Vào ngày này năm 1981, chính phủ Mỹ đã công bố một báo cáo trình bày chi tiết về cách làm thế nào “cuộc nổi dậy ở El Salvador đã chuyển thành ví dụ điển hình cho hành động xâm lược vũ trang gián tiếp của các cường quốc cộng sản.” Báo cáo này cũng cho thấy rằng chính quyền mới của Ronald Reagan đã sẵn sàng tiến hành những biện pháp mạnh mẽ chống lại cái mà họ coi là mối đe dọa cộng sản đối với Trung Mỹ.
Khi chính quyền Reagan bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 1981, họ đã phải đối mặt với hai vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Mỹ. Tại Nicaragua, chính quyền Reagan lo ngại về chế độ Sandinista, một chính phủ cánh tả nắm quyền năm 1979 sau sự sụp đổ của nhà độc tài Anastacio Somoza.
Tại El Salvador, Mỹ lại quan ngại về một cuộc nội chiến đang gia tăng giữa lực lượng chính phủ với phiến quân cánh tả. Bạo lực tàn bạo trong một bộ phận của quân đội Salvador – bao gồm vụ hãm hiếp và giết chết bốn nhà truyền giáo Mỹ vào năm 1980 – đã khiến chính quyền Jimmy Carter cắt viện trợ cho nước này.
Ở cả hai quốc gia, các quan chức của Reagan đều tin rằng Liên Xô chính là “chất xúc tác” của mọi rắc rối. Để giải quyết tình hình ở Nicaragua, chính quyền của Reagan đã bắt đầu bí mật trợ giúp phe nổi dậy Contras, lực lượng chống lại chế độ Sandinista và chủ yếu dựa vào Honduras và Costa Rica.
Đối với El Salvador, báo cáo ngày 19/02 chính là “làn sóng” đầu tiên. Biên bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ viết rằng “định hướng chính trị, tổ chức và tình trạng vũ trang của quân nổi dậy ở Salvador được điều phối và chịu ảnh hưởng nặng nề từ Cuba, với sự hỗ trợ tích cực của Liên Xô, Đông Đức, Việt Nam và các quốc gia cộng sản khác.” Trên cơ sở đó, bản ghi nhớ cũng liệt kê “niên đại” các sự kiện có liên quan đến cộng sản ở El Salvador.
Để đối phó với mối đe dọa này, Mỹ đã tăng đáng kể hỗ trợ quân sự cho chính phủ El Salvador, cung cấp cố vấn người Mỹ cho lực lượng vũ trang của Salvador và bắt đầu một loạt các cuộc “tập trận” của Cảnh vệ Quốc gia ở và xung quanh El Salvador. Chẳng mấy ngạc nhiên khi xung đột ở El Salvador đã leo thang nhanh chóng, và cả hai phía của cuộc nội chiến đều đưa ra rất nhiều cáo buộc tra tấn, bắt cóc và ám sát.
Trong những năm 1980, viện trợ quân sự của Mỹ cho El Salvador đạt gần 5 tỷ đô la, nhưng bạo lực và sự bất ổn vẫn tiếp tục không suy giảm. Năm 1992, Liên Hiệp Quốc và Tổng thống Oscar Arias của Costa Rica đã làm trung gian cho một thỏa thuận giữa các phe phái đang chiến đấu ở El Salvador. Một uỷ ban của Liên Hiệp Quốc cũng lên án sự đồng lõa của Mỹ trước những tội ác hung bạo của quân đội Salvador. Tổng thống George Bush (người từng là Phó Tổng thống dưới thời Reagan) đã bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Quốc, và tuyên bố rằng hòa bình ở El Salvador là sản phẩm từ phản ứng mạnh mẽ của Mỹ đối với các cuộc lật đổ của cộng sản ở Tây bán cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét