Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

674 - 50 năm chiến cuộc Tết Mậu Thân: Nhìn lại bước ngoặt chiến tranh để giải ảo ngụy sử (phần cuối)

Đỗ Kim Thêm
Giải ảo ngụy sừ Việt Nam
Cho đến nay, chính biến Tết Mậu Thân còn để lại quá nhiều nghi vấn vì phe thắng cuộc tiếp tục tuyên truyền về thành quả chiến thắng và không công bố hết các tài liệu liên quan về tổn thất. Dù một số người trực tiếp tham chiến đã can đảm đưa ra một vài ánh sáng mới trong các bí ẩn củ, nhưng các tin tức đó không phải là tất cả sự thật.
Do đó, trước sự đã rồi của lịch sử, giải ảo ngụy sử là một nhu cầu quan trọng. Với thời gian lắng động, hiện nay không phải là lúc để những người trong cuộc khơi động lại hận thù hay xí xoá khép lại quá khứ mà là cùng nhau soi sáng sự thật lịch sử giúp cho thế hệ hậu chiến tránh hiểm hoạ trong tương lai.
Tác nhân chủ yếu
Luận điểm thứ nhất được đặt ra là toàn Đảng hay toàn bộ Bộ Chính trị hay ai ra quyết định tấn công vào dip Tết Mậu Thân.
Dù nội tình là bí sử, nhưng giới am tường chuyện thâm cung có nhận định chung là Bộ Chính trị không phải là một khối ý chí thuần nhất mà tranh chấp quyền lực nội bộ đưa đến việc thanh trừng nhau để gìành quyền quyết định mà kết quả là một thiểu số duy ý chí xâm lăng miền Nam nhất quyết tiến hành chiến cuộc Tết Mậu Thân.
Thực tế cho thấy trong suôt một thời gian dài, Tướng Giáp luôn tỏ ra là một người biện hộ nhiệt thành cho một giải pháp hòa dịu đối với tình hình miền Nam. Cả hai ông Trường Chinh và Hồ Chí Minh cũng phần nào đồng tình theo luận điểm này, nhưng cả ba không tạo sức ép trong Bộ Chính Trị, trong khi Lê Duẩn có thanh thế hơn khi dựa vào Trung Quốc và luôn mang ý tưởng sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam. Xung đột giữa Tướng Giáp với Lê Duẩn trong vấn đề một binh pháp cho miền Nam là cực kỳ gay gắt, nhưng cả hai vốn dĩ đã có nhiều bất hoà khác từ trước.
Không như dư luận thổi phòng về vai trò của Tướng Giáp trong thời kỳ soạn thảo kế hoạch, các sử liệu ghi lại hoàn toàn trái ngược nhau. Có tác giả cho là tướng Giáp không hiện diện ở bất kỳ cuộc họp kế hoạch nào; theo tác giả khác thì ngay từ đầu tướng Giáp phản đối kế hoạch bởi vì không khả thi và phải làm cho lực lượng Mỹ-Việt tê liệt trước khi tổng tấn công. Có tài liệu khác cho là Tướng Giáp chỉ đứng bên lề của Bộ Chính trị CSVN từ tháng 11 năm 1960 cho tới tháng 2 năm 1975; Tướng Giáp có thể vẫn là Bí thư của Quân ủy Trung ương, nhưng trên thực tế đã trao quyền hạn cho tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, vì tướng Dũng nhận lệnh trực tiếp từ Lê Duẩn. Sau tang lễ của Tướng Thanh, Tướng Giáp đi nghỉ mát dài hạn tại Hungaria, một hình thức bị loại ra khỏi Bộ Chính trị. Mãi tới ngày 29 tháng Giêng năm 1968, tức là hai ngày trước khi trận Mậu Thân nổ ra, thì Lê Duẩn mới cho Tướng Giáp về và xuất hiện trước công luận.
Còn Hồ Chí Minh ở Trung Quốc thường xuyên để trị bịnh vào lúc tuổi đời đã 75, không trưc tiếp tham gia kế hoạch. Khi thảo luận, ông Hồ đã phản bác là “kế hoạch của Bộ Chính Trị có thực tế không, phải chú ý đánh lâu dài và làm sao càng đánh càng mạnh, phải bảo đảm hậu cần, chú ý đến việc giữ sức dân, mở rộng chiến tranh du kích và tăng cường trang bị cho du kích quân.” Vì thế, sau khi kế hoạch thành hình, báo cáo của Bộ Chính Trị cho ông Hồ chỉ là hình thức của sự đã rồi. Thư xuân của ông cho chiến sĩ cũng chuẩn bị từ trước. Lập luận bảo thủ lại hãnh diện giải thích tất cả các đồn đoán là đòn nghi binh thành công của miền Bắc dàn dựng để đánh lừa Mỹ và miền Nam.
Dù nhất quyết khởi công, nhưng Lê Duẩn cũng không thể tiến hành vì sau đó có những luồng chống đồi mãnh liệt từ những thân tín của Hồ chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các giới trí thức khác mà về sau sử gia gọi chung là một phong trào phản chiến của miền Bắc. Trong giới quân sự nổi bật nhất là Đại tá Lê Trọng Nghiã, ông bị bắt vào đầu năm 1968. Sau đó, có trên 30 sĩ quan theo quan điểm của ông Hồ, ông Giáp và ông Nghĩa đồng loạt bị Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công an, bắt. Giới trí thức như Vũ Đinh Hùynh, Hoàng Minh Chính và nhiều văn nghệ sĩ phản đối cũng bị bắt. Dù họ chống đối trong âm thầm, nhưng bị dập tắt trong tàn bạo. Các biện pháp thanh trừng cho thấy Lê Duẩn cương quyết đập tan mọi bất đồng mà ông quy kết họ là phá hoại chính sách đối ngoại và chống Mỹ cứu nước của Đảng, mà thực ra là về ý chí xâm lăng miền Nam của ông.
Nếu so chiếu mức độ khả tín của các tài liệu này thì có thể suy luận là Hồ Chí Minh, Tướng Giáp và Tướng Thanh không phải là tác giả của chiến dịch. Nếu phản bác của Tướng Giáp có sở thuyết phục; Hồ chí Minh còn sức khoẻ và đủ bản lĩnh lãnh đạo, thì Lê Duẩn không thể đi đến quyết định Tổng tấn công. Toàn bộ kế hoạch không phải là của toàn Đảng hay toàn Bộ Chính trị mà là một thỏa thuận ngầm giữa tướng Văn Tiến Dũng và Lê Duẩn và trực tiếp điều động toàn bộ về sau còn có thêm Lê Đức Thọ.
Cơ sở quyết định
Luận điểm thứ hai là Lê Duẩn đã quyết định trên cơ sở nào và đâu là thực tế của các lập luận này, mà cả một bộ máy tuyên truyền miền Bắc luôn sùng bái ông là sáng tạo và mưu trí như thần thánh.
Khi bắt đầu tổng tấn công, với lực lượng cơ hữu ước khoảng 147.200 quân, ông huy động đến 84.000 cho chiến dịch mà đa số dưới 18 tuổi. Lê Duẩn lập luận là “Sài Gòn có vài ba vạn đảng viên đang nằm im; quần chúng đã chín muồi muốn nắm chính quyền; hy vọng là sẽ có 300.000 người Sài Gòn cầm súng đánh Mỹ và tất cả các lực lượng phản chiến sẽ theo phe Cách mạng.”
Mục tiêu của cuộc Tổng tiến công là “tiêu diệt 150.000 lính Mỹ, 300.000 quân VNCH, giải phóng 8 triệu dân miền Nam và giải phóng các thành phố Đông Hà và Quảng Trị, tiêu diệt các căn cứ địch tại Ban Mê Thuột và Kon Tum, và tiến hành các đợt tấn công vào Huế, Sài Gòn, cũng như thủ phủ của nhiều tỉnh. Chiến thằng quân sự này sẽ trở thành các “yếu tố chính trị tác động cho các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 1968.” Đó là một nhận định quá mức lạc quan.
Vào đầu năm 1966, từ khi có các cuộc biến động của Phật Giáo miền Trung và các phong trào dân chúng chống Mỹ Thiệu, tình hình xã hội miền Nam phân hoá ngày càng gay gắt. Chủ trương của Phật Giáo là dùng tự thiêu làm suy yếu nền tảng của chính quyền VNCH, nhưng bị dẹp tan. Để lấp khoảng trống trong đấu tranh tại các đô thị, Lê Duẩn tin rằng bạo lực cách mạng sẽ có khả năng thay thế Phật Giáo và thực hiện được nguyện vọng của dân thành phố. Lê Duẩn thể hiện ý chí thôn tính miền Nam: “làm sập chính quyền của nó; phải phá hết, phá rất dữ hậu cứ của nó; phải chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa”.
Nhưng tình trạng xã hội miền Nam bất ổn không có nghĩa khả năng chiến đấu của QLVNCH hoàn toàn bị tiêu hao và toàn dân miền Nam nhất lòng theo phe Cộng Sản. Đó là một nhận định sai lầm về nhân tâm, khả năng của đối phương và binh pháp.
Binh pháp cổ điển của Carl von Clausewitz có phân biệt các lợi thế của phòng thủ và tấn công. Tấn công là một mục tiêu chiến lược yếu cho các cứu cánh trước mắt trong khi phòng thủ bao giờ cũng là mạnh hơn cho những cứu cánh lâu dài. Muốn dùng tấn công quân sự để đạt cứu cánh chính trị thì cần phải xác định mục tiêu tấn công trong không gian và thời gian cụ thể để tránh tổn hao về nhân lực và hoả lực, một tiềm lực phải tiết kiệm cho cứu cánh trường kỳ.
Lê Duẩn không tiên liệu được tương quan lực lượng và thành quả chiến trường mà đánh liều xem mục tiêu tỗng diễn tập trở thành một yếu tố phiêu lưu quân sự để đạt mục tiêu chính trị, đó là nhằm gây phân hoá trên chính trường Mỹ và suy yếu tiềm lực chống Cộng của miền Nam. “Những cuộc nổi dậy tại các đô thị gặp khó khăn và chúng ta buộc phải rút lui lực lượng, thì cũng không vấn đề gì. Đó sẽ chỉ là một dịp cho chúng ta diễn tập và rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho sau này. Lực lượng của đồng chí Fidel Castro đã tấn công các đô thị ba lần mới thành công.”
Dùng tấn công để phô diễn quân sự trong khi suy yếu là một sai lầm chiến luợc mà bất cứ ai học tập binh pháp cổ điển đều biết đến, nhưng Lê Duẩn không có cơ hội học tập này. Với trình độ tiểu học và kinh nghiệm công nhân Sở Hoả Xa, nên sai lầm của Lê Duẩn gây tác hại cho bao thế hệ.
Thay vì phản đối, Tướng Văn Tiến Dũng đồng ý ngay với Lê Duẩn. Đó cũng là một sai lầm. Sau này, Tướng Dũng mới can đảm thú nhận: “Các mục tiêu và các chiến thuật, phương pháp đánh trận, đều vẫn giống như những gì chúng ta đã thực hiện năm trước đó, nhưng thực tế mặt trận cho thấy chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu ấy.”
Tại sao Tướng Dũng không phản bác đúng lúc với Lê Duẩn mà lại đồng tình không điều kiện? Vì ông muốn tranh giành chức vụ với Tướng Giáp và tạo thanh thế với Lê Duẩn, đó cũng là một quyết định phù hợp với trình độ lớp sáu và kinh nghiệm công nhân hảng dệt của Tướng Dũng.
Kết luận ở đây là Lê Duẩn nhận tin tức tình báo sai lạc, không có khả năng kiểm chứng, không am tường binh pháp, tỗng diễn tập để tìm một cứu cánh chính trị trong một tương lai bất định mà bất chấp hậu quả sát quân khi quyết định ba lần tấn công trong năm 1968. Duy trì ý chí xâm lăng, Lê Duẩn lừa dối đồng bào miền Bắc về thực trạng của miền Nam và đi ngược lại nguyện vọng hiếu hoà của nhân dân miền Nam.
Vì không có lợi ích nào của giai cấp công nhân và nhân dân lao động miền Bắc và mơ ước nỗi dậy của người dân miền Nam trong binh biến này, do đó, việc tấn công vào dịp Tết Mậu Thân không phải là sự lựa chọn sáng suốt để ĐCSVN thực hiện sứ mệnh lịch sử.
Địch vận thành công
Luận điểm thứ ba là tại sao phiá VNCH lại để cho chiến cuộc xảy ra toàn diện như vậy, mà cụ thể là tại sao một số lượng vũ khí khổng lồ được vận chuyển vào các thành phố một cách an toàn để cho các du kích quân sử dụng; nếu không xảy ra hoặc ít trầm trọng hơn, thì mọi chuyển biến kế tiếp có thể sẽ khác hẳn cho định mệnh của VNCH.
Khái niệm đấu tranh địch vận, một thành tố trong công cuộc giải phóng dân tộc manh nha từ năm 1960 khi thành lập MTGPMN. Từ năm 1965, khi lính Mỹ tràn ngập miền Nam, cảnh ném bom và truy kích của Mỹ là thực tế thương đau làm cho lập luận chống Mỹ cứu nước bắt đầu thu hút cảm tình của người dân hơn. Dù nhân danh thế giới tự do bảo vệ chính nghĩa, nhưng chính phủ Mỹ không đủ biện minh cho vai trò tăng cường an ninh để tái thiết nông thôn. Từ đó, công tác địch vận của MTGPMN bắt đầu thâm nhập được vào trong tất cả sinh hoạt hàng ngày của người dân trong nông thôn cũng như tại thành thị và nhiều cơ quan công quyền VNCH.
Thực ra, nông dân miền Nam không bị bóc lột như trong các xã hội của các nước phương Tây, nhưng họ cũng không thể quá nghèo như nông dân trong chế độ Hợp tác xã của Miền Bắc, nên hình thái đói nghèo, dù có ít nhiều trong mức độ, họ không thể lập luận là muốn tham gia cách mạng để đấu tranh giai cấp.
Lý do khác khả tín hơn là đa số nông dân không phải lúc nào cũng ủng hộ cho cách mạng, mà vì họ không có một cách chọn lựa nào khác một cách tự do và có ý nghiã hơn trước các biện pháp cực kỳ tàn bạo của MTGPMN. Dân thành phố cũng không dành nhiều thiện cảm, vì đời sống tương đối sung túc, có trình độ và nhiều an ninh hơn. Thái độ hỗ trợ thường là bao che cho thân nhân tập kết theo Cộng sản hoặc muốn yên thân mà thờ ơ trước các biến chuyển của thời cuộc: Họ không ý thức là mình đang làm suy yếu miền Nam trước hiểm hoạ xâm lăng của Cộng Sản.
Dù có thuận lợi là được trang bị vũ khí tối tân, nhưng phiá VNCH dần dà thất bại trong việc thu phục nhân tâm với nhiều lý do khác. Trong khi cấu trúc của chính quyền còn phôi thai và cần nhiều thời gian và nỗ lực để xây dựng, nhưng giới lãnh đạo lại không tìm ra một khái niệm phù hợp để có thể đấu tranh chính trị với đối phương. Ý thức về một thể chế cộng hoà và dân chủ cũng chưa được phổ biến qua chương trình giáo dục công dân. Sau cuộc đảo chính 1963, tình trạng chung của miền Nam là bất ổn chính trị liên tục, các chính phủ không đoàn kết và hiệu năng; bộ máy hành chánh quá nặng nề, sinh hoạt công quyền đều lệ thuộc vào tham nhũng, đặc điểm chính của sự phân hoá chính trị là vì tinh thần kỳ thị địa phương và dị biệt tôn giáo đã có từ lâu đời; tất cả các yếu tố này làm xã hội ung thối và gây thuận lợi cho Cộng sàn nẩy mầm, đặc biệt nhất là ở những tỉnh mà Cộng Sản đã có sở từ trước như Thừa Thiên, Binh Định, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Kiên Giang, Bến Tre và Cà Mau.
Ngoài những người thờ ơ với thời cuộc và bao che cho thân nhân theo phe Cộng Sản, MTGPMN còn móc nối được một thành phần mới hoạt động tích cực hơn trong công tác tình báo, được dân miền Nam gọi chung là ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản. Họ là các giới trí thức, nắm những chức vụ cao cấp trong chế độ VNCH mà lại trưc tiếp hay gián tiếp làm việc cho MTGPMN trong tinh thần chống Mỹ cứu nước. Nhờ có một mạng lưới nội gián dày đặt tại các cơ quan đầu nảo như Phủ Tổng Thống (Vũ Ngọc Nha, Huỳnh văn Trọng), Bộ Quốc Phòng (Nguyễn Hữu Hạnh), Toà Đại Sứ Mỹ (Phạm Xuân Ẩn) và Quốc Hội (Đinh văn Đệ) mà MTGPMN theo dõi và nhận được trực tiếp các kế hoạch tuyệt mật của VNCH. Làm việc gián tiếp khi họ tạo ra những người tổ chức cho các phong trào quần chúng đòi hỏi công bình xã hội, kêu gọi hoà bình, tự do tôn giáo, báo chí và dân chủ. Cả hai thành phần này đã làm vô hiệu hoá phần nào các nỗ lực chống Cộng của miền Nam. Một thiểu số sinh viên miền Nam đi du học cũng vì các lý do khác nhau mà trở cờ góp phần cho tiếng nói phản chiên ở các nước phương Tây.
Tất cả diễn biến trong giai đoạn này cho thấy là chế độ VNCH quá yếu về dân vận, tình báo và phòng vệ. Cụ thể là trường hợp chính quyền tỉnh Thừa Thiên không báo cáo hết sự thực về tình trạng an ninh trong tỉnh. Khi chính quyền tỉnh Bình Định bắt được những tài liệu tổng khởi nghĩa trong đó có cả máy ghi âm sẵn lời phát thanh kêu gọi dân chúng và báo cáo lên Tướng Vĩnh Lộc, thượng cấp của Bộ Tư lệnh Vùng II Chiến thuật, nhưng không quan tâm.
Dù hô hào tinh thần “Vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ”, nhưng đa số đơn vị ứng chiến không đầy đủ. Thí dụ như tại Quảng Ngãi, quân số một Tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn II Bộ Binh ứng trực vào ngày mồng Một Tết chỉ vỏn vẹn 50 người, tức chưa đầy hai trung đội, riêng ở Cần Thơ hay Bến Tre quân số ứng trực chỉ khoảng 30 phần trăm.
Nếu phá vỡ được các mạng nội tuyến và ứng chiến cao độ, thì phe VNCH có thể tránh được tình trạng khốc liệt bất ngờ của chiến cuộc, nhưng cuối cùng là chuyện sai phạm cực kỳ nghiêm trọng đã đến và tạo cho chiến cuộc xảy ra với bao hệ lụy từ trong nước cho đến quốc tế.
Thảm sát tại Huế
Luận đề cuối cùng là tại sao lại có khoảng 6.000 nạn nhân, (có tàì liệu khác cho là 8.000) bị thảm sát tại Huế. Họ là những nhà tu hành, sinh viên, học sinh, thường dân, quân nhân và công chức đã chấp hành lệnh trình diện để học tập về chủ trương chính sách của MTGPMN. Ai chịu trách nhiệm cho những cái chết này? Dĩ nhiên, không một ai, vì những người có trách nhiệm đều cho là mình vô tội.
Vô tội nhất là Tướng Giáp, không phải vì ông nghĩ dài hạn ở Hungaria, mà ông cho rằng: “Chúng tôi không dính gì tới chuyện đó, mà do MTGPMN thực hiện”, khi ông được hỏi trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1969 là ai tổ chức tổng tấn công Tết Mậu Thân tại Huế.
Nhất định cũng không phải là do MTGPMN, vì nhiệm vụ của họ là cao cả khi chiếm đóng; họ tuyên bố là Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế ra đời để đảm nhận trách nhiệm vinh quang của chính quyền nhân dân và thành phố.
Vào ngày 3 tháng 3 năm 1968 họ tuyên dương thành tích là không có thường dân vô tội mà là đã giết nhiêu tên địch, diệt sạch những kẻ ác ôn, đặc biệt giải phóng toàn đất nước, thiết lập chính quyền cách mạng và mở rộng sự đoàn kết dân tộc để chống Mỹ và bảo vệ tổ quốc.
Sau khi chính quyền VNCH khám phá hàng loạt các mồ chôn tập thể, thì trong bảng tuyên bố vào ngày 27 tháng Tư năm 1969 MTGPMN cũng cho là chính phủ bù nhìn tại Huế đang đóng trò khôi hài dựng lên cái gọi là uỷ ban để tìm kiêm và mai táng cho những tai sai côn đồ, những ngươì mang nợ máu với đồng bào và những kẻ bị quân đội và người dân miền Nam thủ tiêu vào đầu Muà Xuân Mậu Thân.
Cho đến nay, MTGPMN luôn phủ nhận trách nhiệm về cuộc thảm sát, đó là sản phẩm tưởng tượng khuyếch đại của một cuộc tâm lý chiến Mỹ Ngụy. Số thường dân bị giết là do hỏa lực trong nỗ lực tái chiếm địa bàn của Mỹ cùng sự trả thù của phía VNCH lên những người theo MTGPMN.
Có phải Mỹ Ngụy là đao phủ thủ cho các nạn nhân trong các hố sâu, tay bị trói bằng giây điện, giây tre, bị đâm bằng lưỡi lê, bị đánh bằng cán cuốc, bị bắn bằng súng hoặc bị chôn sống? Hung thủ là ai?
Một bi kịch cho Huế. Chính một số người Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân và các đồng chí của họ đã tạo ra một bi kịch cho họ và cho Huế. Họ nhân danh là Phật tử quyết tử chống Mỹ cứu nước lại giết người Huế mà họ cho là tay sai Mỹ-Ngụy. Trước đây, họ là trí thức, sinh viên và học sinh tham gia trong những cuộc biểu tình chống chính phủ, bị an ninh đàn áp quá mức và không còn đất sống, nên họ đành phải thoát ly, nay trở về vì tư thù giết người quen mà họ cho là có tội ác với nhân dân. Sau này, dù bị tố cáo đích danh với các bằng chứng, nhưng họ phủ nhận là không có mặt ở Huế và giết người. Dù sắt máu để chứng tỏ lòng trung thành, nhưng họ không được Cộng Sản trọng dụng, một bi kịch mà 50 năm sau họ vẫn chưa sám hối, nhưng bia miệng ngàn đời của thế gian sẽ không bao giờ tha thứ cho họ với những ô danh. Còn ai có can đảm giải oan cho họ? Không một ai. Việc sử dụng vũ khí hạng nặng của Mỹ và VNCH tại Huế chỉ hủy hoại hầu hết các di tích lịch sử và giết người từ xa, không thể chôn sống hay thanh toán những người quen biết trong từng khu vực.
Thực ra, không chỉ là một chuyện tư thù, vì mục tiêu CSBV là cướp chính quyền, nên khủng bố và thảm sát tập thể là phương tiện bạo lực cách mạng để phá hủy bộ máy của chính quyền VNCH.
Theo một tài liệu, có hơn 3.000 người trong chính quyền bị giết. Thảm sát với quy mô “790 hội viên các Hội đồng tỉnh, 1892 nhân viên hành chánh và 38 cảnh sát” thì bộ máy chính quyền Huế không thể tồn tại, vì tái lập cơ cấu hành chánh có hiệu năng không thể dể dàng với những thành phần nhân sự tân tuyển thiếu kinh nghiệm. Theo một tài liệu khác, MTGPMN đã có sẳn một danh sách 22 trang đánh máy liệt kê các mục tiêu cần tiêu diệt và nhờ côn đồ địa phương tiếp tay thưc hiện.
Ai gây nên các mồ chôn tập thể? Một sản phẩm tưởng tượng do Mỹ Ngụy  khuyếch đại? Không, đó là một sự thực thương đau dành cho những người có tai còn nghe và có mắt còn thấy. Trong 25 ngày chiếm đóng, MTGPMN có đủ điều kiện để bắt nguời trình diện học tập, giết một cách tùy tiện khi tỏ ra chống đối và còn bắt người làm phu khuân vác hoặc bia đỡ đạn. Khi bị đối phương truy kích, họ phải rút lui và không thể mang theo tất cà, nên họ phải thủ tiêu để tự vệ bằng cách buộc nạn nhân đào hố, sau đó là trói thúc ké tay chân, quăng xuống hố rồi lấp đất lại. Chôn sống người là thượng sách vì không làm lộ mục tiêu, không còn gánh nặng, tiết kiệm đạn dược và bảo vệ cho cơ sờ: khi cán bộ nằm vùng địa phương đã lộ mặt, thì việc tàn sát dân chúng là một cách bịt miệng hay nhất để tránh tố giác về sau cho VNCH.
Ai ra các quyết định này? Lê Minh, người lãnh đạo tấn công Huế, chạy tội. Ông cho là một tình huống ngoài tầm kiểm soát, các đơn vị đã đơn phương hành động để thoát thân, không ai ra một lệnh nào cho bất cứ ai và cũng chỉ lấy làm tiếc trong muộn màng.
Giống như Lê Duẩn, Lê Minh tin là khi chiếm Huế, người dân sẽ nổi dậy chạy theo phe của MTGPMN, chuyện đã không xãy ra. Khi tháo chạy, họ gây thảm sát bao thường dân vô tội, chuyện họ không thể quyết định và kiểm soát. Không minh xác những sai lầm này, họ đã xúc phạm về nỗi đau của các nạn nhân; nhưng trớ trêu nhất là sau này, nhiều nạn nhân được phong làm liệt sĩ, vì có công đóng góp xương máu cho cách mạng thành công. Đó là các ngụy tạo lịch sử của người phiêu lưu quân sự, thiếu sáng suốt, đạo đức giả và vô nhân đạo.
Lịch sử của Huế vẫn tiếp diễn với những nghịch lý bi đát: Khi xưa, CSBV đại bại và tháo chaỵ bằng thảm sát, nhưng hô hào là chiến thắng và nhân dân Trị Thiên Huế bị chôn sống lại được Đảng trao tặng 8 chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường.”
Do bản chất không thay đổi, rồi 50 năm sau, chính quyền cho tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” vào ngày 29-12-2017, nhưng không soi sáng sự thật lịch sử, chỉ là tuyên dương chiến thắng và hoàn toàn quên đi các tổn thất và thảm sát, nên ngụy sử đã không được làm sáng tỏ mà còn làm trầm trọng hơn.
Kết luận
Dù những vinh quang chiến thắng của QLVNCH và những đoạn trường tháo chạy của MTGPMN trong binh biến Mậu Thân đã thuộc về quá khứ, nhưng chúng ta nên nhìn lại bài học lịch sử này và cần tỉnh thức:
Một là, Đảng đã không có và sẽ không thể đào tạo được những nhà Sử học chân chính có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Đảng tiếp tục dành độc quyền tuyên truyền thành tích và ban phát chân lý lịch sử. Do đó, ngụy sử không hề thay đổi nội dung.
Hai là, dù không còn miệt thị ngụy quân và ngụy quyền, nhưng Đảng vẫn không theo một khảo hướng khách quan để đánh giá về bản chất chiến tranh và thành tích của hai phe: Đảng khinh thường QLVNCH là lính đánh thuê và chính quyền miền Nam là tay sai cho Mỹ trong khi ca ngợi QĐNDVN và MTGPMN đấu tranh cách mạng là hy sinh xương máu thay cho Liên Xô và Trung Quốc; 500.000 lính Mỹ hiện diện tại miền Nam là xâm lược, trong khi hơn 100.000 lính Trung Quốc (có tàì liệu khác cho là dưới 300.000) đồn trú tại miền Bắc cần ém nhẹm. Hơn 1 triệu 1 binh sĩ miền Bắc hy sinh để Đảng hãnh diện vì chiến thắng và 330 ngàn binh sĩ miền Nam nằm xuống mà Đảng thoá mạ vì đánh thuê.
Không. Đảng nên tỉnh thức là xương máu của người dân hai miền qúy giá như nhau và họ chỉ là nạn nhân trong bối cảnh xung đột của Chiến tranh Lạnh. 74 chiến sĩ Hải Quân QLVNCH không là lính Ngụy đánh thuê cho Mỹ, khi họ hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa. Đó là một sự thật của 44 năm trước Tuy nhiên, nay thay vì làm lể tri ân, Đảng lại can đảm cho huy động an ninh, dân phòng quấy phá và thản nhiên cho phép Trung Quốc mang đoàn ca nhạc sang trình diển trong dịp tưởng niệm.
Ba là, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã không đi vào chính sử dân tộc như một bản hùng ca sáng chói mà là một cuộc diễn tập phiêu lưu để mưu tìm ảnh hưởng chính trị tại Washington trong khi khả năng chiến đấu của QLVNCH chưa bị bị tiêu hao và toàn thể dân chúng miền Nam không một lòng ủng hộ. Quyết định này không phải là sự lựa chọn sáng suốt để thực hiện công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động miền Bắc giao phó như một sứ mệnh lịch sử. Nhân dân hai miền không ai có thắng lợi cụ thể nào trong binh biến này mà chỉ có Đảng lừa dối đồng bào miền Bắc về ý nghiã đấu tranh, thực trạng của miền Nam và gây bao tang tóc cho nhân dân miền Nam bằng cách vi phạm hưu chiến.
Bốn là, dù có chiến đấu oanh liệt, nhưng chiến thắng của QLVNCH trong Xuân Mậu Thân 1968 không thể bảo vệ được miền Nam, vì tương lai của chiến trường Việt Nam hoàn toàn do chính trường Mỹ định đoạt. Suy yếu về dân vận và ngoại vận nên VNCH không phát huy chính nghiã; tham nhũng và độc tài làm cho nền tảng xã hội miền Nam lung lay; Hiệp định Paris cho phép QĐNDVN ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu trong khi Mỹ rút quân, Mỹ cắt giảm quân viện nên QLVNCH không còn phương tiện và tinh thần chiến đấu, hậu quả của Watergate làm Nixon từ chức: Tất cả các chuyển biến dồn dập sau năm 1968 làm cho CSBV không mạnh hơn nhưng may mắn hơn, trong khi VNCH suy yếu và bất hạnh hơn. Cuối cùng, một kết cuộc bi thảm không thể tránh: toàn dân đại bại vào năm 1975.
Năm là, thảm sát Mậu Thân là vết nhơ trước lương tâm, công luận và lịch sử cho ĐCSVN vì quyết định hiếu chiến, liều lĩnh, thiêu hiểu biết và vô nhân đạo. Đó là một tang chung cho toàn dân tộc, một lý do chính đáng để chúng ta không tham gia mừng lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Xuân Mậu Thân mà tưởng niệm cho các những người của hai miền đã nằm xuống; họ phải chết oan uổng và không còn cơ hội để nhận ra ý nghiã đích thực của sự hy sinh xương máu và thảm hoạ diệt vong của đất nước
Cuối cùng, chúng ta tin là bia miệng thế gian còn truyền tụng và lương tâm xã hội còn vang động với thời gian về cuộc thảm sát này. Hy vọng là sự thật của lịch sử sẽ làm cho thế hệ hậu chiến tránh hiểm hoạ này trong tương lai. Nhờ toàn dân tỉnh thức, may ra, tất cả sẽ làm nên một trang sử mới cho dân tộc.
***
Dr. Đỗ Kim Thêm L.L.M; M. A: Non Governmental Advisor, International Competition Network (ICN); Research Associate International Competition Law and Policy, United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD). Bài viết không phải là quan điểm của ICN và UNCTAD mà là ý kiến cá nhân; những số liệu còn đang kiểm chứng; các chú thích, trích dẩn và thư mục tham khảo sẽ được bổ sung khi bài viết này in thành sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét