Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Châu Âu hy vọng Donald Trump đổi thái độ trên nhiều hồ sơ thiết yếu



Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và đồng nhiệm Ý Sergio Mattarella tại phủ tổng thống Ý, Rôma, ngày 24/05/2017. Italian Presidency Press Office/Handout via Reuters


Ngày 25/05/2017, trong khuôn khổ vòng công du châu Âu, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hội đàm với hai lãnh đạo cao cấp nhất châu Âu là ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, và Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Chưa bao giờ giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu lại nôn nóng chờ đợi cuộc gặp với tân lãnh đạo Hoa Kỳ như vào lúc này, sau một loạt những tín hiệu không mấy thuận lợi mà tân chủ nhân Nhà Trắng đã tung ra nhằm đả kích châu Âu, dù đây là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trên mọi phương diện.

Điều hiển nhiên là trong suốt thời kỳ vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã không ngần ngại có những lời lẽ « miệt thị » đối với châu Âu. Hãng tin Pháp AFP đã nhắc lại là khi tranh cử, ứng viên Donald Trump đã từng khen mỉa nước Bỉ là « một thành phố tuyệt vời », và gọi Bruxelles, thủ phủ Liên Hiệp Châu Âu là một « ổ chuột ». Và khi đã nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Trump vẫn tiếp tục có những phát biểu không thiện cảm đối với Liên Hiệp Châu Âu, trong lúc chính quyền Mỹ đã có nhiều quyết định khiến Bruxelles bất bình.

Trong vụ Vương Quốc Anh quyết định rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, một vài hôm trước lúc nhậm chức, ông Trump đã không ngần ngại tiên đoán rằng « nhiều nước khác sẽ rời bỏ » Liên Hiệp Châu Âu theo gương Luân Đôn. Hay trong vấn đề thương mại, không những đã đình chỉ cuộc đàm phán khởi sự năm 2013 giữa Bruxelles và Washington về hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương TTIP (tiếng Anh là TAFTA), ông Trump còn yêu cầu chính quyền của ông thống kê những nước có thặng dư mậu dịch với Mỹ, trong số này có Đức và Pháp…, bất chấp thực tế là trên bình diện thương mại, Liên Hiệp Châu Âu mang tính chất là một khối duy nhất.

Đó là chưa kể đến nhiều vấn đề khác như việc đơn phương áp dụng chế độ visa đối với một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu (Bulgari, Rumani, Croatia, Ba Lan, Chypre), hay mới đây là muốn đơn phương cấm hành khách mang máy tính xách tay, máy tính bảng… lên ca bin trong các chuyến bay từ châu Âu qua Mỹ.

Trên tất cả các hồ sơ đó, châu Âu hy vọng là cuộc gặp với tổng thống Mỹ có thể sẽ giúp giải quyết một phần các bất đồng giữa hai bên. Giới lãnh đạo châu Âu đang cố chuẩn bị đón tiếp tổng thống Mỹ sao cho chuyến thăm của ông Trump và các cuộc hội đàm diễn tiến tốt đẹp, không xẩy ra sự cố mà hai bên phải mất công giải quyết về sau.

Trả lời AFP, ông Tomas Valasek, giám đốc trung tâm tham vấn Carnegie Châu Âu giải thích : « Mục đích là bảo đảm sao cho các cuộc hội kiến diễn ra một cách ngắn gọn, năng động và tích cực, tránh được những nhận xét mà sau đó phải mất hàng tháng trời để khắc phục hậu quả ».

Một ví dụ rất cụ thể : do việc tổng thống Trump nổi tiếng là ăn nói bộc trực, không cần suy nghĩ, các lãnh đạo châu Âu đã tránh tổ chức họp báo, thậm chí hai ông Donald Tusk và Jean-Claude Juncker còn dự trù là sẽ không tiếp xúc với báo giới sau cuộc gặp.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tân tổng thống Mỹ đã cho thấy là trong lãnh vực ngoại giao, ông bắt đầu mềm mỏng hơn. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, ông như đã thấy được tầm quan trọng của đối tác. Trên vấn đề Brexit chẳng hạn, sau khi làm Bruxelles phật ý bằng lời tiên đoán Liên Hiệp Châu Âu phân rã, ông Trump đã khen ngợi châu Âu là đã biết xử lý tốt hồ sơ Brexit.

Nhân vòng công du Cận Đông vừa qua, ông Trump đã tránh được những lời lẽ hành động có thể gây hiểu lầm khiến cho chuyến đi được đánh giá là thành công. Ian Lesser, chuyên gia phân tích tại Marshall Fund ở Đức cho rằng những khó khăn đối nội của ông Trump từ khi cách chức giám đốc FBI James Comey có thể khuyến khích ông tránh gây nên những cuộc tranh cãi để « gặt hái được thành công ngoại giao ».

Liệu thành tích ở Cận Đông sẽ được ông Trump tái lập tại châu Âu hay không ? Câu hỏi này chưa có đáp án, nhưng đó chính là mong đợi của các lãnh đạo châu Âu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét