Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

913 - Số phận nào dành cho tù binh Daech người Tây phương?




"Femmes de djihadistes", sách điều tra về các nữ chiến binh thánh chiến gốc Pháp, của nhà báo Matthieu Suc, xuất bản năm 2016.
Nhà xuất bản Fayard

Đánh thắng tổ chức Daech đã khó, nhưng thắng rồi số phận tù binh thánh chiến người Tây phương bị giam ở Irak, Syria hoặc trong tay người Kurdistan cũng không phải là chuyện dễ giải. Để mặc họ cho tòa án các nước sở tại, hay đem họ về nước xét xử? Câu hỏi nát óc này được đặt ra trong phiên họp ngày 13/02/2018 tại Roma, giữa 15 nước trong liên quân, mà Pháp là một thành viên. Không một giải pháp nào là toàn hảo, vì sao?

Đối với Hoa Kỳ, tất cả tù binh thánh chiến, dân nước nào thì đem về nước đó xét xử. Đề nghị này bị Anh Quốc bác bỏ. Luân Đôn không muốn nhận những kẻ khủng bố dùng dao hành quyết khoảng 20 nạn nhân không gớm tay, như Alexanda Amon Kotey hoặc là El Shafee el-Sheik trở về quốc đảo.

Trong các nhà tù Irak và các vùng Kurdistan-Irak, Kurdistan-Syria, số chiến binh Daech người Tây phương đã lên đến hàng trăm người, không kể 1200 gia đình với 40 quốc tịch khác nhau, chỉ riêng ở Raqqa và Deir Ezzor, miền bắc Syria.

Đối với nước Pháp, nạn nhân của nhiều vụ khủng bố đẫm máu trong những năm 2015 và 2016, quyết định đem thành viên Daech, là công dân Pháp, về nước là một bài toán khó.

Thoạt đầu, vào tháng 11/ 2017, khi Daech mất hết các thành phố lớn, và trước những lời cầu cứu thống thiết của một số phụ nữ thánh chiến muốn được hồi hương chịu tội, đừng để họ bị xử theo luật của các nước Trung Đông, tổng thống Emmanuel Macron đề nghị « giải quyết từng trường hợp ». Tuy nhiên, cho đến tháng 01/2018, phát ngôn viên chính phủ lại cho biết « những chiến binh thánh chiến bị bắt ở vùng Kurdistan-Syria sẽ bị xét xử theo luật của địa phương, nếu « tư pháp Kurdistan-Syria » đủ khả năng tổ chức phiên toà công bằng.

Thế rồi, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly, cũng khẳng định : « không chút xót thương cho những người đi theo Daech để giết người, bởi vì những kẻ này có biết xót thương ai ».

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền chống lại quan điểm « lấy oán trả oán », thay thế cho công lý. Luật sư Patrick Baudoin, chủ tịch danh dự của Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền (IDH) phân tích : Dù cho phạm tội ác tày trời, khi một công dân châu Âu đứng trước một bản án tử hình, thì chúng ta có quyền đòi hỏi Nhà nước nắm trong tay quyền sinh sát, không áp dụng án tử hình, hoặc là chuyển can phạm về quốc gia gốc để ra toà. Theo nhà hoạt động nhân quyền, quan điểm của ông có thể không đủ sức thuyết phục, nhưng nếu Pháp vi phạm nguyên tắc mà công lý đòi hỏi, thì sẽ mất đi tính chính danh của một Nhà nước pháp trị.

Cũng trong chiều hướng này, một nhà hoạt động nhân quyền khác là Nadim Houry - chuyên gia về Syria, giám đốc chương trình chống khủng bố của Human Rights Watch - yêu cầu đem những chiến binh thánh chiến người châu Âu về châu Âu xét xử một cách minh bạch và công bằng.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình France 24, nhà hoạt động Nadim Houry cho biết người Kurdistan-Syria đã lập toà án chống khủng bố từ gần ba năm nay. Trong năm 2017, có 700 chiến binh Daech bị xét xử, nhưng chưa bao giờ có một người Tây phương nào. Bởi vì ưu tiên của người Kurdistan không phải là trừng phạt người nước ngoài.

Đặc điểm của « toà án » Kurdistan là không có quyền biện hộ, không có kháng án nhưng bù lại, họ thiên về hòa giải, và do vậy lắm khi tha bổng cho thánh chiến cùng sắc tộc, để sớm bình thường hóa xã hội của người Kurdistan, sau nhiều năm chiến tranh. Cũng theo lập luận này, người Kurdistan, dù là bác sĩ, thợ làm bánh mì, nếu đã chạy theo Daech vì cần tiền nuôi gia đình hay lấy lại căn nhà, thì không thể xem là kẻ có tội. Còn những phụ nữ thánh chiến Tây phương, không ai mời mà đến, còn lên mạng khuyến khích khủng bố, thì họ mặc kệ.

Do vậy, theo chuyên gia của Human Rights Watch, chính phủ Pháp cần đem công dân mình về Pháp. Vấn đề là « phải có qua có lại ». Các tổ chức Kurdistan, trong mưu đồ lập quốc, muốn Tây phương thừa nhận là một chính quyền, dự định trả tù binh thánh chiến về nước, với một tập hồ sơ pháp lý chính thức. Vấn đề là Paris có muốn tiến thêm một bước trong vấn đề ngoại giao này hay không ?

Còn giải pháp cuối cùng là « nhờ Bachar al Assad giam giữ hộ » các chiến binh thánh chiến bị bắt ở Syria. Ý kiến này cũng bị giới nhân quyền chống lại. Mượn tay một chế độ « đàn áp dân của chính mình, bằng tra tấn, bằng vũ khí hóa học và nhà tù », để giam giữ can phạm khủng bố cho châu Âu, thì theo Nadim Houry, đó là một yêu cầu « vừa bất chính, vừa phi đạo đức ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét