Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô
Xuân Lịch.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội
về Luật Quốc phòng ngày 24/11, các quan chức quân đội Việt Nam khẳng định mục
đích đầu tiên của việc quân đội làm kinh tế là “gia tăng sức mạnh quân sự, sức
mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia”.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế
Việt Nam cho rằng khó có thể đánh giá được hiệu quả kinh tế của những đóng góp
của quân đội, đặc biệt trong tình trạng “rất thiếu minh bạch” của các dự án
kinh tế do quân đội thực hiện.
Tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng
Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói việc quân đội làm kinh tế là “thực hiện nhiệm vụ
tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng
và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013”, theo TTXVN.
Tiếp lời ông Lịch, Thiếu tướng
Nguyễn Văn Khánh - Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát
Quân sự Trung ương - nói quân đội làm kinh tế nhằm góp phần vào 4 mục tiêu: gia
tăng sức mạnh quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc
lập tự chủ, tận dụng tiềm lực tiềm năng đất nước, từng bước nâng cao vị thế quốc
tế của Việt Nam, báo Dân Trí tường thuật.
Khẳng định của các quan chức quân
sự được đưa ra sau khi các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến về việc quân đội làm
kinh tế, một trong những vấn đề “nóng” gây bất bình trong dư luận xã hội thời
gian gần đây.
Sau khi khẳng định làm kinh tế quốc
phòng là “nhiệm vụ quan trọng”, “nhiệm vụ chính trị xã hội”, các tướng lĩnh quân
đội Việt Nam còn nhắc tới những đóng góp của quân đội vào ngân sách Nhà nước
trong nhiều năm, thông qua các doanh nghiệp hàng đầu như Tập đoàn Viễn thông
Quân đội (Viettel), Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội
(MB).
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế-chính
trị Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho rằng rất khó để đánh giá chính xác hiệu
quả kinh tế của các doanh nghiệp hay dự án của quân đội. Ông phân tích:
“Vấn đề này chưa ai lượng hóa được
và cũng chưa có một báo cáo nào lượng hóa được. Chỉ có các báo cáo của Bộ Quốc
phòng liệt kê những thành tích của quân đội. Nhưng người ta cũng biết là có nhiều
điều không phải là thành tích. Chẳng hạn như nhiều đơn vị kinh tế làm ăn thua lỗ,
ngay cả Viettel đầu tư sang Myanmar, châu Phi, và có hàng loạt những công trình
dang dở, những đất đai mà quân đội có được và sử dụng rất hoài phí. Nhiều công
trình lấy ngân sách nhà nước và làm ăn thua lỗ. Cho nên nếu đánh giá về hiệu quả
kinh tế của quân đội thì cho tới nay vẫn chưa có một báo cáo nào khách qua. Mà
thực ra là do quân đội rất thiếu minh bạch trong việc công bố các công trình, dự
án của mình”.
Vấn đề quân đội làm kinh tế bắt đầu
nổi lên vào giữa năm nay, sau khi có những phanh phui từ báo chí về việc quân đội
sử dụng đất sân bay Tân Sơn Nhất để làm sân golf, gây nhiều bất bình trong công
chúng, nhất là khi nhu cầu sử dụng quỹ đất của khu vực này để nâng cấp, cải thiện
sân bay Tân Sơn Nhất đã đến hồi cấp thiết.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh
nghiệp mang danh nghĩa quân đội nhưng hoạt động hoàn toàn không liên quan gì đến
quân sự. Chẳng hạn, theo TS. Phạm Chí Dũng, một trong những lĩnh vực đã được mượn
“mác” quân đội để làm ăn là các doanh nghiệp khai thác gỗ của Việt Nam ở Lào và
Campuchia. Nhiều vụ đã bị đưa ra phanh phui và đưa ra tòa án.
TS. Dũng cho rằng đây là dịp thuận
tiện để sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội. Ông nói:
“Đây là đợt cần phải làm gọn lại
những đơn vị kinh tế của quân đội. Tuyệt đối không cho các đơn vị mượn mác của
quân đội để làm ăn, đặc biệt là những lĩnh vực có thể dân sự hóa như may mặc.
Quân đội chỉ lo những vấn đề kinh tế quốc phòng đúng nghĩa như kinh tế vũ khí,
đạn dược, trang thiết bị chế tài”.
Cuối tháng 6, sau khi có những
thông tin tiêu cực lùm xùm quanh việc quân đội làm kinh tế, Thượng tướng Lê
Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phải làm việc với Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc.
Sau buổi làm việc này, Tướng
Chiêm khẳng định “Bộ Quốc phòng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia
làm kinh tế, mà là lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ tổ quốc” và cho biết sẽ tổ chức
cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp và dự án sắp đầu tư.
Tuy nhiên, vào trung tuần tháng
này, cũng chính Tướng Chiêm lại phát biểu trên báo chí rằng “Không những cần
duy trì quân đội làm kinh tế, mà còn phải đẩy mạnh”, và cho rằng phát biểu trước
đó của ông đã bị “hiểu không đúng”.
Giải thích về những quan điểm
trái chiều của các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng có
sự mâu thuẫn lợi ích giữa “một nhóm nhỏ” nắm giữ chức vụ trong quân đội và đa số
quân nhân còn lại. Ông nói:
“Kinh tế chỉ làm lợi cho một nhóm
rất nhỏ trong quân đội, còn đa phần không có gì hết. Nhưng nhóm nhỏ đó lại giữ
những vị trí tương đối quan trọng. Thành thử chúng ta thấy trong vòng 4, 5
tháng qua đã có hai luồng quan điểm trái ngược nhau ngay chính trong Bộ Quốc
phòng”.
Tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng
Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết quân đội đã thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại
doanh nghiệp quân đội, chỉ để lại 17 trong số 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
TS. Phạm Chí Dũng nói ngay cả với số lượng ít doanh nghiệp còn lại, cũng cần phải
làm rõ chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các doanh nghiệp này và loại bỏ
hoàn toàn các hoạt động kinh doanh đơn thuần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét