Thiền Lâm - Cali Today
Vào ngày 2/12/2017 sẽ diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của Liên minh châu Âu (EU) với chính quyền Việt Nam. Nhưng khi còn chưa diễn ra cuộc đối thoại mang tính quyết định này cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), Phái đoàn EU tại Việt Nam đã phải nhận một bài học nuốt lời từ giới chóp bu Việt Nam.
Ngày 21/11/2017, trong cuộc gặp tại Hà Nội với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Đại sứ Bruno Angelet – Trưởng phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam – cho biết việc hai bên ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn EVFTA và phát triển bền vững. Để triển khai PCA, trong tuần tới (dự kiến vào ngày 2/12/2017) sẽ diễn ra sự kiện quan trọng đối với hai bên là Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU.
Tuy nhiên trang Chinhphu.vn của Việt Nam đã thản nhiên đưa tin: “Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc chỉnh sửa các nội dung hợp tác kinh tế chỉ nên liên quan tới các vấn đề về PCA chứ không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA”. Khó có thể hiểu khác hơn, đây là một cách nói vỗ mặt thẳng thừng của quan chức Việt Nam đối với Tây Âu mà nhiều khả năng xuất phát từ tâm lý giới lãnh đạo Việt Nam đánh giá vai trò lẫn bản lĩnh của EU là thấp hơn hẳn Hoa Kỳ trong cơ chế và các kỳ đối thoại nhân quyền với Việt Nam, do đó dễ “ăn hiếp” hơn.
Quan chức Vương Đình Huệ: “không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA” Ảnh: VGP/Thành Chung
EU đã từng nêu ra nhiều khuyến nghị cải thiện nhân quyền đối với Việt Nam khi chính thể này được chấp nhận cho tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc từ tháng 11/2013. Tại các kỳ Kiểm điểm điịnh kỳ phổ quát (UPR) – tức xem xét và đánh giá lại những kết quả mà Việt Nam đã đạt được sau khi tung ra nhiều hứa hẹn và cam kết bất tận – phía EU đã tiếp tục chứng kiến thái độ đầu môi chót lưỡi của “giới không xương”: tuyệt đại đa số khuyến nghị cải thiện nhân quyền đã không hề được chính thể Việt Nam thực hiện, nếu không muốn nói là họ đã làm ngược lại.
Từ tháng 6/2016, công an Việt Nam đã khởi động một chiến dịch bắt bớ liên tục nhiều nhà hoạt động dân sự và nhân quyền, bao gồm cả dân oan đất đai. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2017, đã có đến 25 người bất đồng chính kiến bị tống giam.
Thậm chí vào ngày 16/11/2017, ngay sau cuộc gặp với Phái đoàn EU tại Việt Nam để cho ý kiến về vấn đề nhân quyền nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của EU với chính quyền Việt Nam vào ngày 2/12/2017, ba nhà hoạt động dân sự là Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang, Bùi Thị Minh Hằng đã bị công an bắt cóc và câu lưu.
Khác hẳn với những lần đối thoại nhân quyền trước đây giữa EU và Việt Nam, kết quả của cuộc đối thoại nhân quyền lần này sẽ là một cơ sở rất quan trọng, nếu không nói là được đặt lên hàng đầu, để Phái đoàn EU tại Việt Nam báo cáo cho EU nhằm quyết định có thông qua hay không EVFTA.
Hiện tượng hàng loạt quan chức ngoại giao cao cấp của một số nước Tây Âu – Bộ Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström và Thứ trưởng ngoại giao Bỉ Dirk Achten – đến Việt Nam trong thời gian này và liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) cho thấy giới chóp bu Việt Nam một lần nữa bắt được tín hiệu tái khởi động thương thảo về hiệp định này, và lần này là các cuộc bàn bạc để thuyết phục quốc hội các nước châu Âu thông qua EVFTA. Rất có thể là tận dụng kết quả “đăng cai tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017” (nhưng kết quả thực tế gần như duy nhất là không xảy ra vụ khủng bố nào), Hà Nội đã mau mắn và đon đả mời mọc các nước châu Âu, đặc biệt là những nước có vai trò khá quan trọng EU như Thụy Điển, Bỉ… đến Việt Nam để được nghe hứa hẹn thêm một lần nữa về “Việt Nam sẽ đáp ứng các yêu cầu của EVFTA” và “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người”.
Tâm thế mời mọc châu Âu của chính thể Việt Nam càng ẩn chứa động cơ sau khi xảy ra vụ khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt liên đới mật thiết vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” ngay tại Berlin – một trận động đất chính trị mà có thể phá tan tương lai EVFTA và khiến phần lớn châu Âu quay lưng với Việt Nam – một nhà nước bị nhiều người dân trong nước xem là “vô số luật nhưng chỉ có luật rừng”.
Giới quan chức ngoại giao Tây Âu – những người vốn đã từng tỏ ra dĩ hòa vi quý với Việt Nam trong không khí xã giao bất tận vô nghĩa và những cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam chỉ nghe hứa không thấy làm – dường như một lần nữa “chiều” Việt Nam bằng những chuyến thăm nước này vào tháng 11/2017.
Thế nhưng với phát ngôn “không nên đưa các lĩnh vực khác như nhân quyền vào EVFTA” của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thêm một lần nữa những quan chức Tây Âu theo chủ trương đối thoại mềm dẻo mà thiếu hẳn độ cứng rắn cần thiết đã phải nhận một bài học “đời đổi – não không đổi” từ phía giới quan chức Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét