Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Truyện cười thứ Bảy: đèn đỏ, đèn mờ

Trần Thế Kỷ




1. Năm Sài gòn bảo Thạc sĩ Tủn:

- Theo cậu, có nên mở “Phố đèn đỏ”?

- Rất nên. Vì nếu không cho mở “Phố đèn đỏ” thì “Phố đèn mờ” vẫn cứ hoạt động.

- Có lý, có lý.

- Nhờ mở “Phố đèn đỏ” mà Nhà nước không thất thu thuế đồng thời kiểm soát được nạn mại dâm. Nó giúp giảm nhiều hệ lụy, chẳng hạn như nạn hiếp dâm.

- Có lý, có lý.

- Xứ ta vì rụt rè quá nên giờ này con ốc vít vẫn chưa làm được cho ra hồn.

- Có lý, có lý.

- Tình dục là bản năng, có muốn cũng chẳng cấm được.

- Có lý, có lý. Nếu nhà nước cho mở “Phố đèn đỏ” thì thế nào cậu cũng là “Người đầu tiên” cho mà xem.

Thạc sĩ Tủn nhảy cẫng lên như Kangaroo:

- Quá sá đúng!



2. Đạo diễn Jordan của phim “Kong: Skull Island” bảo King Kong:

- Tớ vừa bị đánh tại một quán bar ở Sài Gòn.

- Tại sao thế?

- Chắc tại tớ đẹp trai.

- Khéo tưởng tượng. Hẳn là vì cậu để bộ râu khó coi quá. Lo mà cạo đi. Nhìn ngứa mắt lắm.

- Chắc vậy thôi.

- Lúc bị đánh sao cậu không gọi tớ?

- Biết cậu ở đâu mà gọi?

- Ừ nhỉ. Lúc ấy tớ đang ở trong rừng kiếm chuối ăn. Cậu có nhớ mặt đứa nào đánh cậu không?

- Không. Chúng nó đánh tớ tối tăm mặt mũi nên tớ chẳng nhìn ra đứa nào.

- Tớ mà biết đứa nào đánh cậu thì tớ sẽ nhai sống hắn. Thôi, chừa đi nhé, đừng đến quán bar mà cà khịa nữa nhé.

- Thì chừa.

- Chừa luôn cả chức Đại sứ Du lịch VN nữa.

- Thì chừa. Từ này tớ đi đâu thì cậu phải đi theo bảo vệ tớ đấy.

- Được thôi. Đứa nào tính đánh cậu mà trông thấy tớ là phải chạy mất dép.

- Còn phải nói.

- Phải nói trước là đi đâu thì đi chứ tớ không ở xứ VN này đâu.

- Tại sao thế?

- Xứ gì mà đường sá chật hẹp, tủn mủn. Mỗi lần tớ bước ra đường thì y như rằng lại gây kẹt xe!


3. Anh Ba bảo anh Tám:

- Ông Nguyễn Hoàng Ba, giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ nói: “Không cấm, chỉ quy định không mặc quần Jean”.

- “Không cấm mà chỉ quy định”? Tại sao thế?

- Vì ông ấy cho rằng quần Jean có nguồn gốc là trang phục của dân lao động, chăn bò, chăn cừu.

- Có nguồn gốc dân lao động mà xấu à?

- Cụ thể thì ông ấy cho rằng quần Jean xuất phát từ các nước Tây Âu, không phù hợp với phong tục, tập quán Việt Nam.

- Nói như ông này thì đàn bà xứ ta nên đi guốc, mặc áo bà ba còn đàn ông mặc áo dài quấn khăn đóng cho nó đậm đà chất dân tộc vì quần Tây, áo sơ mi cũng xuất phát từ Phương Tây đấy thôi.

- Thật ra có những mẫu quần Jean lịch thiệp, nhã nhặn chứ không phải Jean nào cũng bụi bặm cả đâu. Vả lại việc ăn mặc chỉ nên phát huy tính tự giác của mỗi người chứ không nên áp đặt thế này thế kia.

- Cậu nói có lý. Bộ vest hay quần Tây mà chính ông giám đốc này đang mặc cũng từ Tây Âu mà ra. Theo tớ, ông ấy nên đến sở làm mà đừng mặc gì trên người là hay nhất!


4. Anh Năm bảo anh Tư:

- Báo Người Lao Động có bài viết về lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 tại một trường ở xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

- Trường ấy thế nào?

- Theo tác giả, đó là một ngôi trường sơ sài nằm dựa bên núi, sân trường hẹp và lầy lội. Mấy chục em ngồi xổm để khỏi ướt. Chỉ lèo tèo mấy cái ghế nhỏ để cho vài em dùng. Học sinh nghèo và nhếch nhác, thầy cô cũng chẳng khá hơn!

- Ngài Bộ trưởng Giáo dục đọc bài này có thấy xót xa?

- Không chắc ông ấy có đọc bài này.

- Đời sống người dân miền núi thì thiếu thốn còn mấy ông chủ tịch tỉnh cứ đua nhau xây tượng đài trăm tỷ. Giá mấy ông sớt cho vài tỷ thì đâu có cảnh trường nhếch nhác thế này.

- Tớ thắc mắc là sao không thấy ngài Chủ tịch Nước đến trường này dự lễ khai giảng, đánh trống thùng thùng đón năm học mới?!


5. Anh Năm bảo anh Tư:

- Sử sách không còn gọi Việt Nam Cộng Hòa là “Ngụy quân, ngụy quyền”.

- Sử sách nào cơ?

- Thì là bộ Lịch sử VN 15 tập vừa được phát hành, với ông PGS. TS Trần Đức Cường là Tổng chủ biên.

- Dường như cậu chưa đọc bộ sử đó.

- Đúng là chưa nhưng mà tớ thấy báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ đăng như thế.

- Theo tớ, đăng như thế là chỉ có đầu mà chẳng có đuôi.

- Thế à?

- Đúng vậy. Ông Trần Đức Cường miệng thì bảo rằng: “Chính quyền VNCH là một thực thể ở miền Nam VN” thế nhưng bộ sử này vẫn viết những điều không đáng gọi là sử, chẳng hạn như cuộc di dân vào Nam năm 1954, họ vẫn cho đó là do “phần tử phản động đội lốt tôn giáo dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam”, hoặc “Chính quyền Sài Gòn là tay sai của đế quốc Mỹ”, hoặc “Chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, chặt đầu những người yêu nước”...

- Thế mà gọi là sử ư? Sử lếu sử láo!

- Rốt cuộc, đây chỉ là chiêu trò PR hòng bán sách mà thôi.

- Mà bộ sách giá bao nhiêu?

- Bốn triệu tám.

- Bao nhiêu cơ?

- Bốn triệu tám trăm ngàn đồng chẵn.

- Mắc thế cơ à? Giá đó thì bán cho ma.

- Vấn đề không phải là mắc hay rẻ, mà bộ sử này thực chất vẫn chỉ là Đảng sử mở rộng. Nếu sử này viết đàng hoàng thì giá gấp đôi tớ cũng mua.

- Giá thì đắt, viết thì dở. Vậy thì đứa nào viết, đứa đó đọc.

- Đúng vậy, tin tớ đi, một hôm nào đó, cứ ra mấy tiệm ve chai thế nào cũng thấy bộ sử này nằm mốc meo ở đó.

- Sử mà không ra sử thì dù bán giấy vụn tớ cũng không mua.

- Tớ cũng vậy. Để tiền đó mua giấy chùi đít còn hay hơn!


6. Bên ly cà phê, mấy người bạn nói chuyện với nhau. Anh Năm nói:

- Bị nhà trường chấm dứt hợp đồng sau 9 năm, một giáo viên kể: “Để được nhận vào dạy hợp đồng ngắn hạn và chạy vào biên chế, tôi đã tốn hơn 100 triệu đồng. Giờ thì thất nghiệp, tiền không lấy lại được vì những người chạy việc cho mình người thì bị ung thư chết, người thì rớt chức”.

- Chuyện này xưa rồi, anh Năm ạ. Mới đây thấy mà choáng khi nghe nói ở một trường tiểu học ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, mỗi học sinh bị thu tiền 16 triệu/năm. Chắc người ta tưởng dân miền Tây giàu lắm.

Anh Tư tiếp lời. Anh Lâm nhún vai:

- Đây là một dạng BOT giáo dục. Thầy hiệu trưởng trường đó nghĩ sao nếu học trò trả lời: “thưa thầy, để có tiền, con phải đi bán vé số!”.

Anh Đức lắc đầu, cười:

- Nền giáo dục xứ ra là nền giáo dục sặc mùi tiền. Nó đào tạo ra những con người sặc mùi tiền để duy trì truyền thống đó!


7. Chị Tư bảo anh Tám:

- Ông Đoàn Ngọc Hải bảo: “Sống ở quận 1 phải biết luật, chấp hành luật, còn không về rừng U Minh mà sống.

- Nói vậy mà nghe được sao. Giá ổng nói: “sống ở đâu cũng phải chấp hành luật, không thì về rừng mà sống” thì dễ nghe hơn. Đằng này ...

- Nói thế là xúc phạm dân U Minh đấy.

- Đúng vậy. U Minh cũng là một đơn vị hành chánh, ở đó không có luật hay sao mà dám nói vậy.

- Một phó chủ tịch quận mà cứ chăm bẵm chuyện dắt quân dẹp vỉa hè, còn nói với dân thì nhiều khi hai tay chống nạnh, mặt kênh kênh hệt như quan phụ mẫu.

- Đúng vậy. Đoàn Ngọc Hải chỉ có cái đít mà không có cái đầu. Ông ta nên về rừng U Minh mà sống!



8. Bên ly cà phê, mấy anh em trò chuyện với nhau.

- Đoàn Ngọc Hải nói: “Sống ở quận 1 mà không biết luật thì về U Minh mà sống”!

Anh Năm mở đầu. Tư Cai Lậy cười lớn:

- Vậy là nhờ bác Hải mới biết ở Việt Nam có một nơi không xài luật là xứ U Minh tỉnh Cà Mau.

- Ông Hải muốn mọi người phải chấp hành luật, ngoại trừ ông ta ra. Qua một clip quay cảnh xe ông Hải đậu sai gây ùn tắc giao thông, một người dân phản ứng thì ông Hải trả lời là đang thi hành công vụ.

- Ủa, thi hành công vụ thì cũng phải chấp hành luật chứ. Vỉa hè, lòng đường đâu phải của riêng ông Hải.

- Đúng vậy. Không ai được đứng trên luật pháp. Ông Hải đâu phải là ông Trời con.

- Việt Nam hiện có bao nhiêu vấn đề, đâu chỉ là cái vỉa hè. Một Phó chủ tịch quận mà tối ngày cắm đầu vào cái vỉa hè, thật khó coi.

- Đoàn Ngọc Hải ngày càng giống một anh hề. Ông ta nên gia nhập một gánh xiếc thì hay hơn.

- Có lý. Lúc đó bà con sẽ vỗ tay rần rần chứ không ném đá ông ta như bậy giờ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét