Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

924 - ‘Cung đàn số phận’, hồi ký người đi tù vì hát nhạc vàng bị 'cầm tù'


Ca sĩ Lộc Vàng và tác giả Kim Dung - Kỳ Duyên

Hồi ký “Cung đàn số phận” của tác giả Kim Dung - Kỳ Duyên chấp bút viết về cuộc đời ca sĩ Lộc Vàng, người phải đi tù vì hát nhạc vàng hôm 13/2 bị yêu cầu tạm dừng phát hành với lý do thẩm định lại.
Đây là trường hợp thứ tư trong năm 2017 phải nhận quyết định đình chỉ phát hành, xuất bản, thu hồ và ngay cả huỷ bỏ buổi ra mắt sách. Những sự việc này cho thấy có hay chăng sự bất nhất giữa mong muốn hoà hợp hoà giải và cách hành xử với những giá trị lịch sử?

Từ hồi ký cá nhân

“Cung đàn số phận” hay còn được hiểu là “sách về người đi tù vì hát nhạc vàng” là cuốn hồi ký về cuộc đời thăng trầm của ca sĩ Nguyễn Văn Lộc, nghệ danh Lộc Vàng. Ông được biết đến từ thập niên 1960 với dòng nhạc tiền chiến và những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Thương…
Trả lời RFA một ngày sau khi cuốn hồi ký có quyết định tạm dừng phát hành, ca sĩ Lộc Vàng cho biết về lý do “Cung đàn số phận” được ra đời:
“Nó là thế này. Chuyện của tôi thì tôi cũng không muốn nói đến làm gì. Nhưng tôi chỉ biết là trong cuộc đời của tôi gặp nhiều chuyện oan trái. Tôi kể chuyện tâm sự với bạn bè. Nhiều khi người ta đến, người ta thắc mắc gặp tôi, hỏi chuyện. anh như thế nào, tù tội, rồi tại sao hát như thế bán hết nhà cửa đi chỉ để được hát thôi? Một số nhà văn nghe chuyện của tôi họ thích quá, họ muốn viết, thì tôi nói nếu vậy thì tôi kể lại cho viết, trong tình yêu của tôi với vợ tôi, cuộc đời của tôi chỉ đam mê âm nhạc bảo tồn cả nền tân nhạc Việt Nam trước năm 54 thôi.”
Những thăng trầm, sóng gió, cũng như mười mấy năm tù tội cũng vì “dám” đam mê gìn giữ, bảo tồn một dòng nhạc của Việt Nam được ông xác nhận là 100% chuyển tải trong cuốn hồi ký.
“Câu chuyện của tôi là cô Kim Dung viết lại trong lời tâm sự của tôi. Tất cả những lời đó, riêng nói về gia đình thì không nói làm gì, nhưng nói về tôi với pháp luật, cũng như nói về con đường âm nhạc và những chuyện tù tội thì tất cả 100% là sự thật, chứ tôi không nói bừa.
Đôi khi những lời tâm sự đó còn hơi thiếu đấy.”
Những thế hệ đi qua thập niên 60s phần nhiều đều biết đến dòng nhạc tiền chiến với ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đặng Thế Phong…Hồi ký ‘Cung đàn số phận’ nhận công văn của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, do ông Nguyễn Quang Thiều - Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn ký hôm 5/2, đề nghị đơn vị liên kết - Alpha Books dừng phát hành để thẩm định vì nội dung có nhiều chi tiết, sự kiện cần xác minh tính xác thực.
Nhưng lúc đó, trong lòng xã hội cũng nhen nhóm những tư tưởng lên án dòng nhạc ấy là ủy mị, giết dần giết mòn ý chí sống còn của thanh niên thời đại bấy giờ. Hơn thế nữa, có cả những tuyên truyền cho rằng đó là sản phẩm của đế quốc...
Do đó, khi được hỏi về những nội dung cần thẩm định, ca sĩ Lộc Vàng cho rằng có thể là thẩm định lại những chi tiết kể về 8 năm tù tội của ông vì cái tội chuyên chở những bản nhạc vàng lãng mạn, nói lên tình yêu, thân phận con người.
“Theo tôi hiểu là thẩm định lại 1 số vấn đề của tôi, chuyện tù tội. Thế nhưng tất cả nó là sự thật. Tôi nói trước sau như một thôi. Chứ tôi cũng chả có vấn đề gì. Thực ra thì tôi cũng chỉ là 1 con người yêu thích nghệ thuật và bảo vệ, bảo tồn nền tân nhạc Việt Nam. Còn trong cuộc đời tôi tôi làm hết sức mình, có thể là mất hết tất cả nhưng cũng chả sao. Chuyện đó tôi làm theo đạo đức, đạo lý của tôi trong lĩnh vực âm nhạc.”
Đó là “Cung đàn số phận”, hoàn toàn là một tác phẩm hồi ký cá nhân, ghi chép lại cuộc đời và sự nghiệp thăng trầm của nhân vật theo chiều dài của biến động lịch sử.
Một quyển hồi ký khác đã từng được ra đời năm 1949, đó là Hồi ký Một Cơn Gió Bụi của nhà sử học Trần Trọng Kim, mô tả những diễn biến thời cuộc, chính trị tại Việt Nam giai đoạn từ năm 1940 đến năm 1948, cũng bị thu hồi sau khi có giấy phép ấn hành tái bản.
Lý do được đưa ra cũng là có nhiều chi tiết không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng"

Cho đến tác phẩm lịch sử và hư cấu

Còn quyển sách ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’, một công trình nghiên cứu có bề dày hơn 50 năm của tác giả, học giả Nguyễn Đình Đầu dù đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu nhưng ngày 4/1/2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách.
Lý do yêu cầu huỷ bỏ cũng không được cụ thể trong văn bản. Theo Giáo sư Chu Hảo, giám đốc NXB Tri Thức cho biết có thể là do tựa đề của tác phẩm.
“Đúng, có lẽ cái tựa sách ấy đã làm cho một số người kiên trì bài bác đến mức thóa mạ Trương Vĩnh ký phật ý và phản ứng mạnh mẽ. Phản ứng ấy khi được công bố công khai rộng rãi cũng mang lại it nhiều bổ ích cho nền học thuật nước nhà.”
Nếu ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’ bị thu hồi và huỷ bỏ buổi ra mắt sách vì những lý do không được đề cập đến thì ‘Mối Chúa’ của Đãng khấu - Tạ Duy Anh bị kết tử cùng với câu trả lời rõ ràng của Cục xuất bản ngày 13 tháng 9 năm 2017, đó là “Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bằng những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền…”Một công trình nghiên cứu hơn 50 năm với những tài liệu sưu tầm có giá trị thực tiễn từ năm 1960 đã không được đến với người hậu thế. Nói như Luật sư Lê Luân rằng “xu thế khách quan, trung thực về một nhân vật của lịch sử đã không được phép giới thiệu đến hậu thế.”
Không thể Hoà hợp hoà giải
Chính sách hoà hợp hoà giải được kêu gọi rất nhiều lần trong những năn gần đây, là một phần nằm trong Nghị Quyết 36-NQ-TW do Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao công bố vào 2004, với đường lối chính sách mệnh danh là ‘công tác đối với người Việt Nam ở ngoài đất nước.”
Thế nhưng, chính giới văn nghệ sĩ, trí thức, trong nước lại không thể có cơ hội để hy vọng về điều đó.Tại buổi lễ trao giải thưởng văn học 14/1/2016 chính ông chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh đã đưa ra ý kiến mời các nhà văn, nhà thơ người Việt hải ngoại, kể cả đó là những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng hoà) về tham dự.
Qua sự việc của chính mình, ca sĩ Lộc Vàng nói rằng:
“Theo tôi thì nếu tác phẩm chị Kim Dung viết về câu chuyện của tôi ra đời mà bị cấm thì tôi tin là chuyện hoà hợp hoà giải sẽ không bao giờ có.”
Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ truyền thông ngày nay, không phải là khó để tìm được các tác phẩm bị cấm lưu hành. Thế nhưng, với tác giả, tác phẩm nói riêng và những thế hệ  tiếp nối nói chung, thì đó không phải là giải pháp họ mong muốn.
Điều mà họ mong muốn, như nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đã nói, đó là một bước khác nữa. Bước đi đó đòi hỏi thật tâm, thật tình, có thiện ý thì mới thực hiện được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét