Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hai mươi năm trước, sau nhiều tháng đàm phán đầy khó khăn, lãnh đạo của hai nhóm chính trị lớn nhất tại Bắc Ireland – một bên là những người Cộng hòa và những người dân tộc chủ nghĩa theo Thiên Chúa giáo (ủng hộ độc lập); một bên là những người theo đạo Tin lành (ủng hộ hợp nhất với Anh) – đã ký Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành (Good Friday), kết thúc 30 năm bạo lực và đổ máu. Giờ đây, thỏa thuận đó – và mối quan hệ hữu hảo, tôn trọng lẫn nhau mà nó tạo ra – đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Thỏa thuận Good Friday được ký bởi hai vị Thủ tướng của Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland – Tony Blair và Bertie Ahern – cùng với sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Mỹ George Mitchell. (Một khối lượng lớn công việc chuẩn bị cũng được thực hiện bởi người tiền nhiệm của Blair – John Major). Thỏa thuận này được xây dựng dựa trên quan điểm miễn là tất cả mọi người đều đồng ý rằng những thay đổi về địa vị hiến định của Bắc Ireland chỉ có thể được quyết định bởi một lựa chọn dân chủ tự do, người dân có thể quyết định sự trung thành của mình đối với bản sắc mà họ chọn: Anh, Ireland, hoặc thậm chí là cả hai.
Để thúc đẩy hòa bình, thỏa thuận này tạo ra một chính phủ chia sẻ quyền lực tại Bắc Ireland, với đại diện đến từ cả hai bên của xung đột. Ủy ban Độc lập về Giám sát an ninh cho Bắc Ireland – nơi tôi làm chủ tịch – cũng được thành lập để cải cách lực lượng cảnh sát. Những nỗ lực của chúng tôi giúp làm giảm các vụ tấn công lên cảnh sát bằng cách khiến họ trở nên dễ chấp nhận hơn trong mắt tất cả các nhóm, dẫn đến việc tuyển dụng nhiều hơn những người theo Thiên Chúa giáo vào lực lượng cảnh sát, bên cạnh nhiều điều khác.
Sau khi thỏa thuận này được ký, địa vị của cả Anh và Ireland như là các thành viên của Liên minh châu Âu đã khiến cho sự chuyển tiếp trở nên vô cùng dễ dàng. Như vậy, biên giới giữa hai nước chỉ còn như một đường kẻ trên bản đồ: không còn rào chắn, trạm thuế quan, hoặc những biểu tượng gây chia rẽ khác để thể hiện nơi mà địa phận một quốc gia kết thúc và địa phận quốc gia kia bắt đầu. Hàng hóa và con người có thể tự do di chuyển giữa hai nước.
Trên thực tế, địa vị thành viên EU – kể từ khi Ireland trở thành một thành viên của Cộng đồng châu Âu vào năm 1973 – từ lâu đã củng cố sợi dây liên kết giữa Vương quốc Anh và Ireland. Chắc chắn, lịch sử nhuốm màu bạo lực giữa hai nước – bao gồm các cuộc chinh phạt, thực dân hóa, nổi dậy và nạn đói – đã để lại sự thù hận sâu sắc giữa hai bên. Song, khi là thành viên EU, lại còn là những người láng giềng trong một quần đảo ngoài khơi Tây Âu, giữa họ còn là mối liên kết vô cùng chặt chẽ. Hơn 5 triệu người ở Anh, xứ Wales và Scotland có ít nhất một người ông hoặc bà là người Ireland. Nếu đi ngược về một thế hệ trước, con số này còn cao hơn.
Trong hai thập niên qua, Vương quốc Anh và Ireland đã tận hưởng quả ngọt của một mối quan hệ hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. Có rất nhiều điều để những người Anh chúng ta ngưỡng mộ ở Ireland: tăng trưởng kinh tế, phục hưng văn hóa trong văn học và âm nhạc, sự cuốn hút đối với người nhập cư trên toàn thế giới – những người hiện chiếm tới 17% dân số Ireland. Với sự trưởng thành phi thường của mình, Ireland đã bỏ lại phía sau tư tưởng giáo quyền hạn hẹp, trở thành một quốc gia hiện đại và hào phóng.
Tuy nhiên, những thách thức nghiêm trọng cũng đang bắt đầu xuất hiện. Ở Bắc Ireland, chính phủ chia sẻ quyền lực đã sụp đổ, và chính phủ Vương quốc Anh không đủ mạnh để giúp phục hồi lại sự hợp tác mang tính xây dựng. Để đảm bảo tỉ lệ đa số trong Hạ viện sau cuộc bầu cử sớm thảm họa năm ngoái, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã phải liên minh với Đảng Liên hiệp Dân chủ (DUP) – vốn có truyền thống cực đoan về việc coi Bắc Ireland phải là một phần của Vương quốc Anh. Kết quả là, chính phủ Anh dường như không thể đóng vai trò một người trung gian công bằng.
Cuộc đàm phán Brexit hiện nay đang khiến vấn đề càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, bởi dường như không ai biết cách giải quyết hậu quả đối với Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, khi hai bên sẽ bị chia tách bởi biên giới của Anh với EU. Trong khi nhiều chính trị gia nói rằng họ muốn có một đường biên giới trơn tru, Thủ tướng Anh Theresa May và các cộng sự đã bàn luận về việc rời khỏi cả thị trường chung cũng như liên minh thuế quan, qua đó đưa Anh ra khỏi khu vực phi thuế quan – nơi mà thương mại được diễn ra thuận lợi nhờ vào những luật lệ chung. Họ cho rằng Bắc Ireland cũng phải có cùng những quy định thương mại với phần còn lại của nước Anh.
Điều này dẫn đến 2 khả năng: hoặc là một cơ chế thương mại chung vận hành trơn tru trên khắp quần đảo Anh, hoặc là một đường biên giới cứng cắt ngang Ireland. Sau tất cả, các quốc gia EU khác sẽ không bao giờ cho phép Anh, Scotland và Xứ Wales rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan, trong khi lại để Bắc Ireland ở lại. Điều đó sẽ khiến việc trốn tránh luật lệ trở nên quá dễ dàng, ví dụ như quy định về xuất xứ hàng hóa, khi một quốc gia không thuộc EU có thể xuất khẩu hàng hóa vào Ireland để chuyển tiếp tới Anh, hoặc ngược lại. Những vấn đề tương tự cũng có thể xảy ra với việc di cư tự do trong khối EU – điều mà Anh không muốn bị ràng buộc.
Không thách thức nào trong số này nên được coi là một bất ngờ. Những cảnh báo đã được đưa ra từ rất lâu trước đó; nhưng chính phủ Anh chỉ đơn giản là bỏ qua chúng. Những giải pháp tiềm năng vẫn còn là một bí ẩn, nhưng chính quyền dù sớm hay muộn cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này.
Dĩ nhiên sẽ không có một giải pháp kỹ thuật đơn giản nào. Bất kỳ hệ thống kiểm soát nào cũng sẽ phải bao gồm một số biện pháp kiểm soát vật lý trên thực địa. Các nhân viên hải quan có nhiệm vụ triển khai sự kiểm soát này nghiễm nhiên sẽ trở thành biểu tượng của sự chia cắt, và thậm chí là cả sự kích động bạo lực từ những người Cộng hòa cực đoan, như những gì đã xảy ra trong quá khứ. Chỉ một cuộc tấn công là đủ để thuyết phục chính phủ phải tăng cường an ninh, càng làm hằn sâu sự chia cắt và kích động thêm nhiều bạo lực hơn nữa.
Thiết lập lại một đường biên giới cứng ở Ireland có thể là thảm họa, vì nó sẽ làm xói mòn Thỏa thuận Good Friday. Hi vọng rằng các lãnh đạo Ireland có thể nhấn mạnh điều này với các chính trị gia Anh, mở đường cho một giải pháp không đe dọa đến nền hòa bình và sự thịnh vượng mà Ireland đã phải rất khó khăn mới có được.
Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Hong Kong và Cựu ủy viên Ủy ban Châu Âu về quan hệ đối ngoại, là Hiệu trưởng của Đại học Oxford.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét