Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Bổ nhiệm nhân sự hành chính: Tiêu chuẩn và quan hệ



 Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV sáng 21-5.AFP 


Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV sáng 22-5, Chính phủ công bố trong năm qua có 9 địa phương đã bổ nhiệm 58 cán bộ là người nhà, vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục bổ nhiệm. Vì sao vấn đề bổ nhiệm nhân sự theo hình thức dư luận gọi là “con ông cháu cha” được đưa ra cụ thể trong kỳ họp Quốc hội khoá 14? Vấn đề này được người quan sát tình hình chính trị trong nước nhận định thế nào?


Mới mà cũ



Đây là sự việc thường được dư luận nói đến với cách dùng từ là “con ông cháu cha”. Cũng chính vấn đề này đã được đưa ra bàn luận trước đây tại cuộc họp báo thường kỳ chính phủ ngày 17 tháng 2 vừa qua, và được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Bộ Nội vụ đã khẩn trương kiểm tra, rà soát qua phản ảnh từ thông tin báo chí.



Báo Vietnamnet lúc đó đưa tin chi tiết rằng trong 58 người nhà được bổ nhiệm thì có 18 người có quan hệ ruột thịt, quan hệ họ hàng là 40 người. Số người này được bổ nhiệm vào làm trong cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, cơ quan đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp.



Cho đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 22-5, danh sách của 9 địa phương gồm Hà Giang, Nghệ A, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng, do  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ trong kỳ họp Quốc hội 14 là những địa phương đã bổ nhiệm 58 người nhà không đúng quy định.



Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore  cho đài Đài Á Châu tự do chúng tôi biết quan điểm của ông đối với vấn đề tuy mới mà cũ này:



“Ông Phó thủ tướng Trương Hoà Bình là người được giao nhiệm vụ phụ trách các vấn đề về nội chính của chính phủ. Trong những vấn đề nội chính có 1 phần là kiểm tra, kiểm soát các thủ tục bổ nhiệm người, nhân sự, thì ông ấy bắt buộc phải có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội về cái ấy. Chứ nếu nói là nó báo động về một cái gì sắp xảy ra tới đây thì cũng không có gì rõ ràng.”



Một vấn đề khác được Tiến sĩ Hà Hợp Hợp đề cập là có sự khác biệt với những lần báo cáo nhân sự tương tự trước đây trước Quốc hội, đó là từng trường hợp đưa nêu ra cụ thể trước báo cáo của Chính phủ trình lên Quốc hội.



“Trước đây người ta không nêu tên, người ta giữ cho nhau. Bây giờ cách làm mới là người ta nêu tên, nói cụ thể từng trường hợp, bao nhiêu địa phương? Mỗi địa phương có chuyện đó xảy ra với bao nhiêu người? Mỗi gia đình ấy có ông làm quan to đưa bao nhiêu người?...”

Một bước tiến?



Rất nhiều báo chí trong nước ngay thời gian đầu đưa tin về vụ việc này đã nêu rất cụ thể từng trường hợp như tên của địa phương, tên người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm.



Tờ vietnamnet khi viết về vấn đề này đã ghi rằng: “Cụ thể như trường hợp bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang (vợ Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh) thiếu trình độ ngoại ngữ B. Screen capture


Ví dụ, tờ vietnamnet khi viết về vấn đề này đã ghi rằng: “Cụ thể như trường hợp bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang (vợ Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh) thiếu trình độ ngoại ngữ B; Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý (em trai Bí thư Tỉnh uỷ) chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính.”



Khi được hỏi về nhận định đối với điều này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng theo ông, nếu nhìn ở mặt tích cực thì đó là một cố gắng tốt về cải cách hành chính trong việc bổ nhiệm người thân.



“Đấy là một bước tiến. Vì nêu ra những trường hợp ấy thực chất theo tôi hiểu, là cho người dân đỡ bực tức. Nó là một thủ tục để đối xử với dân, đả thông người dân. Vì thủ tục này có thể thật mà cũng có thể không thật.”



Tuy nhiên, ông chia sẻ thêm một vấn đề mà ông cho là cũng cần nên xem lại, đó là địa phương đó có gặp trở ngại về điều kiện để bổ nhiệm nhân sự hay không?



“Ví dụ cái tỉnh ấy ở xa tít trong núi, không chọn được ai cả, thì người ta chọn con cháu của họ cũng phải chịu thôi.



Còn những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, không học hành tử tế, đạo đức có chuyện, hành xử hằng ngày có chuyện mà đưa và đó là sai.”



Những trường hợp “sai” mà tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhắc đến cũng chính là nguyên nhân gây ra những bức xúc cho người dân trong thời gian qua. Điều này cũng được ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề cập khi trả lời truyền thông trong nước. “Nhất trực hệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ” là câu nói mà ông cho rằng rất đúng với thực trạng bộ máy hành chính hiện nay.

Tiêu chuẩn và quan hệ



Dư  luận Việt Nam không xa lạ với người được mệnh danh là “Thái tử Đảng”, ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cuối năm 2011, dư luận trong nước đã bàn tán rất nhiều xung quanh sự kiện ông Nguyễn Thanh Nghị, khi đó mới 35 tuổi,  nhậm chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng và được gọi là thứ trưởng đương nhiệm trẻ nhất Việt Nam.



Trả lời truyền thông tại Đại hội Đảng XI tháng 1/2011, khi được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, ông khẳng định, “thành công của mình nhờ truyền thống gia đình và nỗ lực của bản thân.”



Những trường hợp “hổ phụ sinh hổ tử” cũng được đại biểu Lê Thanh Vân đề cập đến trong bài phỏng vấn với báo trong nước. Ông nhìn nhận “trong lịch sử của dân tộc Việt Nam không hiếm trường hợp hổ phụ sinh hổ tử. Tính kế thừa truyền thống gia đình là một yếu tố quan trọng nhưng phải đặt trong bối cảnh nền chính trị ấy minh bạch.”



Về vấn đề được hay không được bổ nhiệm người nhà, người thân thật ra không phải là điều lệ trong những chính sách hành chính của Việt Nam. Đó là ý kiến của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khi ông nói về việc bổ nhiệm nhân sự .



“Trước đây trong các điều kiện bổ nhiệm hoặc chọn người làm công chức, cán bộ thì người ta không quy định nào như thế cả, chỉ có tiêu chuẩn. Khi anh A, chị B đủ tiêu chuẩn thì người ta sẽ chọn. Người ta sẽ không nói là anh A, chị B đủ tiêu chuẩn nhưng lại là con ông C, bà D thì không được chọn. Bây giờ 58 trường hợp ấy so với mấy triệu người công chức ở Việt Nam là con số quá nhỏ.”



Do đó, một lần nữa ông cho rằng việc đưa ra kết quả đó chỉ là một cách để cho người dân giảm đi sự bức xúc. Và để kết luận về báo cáo của chính phủ việc 9 địa phương bổ nhiệm 58 người nhà không đúng quy định, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nói rằng nếu tính hệ thống từ trung ương, đến tỉnh, xã, bộ, ngành của đất nước này thì phải mất một thời gian rất dài để có thể đưa ra kết quả báo cáo chính xác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét