Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

4080 - Hãy bật đến que diêm cuối cùng, còn hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối

Thảo Vy (VNTB) 


Tuy ông Trương Minh Tuấn đã bị phế ghế bộ trưởng Bộ 4T, xong nếu mai này tân bộ trưởng dùng lại chiêu cũ ‘đình bản’ để buộc các tòa soạn báo chí phải ‘khom lưng cúi đầu’, thì bài viết tiếp theo đây là một gợi ý – dẫu mong manh - cho chuyện vô hiệu hóa ‘đình bản online’.

Đừng đem luật ra ứng xử với đảng!

Một nhà báo là đảng viên từng làm việc ở báo Tuổi Trẻ nói rằng, “cần tôn trọng sự lãnh đạo của cấp ủy, cấp trên trong lúc này là phải tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của khách hàng”.

Tuy nhiên, theo nhà báo kể trên, vì “các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4.3, Hiến pháp 2013), nên trách nhiệm của Bí thư chi bộ đảng Cộng sản ở báo Tuổi Trẻ cần sử dụng triệt để không gian pháp luật để bảo vệ lợi ích người đọc, thương hiệu tờ báo.

Báo Tuổi Trẻ điện tử bị đình bản trong thời gian ông Trương Minh Tuấn còn sở nhiệm. Ảnh: vietnamthoibao
“Tôi cho rằng về thẩm quyền hiện tại, nhà nước chỉ có thể cấm xuất bản số báo mới, chứ ngôn luận của nhân dân thì không thể đình bản. Ý kiến bạn đọc về những số báo cũ thì không nên ngưng. Cũng như vậy ‘online’ không xuất bản nội dung riêng, nhưng nội dung của ấn bản báo giấy vẫn cần được cập nhật cho bạn đọc lâu nay đọc báo giấy dưới định dạng đọc trên Internet. Cần ghi rõ nội dung xuất bản ấy ở ấn bản nào, bên cạnh đó phải có bảng thông tin thường xuyên ấn bản Tuổi Trẻ online đang bị đình bản.

Tôi nghĩ sẽ có ai đó không quen với việc chấp hành kiểu này, thậm chí phản ứng kiểu “đừng đem luật ra ứng xử với đảng”, cứ kiên trì, kiên quyết mà thực hiện theo pháp luật”. Ông nhà báo đảng viên nói.

Gợi ý nói trên nếu xét về mặt quy định của luật pháp thì chỉ đúng một nửa. Gọi là đúng một nửa vì khi đã đình bản báo điện tử, có nghĩa tên miền của tờ báo ấy tạm thời bị ‘treo’, và có thể giữ trạng thái đóng băng toàn bộ nội dung.

Khi đó, các yêu cầu như phát hành e-Paper [Enewspaper, viết tắt là e-Paper, đó là một tờ báo giấy chuyển nguyên xi lên màn hình vi tính] thì vẫn đòi hỏi hoạt động trên nền của một trang web, nên một khi đã ‘đóng băng’ thì e-Paper xem ra chỉ có thể phát hành trên trang fanpages do Facebook cung cấp – như trang https://www.facebook.com/baotuoitre chẳng hạn.

Trang Thông tin điện tử với pháp nhân ‘không thuộc nhà nước’

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nhiều tòa soạn ở Sài Gòn đã thành lập các công ty cổ phần, với vốn cổ đông được ưu tiên dành cho vốn góp của các nhân viên, phóng viên ở chính tờ báo đó. Lý do chính để hình thành những doanh nghiệp báo chí này, là nhằm tránh việc ‘quốc hữu hóa’ các tờ báo sống bằng chính các nguồn thu từ báo chí, không nhận đồng bạc nào của ngân sách. Dĩ nhiên pháp nhân của những doanh nghiệp loại hình cổ phần đó, nếu có vốn của nhà nước thì tỷ lệ cũng rất nhỏ, không đủ sức chi phối ở lá phiếu hội đồng quản trị.

Từ câu chuyện ‘góp vốn cổ đông’ nói trên, người viết cho rằng theo Luật Báo chí, việc đình bản 3 tháng báo điện tử Tuổi Trẻ là... có thể (mặc dù lý do để đình bản thì hoàn toàn không ổn). Nếu trước đó Tuổi Trẻ có trong tay thêm tờ giấy phép ‘Trang thông tin điện tử’, thì vụ đình bản Tuổi Trẻ Online sẽ không mấy ảnh hưởng đến người đọc.

Sở dĩ có thể mạnh miệng nói rằng Bộ 4T sẽ không làm được gì trong trường hợp này vì ông, bà chủ của trang Thông tin điện tử là một pháp nhân không thuộc doanh nghiệp nhà nước. Câu chuyện của ấn phẩm Thế giới Tiếp thị từng bị Bộ 4T phạt 140 triệu đồng, và gây sức ép để tổng biên tập của ấn phẩm này phải ‘tự đình bản’ trong 3 tháng là một ví dụ.

“Thế giới Tiếp thị” là tờ báo được lập ra chỉ sau 3 ngày tờ “Sài Gòn Tiếp thị” bị đình bản và buộc phải trở thành một ấn bản của Thời báo Kinh tế Sài Gòn (sở Công thương TP.HCM). Không bỏ cuộc, nhóm các nhà báo này đã chọn việc 'ăn nhờ ở đậu', khi trở thành một ấn phẩm phụ của tờ Nông Thôn Ngày nay. Dĩ nhiên tờ Thế giới Tiếp thị không được cấp phép phiên bản online. Rất nhanh sau đó, nhóm các nhà báo hùn tiền làm tờ này đã lấy giấy phép thành lập trang Thông tin điện tử, với phần nơi cung cấp nguồn tin báo chí là Thế giới Tiếp thị. 

Khi ấy ông Trương Minh Tuấn còn ở ghế thứ trưởng Bộ 4T. Có lẽ ông căm lắm, nên ông vội vã trảm ngay khi ở vụ Formosa Hà Tĩnh, tờ Thế giới Tiếp thị có bài viết với các đoạn: “Như những con cá chết oan ức trên bờ biển, chỉ biết sau cùng rằng đại dương không còn là nhà, mà chỉ còn đầy độc dược, những người dân Việt Nam cũng chỉ biết được phần đen đủi nhất được gieo về phía mình, dù chung quanh đầy lâu đài và dự án vĩ đại, như đang phát triển cho ai khác” (…)

“Nếu như có một thiên đường để đến, có lẽ người dân Việt nhỏ bé như móng tay chúng ta, mãi cũng chỉ là người đến sau. Và đường đi đến đó, chẳng thong dong gì, mà có thể thông qua những ống dẫn chất thải như của Formosa” [“Mãi mãi là người đến sau” đăng trên Thế giới tiếp thị số 18-19, và bài “Lời than thở của các loài cá” đăng trên Thế giới Tiếp thị số 20].

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã ký quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 140 triệu đồng, và nơi bán ‘manchette’ cho nhóm làm tờ Thế giới Tiếp thị, là tổng biên tập Lưu Quang Định của tờ Nông thôn Ngày nay đã phải ép mình ‘tự đình bản’ ấn phẩm Thế giới Tiếp thị trong 3 tháng.

Giờ thì ông Trương Minh Tuấn đã rời ghế. Chẳng ai dám chắc sẽ không còn những ông Tuấn khác ở chế độ này. Thôi vậy, xem ra thì dù cách nào đi chăng nữa, chuyện lách luật để có thể cất lên được tiếng nói của tự do ngôn luận ở Việt Nam cũng giống như cô bé bán diêm, thà bật đến que diêm cuối cùng, còn hơn là cứ ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét