Bắc cóc là một từ phổ biến ở Việt Nam. Nó không chỉ dành riêng cho giới giang hồ khốn khổ. Nó có tổ chức và hành sự công khai, lại có tiếng vang tầm quốc tế. Nó đang là một biện pháp chính thức và hữu hiệu trong cách cai trị của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức là một điển hình lớn, nó đem lại tiếng tăm cho người cầm đầu đất nước, dù có gây nên cái nhìn kém văn minh và thiệt hại đến mấy trong bang giao quốc tế cũng không quan trọng, miễn là được việc của mình. Đó là cách nghĩ của người cầm đầu, thể hiện cái gọi là “bản lĩnh”.
Chuyện bắt cóc trong nước đối với công dân đã trở nên chuyện bình thường. Bắt cóc trẻ em, bắt cóc con gái, để tống tiền, hoặc để bán sang Trung Quốc, để buôn nội tạng…là cách của bọn giang hồ. Chúng hành sự lén lút, và bị nhân dân lên án, theo chuẩn mực đạo lý bình thường, có khi bị pháp luật trừng trị. Còn cách bắt cóc ngang nhiên, công khai, hợp với luật pháp xã hội chủ nghĩa, là một cách bắt cóc “có lý tưởng”…Ít ra, những người đang hành sự nghĩ thế. Họ đang bảo vệ chế độ. Nếu bạo lực đã tạo nên chế độ, thì bảo vệ chế độ cũng phải bằng bạo lực, cũng là hợp lý.
Sáng mồng một Tết, tôi thong thả mặc quần áo tươm tất, ăn vội bửa sáng, nhấp chút cà phê, chuẩn bị đi đến điểm hẹn – quán “cà phê Cộng”, gần tượng đài Trần Hưng Đạo. Dự định sẽ thắp hương ở đấy, để tưởng nhớ đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh, vì mai là ngày Trung quốc khởi đầu cuộc tấn công Việt Nam, với 60 vạn quân ào sang chém giết, tàn sát, đốt phá 6 tỉnh miền Bắc… Đứa cháu gái vội mách với tôi, có 3 an ninh và 3 chiếc gắn máy chắn ngang phía trước cổng nhà mình. Tôi nhìn ra, thấy đúng như vậy.
Tôi phân vân chẳng nên đi, thì cánh cửa sực mở, 2 người bước xộc vào, mấy con chó kêu lên phẫn nộ, chặn họ lại. Họ đứng lại. Tôi bước ra. Họ cất tiếng chào năm mới. Tôi nhả nhặn nói, xin lỗi, tôi không tiếp các anh, mong là các anh trở ra cho. Họ quay ra, tôi đóng chốt cửa.
Lòng tôi không vui, tự hỏi, vì sao họ có thể bất chấp mọi thứ, và có quyền làm mọi thứ?
Họ chà đạp mọi giá trị truyền thống dưới chân mình. Chuyện nầy không còn là chuyện nhỏ của riêng ai, nó bao trùm cả đất nước nầy lâu nay. Suy nghĩ một lát, tôi quyết định phải đi, thử một chuyến du xuân với chế độ. Tôi trèo rào, đi quanh vài khu vườn thì ra tới lộ. Tôi đón xe ôm. Chú tài chở tôi phom phom trên đường nhựa, phố xá thong dong sạch đẹp, rồi tôi đến được điểm hẹn ở trung tâm thành phố. Một số bạn đã có mặt, họ đã đến đây từ mỗi hoàn cảnh khác nhau, đều giống như những chuyện đùa. Tôi hỏi một em phục vụ quán. Sao gọi là quán “Cộng”, nó nghĩa là gì? Trả lời, là cộng lại, cọng thêm, để ngày càng đông, chứ không phải là trừ, nó sẽ ngày càng ít. À ra thế, thật nôm na đơn giản, thế mà tôi bị ám ảnh chữ “Cộng”, chứ nó tuyệt nhiên không liên quan gì đến cnxh hay ông Tổng Trọng. Các bạn tôi, đều nhẹ nhàng, vui vẻ, cho rằng đây là một cuộc xuất hành đầu năm có ý nghĩa, thay vì đi viếng mộ người thân, đi thăm ông bà, đến chùa thắp hương, thì đi viếng tượng đức Trần Hưng Đạo, người anh hùng dân tộc, chống Tàu xâm lược 3 lần đều thắng lợi vẻ vang, và nhắc lại sự kiện lịch sử năm 1979 không thể nào quên. Hàn huyên xong, nhóm người bắt đầu đi bộ đến tượng đài – cách chừng vài chục mét – tôi nán lại một khoảng cách, và đi sau cùng, dìu một lão đồng chí 82 tuổi băng qua đường. Những chiếc gắn máy chở hai, mặt bít kín khẩu trang, chạy lòng vòng một cách bất thường ở ngã ba, bổng áp sát bên tôi, nhảy xuống, nhanh chóng áp hai bên, đẩy tôi lên xe, cùng tiếng nói nhỏ rót vào tai, nhưng có âm sắc của một thứ mệnh lệnh lạnh lùng chứa đựng sự bất lương: “chú lên xe! lên xe!”. Người ngồi sau ôm cứng tôi như một kẻ bạo dâm. Chiếc xe chở 3, kẹp tôi ở giữa, không mũ bảo biểm, phóng trên con phố đông người, vượt cả đèn đỏ khi con lộ chưa kịp bị bít kín bởi dòng người. Và một chiếc nữa đi kèm sát. Lòng tôi bình thản, không gợn lên một ý tưởng hận thù hay bạo động nào. Nhìn sang anh đi kèm, anh ta lùn, lưng dài và chân thì rất ngắn, mang dép không quai sau, (trường học cấm học trò đi dép lê kiểu nầy), cái bộ dạng ấy hẳn là không đắt đào mấy. Anh chàng cầm lái ở xe tôi, và người ngồi sau ôm tôi, tôi đều không rõ mặt và hình dạng. Tôi hỏi, các anh ở cấp Thành hay Quận. Họ im lặng. Nhìn sang dòng xe đang chảy êm trên con phố đầy hoa xuân, thấy một đấng nữ nhi lướt xe qua, tôi nói, ô, ăn mặt rất đẹp, nhất là đôi chân, nhỉ?. Im lặng. Tôi biết hai anh ta đang gồng mình mác-lê trong lòng khi đang thi hành nhiệm vụ bắt cóc thiêng liêng. Có tiếng điện thoại reo, người ngồi sau nghe máy, trả lời vội vã “đang bận ôm hàng, đang bận ôm hàng”. Tôi là hàng hóa của nhóm anh ta sáng hôm nay. Một nghề bán buôn thật đặc biệt. Tôi nghĩ thầm, tụi nó chở mình về trụ sở công an nào đó, hoặc là chở về nhà, về đâu thì cũng vậy! Ta thuộc về cái lứa tuổi ông Trọng, cái tuổi ăn rồi mà nói chưa ăn ấy, chẳng sao cả!. Ta cũng đã một thời tuổi trẻ trôi theo giòng nước. Khoảng 50 năm trước, một lần bị tóm theo kiểu nầy, nhưng không thể gọi là bắt cóc. Người bắt ta có mang sắc phục cảnh sát hẳn hoi, xe cộ đàng hoàng, hú còi inh ã, đâu có thế nầy!. Có tiếng qua lại gì đó trên điện thoại, thì xe hướng về ngã cầu Bình Triệu. Có lẽ là chở về nhà, ta khỏi tiền một cuốc xe ôm. Đến ngã ba HB, xe rẽ trái, chạy ngược chiều 20 mét, quẹo trái vào hẻm, dừng lại trước cổng nhà, họ thật rành đường! Xuống xe, tôi nói, anh lấy khẩu trang ra chứ, để thế là không lịch sự. Lịch sự ra phết, họ gỡ ngay khẩu trang ra, và “cười”. Cái cười khó biết giả thật. Tôi thấy họ đều trẻ. Họ còn “chúc Tết” tôi nữa! Tôi không ngại khi họ dùng bạo lực với tôi lúc nảy, nay bỗng dưng kinh hãi về nụ cười kia và lời chúc Tết nọ. Chỉ 30 phút trước, họ không khác những tay chuyên trấn lột, một loại người có thể giết người, bây giờ thì họ giống người tử tế, ra vẻ hiền lành, lương thiện có dư. Làm sao họ có thể chứa cả hai điều mâu thuẩn ấy trong một con người, trong một khuông mặt, trong cái cười ghê răng ấy? Cách nay khá lâu, có một tu sĩ Tin Lành nói với tôi, trong đời chỉ có một trong hai loại, hoặc là thiên thần, hoặc là quỹ dữ, không thể có hai trong một. Tôi thì không đồng tình với niềm tin trên. Nhưng tôi biết, có sự tròng trành điên đảo giữa lương thiện và bất lương qua mỗi khoảnh khắc của đời người. Cái bất lương có thể ẩn trốn nhất thời trong lớp vỏ lương thiện để hành sự. Tôi biết họ bị che lấp, họ lớn lên và trưởng thành, trọn vẹn là sản phẩm đặc biệt được nhồi nặn riêng của một thời kỳ cũng đặc biệt, gọi tên là thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Họ là một binh chủng riêng, là mũi nhọn, là tia chớp, là một loại công cụ rất đáng tư hào. Họ có nhiệm vụ rất trá ngụy – mà họ cho là thiêng liêng – là bảo vệ chế độ, là trung thành với “ở trên”. Một chế độ bí hiểm và lòng trung thành cũng bí hiểm nốt. Ở “trên” là trên nào, là những ai, rất nhiều và vô hình vô dạng. Họ né tránh nói đến con người cụ thể, dù họ rất mơ hồ. Họ có cái riêng để tôn thờ, để trung thành, để nhân danh, để tồn tại, không cần thiên thần hay qủy dữ, lương thiện hay vô lương, có thể gọi đó là một thứ Thượng Đế bí hiểm của riêng mình: “Thượng Đế xã hội chủ nghĩa”. Giáo sư Đào Công Tiến trong một bài viết mới đây, gọi chủ nghĩa ấy đã chết rồi mà chưa chịu chôn. Họ cùng nhau phục chế và nhang khói như kẻ giữ đền đề ăn oản. Nghệ thuật ăn oản cao đến mức không còn nghệ thuật, như chuyện đá bóng, đội U 23 giành được cúp Á quân, thì chủ nghĩa xã hội xun xoe xuất hiện náo nhiệt để ăn oản, trơ trẻn chường mặt che lấp hàng cầu thủ, nhưng nếu đội bóng thua thì chúng cũng vắng bóng.
Chuyện bắt cóc đầu năm là một thắng lợi vẻ vang trên đường phố của những thiên thần xhcn. Họ không học theo cách nghĩ của quán “Cà phê Cộng”. Họ đang xây những “Cà phê Trừ”. Trừ càng nhiều càng tốt, để chỉ giữ vai trò độc tôn trơ trụi của mình.
Con gái tôi nghe tin chuyện tôi bị bắt cóc, nó gọi điện và cười ngất: “Ba ơi, buồn cười quá!” nó lại tiếp tục cười nứt nẽ. Hỏi, sao buồn cười ?. Nó bảo, nầy nhé, ba như đứa trẻ choi choi, trốn nhà đi chơi, bị người ta bắt đưa về nhà…, sao không buồn cười được! Tôi hỏi, chỉ buồn cười thôi sao?. Nó bảo, biết rồi, họ làm chuyện kỳ cục, quá kỳ cục!. Con gái tôi thuộc loại thiên thần thật, cực kỳ lương thiện, ngôn ngữ nó chỉ chừng ấy. Nó không quan tâm chuyện chính trị. Nó không biết Thượng đế xhcn, nó không rõ Tổng Trọng là ai, bí thư thành ủy của thành phố mà nó đang sống có tên là gì. Nhưng nó biết khái quát nhà nước qua hình ảnh thu gọn, rất biểu trưng, chỉ như một khái niệm, là cảnh Công an nằm ngồi canh gác suốt đêm ngày trước cổng nhà, và hôm nay có bổ sung thêm một chút kiến thức về chuyện bắt cóc “buồn cười quá” hôm qua. Nó chỉ quan tâm chuyện giá cả ngoài chợ đang lên cao, chuyện chăm sóc vệ sinh cho mấy cháu nhỏ, và nhất là đề phòng chuyện “mẹ mìn” bắt cóc con nít.
Nó đột ngột chấm dứt đường dây nóng với tôi trước khi cúp máy: Ba ơi, con đi thay… bím cho em bé đã. Tôi hiểu, như vậy là nó chấm dứt hoàn toàn câu chuyện về các thứ đang diễn ra. Lành thay cho một công dân! Và cũng bi đát thay cho một xã hội!
Hôm nay, mồng ba Tết, nhóm quạ đen đã biến mất, 3 chiếc gắn máy chắn ngang trước cửa không còn, bầu trời trở lại trong xanh. Họ nghĩ là họ đã hoàn thành nhiệm vụ “trên giao”, và bày tỏ đủ sự trung thành nham nhở với “giáo chủ” của mình.
Tôi nhớ câu thơ của Bùi Minh Quốc, từng viết: “Một thời khốn nạn đã lên ngôi”.
Mồng 3 Tết Con Chó Vàng. Năm thứ 7, Triều Nguyễn Phú Trọng.
HĐN (19/2/2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét