Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

THÂN PHẬN CỦA LUẬT PHÁP

FB Luân Lê
 

Một tiến sỹ luật, đương kim đại biểu quốc hội, kiêm Vụ trưởng một vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhưng lại có nhận thức pháp luật khá là tệ hại, đặc biệt lại chính về lĩnh vực nghiên cứu của mình là luật hình sự. Và họ là sản phẩm của nền giáo dục hiện hành, được trang bị bằng cấp tới tiến sỹ, học vị mà nếu ở các quốc gia phát triển thì khó lòng có thể sở hữu được. Nhưng nếu họ lập pháp với vai trò đại biểu và bảo vệ pháp luật với vai trò kiểm sát bằng trình độ luật pháp như hôm nay ta đã thấy thì quả thực rủi may cho thân phận con người và buộc lòng chúng ta phải lo lắng về tương lai của nền luật pháp nước nhà.

Còn vị đại biểu đang mang hàm đại tá công an mà đương vị Phó giám đốc sở công an tỉnh Đăk Lăk, với vai trò đại biểu quốc hội, và mang trên mình chức trách người thừa hành luật pháp, thế nhưng lại nhất mực muốn bảo vệ lãnh đạo đảng và nhà nước bằng cách thêm thắt những điều luật tối nghĩa và thừa thãi đến mức thiếu hiểu biết. Thế thì luật pháp khi được trao vào tay họ thì chúng sẽ được thi hành thế nào khi sẵn tâm lý với con mắt nhìn nhận pháp luật lệch lạc và cực đoan đến thế?

Họ sẽ dạy ai và bảo vệ lý lẽ nào với trình độ và nhận thức pháp luật như vậy?

Các thày cô, giảng viên dạy luật ở các trường đại học luật, hãy dạy những sinh viên luật một cách đàng hoàng và tử tế, bằng tri thức đúng đắn, đừng đào tạo ra những con người mà rồi nói ra người ta không khỏi đau xót và thất vọng về sản phẩm của ngôi trường ấy. Hãy dạy những kiến thức văn minh, dám lên tiếng và bảo vệ lẽ phải, chứ chớ bằng mọi cách nhắm mắt mặc lên chiếc áo giáp cho nhóm người này mà chĩa mũi giáo vào phần đông những người còn lại khác mang vị thế nhân dân.

Và riêng giới luật sư, nếu muốn được trở thành một nghề quan trọng, được nhân dân và xã hội tôn vinh, thì hãy phải biết đoàn kết nhau lại và đừng ngần ngại đấu tranh bằng luật pháp, sự hiểu biết và lương tâm của mình trước các bất công của xã hội. Như vậy, nghề luật sư và giới luật sư mới được trọng vọng và có giá trị. Chứ không thì cũng bị khinh khi nếu cứ bỏ mặc luật pháp bị dày vò dưới những bàn tay thô bạo và cái đầu hạn hẹp và cạn trí.

Chúng ta có thể chống lại mọi thứ, kể cả chính quyền, nếu nó sai trái, nhưng không phải bằng tay không, mà là bằng luật pháp được dẫn dắt bằng trí tâm cùng lòng trắc ẩn của mình.

Muốn có tiếng nói và đạt được sự tôn kính, chúng ta phải tự giành lấy vị thế của mình. Và đừng bao giờ bỏ mặc hay thờ ơ với luật pháp. Vì quốc gia có thịnh trị hay không là nhờ phần lớn vào vai trò của những người luật sư thực thụ đóng góp trong đó.

Chúng ta cần nhớ rằng, chúng ta không sợ chính quyền, mà chúng ta chỉ sợ luật pháp, mà hơn hết là thứ luật pháp văn minh, không được thực thi đúng nghĩa. Vì luật pháp không đảm đương được vai trò của mình, thì tức rằng, luật sư chỉ là nô lệ của luật pháp, là công cụ của chính quyền và tồn tại trong sự ghẻ lạnh của người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét