Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

4988 - John McCain, một người quân tử

John McCain với những người Việt Nam chào đón ông tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội.

Từ hôm qua, khi nghe tin ông John McCain tuyên bố chấm dứt điều trị ở bệnh viện, tôi biết ông đã chọn cái chết trong thanh thản.
Tháng trước, tôi ca ngợi Nelson Mandela là một quân tử, đã biến thù thành bạn. McCain cũng là người như vậy, dù ở một hoàn cảnh khác. Thế hệ hôm nay biết đến một John McCain cương trực, cao thượng, biết bảo vệ đối thủ của mình là Obama trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống 2008, khi một bà fan của McCain gọi Obama là kẻ khủng bố.
McCain là hiện thân của một nước Mỹ nhân đạo, khi ông sẵn sàng vượt qua ranh giới đảng phái để cùng lên tiếng chống lại các tư tưởng phân biệt chủng tộc của phái cực hữu đứng sau Tổng thống Trump, bảo vệ các thành quả xã hội mà nước Mỹ đã chật vật giành được.
Người châu Âu biết ơn một John McCain có viễn kiến và lý tưởng. Dù ốm nặng sắp chết, ngày 26.07.2018, từ giường bệnh, McCain đã sáng kiến cùng các nghị sỹ Dân chủ ban hành đạo luật cấm chính phủ Mỹ rút khỏi khối NATO. Đối với McCain, khối Bắc Đại Tây Dương là một liên minh về giá trị và lý tưởng, chứ không phải một liên minh về ngân sách quốc phòng (1).
Đạo luật quốc phòng NDAA 2019 mang tên John McCain là một thông điệp cứng rắn gửi đến những kẻ nóng đầu, hiếu chiến ở Bắc kinh và kể cả những kẻ hèn nhát muốn quy hàng.
Nhưng nhiều người trẻ chưa biết đến những đau khổ mà McCain đã trải qua sau khi bị bắn rơi xuống hồ Trúc-Bạch hè 1967 (2). Là một người lính có bản lĩnh, ông hiểu rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh và sự tàn bạo do nó gây ra.
Là con trai và cháu nội của hai đời đô đốc hải quân Mỹ, ông biết vị trí ưu ái của mình trong tay đối phương. Nhưng ông không dùng nó để nhận đặc quyền được phóng thích trước các sỹ quan cấp dưới của mình. Ông nói với phía Việt Nam: Ai bị bắt trước thì thả trước. Đó là điều mà nhiều tù binh Mỹ ở Hilton Hà Nội vẫn nhắc đến.
40071141_2407116012639791_4022110385917132800_n.jpgMcCain được trao trả về Mỹ tháng 3.1973, sau hiệp định Paris lịch sử. Ảnh chụp tai sân bay Gia Lâm.
Tôi coi McCain là một chính khách có uy tín với cả phe Dân chủ và Cộng hòa, và coi ông là người có công nhất ở cả hai nước trong việc khôi phục lại mối bang giao Việt-Mỹ.
Tuy giang tay với bên chiến thắng ở Việt Nam, ông không quên số phận những người thua cuộc. Luật Amendment 1977 mang tên McCain cho phép con cái dưới 21 tuổi được theo bố mẹ là cựu công chức quân nhân VNCH đi Mỹ tỵ nạn.
Nhiều lắm, tôi không thể kể hết những gì người Việt và người Mỹ phải biết ơn ông.
Trong một bài viết của tôi, có ai đó phán một câu: Nước Mỹ cần „Người hùng“, chứ không cần „Người hiền“.
Nước Mỹ hay bất cứ nước nào cũng cần một người vừa hùng vừa hiền, một người quân tử.
McCain là người như vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét