Cuối
cùng thì cơn lũ Đoàn Ngọc Hải đã qua đi, và vỉa hè quận
1 – Sài Gòn đã trở về trạng thái ban đầu, như chưa hề có chuyện gì xảy
ra.Đích thân ông quận phó đã xác nhận chuyện này với báo Một Thế
Giới. Hoá ra lý do ông không xuống đường nữa là vì Quận uỷ (tức là
cơ quan của đảng Cộng sản Việt Nam) và Uỷ ban Nhân dân quận 1 đã có hai
văn bản
yêu cầu ông không được tiếp tục việc dọn dẹp lòng lề đường nữa.
“Rất khó chịu nhưng làm sao được khi tôi không còn đứng đầu
chiến dịch và có quyền xử lý vi phạm, cũng như khiển trách cán bộ cấp dưới?”,
ông Hải nói.
Rất tiếc, người dân không được tiếp cận với văn bản của UBND
quận 1 để biết đó là văn bản loại gì, nội dung của nó ra sao, có được ban hành
đúng pháp luật hay không. Văn bản của Quận uỷ là việc nội bộ của ĐCSVN, mặc dù
khả năng cao đó mới là “phán quyết” chính thức cho công việc của ông Hải.
Điều chúng ta có thể đoán được là UBND quận 1 đã không còn
phân công ông Hải xuống đường dọn dẹp lòng lề đường, hoặc có thể là không phân
công ông Hải quản lý lòng lề đường nữa. Nếu đúng vậy thì đây là chuyện tổ chức
công việc bình thường của các cơ quan hành chính, không có gì đáng bàn.
Ông Đoàn Ngọc Hải và các ban bệ không còn có thể rồng rắn xuống
đường “giành lại vỉa hè” nữa. Ảnh: Nhà Quản Lý.
Người đi, nghĩ suy ở lại
Điều còn đọng lại khiến nhiều người lấn cấn là cuối cùng ông
Hải có làm đúng luật hay không. Ông Hải và những người ủng hộ ông ấy khăng
khăng là ông đúng: “Tôi khẳng định là mình làm đúng Luật Giao thông Đường bộ.
Những vật cản trên lòng lề đường là phải giải toả ngay, nhường đường cho người
đi bộ, tránh tai nạn giao thông”.
Ông Hải cho rằng Luật GTĐB cho ông quyền giải toả, cưỡng chế
ngay lập tức mọi vật cản trên lòng lề đường, không cần thông báo trước, không cần
ra quyết định xử phạt và yêu cầu người vi phạm khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, phe phản đối thì nói rằng ông phải áp dụng Luật
Xử lý Vi phạm Hành chính và phải tuân thủ đúng quy trình xử lý như trên.
Ông Hải bác bỏ điều đó: “Tôi không áp dụng Luật XLVPHC vì đó
là những vật cản nằm trên vỉa hè. Khi nào trên công trình dân dụng có sai phạm
thì mới xử phạt hành chính”.
Như vậy, tồn tại hai khả năng: một là ông Hải hiểu sai luật
và áp dụng nhầm văn bản, hai là pháp luật nhập nhằng và không rõ ràng về quy
trình xử lý vi phạm.
Xét khả năng thứ nhất:
Nếu ông Hải hiểu sai và áp dụng nhầm văn bản thì ông Hải và
UBND quận 1 phải chịu trách nhiệm. Ông Hải phải chịu trách nhiệm cá nhân, và
UBND quận, Hội đồng Nhân dân quận hoặc các cơ quan cấp trên phải xử lý kỷ luật
ông Hải. Đây là việc các cơ quan nhà nước phải làm theo đúng pháp luật, không
thể xí xoá, bỏ qua, rút kinh nghiệm.
Thậm chí, ông Hải cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về
tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.
UBND quận 1 cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
cho các hộ dân đã bị cưỡng chế, giải toả, nếu người dân có yêu cầu.
Xét khả năng thứ hai:
Nếu ông Hải không làm sai pháp luật, mà là pháp luật nhập nhằng
và không rõ ràng thì nhà nước phải có các động thái sửa sai.
Việc sửa sai này có thể làm theo ít nhất là hai cách: Quốc hội
hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra văn bản giải thích sự nhập nhằng giữa hai văn
bản luật này và thống nhất một cách hiểu duy nhất; hoặc Chính phủ ra nghị định
hướng dẫn thi hành Luật GTĐB và nói rõ quy trình xử lý ra sao.
Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta không được biết nhà nước có
đang làm cái việc sửa sai này hay không, cũng như không ai nghe nói gì đến việc
xem xét trách nhiệm của ông Hải thế nào. Sau cùng thì ai là người đưa ra kết luận
về việc ông Hải có làm đúng pháp luật hay không, ai là người truy cứu trách nhiệm
ông Hải nếu ông ấy làm sai? Đâu là chỗ người dân phải kêu để đòi được tiền bồi
thường nếu ông Hải làm sai?
Nếu chính quyền lờ đi, không xem xét trách nhiệm của ông Hải
cũng như không sửa cái lỗi sai trong hệ thống pháp luật đó thì sao?
Các bậc tam cấp này bị cho là lấn chiếm vỉa hè và bị dỡ bỏ
theo lệnh của ông Hải. Ảnh: Infonet.
Cần có tư pháp độc lập để phân xử đúng sai
Trong một nền pháp quyền, người ta luôn có thể giải quyết vấn
đề này một cách rất chủ động, đó là con đường toà án.
Theo đó, người dân bị cưỡng chế, giải toả có thể kiện UBND
quận 1 ra toà hành chính và yêu cầu toà phân xử xem việc làm của UBND, mà đại
diện là ông Hải, có đúng pháp luật hay không. Người dân sẽ lập luận rằng ông Hải
làm vậy là sai, ông Hải sẽ bác bỏ như cách ông vẫn bác bỏ lâu nay.
Cuối cùng, toà sẽ đưa ra phán quyết xem cần phải áp dụng văn
bản nào, có văn bản nào trái luật hoặc trái hiến pháp hay không. Dĩ nhiên, sau
đó hai bên có quyền kháng cáo phán quyết đó lên toà cấp cao hơn, nhưng sau cùng
thì cũng phải có một phán quyết chốt hạ vụ kiện. Trách nhiệm của các bên sẽ được
xem xét dựa trên phán quyết vụ kiện đó.
Đây chính là chức năng giám sát tư pháp (judicial review) của
toà án, vốn dĩ tương đối phổ biến ở các nước trên thế giới. Cách làm này trao
quyền chủ động cho các bên liên quan và hệ thống toà án, giúp việc xử lý các
tranh chấp trong xã hội, bao gồm cả tranh chấp giữa người dân và chính quyền,
trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Không ai còn phải chờ các cơ quan nhà nước
khác vào cuộc, vốn dĩ vẫn là chuyện “chờ em chờ đến bao giờ” ở nước ta.
Một giải pháp nữa trong một nền pháp quyền là cơ quan công tố
cấp quận/tỉnh, hiện nay là Viện Kiểm sát Nhân dân, xem xét khởi tố vụ án huỷ hoại
hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, khởi tố bị can đối với ông Đoàn Ngọc Hải và đưa
vụ án hình sự này ra toà. Toà cũng sẽ xem xét xem ông Hải làm có đúng luật
không và nếu sai thì trách nhiệm của ông đến đâu.
Cả hai giải pháp nêu trên chỉ có thể đạt được nếu chúng ta
có một hệ thống nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập, trong
đó toà án độc lập với các cơ quan hành pháp để có thể đưa ra các phán quyết
đúng pháp luật, cơ quan điều tra và cơ quan công tố cũng được độc lập với các
quan chức hành pháp để có thể tiến hành điều tra, truy tố mà không bị các quan
chức đó can thiệp.
Cần có phe đối lập trong cơ quan lập pháp
Ở trên, chúng ta đã trả lời câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của
ông Hải và UBND quận 1, với một thể chế tư pháp độc lập. Nhưng toà án chỉ có thể
tuyên án chứ không thể kỷ luật hay phế truất ông Hải trong trường hợp ông ấy
làm sai.
Nếu người dân kiện ông Hải ra toà, toà tuyên ông Hải áp dụng
sai pháp luật và UBND quận 1 phải bồi thường mà UBND quận 1 không kỷ luật ông Hải,
HĐND quận 1 không phế truất ông Hải thì sao? Thì nghĩa là cho dù làm sai, ông Hải
vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực của mình, trừ trường hợp toà hình sự tuyên
ông ấy phải đi tù.
Hiện nay, luật trao cho HĐND quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm đối
với vị trí Phó Chủ tịch quận, huyện. Điều này cũng tương tự như Quốc hội có quyền
bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch nước hay Thủ tướng vậy.
Trong một thể chế tam quyền phân lập, HĐND do cử tri bầu ra,
chịu sức ép từ lá phiếu của cử tri, sẽ tiến hành thủ tục xem xét trách nhiệm của
ông Hải. Nếu thấy ông ấy làm sai, HĐND có thể bỏ phiếu phế truất ông ấy.
Nhưng ai sẽ là người có động lực đề xướng chuyện phế truất
ông Hải ra trước HĐND? Thông thường, người được lợi nhất, có động lực nhất khi
làm việc này sẽ là phe đối lập với ông Hải trong HĐND, và họ sẽ là người sẵn
sàng đề xuất hội đồng phế truất ông ấy. Nhưng hiện nay chúng ta có phe đối lập
trong các cơ quan dân cử không?
Câu trả lời là không. Và đây chính là lỗi hệ thống căn bản
khiến cho chúng ta mắc kẹt không có lối nào ra trong cái cuộc tranh luận bùng
nhùng liên quan đến ông quận phó Đoàn Ngọc Hải.
Khó sống vì hệ thống
Chúng ta nói đến tam quyền phân lập, trong đó chúng ta có
toà án độc lập trong việc phân xử tranh chấp giữa ông Hải với người dân và truy
cứu trách nhiệm pháp lý của ông ấy, trong đó có cơ quan lập pháp (HĐND và QH)
xem xét việc giải thích pháp luật và trách nhiệm chính trị của ông Hải.
Nhưng, ở đây có một chữ “nhưng” to đùng, tư tưởng tam quyền
phân lập lại bị Nghị quyết số 04-NQ/TW của đảng CSVN liệt vào nhóm “9 biểu hiện
‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ” và cần phải đấu tranh loại trừ.
Trên thực tế, tam quyền phân lập không thể trở thành hiện thực
trong thể chế chính trị một đảng cầm quyền của Việt Nam hiện nay. Hãy xem xét
các dữ kiện sau.
Ở cơ quan hành pháp Việt Nam (chính phủ và UBND), những quan
chức như ông Hải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,
cùng với các vị trí thấp hơn như Giám đốc Sở, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng,…
đều là đảng viên đảng CSVN.
Ở cơ quan lập pháp, (QH và HĐND), đảng CSVN chiếm gần như tuyệt
đối số ghế, 96% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Vậy thì nếu như những quan chức
như ông Hải hay ông Phúc làm sai thì Quốc hội có dám chất vấn đến cùng và bãi
nhiệm các ông ấy không? Lịch sử nhà nước Việt Nam hiện đại chưa ghi nhận chuyện
đó bao giờ.
Ở cơ quan tư pháp (toà án), trước ngày 1/6/2015, tiêu chuẩn
bổ nhiệm thẩm phán là phải “chấp hành nghiêm chỉnh… chính sách của Đảng”, “kiên
quyết đấu tranh với những người, những hành vi gây phương hại đến Đảng”, và
“không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I của Quy định số 57-QĐ/TW
ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị ‘Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng’”.
Điều đó có nghĩa là các thẩm phán hoặc phải là đảng viên đảng CSVN, hoặc là người
tự nguyện chấp hành các chỉ thị của đảng CSVN trong mọi hoạt động xét xử.
Hiện văn bản về tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán này đã hết hiệu
lực, nhưng hầu hết các thẩm phán đang tại nhiệm đều được bổ nhiệm trước ngày
1/6/2015. Hơn nữa, ít ai nghi ngờ về việc các thẩm phán được bổ nhiệm mới vẫn
phải tuân theo các tiêu chuẩn cũ.
Như vậy, bằng việc kiểm soát toàn bộ ba nhánh quyền lực, đảng
CSVN đã khép lại gần như mọi cánh cửa để có thể xem xét trách nhiệm của những
người như ông Hải. Người ta chỉ còn có thể trông cậy vào một khả năng: Đảng tự
kỷ luật chính đảng viên của mình.
Cơ chế tam quyền không phân lập này dựa trên một thể chế
chính trị một đảng cầm quyền cũng khiến cho chất lượng làm luật trở nên yếu
kém, sinh ra những văn bản luật nhập nhằng mà ông Hải đã viện dẫn để giải toả
lòng lề đường, và cuối cùng là không ai trong hệ thống có động lực hay lợi ích
nào trong việc giải thích và thống nhất cách hiểu các văn bản này cả.
Khi quyền lực của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không
gắn với lá phiếu của cử tri trong một thể chế dân chủ, họ không thấy cần phải bầu
ra các quan chức hành pháp có trách nhiệm và có năng lực, cũng như khi các quan
chức hành pháp này phạm luật thì họ cũng không thấy có động lực để phế truất.
Và đó là cơ chế tuyệt vời nhất để nuôi dưỡng tham nhũng. Ông
Hải có muốn thực thi pháp luật nghiêm minh cũng không được, vì sẽ đụng phải lợi
ích của muôn vàn ông nọ, bà kia.
Ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TAND Tối cao cùng các quan chức
cao cấp khác của chính quyền đều là đảng viên đảng CSVN. Ảnh: Dân Trí.
***
Thất bại trong chiến dịch giải toả lòng lề đường của ông Hải,
tưởng như chỉ là chuyện vặt ở cấp quận huyện, chẳng đáng bới móc ra làm gì,
nhưng thực tế nó phản ánh một vấn đề lớn hơn nhiều: vấn đề hệ thống.
Cái hệ thống đó đã thất bại trong việc quản lý lòng lề đường,
để rồi ông Hải phải trực tiếp ra tay bằng cách gồng mình lên gánh toàn bộ sự ì ạch
và tính kém hiệu quả của nó.
Cái hệ thống đó cũng tạo điều kiện cho ông Hải làm những việc
đầy tranh cãi, làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, dựa trên những
văn bản pháp luật nhập nhằng.
Và cũng chính cái hệ thống đó cũng không thể giải quyết được
hai câu hỏi lớn mà ông Hải đã bỏ lại: ông ấy làm đúng hay sai pháp luật, nếu
sai thì xử lý thế nào.
Vậy là cuối cùng, ông Hải, người giương cao lá cờ thượng tôn
pháp luật, lại không bị pháp luật kiểm soát và trở thành người đứng bên trên
pháp luật.
Chúng ta không thể tìm ra được lối thoát cho vấn đề nếu chỉ
loanh quanh tranh cãi về những chi tiết lặt vặt. Chỉ có cách nhìn thẳng vào hệ
thống thì mới mong giải quyết được vấn đề.
Một hệ thống tốt sẽ tự vận hành cho một mục đích cho trước.
Hệ thống nhà nước vốn dĩ được sinh ra để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tự do cho con
người và quản lý xã hội một cách hiệu quả. Hệ thống nhà nước của chúng ta hiện
nay ban đầu cũng được sinh ra với mục đích đó, nhưng do thiết kế không hợp lý,
nó không còn giữ được mục đích ban đầu mà trở thành một hệ thống nuôi dưỡng lợi
ích và quyền lực của một đảng phái chính trị.
Chúng ta đang chứng kiến hệ thống nhà nước thực hiện rất tốt
cái mục đích mới này: các nhân tố của hệ thống rất tích cực, chủ động trong việc
bảo vệ và làm lợi cho chính nó, đồng thời có xu hướng chây ì hoặc khước từ
nghĩa vụ thực hiện những chức năng ban đầu.
Một cá nhân như ông Hải hay bất kỳ ai khác cũng không thể gồng
lên để làm cho bộ máy đó trở lại mục đích ban đầu được. Mọi chiến dịch hay
phong trào mang tính dân tuý đều sẽ chỉ trống giong cờ mở trong giây lát rồi mất
hút trong vòng xoáy của bộ máy.
Dĩ nhiên, chúng ta đang chứng kiến những cải tiến lặt vặt
theo lối thay ốc bỏ đinh và đạt được một vài chuyển biến tích cực nhất định. Những
cải tiến đó có đủ để thay đổi hệ thống hay không? Xin nhường câu trả lời lại
cho bạn đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét