Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Bình luận về Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ



Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hoặc Formosa thường bị chính quyền ngăn cản-Bản quyền hình ảnh Other


BBC ghi nhận ý kiến của giới quan sát về cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 21 diễn ra tại Hà Nội hôm 23/5. Bà Virginia Bennett, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ trong lúc phía Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, đứng đầu.

Thông cáo do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phát đi cho hay: "Việc thúc đẩy nhân quyền là phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là khía cạnh chủ chốt trong cuộc đối thoại liên quan đến chiến lược hợp tác toàn diện Việt - Mỹ".

Hôm 23/5, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà báo Phạm Thành nói: "Tôi không tin là Hà Nội thực lòng muốn đối thoại về nhân quyền mà chỉ muốn tìm cách che đậy bộ mặt phi dân chủ của họ thôi."
"Cứ nhìn vào cách hành xử của chính quyền với những tiếng nói đối lập thì thấy."

"Bản thân tôi và các nhà hoạt động khác ở Hà Nội như nhà báo tự do Đoan Trang đã bị canh nhà từ hôm kia đến nay."

"Từ thời Hoàng Minh Chính đến các nhà hoạt động, blogger bị bắt gần đây như Thúy Nga, Mẹ Nấm đều là những tiếng nói phản biện ôn hòa nhưng lại bị tống giam."

"Thậm chí có trường hợp như luật sư Nguyễn Văn Đài đã quá thời hạn tạm giam nhưng vẫn chưa đưa ra xét xử."

"Ngoài ra là việc chính quyền không muốn trao cho người dân quyền biểu tình khi luật Biểu tình cả chục năm vẫn không được thông qua."

Chủ blog Bà Đầm Xòe cũng cho biết thêm: "Nhưng tôi tin là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây áp lực thật sự cho Hà Nội về vấn đề nhân quyền, vì ông ấy là nhà chính trị, nhà kinh tế thực dụng."

"Nhất là trong bối cảnh lòng tin của người dân đang giảm sút, thượng tầng chính trị Việt Nam đang đấu đá và cả thế giới đều đưa điều kiện nhân quyền khi Hà Nội muốn hợp tác thương mại."

 Blogger Mẹ Nấm là một trong 13 người được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017 nhưng bà đang bị giam giữ

'Nhiều vi phạm'

Ông Thomas J. Reese, S.J., Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) bình luận với BBC: "Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam là một trong những công cụ song phương nhằm đảm bảo rằng các quyền như tự do tôn giáo được coi trọng."

"Với việc chính phủ Việt Nam nói họ sẵn sàng rõ ràng để Hoa Kỳ và các bên quốc tế khác tham gia về quyền tự do tôn giáo và các quyền con người, chính phủ Hoa Kỳ nên tiếp tục khuyến khích điều này trong bối cảnh Đối thoại Nhân quyền và các diễn đàn khác."

"Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới của Việt Nam dù có những cải tiến nhưng vẫn còn thiếu sót và chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế."

"Vì nó chưa được thực thi, nhiều tổ chức tôn giáo và tín đồ vẫn hoài nghi và quan ngại về việc luật sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc họ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng."

"USCIRF nhận thấy rằng có nhiều vi phạm về tự do tôn giáo ở nhiều địa phương tại Việt Nam."

"Vì những lý do này, Báo cáo thường niên năm 2017 của USCIRF một lần nữa đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC [Các quốc gia đặc biệt đáng quan ngại] vì những vi phạm tự do tôn giáo "có hệ thống, liên tục và trầm trọng".

"Một khía cạnh đáng quan tâm của cuộc đối thoại năm nay là thiếu vắng Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và chỉ có sự tham gia của một đại diện Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ."

"Việc này gửi tín hiệu sai trong bối cảnh Hoa Kỳ cần nhất quán khuyến khích Việt Nam tiếp tục thực hiện cải tiến tự do tôn giáo."

Trong khi đó, bà Hiền Vũ, từ Viện Liên kết toàn cầu (Institute for Global Engagement - IGE) đặt ở Mỹ, tỏ ra lạc quan hơn khi nói với BBC.

"Nếu cả chính phủ Mỹ và Việt Nam công nhận rằng có quan hệ trực tiếp giữa tiến bộ nhân quyền và tiến bộ trong thương mại, đầu tư và hợp tác quân sự, và họ hành động, thì tôi tin sẽ có tác động tích cực và cụ thể."

Trả lời BBC, ông Josef Roy Benedict, Phó Giám đốc Văn phòng Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Amnesty (Tổ chức Ân xá Quốc tế) cho hay: "Bên cạnh Mỹ, Việt Nam cũng có các cuộc đối thoại với Úc, EU, Na Uy và Thụy Sỹ. Tuy Hà Nội sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại, họ vẫn chưa cho thấy rõ cam kết cải cách thật sự về các chính sách để đưa nó phù hợp với luật nhân quyền quốc tế."

"Việt Nam đã ký kết các công ước quốc tế về quyền con người. Nhưng thực tế thì các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động môi trường, tôn giáo tại nước này đang bị sách nhiễu và khủng bố."

"Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính hiện có khoảng 90 tù nhân lương tâm ở Việt Nam đang bị cầm tù vì thực hiện các quyền tự do ngôn luận."

"Nhiều người trong số này bị biệt giam, khước từ việc được điều trị y tế."

"Hoa Kỳ phải đảm bảo rằng Việt Nam sẽ có những bước cụ thể về việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm và cam kết công khai về việc chấm dứt tình trạng hình sự hóa, sách nhiễu và hăm dọa và các nhà hoạt động nhân quyền."

Liên quan đến việc bắt giữ những nhà hoạt động và blogger, Việt Nam luôn khẳng định "tôn trọng nhân quyền" và chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét