Một góc Đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Hình chụp tháng 6/2017.
Quốc Hội Việt Nam vào trung tuần
tháng 11 thảo luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, hay còn gọi
là “đặc khu kinh tế”, với ý kiến của nhiều Đại Biểu là cần thiết phải ban hành.
Đài RFA ghi nhận qua thông tin vừa
nêu, dư luận trong nước đặt câu hỏi liệu rằng các đặc khu kinh tế tại Việt Nam
được hình thành và hoạt động có hiệu quả khi cơ chế vận hành theo luật định mới?
Nhiều ưu đãi và thuận lợi
Tại phiên họp lần thứ 14 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra hồi trung tuần tháng 9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu
tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có
nhiều ưu đãi và thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế và khu kinh tế tự do ở
các nước trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia Châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc,
Trung Quốc…
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn
Chí Dũng nhấn mạnh một trong những yếu tố trọng tâm giúp cho các đặc khu kinh tế
của Việt Nam có thể thành công, là nhờ vào môi trường đầu tư kinh doanh và
chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế cùng với vị trí chiến lược.
Tuy nhiên, đa số Đại biểu Quốc hội
trong buổi thảo luận, vào chiều ngày 10 tháng 11 vừa qua, tại tổ về Dự án Luật
Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt mặc dù đồng ý có nhiều điểm tiến bộ, cần thiết
ban hành nhưng không nên thu hút đầu tư bằng mọi giá vì các đặc khu đều ở những
vị trí chiến lược của Việt Nam.
Về tổ chức chính quyền của đặc
khu kinh tế, các Đại biểu Quốc hội đề nghị nên mở rộng quyền hạn của Đặc khu
trưởng để tạo ra cơ chế thông thoáng; đồng thời phải xây dựng một tổ chức kiểm
soát quyền lực hiệu quả để tránh lạm quyền.
Tờ trình Dự án Luật Đơn vị hành
chính-kinh tế đặc biệt được thảo luận lần này đối với 3 đặc khu, bao gồm Vân Đồn-Quảng
Ninh, Bắc Vân Phong-Khánh Hòa và Phú Quốc-Kiên Giang.
Đài RFA ghi nhận một số chuyên
gia trong nước lên tiếng rằng với chủ trương và nỗ lực của Chính phủ Hà Nội tạo
điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhiều hơn tại các đặc khu kinh tế ở Việt Nam,
thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính, chế độ ưu đãi thuế phí…có thể sẽ thu
hút được đầu tư nước ngoài. Đáp câu hỏi của chúng tôi liệu những đặc khu kinh tế
sẽ là môi trường đầu tư tốt khi Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc khu được
thông qua và ban hành, Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định Việt Nam vẫn
còn gặp trở ngại trong lãnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Bùi Kiến Thành
nói:
“Việt Nam còn phải học hỏi rất
nhiều. Lúc nào Việt Nam cũng sợ cái này, sợ cái kia…Xã hội đóng khép dưới chế độ
Chủ nghĩa Xã hội Cộng sản mà bây giờ mở ra hội nhập, thì tư duy của lãnh đạo muốn
thật sự là một chế độ mở hay chế độ vừa đóng vừa mở? Mình thì không mở ra, mà
thế giới thì người ta mở; vì vậy người ta đến làm ăn với mình nhưng lo sợ bị nhốt
trong lồng nên người ta không đến.”
Bao giờ thành hình và hoạt động?
Trong số các doanh nghiệp trong
nước mà Đài RFA tiếp xúc, thì hầu hết đều cho rằng họ rất quan tâm đến các đặc
khu kinh tế. Nhiều doanh nhân cho biết họ muốn có thêm thông tin về 3 đặc khu
kinh tế mới: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để tìm kiếm cơ hội đầu tư và
kinh doanh. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp tại Sài Gòn tỏ ra không mấy phấn
khởi do nguyên nhân đề án thành lập đặc khu kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh
trong những năm qua, đối với họ dường như chỉ là trên giấy tờ cùng các lời
tuyên bố hoa mỹ của giới lãnh đạo. Nữ giám đốc của một công ty tư nhân chia sẻ
với RFA:
“Xét về mặt ưu điểm thì hầu như
ai cũng thấy được đặc khu kinh tế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chung trong cộng
đồng đó cùng phát triển và đẩy mạnh cộng đồng đó lên. Tức là, xét về mặt lý
thuyết, các doanh nghiệp vẫn mong đợi có các đặc khu kinh tế để khoanh vùng và
hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng việc phổ biến và công tác tuyên truyền về quy
trình không đươc rõ và sát sao cho lắm nên các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự
quan tâm về vấn đề này và họ cứ nghĩ khi nào có thì làm. Vậy thôi.”
Đề án thành lập Khu kinh tế đặc
biệt thành phố Hồ Chí Minh từng được đề xuất từ những năm cuối của thập niên
90, trong thế kỷ XX. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn
Tấn Dũng phê duyệt cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thành lập Tổ công
tác xây dựng Đề án Đặc khu kinh tế, với lộ trình qua 4 giai đoạn và thành phố Hồ
Chí Minh khẳng định vị thế của đặc khu kinh tế vào mốc thời gian 2025-2035.
Ông Đinh La Thăng, khi còn giữ chức
Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2016, đã từng tuyên bố tại hội
nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố rằng “thành phố Hồ Chí Minh phải
trở thành đặc khu kinh tế như Thượng Hải”.
Hồi hạ tuần tháng 6 năm 2016,
trong buổi làm việc với lãnh đạo của thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc cũng nhấn mạnh thành phố Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu phát triển kinh
tế của cả nước sau ngày 30/04/1975 nên “thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc
chiếu sáng Viễn Đông”.
Trước những lời tuyên bố khẳng
khái như vừa nêu, không ít người dân Sài Gòn bày tỏ với Đài Á Châu Tự Do rằng họ
mong muốn thành phố nơi họ gắn bó hàng thập niên qua sẽ mau chóng “thay da đổi
thịt” về đúng vị trí “Hòn ngọc Viễn Đông” như trước năm 1975. Mặc dù hy vọng
như thế, nhưng không phải ai cũng có niềm tin là thành phố trở thành đặc khu
kinh tế thì người dân sẽ có cuộc sống tốt hơn. Một kiến trúc sư, thế hệ 8X, yêu
cầu không không nêu tên, chia sẻ suy nghĩ của anh:
“Tại vì bộ máy vận hành đất nước
hiện tại thì không ai tin chính sách sẽ thành công. Thật sự, mọi người đều có cảm
giác rằng tất cả những việc họ làm là trong nhiệm kỳ của họ thì họ cố gắng làm
để vơ vét cho xong, rồi hết nhiệm kỳ thì họ bỏ chạy. Tất cả hậu quả sau cùng là
người dân lãnh đủ hết. Tôi nghĩ rằng họ vẫn cứ làm, nhưng con đường họ đi thì
không ai tin là họ sẽ đi đến cùng và người dân sẽ được hưởng lợi từ những thành
quả đó.”
Qua các cuộc trao đổi của RFA
cùng người dân trong nước, họ cho biết luôn trông đợi viễn ảnh quốc gia với các
đặc khu kinh tế sầm uất và phồn thịnh. Tuy nhiên, những đặc khu kinh tế tại Việt
Nam giống như Thẩm Quyến hay Thượng Hải của Trung Quốc, thì theo họ có lẽ còn
lâu lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét