Ông Nguyễn Văn Chi đã ăn gì ngoài quyền lực không kiểm soát?!?
Vùng đất Đại Lộc (Quảng Nam) có hai địa danh đặc biệt, một là trại giam An Điềm – trại giam thuộc Tổng cục 8 Bộ Công an, nơi Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa từng thụ án. Địa danh thứ hai là Thượng Đức, khu vực phía Tây, nằm trong thung lũng Hà Tân – nơi từng được coi là tiểu đồn bảo vệ căn cứ Liên hiệp quân sự Đà Nẵng.
Tượng đài trong ngày mồng 3 Tết. |
Xuất phát từ Đông Hà (Quảng Trị), phải mất 4 giờ di chuyển bằng xe ôto, tôi mới đến được Thượng Đức. Khu vực từng là tiểu đồn, từng có hệ thống phòng thủ với những kho kết hợp lô-cốt bê-tông dày 20cm đã dần biến mất. Hiện diện còn lại, chỉ là tàn tích một vùng đệm trải dầu dùng để hạ đáp máy bay trực thăng khi xưa, cũng như một cái ụ bắn đã bị san phẳng gần hết.
Thượng Đức có một bức tượng đài, trên thân tượng đài có danh sách ghi nhận lính thuộc 3 trung đoàn quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại đây, điểm đặc biệt là người địa phương rất ít, mà hầu hết là lính miền Bắc như Thanh Hóa, Hà Tây, Hà Nội, Yên Bái,… Nhưng quan trọng hơn, nơi đây diễn ra trận đánh giữa lực lượng Việt Nam Cộng Hòa và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, và chỉ huy phía Quân Giải phóng là ông Nguyễn Văn Chi.
Ông Nguyễn Văn Chi từng là một cựu chiến binh, một chỉ huy vũ trang vào sinh ra tử trong thời chiến tranh. Chức vụ cao nhất mà ông nắm giữ sau hòa bình lập lại là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nhưng ông được nhắc nhiều trên truyền thông bởi ông là cha của ông Nguyễn Xuân Ánh – người vừa qua bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết tội và tước chức vụ.
Một cựu chiến binh người Quốc Oai (Hà Tây) đi cùng với gia đình về thăm chiến trường xưa. Sau nén nhang thắp tưởng niệm, người viết lân la làm quen và trò chuyện. Người lính đó thổ lộ sự tự hào, nhưng khi đề cập đến câu chuyện của ông Nguyễn Văn Chi, ông có sự buồn hiện rõ trên nét mặt.
‘Đó là lỗi con ông Chi, nhưng ông Chi vẫn là người có lỗi’
- Vì sao thưa bác?
‘Là quyền lực, thu vén quyền lực, lòng tham quyền lực cháu ạ!’ - người cựu chiến binh gằn giọng.
Người viết chợt nghĩ, có lần nào ông Nguyễn Văn Chi trở lại chiến trường xưa, nhìn những người lính/ đồng đội ngã xuống hay thương tật đầy mình, nhìn địa điểm mà ông từng được ghi danh như người chỉ huy của sự chiến thắng, ông tự giật mình và xấu hổ?
Người thanh niên của 43 năm về trước chắc hẳn sẽ không phải là ông lão niên của 43 năm về sau, chức vụ, quyền lực và sự lỏng lẻo trong thể chế bổ nhiệm đã biến chất một người lính trở thành một quan chức vun vén hết mực lợi và quyền cho gia đình, mặc cho các giá trị của đất nước bị bỏ lỡ. Một Nguyễn Xuân Ánh không thể tự leo cao chức vụ, khi mà ông có một Nguyễn Văn Chi đỡ đầu; và vì thế, bản kết luận kỷ luật cũng dễ dàng vạch ra các tội trạng mà vị Bí thư thành ủy trẻ tuổi từng mắc phải – trong đó có cả sự tham nhũng, thiếu minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Chi, hay người lính Nguyễn Văn Chi cũng như anh lính Nguyễn Tấn Dũng. Những người lính từng hết mình cho công vụ khi xưa, nay biến chất và góp phần phá hoại gia đình lớn của mình (quốc gia – dân tộc Việt Nam).
Đâu là nguyên nhân cốt lõi? Là ‘lòng tham’ như cách vị cựu chiến binh ở Hà Tây bày tỏ? Hay là chính vì câu chuyện ‘quyền lực’ vẫn chưa bị nhốt vào trong lồng quy chế lập pháp?
Chỉ biết, hầu như mẫu số chung của giới quan chức Việt Nam vẫn là: chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng ít, thu mình lại để được bình an; dựa vào tập thể để né tránh kỷ luật; và vun vén của cải cũng như chức vụ cho gia đình, họ hàng,…
Do đó, cả đất nước với đội ngũ công nhân viên chức biến thành một bầy sâu, mà mật trét trên bản đồ đất nước lại là quyền lực quá lớn mà thiếu sự quản lý.
Người chiến binh với giọng đanh thép đầy sự tức giận khiến bầu suy nghĩ cắt ngang.
- Tụi nó lại ăn rồi!!!
‘Ăn’, người chiến binh chỉ vết nứt kéo dài nham nhở của vùng bệ và nền tượng đài.
Người viết chợt nghĩ về ông Nguyễn Văn Chi. Ông 'ăn' gì? Tượng đài? Không? Hay là quyền lực không hề được kiểm soát?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét