Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Về vụ SkyViet: Đảng không làm thay mà làm luôn?


Báo chí Việt Nam công khai thừa nhận 'khiếm khuyết của chế độ một đảng'- Getty Images

Tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xem xét Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet thu hút nhiều ý kiến trên mạng xã hội và đặt lại vấn đề có phải Đảng CSVN sẽ làm thay nhiều việc của bộ máy chính quyền.


Ý kiến trên mạng xã hội

Trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt từ 23/05 đã có nhiều ý kiến khác nhau về chủ đề này.

Có ý kiến nhắc lại thời nhà thơ Tố Hữu phụ trách kinh tế:

"Hồi đó có nhà thơ làm Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế ... Thời nay có nhà lý luận Mác - Lê xem xét đề án kinh doanh. Các bố giỏi thật!"

Bạn Nguyễn Quyết Thắng thì bình luận:

"Chống tham nhũng quá khó khăn đối với ĐCS. Ông TBT ôm hết các quyền lực cho phép của thể chế cả Đảng và chính quyền nhưng đến thời điểm sau hội nghị TƯ5, kết quả qua vụ Thăng-Thanh...có đồng chinh nào thu lại cho dân đâu...

Một ý kiến khác, của Vương Quốc Chiến thì cho rằng "tư nhân hoá là đúng với quy luật thị trường nhưng phải thu đúng giá của doanh nghiệp về cho ngân sách chống thất thu, tiền vào túi cá nhân, tư sản đỏ".

Còn Nhungsmile Quynh thì muốn biết: "Từ hồi nào TBT lại tham gia trực tiếp vào điều hành kinh tế thế này nhỉ, có trong điều lệ Đảng hay quy định gì không nhỉ?"

Hien Huynh thì nêu ý kiến: "TBT lại đích thân xem xét đề án kinh doanh thì vấn đề đặt ra là thủ tướng VN để làm gì?"


Thiếu tầm chiến lược?

Theo truyền thông Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phải báo cáo việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không SkyViet cho Văn phòng Tổng bí thư về đề án này trong tháng 5/2017.

Ngay từ hồi năm 2012 báo chí ở Việt Nam đã nêu ra các ý kiến từ bên trong hệ thống của Đảng Cộng sản yêu cầu xem lại tình trạng Đảng này "bao biện, làm thay" cho cơ quan hành chính và chính quyền.

Một bài của Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng đăng trên báo Pháp Luật (09/02/2012) viết:

"Sự chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và MTTQ Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị-xã hội khác là một điểm nghẽn khác làm cho bộ máy của Đảng cồng kềnh, thiếu hiệu quả, sa vào sự vụ trong chỉ đạo điều hành, thiếu tầm chiến lược..."

"Đây cũng là nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng quan liêu, bảo thủ, chậm chạp… không theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập..."

"Việc Đảng quyết định quá nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước và hoạt động của các đoàn thể chính trị-xã hội dẫn đến tình trạng Đảng bao biện làm thay một cách thiếu sâu sát, thiếu chuyên nghiệp."

"Điều này làm cho vai trò của Nhà nước và các đoàn thể lu mờ, cũng là nguyên nhân làm cho hệ thống chính trị chưa thực sự đổi mới, chưa theo kịp những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường XHCN,"
Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty
Image caption Chính phủ nhiệm kỳ trước của Việt Nam đón phi cơ dân dụng Airbus A350-900 XWB về cho Vietnam Airlines tháng 7/2015

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Cán bộ TP.HCM khi đó đã viết về hội thảo "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI" về nhu cầu luật hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vẫn mới đây, các văn kiện và tài liệu của Đảng tiếp tục nhấn mạnh Đảng này không làm thay chính quyền.

Một bài của GS Nguyễn Đăng Dung trên báo Điện tử Đảng Cộng sản (12/10/2016) còn coi đây là một khiếm khuyết của chế độ một đảng và đề ra kiến nghị khắc phục:

"Thể chế chính trị nào cũng có những nhược điểm nhất định. Bên cạnh những thuận lợi mà cơ chế một đảng đem lại, như dễ dàng cho việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, ổn định chế độ chính trị..., cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội của chúng ta cũng dễ dẫn đến hiện tượng các cơ quan của Đảng bao biện làm thay chức năng của các cơ quan nhà nước, can thiệp vào chức năng các cơ quan nhà nước, quan liêu hách dịch, và nạn cửa quyền..."

"Những năm gần đây, chúng ta mất rất nhiều công sức cho việc phân biệt sự lãnh đạo của Đảng với sự quản lý của Nhà nước.

"Kết quả của vấn đề là ở Việt Nam hiện nay hình thành hai bộ máy: một của Đảng và một của Nhà nước. Bộ máy của Đảng có quyền lãnh đạo bộ máy của Nhà nước, theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện."

"Hệ quả của vấn đề là sự đùn đẩy trách nhiệm giữa người đứng đầu các cơ quan nhà nước và người đứng đầu các cơ quan của Đảng."

Sang năm 2017, Ban Lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN đã trực tiếp vào cuộc trong các vụ 'đại án' ngành dầu khí, giao thông và ngân hàng để điều tra thất thoát, lãnh phí và tham nhũng, đi trước cả cơ quan tư pháp, kiểm sát.

Tiến thêm một bước nữa, nay Văn phòng Tổng bí thư còn tự quyết định về việc thành lập doanh nghiệp lớn của ngành hàng không như trong ví dụ của SkyViet.

Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), trực thuộc Vietnam Airlines.

Trong đó, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ kỹ thương (Techcom Capital) 48% và Techcomdeveloper 1%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét