Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

653 - Một năm may mắn của Tổng thống Donald Trump




“Người giữ trẻ?” Trump cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Chánh Văn phòng Nhà trắng Kelly tại Nhà Trắng, tháng 10/2017.

Cách hành xử của tổng thống đã làm suy giảm danh tiếng và uy tín của Mỹ. Sớm hay muộn, may mắn của ông sẽ không còn. Và khi điều này trở thành sự thực, phí tổn thực sự của việc Trump trở thành tổng thống sẽ trở nên rõ ràng.
Tại sao sự hỗn loạn không thể kéo dài? 
Khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, nhiều người đã tự hỏi chính quyền của ông, và đặc biệt là chính sách đối ngoại của ông, sẽ bất thường đến mức nào. Xét cho cùng, với tư cách là ứng cử viên, Trump đã tỏ ra thiên vị những “người hùng” ở nước ngoài, chế nhạo các đồng minh của Mỹ là một nhóm ăn bám, đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, nhạo báng người Mexico và lên án các thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương còn non trẻ, trong khi tỏ ra ít hiểu biết về hầu hết các khía cạnh khác của chính trị quốc tế. Rất nhiều cựu quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại thuộc đảng Cộng hòa, trong đó có tác giả, đã phản đối việc Trump ra tranh cử với lý do cá tính và khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa biệt lập dân túy của ông. Bài diễn văn nhậm chức của Trump đã xác nhận những lo ngại rằng ông nhìn nhận thế giới theo những điều khoản được mất ngang nhau hạn chế đến mức ảm đạm. Ông nói: “Chúng ta đã làm cho các quốc gia khác trở nên giàu có trong khi sự giàu có, sức mạnh và sự tự tin của đất nước chúng ta lại tan biến ở đường chân trời”. Ông nói tiếp: “Từ nay về sau sẽ chỉ có Nước Mỹ trước tiên. Nước Mỹ trước tiên”. 
Việc lên nắm quyền hầu như không thể tiết chế giọng điệu hiếu chiến của Trump, cải thiện cam kết của ông trước thực tế hoặc thay đổi quan điểm của ông về các thỏa thuận thương mại và quốc tế. Trong suốt năm 2017, ông đã xúc phạm các nhà lãnh đạo nước ngoài trên Twitter, công khai làm suy yếu ngoại trưởng của mình, và công kích Cục điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan tình báo trung ương (CIA). Ông tiếp tục ca ngợi các nhà lãnh đạo độc tài, chẳng hạn như Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, và từ chối đề cập đến Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – điều khoản đưa ra ý tưởng rằng một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên của NATO là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả – khi tới thăm trụ sở chính của NATO tại Brussels. Cấp dưới của ông liều lĩnh lặp lại lời hứa “Nước Mỹ trước tiên”, cam đoan với cả công chúng lẫn bản thân họ rằng việc Trump sử dụng cụm từ đó không liên quan đến Ủy ban Nước Mỹ trước tiên theo chủ nghĩa biệt lập và bài Do Thái của Charles Lindbergh, được thành lập vào năm 1940. 
Tuy nhiên, thế giới đã không bùng nổ. Chiến tranh thế giới thứ 3 đã không xảy ra. Người ta có thể lập luận rằng khi xem xét tất cả mọi thứ, Trump cuối cùng là một phiên bản rất thất thường và khó chịu của một đàng viên Cộng hòa thông thường. Ông ủng hộ mạnh mẽ quốc phòng (ông đã gia tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc, mặc dù không nhiều như cơ quan này hy vọng), sẵn sàng sử dụng vũ lực (ông cho phóng tên lửa hành trình vào Syria như là hình phạt cho hành động sử dụng vũ khí hóa học của nước này) và cam kết với các đồng minh (một cách nhiệt tình với Israel và Nhật Bản, nhưng lại miễn cưỡng với các nước châu Âu). Mặc dù ông có xu hướng dân tộc chủ nghĩa về kinh tế nhiều hơn so với những gì một số người mong muốn, nhưng người ta cho rằng ông vẫn hoạt động trong giới hạn của truyền thống đảng Cộng hòa. 
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại chắc chắn không mang tính hủy diệt này là một sản phẩm của sự may mắn chứ không phải là sự kiềm chế, và của sự kháng cự của cấp dưới chứ không phải là sự phát triển của cấp trên. Trump đã khá may mắn trong năm 2017. Ông đã không phải trải qua bất kỳ cú sốc bên ngoài nào và không phải trả một cái giá rõ ràng nào cho việc khiến bạn bè của Mỹ xa lánh nước này. Nhưng đồng thời, rõ ràng là không có khu vực nào trên thế giới trở nên tốt đẹp hơn nhờ những nỗ lực của ông. Thay vào đó, những rạn nứt có từ trước trong hệ thống quốc tế hoặc vẫn như cũ hoặc đang trở nên tồi tệ hơn; không có đối thủ nào của Mỹ bị suy yếu đi một cách đáng kể, và một số đang trở nên mạnh hơn; và cách hành xử của tổng thống đã làm suy giảm danh tiếng và uy tín của Mỹ. Sớm hay muộn, may mắn của ông sẽ không còn. Và khi điều này trở thành sự thực, phí tổn thực sự của việc Trump trở thành tổng thống sẽ trở nên rõ ràng. 
Mọi chuyện đã có thể tồi tệ hơn 
Ở một số phương diện, năm 2017 đã chứng tỏ khó khăn rất lớn của việc đảo ngược sự đồng thuận trên quy mô lớn thời hậu chiến của chính phủ về chính sách đối ngoại của Mỹ. Phát biểu tại Liên hợp quốc, chính Trump đã xác định chủ quyền, an ninh và thịnh vượng của người dân Mỹ là mục tiêu duy nhất của mình. Nhưng các quyền được ủy nhiệm của Quốc hội và sự trì trệ của các chính sách trước đó đã cản đường "Nước Mỹ trước tiên". Mỹ đã đồng ý chuyển các tên lửa chống tăng cho Ukraine, và quan hệ với Mexico đã được hàn gắn một cách không dễ dàng. Nhánh hành pháp nắm quyền kiểm soát chính sách đối ngoại, nhưng Quốc hội lại đặt ra các giới hạn, đặc biệt là đối với Nga, và các tòa án có tiếng nói của họ, ngăn cản nỗ lực của Trump viết lại luật di trú của Mỹ bằng sắc lệnh hành pháp. 
Ngoài các giới hạn nội tại đối với quyền lực của tổng thống, còn có một sự kháng cự của cái mà một số người ủng hộ Trump gọi một cách ảm đạm là “nhà nước ngầm”. Đây là một cách gọi sai: Mỹ không có cái tương đương với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 30 năm, hoặc cái hiện vẫn là quân đội và cơ quan tình báo của Pakistan. Mỹ thậm chí không có cái mà nhà sử học Anh Ronald Robinson gọi là “đầu óc quan chức”, những niềm tin tù túng của một lớp quan chức cấp cao gồm các chuyên gia. Nhưng không ai nghi ngờ về việc các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, các quan chức tình báo, các công chức và các nhà lãnh đạo quân đội có sự đồng thuận “ăn sâu bám rễ” về chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ. Và sự đồng thuận này chắc chắn xa rời thế giới quan của Trump để ủng hộ thương mại tự do, các liên minh của Mỹ (đặc biệt là NATO) và trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Nhiều nhân vật chính trị cấp cao do Trump bổ nhiệm không có chung thế giới quan với Trump. Hơn nữa, Chính quyền Trump được ghi nhận là một trong những chính quyền chậm chạp nhất trong việc bổ nhiệm các vị trí – ứng cử viên chưa đầy 40% các vị trí then chốt đến cuối năm 2017 mới được phê chuẩn. (Trump phê chuẩn khoảng 300 quan chức vào cuối năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông, trong khi Tổng thống George W. Bush phê chuẩn gần 500 người). Kết quả là các quan chức có nhiều cơ hội để tiếp tục các chính sách mà họ ưa thích thay vì theo đuổi những chính sách có thể làm tổng thống hài lòng. 
Căng thẳng nội bộ và sự kém cỏi của một số nhân vật trong đội tham mưu của Trump thậm chí còn khiến bộ máy chính quyền phản ứng ít nhanh nhạy hơn với Nhà Trắng. Trump có thể đã thành công trong lĩnh vực bất động sản và giải trí, nhưng ông không có kinh nghiệm trong việc bắt các tổ chức lớn và phức tạp phải làm theo ý muốn của mình. Trên thực tế, tính tùy tiện trong những chỉ thị của ông đã gây ra sự phản kháng thụ động, chẳng hạn như khi những người đứng đầu các quân chủng và chính Bộ trưởng Quốc phòng của ông phớt lờ một cách lịch sự dòng tweet của ông về việc cấm các cá nhân là người chuyển giới phục vụ trong quân đội. Trump đã trải qua chính những hạn chế về quyền lực mà Tổng thống Harry Truman từng tiên lượng cho người kế nhiệm mình là Dwight Eisenhower: “Ông ấy sẽ ngồi đây, và ông sẽ nói, ‘Làm cái này! Làm cái kia!’ Và sẽ chẳng có điều gì xảy ra…. Ông ấy sẽ thấy chán nản về điều đó”. 
Một số người đã đặt niềm tin của họ vào những “người trưởng thành” trong chính quyền – Ngoại trưởng Rex Tillerson và 3 vị tướng là John Kelly (Chánh văn phòng Nhà Trắng), James Mattis (Bộ trưởng Quốc phòng) và H. R. McMaster (Cố vấn an ninh quốc gia). Có lập luận cho rằng những quan chức này đã đặt bàn tay chỉ đạo và kiềm chế của họ lên vai vị tổng tư lệnh bốc đồng và ít đọc. Lập luận này phần nào có lý. Xét cho cùng, Mattis đã nhẹ nhàng thuyết phục Trump không nên ủng hộ hình thức tra tấn bằng cách nói rằng ông luôn moi được nhiều thông tin hơn từ tù nhân bằng cách mang cho họ bia và thuốc lá – một lời nói dối nhẹ nhàng mà hiệu quả, khi xét tới việc các tướng lĩnh không thường xuyên thẩm vấn những kẻ thánh chiến. Khi cuốn hồi ký cuối cùng cũng được viết, chúng ta có thể biết thêm những thảm họa đã được ngăn chặn theo cách này. Trong số những “người trưởng thành”, Tillerson là người ít quan trọng nhất, xuất thân của ông từ vị trí Giám đốc điều hành ẩn dật của ExxonMobil hóa ra lại là sự chuẩn bị nghèo nàn cho việc lãnh đạo Bộ Ngoại giao và giải thích chính sách đối ngoại của Mỹ cho người dân Mỹ. Ông cũng tỏ ra có ít ảnh hưởng nhất đối với Trump. 
“Chính quyền quân sự” ôn hòa, ở một chừng mực nào đó, của Kelly, Mattis và McMaster lại là một vấn đề khác: thân thiết với tổng thống hơn và rõ ràng được ông coi trọng hơn. Nhưng giữa họ vẫn có những khác biệt quan trọng. 
Có thể thấy rõ nhất là McMaster bất đồng với tổng thống khi đề cập đến vấn đề nước Nga, nhưng ông cũng là người tán thành công khai nhất quan điểm của Trump coi chính trị quốc tế như một mớ hỗn độn. Kelly rõ ràng đồng tình với quan điểm của Trump về vấn đề nhập cư, báo chí và sự giám sát của Quốc hội hơn những người khác. Và Mattis phải gánh một gánh nặng đặc biệt: điều hành tổ chức lớn nhất ở Mỹ mà hạn chế thời gian ông có thể dành để kiềm chế ông chủ hay lầm đường lạc lối của mình. Hơn nữa, vì Mattis hiểu được rằng ông là rào cản chính giữa Trump và một quyết định thực sự tai hại về mặt quân sự, nên ông có khả năng sẽ kiềm chế những ý kiến bất đồng của mình. Nói cách khác, các tướng lĩnh không thể lúc nào cũng sẵn sàng kiềm chế những bản năng tồi tệ nhất của Trump, vì trong một số trường hợp, họ cũng có những bản năng đó, dù ở mức độ nhẹ hơn. Và là con người, họ cũng có thể bị phân tâm, kiệt sức và đánh bại. Trong kịch bản tốt nhất, họ phần nào hình thành một cái phanh hãm, nhưng phanh hãm này không nhất thiết mang tính lâu dài. 
Điều chưa biết là chuyện gì sẽ xảy ra nếu và khi tổng thống quyết định một đường lối hành động mà các cố vấn của ông cho là vô cùng nguy hiểm nhưng lại hợp pháp. Đều được huấn luyện về ý thức phục tùng tổng tư lệnh vốn đã được duy trì hơn 1 thế kỷ, các tướng lĩnh có thể không sẵn sàng phá bỏ các quyết định mà họ không đồng tình, như những nhân vật mưu mô khác được bổ nhiệm vào bộ máy chính quyền từng làm trong quá khứ (trường hợp quan trọng nhất là hành động kín đáo của James Schlesinger trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng để đảm bảo rằng Tổng thống Mỹ Richard Nixon không thể có bất kỳ động thái ngông cuồng nào mà không có sự cho phép của ông). Cũng không rõ có bao nhiêu trong số những “người trưởng thành” sẽ ở lại quá 2 năm. Có thể nhận thấy là McMaster và Tillerson có thể ra đi trước khi năm 2018 kết thúc, và những người thay thế họ có lẽ còn ít có khả năng hơn chống lại những cơn bốc đồng của tổng thống. 
Một năm của Trump 
Đối với Chính quyền Trump, 2017 là một năm để thích nghi, dù tùy tiện đến đâu chăng nữa, với một thế giới mà nhiều người ở bên trong và bên ngoài phe cánh của tổng thống đều coi là ngày càng nguy hiểm. Không có cuộc khủng hoảng lớn nào tương tự như sự kiện vịnh Con Lợn hay sự kiện 11/9, nhưng những sự kiện đủ để gây lo lắng cũng đã sẵn sàng diễn ra. 
Trong suốt năm đầu tiên cầm quyền của Trump, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển các vũ khí hạt nhân và những tên lửa đạn đạo liên lục địa mà họ sẽ cần để phóng sang Mỹ. Giọng điệu nóng nảy ở cả hai bên (bao gồm cả những lời đe dọa trút “lửa và cơn thịnh nộ” đối với Triều Tiên của Trump) và việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng đã không giải quyết được chút nào tình trạng đối đầu này. Và thông qua giọng điệu và việc tiếp tục hoạt động củng cố quân sự của mình, kể cả trên Biển Đông, Trung Quốc đã tỏ rõ rằng họ sẽ không hành động như là “cảnh sát trưởng” của Mỹ ở Đông Á. Trong khi đó, việc McMaster khăng khăng phi hạt nhân hóa Triều Tiên và nhiều lần nói về “chiến tranh phòng ngừa” khiến cho sự thỏa hiệp hòa bình và đầy thiện chí dường như xa vời hơn bao giờ hết. Trong năm 2018, Mỹ sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn: hoặc là gây chiến (dù tình cờ hay theo kế hoạch) nhằm giải giáp vũ khí hay thậm chí lật đổ chế độ Triều Tiên hoặc là chịu mất mặt từ bỏ mức độ cao nhất của giới hạn đỏ. 
Trong năm 2017, việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tích cực đến mức nào đã trở nên ngày càng rõ ràng. Những cáo buộc rằng đội ngũ của Trump có thể có liên hệ với Moskva đã chi phối tin tức, khi các công tố viên liên bang kiên trì đeo bám các quan chức cấp cao tham gia chiến dịch tranh cử và thậm chí còn có được một thỏa thuận nhận tội từ cố vấn an ninh quốc gia đã bị sa thải của Trump là Michael Flynn. Trong khi đó, tổng thống vẫn đặc biệt thân mật với Tổng thống Nga Vladimir Putin và rõ ràng đã ra lệnh không trả đũa đối với nỗ lực đáng kinh ngạc của Nga nhằm gây rối loạn chính trường Mỹ và khiến các tiến trình dân chủ của Mỹ mất uy tín. Cuối cùng, Quốc hội và Bộ Ngoại giao đã vượt mặt Nhà Trắng để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nhưng tình hình vẫn bất ổn: Tên lửa chống tăng mà Mỹ gửi đến Ukraine chắc chắn sẽ gây thiệt hại nhân mạng cho Nga, và Putin chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt đối với việc này. Và một châu Âu ngày càng lo lắng về các phong trào dân túy và li khai của chính họ mang lại thêm cơ hội cho hành động của Nga. 
Tháng 4/2017, Trump đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, và vào tháng 11, Tập Cận Bình đã đáp lễ tại Bắc Kinh. Các chuyến thăm cấp nhà nước này đã thành công với cảm giác thân ái và phô trương, nhưng Chiến lược an ninh quốc gia của Trump, được công bố vào tháng 12/2017, vẫn xác định Trung Quốc là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ, và tổng thống vẫn tiếp tục phàn nàn về thặng dư thương mại của Trung Quốc và việc Trung Quốc không thể kiềm chế Triều Tiên. Sự ủng hộ nhất quán của Chính quyền Mỹ đối với Nhật Bản, bao gồm quyết định tăng cường bán vũ khí tối tân cho Tokyo, không có khả năng làm ấm lên mối quan hệ với Trung Quốc. Tình trạng bế tắc với Triều Tiên cũng không thể làm điều tương tự: Nỗi sợ hãi của Bắc Kinh về những gì có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, được phản ánh qua việc máy bay quân sự của Trung Quốc tuần tra gần Hàn Quốc và âm thầm chuẩn bị các trại tị nạn gần biên giới Triều Tiên, cho thấy cuộc xung đột Mỹ-Triều có thể mở rộng thành thứ gì đó lớn hơn nhiều. Trong lúc đó, việc Trung Quốc dần đạt được sức mạnh quân sự, tư thế hăm dọa của họ đối với Đài Loan, và việc họ sử dụng viện trợ kinh tế và đầu tư như một công cụ địa chính trị đang ngày càng gia tăng. Có thể nói, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang gây nhiều lo lắng hơn so với cách đây 1 năm. 
Trong cuộc chiến đang diễn ra chống lại các phần tử thánh chiến, Chính quyền Trump đã đạt được thành công to lớn nhờ hoàn thành chiến dịch giúp Iraq loại bỏ sự hiện diện thực sự của Nhà nước Hồi giáo (IS). Mặc dù Trump đã nhanh chóng nhận được danh tiếng – và chính quyền của ông quả thực đã tăng cường các nguồn lực và loại bỏ những hạn chế áp đặt cho các tư lệnh của Mỹ - nhưng chính quyền của ông cùng lắm thì chỉ mở rộng và đẩy nhanh một nỗ lực do Chính quyền Obama phát động. Cuối năm 2017, IS không còn chiếm giữ lãnh thổ ở Iraq, nhưng điều này không phá vỡ được tổ chức này giống như việc trừ khử Osama bin Laden đã kết liễu al-Qaeda. Cuộc giao tranh với các phần tử thánh chiến sẽ tiếp diễn sau nhiệm kỳ tổng thống của Trump, và chính quyền vẫn chưa đưa ra được một chiến lược rõ ràng để thành công. Trong khi đó, những phần rộng lớn của Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq, chỉ còn là những đống đổ nát. Các lực lượng dân quân Shiite đang hoạt động ở đó và ở các khu vực khác của đất nước mà phần lớn dân số là người Sunni. Và trong tháng 10, Chính phủ Iraq đã giành quyền kiểm soát thành phố Kirkuk bị tranh giành, một động thái khiến các đồng minh người Kurd của Mỹ bàng hoàng và giận dữ. 
Tại nước láng giềng Syria, chế độ của Bashar al-Assad đã giành chiến thắng trong cuộc chiến sống còn nhờ có hỗ trợ từ Iran, Hezbollah và Nga, trong khi quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn nhận thấy mình bị cô lập và bại trận. Israel hiện phải đối mặt với một Hezbollah được khuyến khích và khả năng có sự hiện diện quân sự thường trực hơn của Iran ở Syria. Trump đã thực sự cải thiện được mối quan hệ với Ai Cập, nhưng, phản ánh sự quyết đoán mới của Nga tại Trung Đông, Chính phủ Ai Cập hiện đang mua vũ khí hạng nặng của Nga và cho phép máy bay quân sự Nga triển khai từ Ai Cập. Về vấn đề này, Thủ tướng Israel đã dành nhiều thời gian ở Moskva hơn so với khi ông còn ở Washington vào năm 2017. Trump tiếp quản những khó khăn này từ người tiền nhiệm của mình, nhưng ông không hề, và có lẽ là không thể, xoay chuyển chúng. 
Ở Vịnh Persian, Trump liên kết Mỹ chặt chẽ hơn với Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh nhỏ hơn và chống lại Iran. Ông đã phát đi tín hiệu cho thấy mong muốn rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tỏ ra gần như không quan tâm tới cuộc chiến tranh ủy nhiệm tàn khốc mà các nước Arập đang tiến hành ở Yemen chống lại Iran. Chính quyền Mỹ dường như đang đặt cược vào vị thái tử mới của Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, một nhân vật mơ hồ đang hứa hẹn mở ra cơ hội cho phụ nữ và hiện đại hóa xã hội của ông trong khi hăng hái đối đầu với Iran và gây chấn động các thành viên và cộng sự giàu có của hoàng tộc. Đáng chú ý là Chính quyền Mỹ đã im lặng về những hành động quá đà như vậy, cũng như về việc Saudi Arabia trên thực tế đã bắt cóc Thủ tướng Liban hồi tháng 11. 
Về thương mại, ngay sau khi nhậm chức, Trump đã dứt khoát từ bỏ Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). (Các hiệp định kinh tế quốc tế lớn do Trung Quốc dẫn đầu đã thế chỗ cho nó). Sau đó, ông bắt đầu đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà ông đã nhiều lần đe dọa từ bỏ hoàn toàn. Mặc dù Trump hứa hẹn thay thế các hiệp định thương mại đa phương bằng các thỏa thuận song phương, nhưng ông đã không thể theo đuổi đến cùng. Quả thực, ông đã lên án hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc ngay cả khi Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cùng với nước này cho khả năng tiến hành chiến tranh. Cùng với nhau, những hành động này khiến Mỹ có vẻ ít cam kết hơn với một trật tự thương mại quốc tế cởi mở so với Trung Quốc. Và cách tiếp cận thương mại của Trump có thể sẽ khiến các đồng minh lâu đời như Canada và các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc trở nên xa cách. 
Ở những nơi khác, các cuộc khủng hoảng đã lan rộng, đáng chú ý nhất là ở Venezuela, khi đất nước hơn 30 triệu dân này tiếp tục rơi vào hỗn loạn. Nhưng ở Mỹ Latinh (trừ Mexico) cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, không có nhiều hay hoàn toàn không có xung đột: Mỹ đơn giản là không đóng vai trò quá lớn theo cách này hay cách khác. Và trong suốt năm đầu tiên nắm quyền của mình, Trump đã nổi danh trên toàn cầu vì không đáng tin cậy, tính khí thất thường và dối trá. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, 93% người Thụy Điển được thăm dò ý kiến cho biết họ tin tưởng Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng chỉ 10% nói rằng họ cảm nhận tương tự về Trump. Tất nhiên, điều này liên quan nhiều đến Thụy Điển hơn là Mỹ, nhưng tại Canada, Đức và Anh, những con số này cũng tồi tệ không kém. Và các quan chức nước ngoài đã bắt đầu bàn luận công khai về cách thức mà, theo lời Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, “các bạn bè và đồng minh của chúng tôi đã đặt câu hỏi về giá trị của vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ”. Những phí tổn của sự giảm sút vị thế như vậy của Mỹ sẽ kéo dài. Chúng có thể chưa rõ ràng, nhưng chúng sẽ mở ra một thời điểm căng thẳng sâu sắc. 
Trong khi đó, Chính quyền Trump chưa giải quyết được bất kỳ vấn đề nào mà họ thừa hưởng, dường như cũng không có bất kỳ giải pháp nào trước mắt. Sau khi lên án sự can dự quá mức ở nước ngoài, chính quyền đã gia tăng chứ không giảm bớt việc triển khai lực lượng đến các khu vực đang có chiến tranh. Chẳng hạn, ở Afghanistan, Trump đã tăng số lượng binh sĩ Mỹ mà không có mục đích rõ ràng nào vượt ra ngoài tình trạng tiếp tục dai dẳng. Những động thái khác đầy ấn tượng nhưng về cơ bản là vô nghĩa. Việc chính quyền đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã bị các chuyên gia chính sách đối ngoại than vãn, nhưng không có bằng chứng cho thấy Abu Dhabi, Cairo hay Riyadh thực sự quan tâm nhiều đến điều đó. Cùng lắm đó cũng chỉ là một điều khó chịu nhỏ nhặt cho một tiến trình hòa bình Israel-Palestine vốn đã ngưng trệ nhiều năm tước. 
Rắc rối phía trước 
Nếu năm đầu tiên của Trump gây khó chịu nhưng phần lớn là không có nhiều sự kiện, có lý do để cho rằng năm thứ 2 của ông sẽ khó khăn hơn đáng kể. Những thách thức chính sách đối ngoại sẽ không chỉ bắt đầu chồng chất; một năm của Chính quyền Trump đã đưa nước Mỹ vào một vị thế tồi tệ hơn để xử lý chúng. 
Cuộc xung đột với Triều Tiên đang tiến đến một kiểu cao trào nào đó. Hoàn toàn có thể hiểu được nếu nhà lãnh đạo tối cao của nước này Kim Jong-un sẽ ra lệnh thử một tên lửa đạn đạo được vũ trang hạt nhân trong năm 2018. Đáp lại, Mỹ có thể bắn hạ một tên lửa thử nghiệm, ngay dù nó không được vũ trang. Một hành động như vậy, hoặc một vụ việc nhỏ nào đó trên các vùng lãnh hải hoặc dọc khu vực phi quân sự, có thể biến thành một cuộc chiến tranh tàn khốc. 100 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, cần nhớ rằng những sự kiện bạo lực nhỏ có thể châm ngòi cho những sự kiện lớn hơn nhiều. Sau khi đã tuyên bố rằng mình sẽ không chấp nhận một Triều Tiên vũ trang hạt nhân, Mỹ có thể dùng vũ lực để thực hiện tuyên bố của mình. Những tuyên bố trước công chúng của Trump và McMaster không cho thấy bất kỳ sự quan tâm nào đến một chiến lược ngăn chặn và gây sức ép trong dài hạn. Ngay cả Mattis vốn cẩn trọng hơn cũng đã nói về "mây bão" đang tích tụ trên bán đảo Triều Tiên. Bằng cách này hay cách khác, cuộc khủng hoảng này sẽ đạt đến bước ngoặt vào đầu năm 2019. Nó có thể kết thúc với một cú đòn giáng vào uy tín và danh tiếng của Mỹ, khi Washington thừa nhận điều họ đã tuyên bố là một mối nguy hiểm không thể chấp nhận được. Hoặc nó có thể biến thành một cuộc chiến tranh giết hại hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu người. 
Xung đột với Nga cũng trở nên có khả năng xảy ra hơn. Sự căng thẳng kỳ lạ giữa giọng điệu đồng cảm của tổng thống và những hành động thù địch hơn của chính quyền ông đã làm gia tăng nguy cơ rằng một nước Nga “khinh khỉnh” và tức giận sẽ can thiệp trở lại Đông Âu. Những nỗi lo lắng của Kremli về tính hợp pháp giữa tình trạng đình trệ kinh tế làm xấu thêm tình hình. Đồng thời, Mỹ có thể nhận thấy mình đang ở trong cuộc đấu với Iran và trong một mối quan hệ thù địch hơn với Trung Quốc. 
Những điều này kết hợp với các căng thẳng khác, và không chỉ là từng thứ một, tạo thành một nguồn gây ra lo ngại. Nếu bất kỳ cuộc xung đột nào bùng nổ, các đối thủ của Washington ở những khu vực khác sẽ tận dụng khe hở này. Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt có thể hình dung ra và thực hiện chiến lược đồng thời chống lại Nhật Bản và Đức, nhưng Trump không phải là Roosevelt, và nước Mỹ phân cực của năm 2018 không phải là nước Mỹ đoàn kết của năm 1942. Tổng thống Abraham Lincoln được cho là đã cảnh báo William Seward, Ngoại trưởng hay gây gổ của ông, người ưa thích một cuộc chiến với Anh: "Chỉ một cuộc chiến trong một thời điểm thôi". Một nước Mỹ bận tâm với chiến đấu ở, ví dụ như, bán đảo Triều Tiên, chắc chắn sẽ ít hung hăng hơn trong việc kiềm chế Nga ở châu Âu. Và nếu các nhà lãnh đạo nước ngoài biết điều gì về Chính quyền Trump, thì đó là họ dường như không có khả năng tập trung. 
Nguồn gốc cuối cùng gây bất ổn cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm 2018 sẽ là trong nước. Cuộc bầu cử vào tháng 11 có thể lấy đi của đảng Cộng hòa quyền kiểm soát 1 hoặc cả 2 viện Quốc hội. Cũng có thể có những diễn biến lớn trong các cuộc điều tra do cựu Giám đốc FBI Robert Mueller đứng đầu, người hiện là công tố viên đặc biệt xem xét vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và bất kỳ liên kết có thể có nào giữa chiến dịch của Trump và Nga. Đây có thể là những lý do để Trump cách chức các nhân vật cấp cao trong chính quyền hoặc Mueller. Trong vụ Watergate, phải mất 2 năm sau khi nó nổ ra, Tổng thống Richard Nixon mới từ chức. Có thể ở đây không có vụ vi phạm pháp luật và không có việc từ chức hay luận tội, nhưng nhịp điệu có cảm giác tương đồng. Hơn nữa, các cuộc bầu cử và điều tra này đang diễn ra trong bối cảnh các cử tri phân cực và tức giận. Tình trạng rối loạn diễn ra sau đó sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách đối ngoại bằng cách đem lại cho các cường quốc đối nghịch cơ hội để tận dụng một đất nước quá chú tâm đến những bê bối trong nước hoặc bằng cách lôi cuốn một vị tổng thống tuyệt vọng tìm kiếm vinh quang hay sự bối rối ở nơi khác. Nixon đã khởi động chuyến công du mang tính tán dương đến Trung Đông vào tháng 6/1974, không lâu trước khi Ủy ban tư pháp Hạ viện đưa ra đề xuất luận tội ông trước viện này. Chí ít là bậc thầy về truyền hình thực tế, Trump có thể lựa chọn đánh lạc hướng sự chú ý theo một cách ấn tượng hơn. 
Trump có vẻ tin rằng ông đạt được những điều lớn lao trong năm đầu tiên mình nắm quyền và rằng những người chỉ trích ông đã được chứng minh là vừa ác ý vừa sai lầm. Trên thực tế, ông đã làm mất tinh thần những thể chế của Chính phủ Mỹ mà ông dựa vào đó. Ông đã làm thất vọng bất kỳ ai đã kỳ vọng ông chín chắn hơn, ở trong hay ngoài nước. Ông đang vắt kiệt nhóm những người đầu tiên được ông bổ nhiệm, và ông không có nhiều người để dự phòng cho họ. Và có lẽ điều tồi tệ nhất trong số đó là ông nghĩ mình biết mình đang làm gì. Ông dường như không nhận ra rằng mình chưa phải đối mặt với bất kỳ thử thách nào có thể so sánh được với các vụ tấn công ngày 11/9 hay tình trạng suy thoái năm 2008, và không có lý do gì để tin rằng ông đã phát triển kiến thức hay óc phán đoán để xử lý một thách thức như thế khi nó thật sự xuất hiện. Điều ông quy cho là thiên tài thì phần lớn các nhà quan sát lại cho rằng chính xác là do vận may. Và nhiều khả năng 2018 sẽ là năm ông không còn may mắn nữa.
Eliot A. Cohen là Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Johns Hopkins và là tác giả cuốn “The Big Stick: The Limits of Soft Power and the Necessity of Military Force”. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét