ…) nó đã vượt qua rồi. Nhưng việc dự đoán phần lớn thể hiện mong mỏi, mong ước của chúng ta. Nói vậy để chúng ta biết, trong tương lại gần điều đó sẽ xảy ra và chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị để khi chế độ sụp đổ chúng ta không bị sốc, không bị bất ngờ.
Chị Thanh Tâm: Từ trước tới giờ, quan niệm của chúng ta về phong trào đấu tranh dân chủ thì quốc nội, các anh chị em đấu tranh trong nước mới là tiền tuyến,ở hải ngoại chỉ là hậu phương mà thôi. Có nghĩa là hải ngoại yểm trợ, hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh mà thôi. Nhưng thời gian sau này, luồng suy nghĩ có vẻ chuyển đổi vì khi bước ra sân chơi quốc tế, thì sân chơi bây giờ không chỉ là quốc nội không nữa, mà mặt trận đấu tranh quốc nội và hải ngoại cũng như nhau. Nếu chúng ta biết kết hợp, ở hải ngoại vận dụng những luật chơi quốc tế, thì vẫn có thể là một mũi tấn công rất tốt, cùng với quốc nội hai mặt tiếp ứng với nhau. Vậy anh Bình nghĩ gì về quan niệm mới này, tức là không phải phân chia tiền tuyến hậu phương như trước nữa, mà là hai mũi giáp công?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Vâng, tôi hoàn toàn nhất trí. APEC vừa rồi, chính phủ Đức không tham gia, lý do vụ khủng hoảng ngoại giao, liên quan tới việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Rồi chúng ta biết, vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, đòi bồi thường 1,25 tỷ đô la. Chúng ta cũng được biết, chương trình đòi tài sản công dân của Ủy ban Cứu người vượt biển đang xúc tiến… tôi có một bài viết: “Hướng đi mới của phong trào dân chủ Việt Nam”, đây là hướng đi cực kỳ quan trọng. Tại sao lại quan trọng? vì trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rồi, sự tăng trưởng cũng như phát triển của nền kinh tế phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc vào các nền kinh tế nước ngoài, nhất là những nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Mặt trận đối ngoại bây giờ, chúng ta đánh trực diện vào những quốc gia đó, khi đó chúng ta có thể tác động vào vấn đề làm ăn, giao thương kinh tế của Việt Nam. Đây là một mặt trận rất lớn và quan trọng. Tôi đồng ý với chị, vai trò của phong trào hải ngoại không có kém gì với quốc nội. Nói cho cùng thì như tôi đã phân tích, trong nước cũng chỉ tác động để đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản, và hải ngoại cũng vậy. Nếu như trước đây chúng ta xác định, trong nước mà tập hợp nhau lại được, đứng lên dồn ép nhà cầm quyền Việt Nam để người ta nhượng bộ, mở cửa, thay đổi thì điều đó mới gọi là vai trò quyết định ở trong nước. Nhưng trong nước không làm được vai trò đó, chúng ta không dồn ép được nhà cầm quyền nhượng bộ, đồng ý để các đảng phái xuất hiện và tồn tại, thì chúng ta không thể nói vai trò quyết định được nữa. Như vậy, vai trong trong nước và hải ngoại là như nhau, đều tác động đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ. Bây giờ mở ra hướng mới như này, mặt trận hải ngoại chúng ta cần chú trọng, bởi vì ảnh hưởng của nó rất lớn, ví dụ 1,25 tỷ đô la nếu ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, trong lúc khó khăn của nhà cầm quyền Việt Nam thì nó là vấn đề cực lớn. Sau này nếu đòi tài sản thành công, ví dụ nhà cầm quyền phải đền bù bồi thương 5-7 tỷ đô la, hoặc 10-15 tỷ đô la, thì chế độ cũng không còn tiền mà thanh toán, phá sản, quy hàng.
Chị Thanh Tâm: Câu hỏi vừa rồi là câu hỏi cuối cùng, không biết nhà báo Nguyễn Vũ Bình có điều gì muốn nói thêm xung quanh chủ đề về phong trào dân chủ Việt Nam hay không?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Vâng, tôi xin nói một chút nữa thôi. Những người tham gia vào phong trào dân chủ, về tinh thần, sự dấn thân thì rất là hay rồi. Nhưng cũng có những hạn chế, đó là một phần ít có sự trau dồi, tìm hiểu. Khi chúng ta tham gia, chúng ta cần hiểu về phong trào dân chủ, chúng ta hiểu về chúng ta, rồi chúng ta cần hiểu về chế độ cộng sản. Chúng ta cũng cần hiểu bản thân chúng ta, khả năng chúng ta phù hợp với lĩnh vực nào, khía cạnh đấu tranh nào. Tôi mong muốn, qua những buổi như thế này, được gửi gắm tới những người mới tham gia, những bạn trẻ, cần nghiên cứu, cần tìm hiểu để tham gia vào phong trào được hiệu quả hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn chị Thanh Tâm và chương trình Đối Diện đã cho tôi cơ hội chia sẻ chút hiểu biết của mình.
Chị Thanh Tâm: Thay mặt chương trình và khán thính giả, xin chân thành cảm ơn nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã tham gia và chia sẻ những nghiên cứu và hiểu biết rất giá trị của Anh. Xin đươc hẹn gặp lại Anh trong các chương trình tiếp theo./.
(Hết)
Hà Nội, ngày 23/11/2017
N.V.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét