Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

667 - Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị, không có tự do ngôn luận - Báo cáo của Economist


Hình bìa báo cáo của The Economist về Chỉ số dân chủ năm 2017

Phúc trình về Chỉ số Dân Chủ năm 2017 do Nhóm Nghiên Cứu - Phân Tích EIU của tạp chí The Economist vừa công bố vào cuối tháng Một năm 2018 nhận định Việt Nam vẫn là quốc gia toàn trị, không có tự do ngôn luận.
Phúc trình đưa ra Chỉ Số Dân Chủ của 167 quốc gia. Việt Nam xếp thứ 140 với điểm số tổng quát là 3.08 trên thang điểm 10 cho các tiêu chí đánh giá, thấp hơn so với các năm trước đó.
Điểm số tổng quát năm 2016 của Việt Nam là 3,38; năm 2015 là 3,53.
Có 5 tiêu chí. Thứ nhất là qui trình bầu cử và đa nguyên. Đối với tiêu chí này Việt Nam bị điểm 0. Tiêu chí thứ hai về vận hành của chính phủ, Hà Nội được 3,21 điểm. Đối với tiêu chí tham gia chính trị, điểm số của Việt Nam là 3,89. Tiêu chí văn hóa chính trị của Việt Nam đạt 5,63 điểm. Tiêu chí thứ năm về các quyền tự do dân sự, Việt Nam chỉ được 2,65 điểm.
EIU nhận định kể từ năm 2006 khi nhóm này bắt đầu đưa ra Chỉ số Dân chủ của các quốc gia trên thế giới, thì vào năm 2015 khu vực Châu Á và Á - Úc có tiến bộ nhất về dân chủ so với các khu vực khác; tuy nhiên sang năm 2017 lại suy sút đáng ngại với số điểm tổng quát giảm mạnh. Điều này cho thấy năm qua là một năm biến động với nhiều thay đổi bất lợi ở nhiều nước trong khu vực này.
Về tự do ngôn luận, phúc trình 2017 của EIU nêu rõ ‘Free Speech Under Attack’ tức Tự do Ngôn luận bị tấn công. Việt Nam xếp hạng 145 với điểm số là 1, và thuộc nhóm 47 quốc gia không có tự do ngôn luận.
Phúc trình nêu rõ Trung Quốc và Việt Nam là hai nước bỏ tù nhiều tiếng nói bất đồng với qui mô lớn hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Theo EIU thì Chỉ Số Dân Chủ coi tự do biểu đạt là thiết yếu giúp cho dân chủ được bén rễ và phát triển. Chất lượng dân chủ tại bất cứ một quốc gia nào cũng được lượng định phần lớn bởi mức độ thực thi quyền tự do ngôn luận.
Xã hội nào bất dung các tiếng nói bất đồng, sự khác biệt về niềm tin, và nghi vấn đối với những quan điểm truyền thống thì xã hội đó không thể nào có nền dân chủ đầy đủ được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét