Xe hơi động cơ đốt khi nào sẽ nhường
chỗ cho xe điện ?Reuters
Ngày càng có nhiều quốc gia trên
thế giới thông báo kế hoạch sẽ cấm xe hơi chạy xăng, dầu lưu thông trong nội
thành. Các tập đoàn lớn của nền công nghiệp xe hơi toàn cầu đua nhau thông báo
đầu tư ồ ạt để "hướng tới xe điện". Xe điện, trào lưu của thời đại hay
là một cuộc cách mạng mới ? Hiệu quả của xe điện về bảo vệ môi trường, sức khỏe
cho con người ra sao?
Trong vài tuần lễ, Pháp, Anh, rồi
Trung Quốc cùng thông báo cấm xe hơi chạy bằng dầu và xăng trong một tương lai
không xa, thay vào đó là những chiếc xe điện, được cho là ít gây ô nhiễm cho
không khí.
Trung Quốc chưa ấn định thời điểm
cụ thể thủ đô Bắc Kinh bắt đầu áp dụng điều khoản mới ấy vì "môi trường,
vì sức khỏe công cộng". Thủ đô Paris và Luân Đôn nói tới ngưỡng 2040.
Na Uy từ nhiều năm qua đã có tham
vọng là từ 2025 sẽ cấm hẳn các loại xe với động cơ đốt. Trong sáu tháng đầu năm
2017, số xe điện bán ra trên toàn quốc cao hơn so với xe chạy bằng xăng hay dầu.
Hiện tại, Na Uy dẫn đầu bảng trên thế giới : 27,7 % xe mới là xe điện.
Tại vương quốc của nền công nghệ
xe hơi trên Lục Địa Già là Đức, Berlin đang hướng tới mục tiêu xóa bỏ hẳn xe
diesel vào ngưỡng 2030.
Hơn một tháng trước hội nghị quốc
tế về môi trường COP 23 tổ chức tại Bonn, hội chợ xe hơi quốc tế Franckfurt là
tủ kính của các kiểu xe điện đời mới, của những phát minh trong một lĩnh vực
còn khá mới mẻ.
Hàng loạt các hãng xe Đức, từ BMW
đến Volkswagen, từ Audi đến Mercedes, đã ồ ạt thông báo đầu tư hàng chục tỷ
euro cho một "cuộc cách mạng" trong nền công nghiệp xe hơi. Cũng nhân
hội chợ xe hơi quốc tế Franckfurt hồi tháng 9/2017, hãng xe Pháp Peugeot thông
báo tới năm 2023, 80 % các kiểu xe bán ra trên thị trường đều là xe điện.
Volkswagen thì đưa ra ngưỡng 2030, khi đó hiệu xe nổi tiếng của Đức này sẽ
không còn sản xuất bất kỳ một loại động cơ xăng hay dầu. Nhãn hiệu Volvo từng của
Thụy Điển, từ khi hợp tác với Geely của Trung Quốc mới vừa thông báo, trong hai
năm tới "thế hệ xe sử dụng năng lượng mới"
Xe diesel mất sức hấp dẫn
Theo báo cáo gần đây nhất của Cơ
Quan Năng Lượng Quốc Tế, để duy trì mục tiêu được ấn định tại hội nghị khí hậu
Paris COP21, tức là giữ cho nhiệt độ của trái đất không tăng quá 2°C từ nay tới
năm 2100, thế giới cần 600 triệu chiếc xe điện trong vòng 30 năm tới.
Hiện tại, trong lượng của xe điện
còn quá khiêm tốn trên thị trường. Năm 2016 được coi là một cột mốc quan trọng
: số lượng xe điện bán ra trên thế giới trong năm 2016 tăng 40 %, đạt 750.000
chiếc và khách hàng lớn nhất là Trung Quốc.
Trên quê hương của Louis Renault,
xe chạy dầu diesel không còn sức thu hút như mới chỉ một chục năm về trước. Năm
2008 được xem là thời kỳ "hoàng kim" của loại động cơ này : 77 % lượng
xe lưu hành là xe dầu. Nhưng tới 2016 tỷ lệ này rơi xuống dưới ngưỡng 50 %.
Trong vụ tai tiếng "dieselgate", tập đoàn xe hơi nổi tiếng của Đức,
Volkswagen bị tố cáo gian lận về các chuẩn mực thải khí CO2. Cũng đã có nghi vấn
tương tự với hai tập đoàn Pháp, Renault và PSA, khiến một phần người tiêu dùng
tẩy chay xe diesel, thiên về xe điện.
Dù vậy, tới nay, xe diesel và xe
xăng vẫn chiếm vị trị áp đảo : trong sáu tháng đầu 2007, trên 100 chiếc xe bán
ra tại Pháp, chỉ có 3,5 là xe sử dụng cả xăng lẫn điện ; 1,2 là xe thuần túy
dùng bình điện. Tỷ lệ xe xăng và dầu cộng lại vẫn là trên 95 %. Một trong những
trở ngại lớn của xe điện là loại xe này còn quá đắt, đắt hơn từ 50 đến 70 % so
với một chiếc xe "truyền thống".
Chưa dễ chia tay với động cơ đốt
Những yếu tố vừa nêu cho thấy,
Pháp chưa dễ bỏ xe xăng và dầu để chạy theo xe hơi điện. Vậy mục tiêu cấm hẳn
xe dùng động cơ đốt vào năm 2040 liệu có quá viển vông ?
Trước mắt tất cả các tập đoàn xe
của Pháp nói riêng, của thế giới nói chung đều khẳng định sẽ sẵn sàng cho
"thời đại xe điện". Volvo mùa hè vừa qua thông báo ngưng sản xuất
mô-tơ đốt từ năm 2019, để tập trung đầu tư vào các loại xe sử dụng "năng
lượng mới". Tại Hoa Kỳ, ngay từ khi được thành lập năm 2003 Tesla Motors
đã khẳng định vị trí trên lĩnh vực xe điện. Ở Pháp, Renault và đối tác Nhật
Nissan từ 2013 đã chen chân vào thị trường xe điện với kiểu xe Zoé và đang tính
toán để chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực này tại Trung Quốc.
Bước đầu trong ngành xe hơi điện
của PSA chật vật hơn và giờ đây Peugeot Citroen đang hướng tới ngưỡng 2021 để
trình làng 4 kiểu xe 100 % chạy bằng điện, 7 kiểu dùng vừa xăng, vừa điện.
Về phần Toyota, tập đoàn Nhật này
luôn có một vị trí riêng biệt trong lĩnh vực xe hơi : người tiêu dùng từ năm
1997 đã quá quen thuộc với động cơ xăng và điện của những chiếc Prius, cho nên
ông khổng lồ châu Á này chưa lao vào trận chiến "xe điện 100 %"
Xe điện có giúp chống biến đổi
khí hậu?
Trở lại với câu hỏi liệu rằng xe
hơi điện có là phép lạ, giảm ô nhiễm không khí, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm
cho nhân loại hít vào ít những hạt bụi siêu nhỏ vô cùng tai hại cho hệ hô hấp ?
Theo báo cáo của Cơ Quan Bảo Vệ
Môi Trường Châu Âu, mỗi năm có 10.000 người Đức tử vong vì ô nhiễm không khí do
xe dầu diesel nhả khí oxyde d'azote và nhất là những hạt bụi siêu nhỏ. Thành phố
Stuttgart, chiếc nôi của nền công nghiệp Đức, trụ sở của Mercedes và Porsh, thường
xuyên bị nghẹt thở vì ô nhiễm không khí.
Thành phố đã tính tới chuyện cấm hoàn toàn xe cộ lưu thông trong nội
thành ! Vây liệu xe điện có là một giải pháp thích hợp ?
Trả lời đài Pháp ngữ RFI, ông
Stéphane Lhomme, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường và chống năng lượng hạt nhân
Observatoire Nucléaire, phân tích
« Xe điện quả thực là một tai hại
đối với môi trường. Hại không kém xe dầu hay xăng. Tôi xin đơn cử vài thí dụ :
để tạo ra một bình điện cho xe hơi, chúng ta thải ra một khối lượng carbon
tương đương với một chiếc xe có động cơ đốt hoạt động trong vòng từ 10 tới 15
năm. Như vậy đủ thấy là ngay cả khi xe điện mới vừa hoàn tất và còn chưa được
dùng là nó đã gây ô nhiễm. Nếu muốn hạn chế lượng khí thải CO2, không chắc là dùng
xe điện tốt hơn.
Một yếu tố thứ hai bất lợi không
kém là để chế tạo bình điện, cần rất nhiều các loại đất hiếm, tương tự như để tạo
các linh kiện cho điện thoại di động nhưng với khối lượng lớn hơn rất nhiều. Và
ở đây đặt ra rất nhiều vấn đề, từ việc phải di dời một bộ phân dân số trên thế
giới để lấy đất khai thác các mỏ đất hiếm, rồi khai thác sức lao động, kể cả của
trẻ em. Cả về mặt nhân đạo lẫn môi trường, đây không hơn không kém là một tai họa.
Xét cho cùng, chúng ta bỏ xe chạy bằng xăng, dầu để dùng xe hơi điện, chẳng qua
chỉ là một dạng ‘xuất khẩu ô nhiễm’ qua một quốc gia khác mà thôi.
Sau cùng, một khi có xe điện, tức
là phải sạc điện, mà như vậy là phải có nhà máy điện -mà chủ yếu là điện hạt
nhân -để đáp ứng nhu cầu cho hàng triệu, triệu cái xe một lúc. Vậy thì đâu cũng
hoàn đó. Xe điện không giúp giải quyết được việc gì ».
Để xe điện thay thế được xe xăng,
dầu, các nền công nghiệp trên thế giới còn phải vượt qua nhiều thử thách. Ngoài
những thách thức về mặt kỹ thuật, những cân nhắc về hiệu quả, về đạo đức như
chuyên gia Stéphane Lhomme vừa nêu, thì còn phải tính tới lá bài kinh tế : thế
giới sẽ giải quyết thế nào khối lượng xe dùng động cơ đốt nếu tất cả số này bị
cấm lưu hành trong các thành phố lớn ?
Bên cạnh đó nếu người tiêu dùng
không đổ xăng, hay dầu diesel thì chính phủ mất đi nguồn thuế đánh trên nguyên
liệu này. Ở Pháp chẳng hạn, khi đổ một lít xăng/ dầu phải đóng thuế cho nhà nước
theo thứ tự là 62 % và 51 %. Trong tài khóa 2016, thuế đánh vào xăng, dầu cho
phép chính phủ thu về 7,3 tỷ euro. Vậy liệu chính Pháp có mạnh mẽ khuyến khích
người tiêu dùng ngừng mua xe sử dụng động cơ đốt để chỉ dùng xe điện thôi hay
chăng ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét