Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Chống lại sự đàn áp


Ở Serbia, những năm cuối cùng dưới thời độc tài Milosevic, nhóm Otpor! có sáng kiến in ba loại áo phông cho thanh niên. Ba loại áo đều có logo của Otpor! hình nắm đấm cách điệu, nhưng có màu sắc khác nhau để thể hiện số lần người mặc bị cảnh sát bắt vào đồn. Trong vòng vài tuần, loại áo phông màu đen với hình nắm đấm trong vòng tròn trắng đã trở thành hàng “hot”, vì nó được tặng riêng cho thanh niên nào bị bắt từ 10 lần trở lên. Ai cũng thấy hãnh diện, vinh dự khi được mặc áo phông đen này. Hệt như được lên đai đen võ thuật vậy.

Vì vậy, kinh nghiệm của nhóm Otpor! để chống đàn áp là: Hãy xây dựng hình ảnh cho những người bị bắt bớ, đàn áp; ví dụ khắc họa chân dung họ như những con người can đảm, bất khuất, đầu đội trời chân đạp đất. 

Trong một xã hội mà đa số dân chúng quen chịu đựng, nhiều người chấp nhận sống nhạt như Việt Nam, hình ảnh đó có thể gợi cảm hứng rất tốt, và cũng khiến an ninh phải tính toán kỹ khi muốn công khai đàn áp ai đó.

Bên canh đó, Otpor! rất có ý thức bảo vệ những người đấu tranh, kể cả thành viên của họ lẫn những người không phải thành viên. Họ lập sẵn hồ sơ về tất cả các gương mặt đấu tranh, để khi bất kỳ ai bị bắt, những hồ sơ đó được tung ra ngay (riêng phần “nơi giam giữ” có thể bỏ trống, chờ điền sau), kèm thông cáo báo chí gửi các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều đó giúp giới truyền thông trong nước và quốc tế dễ dàng đưa tin về vụ việc. 

Tất nhiên, ở Serbia thời Milosevic vẫn có 2-3 cơ quan báo đài độc lập chứ không như Việt Nam thời cộng sản. Tuy vậy, đổi lại, Việt Nam có facebook, và mỗi facebooker đều có thể trở thành một cây viết, một nhà quay phim, nhà báo; mỗi trang facebook có thể là một tờ báo nhỏ.

Trong lúc người bị bắt ở trong đồn cảnh sát, Otpor! huy động hàng chục, hàng trăm người, nhất là thân nhân, bạn bè của người bị bắt, đứng trước cổng đồn gọi loa “hỏi thông tin”, gọi điện thoại vào đồn chất vấn cảnh sát “vì sao bắt người tốt”, “vì sao bắt đứa con trai tuyệt vời của tôi”. (Điều này cũng giống như câu chuyện “đòi người” của các nhà hoạt động ở Việt Nam). Và khi người bị bắt bước chân ra khỏi đồn, đám đông bên ngoài vỗ tay, tặng hoa, chụp ảnh, reo hò vang dội, phỏng vấn và quay phim tại chỗ, khiến người bị bắt cảm thấy không chỉ được an ủi mà còn được tôn vinh.

Nếu nhà hoạt động bị bắt bỏ tù luôn, thì Otpor! huy động tài chính ủng hộ họ và gia đình họ. Tinh thần mà Otpor! theo đuổi trong việc vô hiệu hóa sự đàn áp là “không để bất kỳ ai bị bỏ rơi”. Điều đó khiến cho nhiều người can đảm và quyết tâm dấn thân hơn, bởi họ biết rằng nếu họ bị bắt, sẽ có cả một mạng lưới phía sau họ, hỗ trợ họ, chăm sóc và bảo vệ gia đình họ, cũng như đấu tranh để họ sớm được ra tù hay ít nhất cũng nổi tiếng; họ sẽ không phải đơn độc chiến đấu và âm thầm hy sinh trong sự quên lãng của xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét