Cách đây hơn 2 năm, Bộ trưởng Bộ 4T lúc ấy là Nguyễn Bắc Son khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội đã tuyên bố một cách hãnh diện rằng “Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác”.
Bộ trưởng Son nói không sai, vì theo bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí năm 2016 của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders) thì quả nhiên có “nhiều nước khác” mà thành tích đàn áp tư tưởng Việt Nam chưa theo kịp. Đó chính là Trung Cộng, Turmenistan, Bắc Triều Tiên và Eritrea. Tự do báo chí của Việt Nam được xếp hạng 175/180 nghĩa là chưa tồi tệ bằng 4 quốc gia đội sổ ấy. Nhưng đó là chuyện của năm 2016.
Chuyện mới đây, ngày 7 tháng 2 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Đà Nẵng đã có công văn gởi báo Đà Nẵng, báo Công an Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng cùng “các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn TP” phải cung cấp “bản thảo” trước khi in ấn và phổ biến ra ngoài công chúng. Người trong nghề, khi nghe câu phải cung cấp bản thảo cho Sở 4T ắt phải hiểu nó chỉ dùng cho mục đích kiểm duyệt, một mục đích hoàn toàn đi ngược lại lời khoe khoang lố bịch của lãnh đạo Nguyễn Bắc Son năm xưa. Vả lại, Sở dùng 2 chữ “cung cấp” cho có vẻ lịch sự chứ thật ra là buộc báo chí phải nộp Sở kiểm duyệt bài viết trước khi đăng theo chỉ thị của Thành Ủy. Dĩ nhiên hành động này bị phản ứng bởi giới báo chí quốc doanh mà Sở 4T Đà Nẵng tưởng chỉ là những con cừu non.
Đây là một chuyện xét ra cũng thông thường đối với Bộ 4T và Ban Tuyên giáo, vì kiểm duyệt trước khỏi phải kiểm duyệt sau, có thể tránh được tình trạng “gỡ bài” sau khi những nội dung bị coi là nhạy cảm tiết lộ trước công chúng. Hay nói một cách khác đây chỉ là trò bịt miệng báo chí, đề phòng báo chí xé rào, tự diễn biến dù trên 800 báo, đài đang tỏ ra ngoan ngoãn nằm trong bàn tay sinh sát của Bộ.
Thế nhưng ở Đà Nẵng lại xảy ra chuyện lạ. Chỉ một ngày sau đó ngày 8 tháng 2, Sở 4T phải vội vàng rút lại công văn vừa ban hành kèm theo lời “thành thật xin lỗi” với lý do yêu cầu của Sở không phù hợp với các quy định của Luật Báo chí.
Tại sao không hợp với Luật báo chí thì không thấy Sở 4T viện dẫn, nhưng rõ ràng là phải có áp lực từ đâu đó?
Chuyện ra lệnh nộp bài kiểm duyệt rồi rút lại kèm lời xin lỗi cho thấy lối làm việc tùy tiện thường ngày của các viên chức cầm quyền cộng sản, bất cứ khi nào họ cần tỏ rõ uy quyền của họ. Thứ uy quyền ấy không do dân ban cho mà do đảng định nên rất to lớn và có thể tráo trở dễ dàng.
Chính Ban Tuyên Giáo thành ủy chỉ thị Sở 4T xin lỗi cũng với lý do Sở này làm sai luật báo chí là không được kiểm duyệt.
Nhưng chẳng lẽ tuyên giáo đảng lại tôn trọng quyền tự do ngôn luận trên giấy đến nỗi cương quyết thực hiện Điều 13 Luật Báo chí 2016 theo đó “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”?
Thật ra từ rất lâu mọi người đều biết quan điểm về cái gọi là “tự do báo chí” của đảng là báo chí chỉ có nhiệm vụ chính “tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân.” Vì vậy nói tuyên giáo tôn trọng Luật báo chí cũng chỉ là lối nói của những anh hề của đảng cộng sản trên sân khấu.
Nhìn lại thời gian qua, Đà Nẵng là ngòi nổ lớn tạo ra sự tranh chấp một mất một còn giữa hai phe Nguyễn Xuân Anh bí thư thành ủy và Huỳnh Đức Thơ chủ tịch UBND chỉ vì những tranh giành quyền lợi đất đai từ sau khi Nguyễn Bá Thanh ra đi. Chìm bên trong là sự đấu đá quyền lực giữa hai phe lớn hơn: Nguyễn Phú Trọng (phe Huỳnh Đức Thơ) và Ủy viên Bộ chính trị về hưu Nguyễn Văn Chi (bố đẻ của Nguyễn Xuân Anh, theo phe Nguyễn Tấn Dũng). Kết cuộc thái tử đảng Xuân Anh đã bị hạ bệ, bị lột sạch mọi chức vụ trong nỗi ngậm ngùi của người cha trong khi Huỳnh Đức Thơ còn tại vị.
Nhưng số phận của Nguyễn Xuân Anh cũng chưa phải là kết thúc một cách êm đẹp ở cái thành phố được phóng đại một cách lố bịch là “đáng sống nhất” này. Từ khi Vũ Nhôm trốn đi Singapore rồi bị bắt lại và bị truy tố, nhiều người nhìn thấy trước chắc chắn thời gian sau Tết âm lịch, Nguyễn Xuân Anh sẽ bị mang ra xử như Đinh La Thăng vì tội cấu kết bán đất công.
Chính vì thế mà hai phe đang dùng truyền thông như một thứ vũ khí để tung hỏa mù. Huỳnh Đức Thơ tuy đang ngồi trên chiếc ghế chủ tịch thành phố nhưng cũng rất lo sợ những thông tin bất lợi về mình. Vì ở Đà Nẳng từ Nguyễn Bá Thanh trở xuống, bàn tay lãnh đạo nào mà chẳng nhúng chàm, có điều nó được khéo che giấu. Huỳnh Đức Thơ đã ra tay trước bằng cách cho Sở 4T ra văn bản yêu cầu các báo nộp bản thảo để kiểm duyệt trước khi in. Nhưng trò chơi bịt miệng dư luận này không còn ăn tiền nữa trong thời đại đảng mất dần quyền kiểm soát dư luận.
Rốt lại vụ “thành thật xin lỗi” nói trên đúng là chuyện ruồi bu vì nó chẳng thành thật chút nào. Và nó cũng chẳng phải là chuyện ruồi bu cuối cùng của cán bộ cộng sản cầm quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét