Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Số phận những đệ nhất phu nhân đầu tiên của Cách Mạng Tháng Mười

Thanh Hà


 Số phận những đệ nhất phu nhân đầu tiên của Cách Mạng Tháng Mười
Toàn cảnh khu Điện Kremlin tại Matxcơva. Ảnh chụp ngày 02/11/2017.Mladen ANTONOV / AFP


100 năm Cách Mạng Nga và những cuộc cách mạng bất thành ở hậu cung điện Kremlin. Vợ của Lenin và Stalin là hai người tù giam lỏng với hồi kết thảm khốc. Vợ của vị lãnh tụ Liên Bang Xô Viết cuối cùng, Gorbachev không may mắn hơn bà Khrushchev bao nhiêu cho dù cả hai từng là công cụ để Liên Xô trưng ra với phương Tây một bộ mặt nhân bản của chủ nghĩa cộng sản.

Với Cách Mạng Tháng 10, phụ nữ Nga tiên phong trong các lĩnh vực nữ quyền từ tham gia các hoạt động chính trị, đến quyền đi làm, quyền phá thai hay có con ngoài giá thú. 100 năm trong điện Kremli kín cổng cao tường, vợ nhiều đời lãnh tụ Liên Xô và nước Nga lại nhận lấy số phận hẩm hiu : Họ luôn là những chiếc bóng lặng câm trong một chiếc lồng son, là một công cụ của Đảng.

Lioudmila Putina là người đầu tiên chia tay với chủ nhân điện Kremli khi ông đang tại chức. Truyền thông Nga và quốc tế, không biết gì nhiều về bà Svetlana Medvedeva, ngoại trừ bà là một phụ nữ "có lối sống mới", thích thời trang, thích cuộc sống sa hoa.

Hai "tù nhân" trong điện Kremli

Ngược dòng thời gian một thế kỷ về trước, mùa xuân năm 1918 Vladimir Lenin và Nadezhda Krupskaya (1869-1939) dọn về ở hẳn trong điện Kremli, cùng với rất nhiều các "đồng chí" và gia đình của họ. Sau 25 năm chung sống và bền bỉ đấu tranh cùng Lenin, Krupskaya khi đó tuổi xấp xỉ ngũ tuần, tiếp tục công cuộc đấu tranh. Là một nhà Cách Mạng nòng cốt, bà tin vào nữ quyền, vào sự bình đẳng nam - nữ, vào vai trò và trách nhiệm của nữ giới đối với xã hội, đất nước và Cách Mạng.

Nadezhda Krupskaya và khát vọng những "con người mới, cho xã hội mới"

Trong mắt giáo sư đại học người Nga, Irina Prokhorova, Nadezhda Krupskaya "là một gương mặt tiêu biểu của cuộc Cách Mạng, bà không là chiếc bóng của Lenin mà là một phụ nữ mạnh mẽ bên cạnh chồng". Dù kết hôn với Lenin, bà vẫn giữ nguyên họ, tên thời còn con gái. Bà xem xóa nạn mù chữ phải là ưu tiên của Cách Mạng để xây dựng những "con người mới cho một xã hội mới".

Trong xã hội ấy, Nadezhda Krupskaya đã dấu tranh để phụ nữ có được một chỗ đứng xứng đáng. Trước khi Cách Mạng thành công, Nadezhda Krupskaya là một trong những "chiến binh" trung thành nhất, đắc lực nhất của Lenin để phổ biến những ý tưởng mới. Bà được người bạn đời nể trọng. Cũng vì ảnh hưởng rất lớn của bà và công lao của Nadezhda Krupskaya ngay từ những năm tháng ban đầu của phong trào bôn-sê-víc, mà khi về ở trong điện Kremli, Nadezhda Krupskaya có lắm kẻ thù. Người đầu tiên trong danh sách ấy là Iosif Stalin.

Chỉ vài tháng sau khi dọn vào điện Kremli, Lenin sức khỏe ngày càng suy yếu. Stalin trông thấy cả một con đường thăng tiến rộng thênh thang mở ra trước mặt. Nhưng để ngồi vào chiếc ghế của Lenin, tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô tương lai phải loại cho được một đối thủ nặng ký là Nadezhda Krupskaya.

Nadezhda Alliluyeva, con cờ của Stalin

Lập tức Stalin gài vợ mình là Nadezhda Alliluyeva vào làm thư ký cho Lenin để tiện bề theo dõi mọi thư từ, trao đổi, liên lạc của "lãnh tụ" với tất cả những người chung quanh, kể cả với Nadezhda Krupskaya.

Ngày 21/06/1924 Lenin qua đời, cũng là ngày đệ nhất phu nhân Krupskaya bị khai tử về mặt chính trị. Larissa Wassiljewa tác giả cuốn sách về cuộc đời của các vị đệ nhất phu nhân dưới thời Liên Bang Xô Viết xưa kia và của nước Nga ngày nay nhận xét :

"Với sự đồng lõa của Bộ Chính Trị, Stalin gạt hẳn Nadezhda Krupskaya sang một bên. Vợ của Lenin đủ thông minh để hiểu được hoàn cảnh của bà".

Nhưng khi vợ cố lãnh tụ Lenin từ trần, năm 1939, thì chính Stalin, đứng ra làm chủ lễ tang, như một người con trai trưởng trong gia đình bởi "con cáo già" ngự trị trên Quảng Trường Đỏ biết rõ hơn ai hết là người dân Liên Xô tôn kính bà đến mức độ nào. Trong số này, phải kể đến chính vợ của Stalin. Tang lễ trọng thể dành cho nhà cách mạng từ thủa ban đầu Nadezhda Krupskaya, trước hết là cơ hội để Stalin tô điểm hình ảnh của chính ông trong lòng công chúng.

Cho đến nay, các nhà sử học Nga vẫn không biết rõ về vai trò của Alliluyeva, người vợ trẻ thua Stalin đến 23 tuổi này trong nhiệm vụ loại trừ vợ của lãnh tụ Lenin, giúp cho Stalin thâu tóm quyền lực.

Vợ Stalin và hồi kết thảm khốc

Chỉ biết rằng, từ năm 1924 trở đi, vợ các lãnh tụ Liên Xô thực sự trở thành những chiếc bóng lặng câm. Vợ Stalin, Nadezhda Alliluyeva (1901-1932) đứng đầu danh sách đó. Bà không còn được quyền xuất hiện trước công chúng, không được bước ra ngoài khuôn viên điện Kremli, không được tiếp bất kỳ một ai. Người bạn duy nhất của Nadezhda Alliluyeva là vợ của thủ tướng Vyacheslav Molotov.

Là vợ của chính trị gia gian hùng, với đầy những mưu toan, thủ đoạn và cả tính đa nghi khác người, Alliluyeva vẫn rất xem thường người chồng có bản chất nông dân. Ngược lại bà rất khâm phục vợ chồng Lenin. Ở vào thời điểm chính sách đại thanh trừng của Stalin gieo rắc tang tóc cho từng nhà, những người bạn trí thức của "đệ nhất phu nhân" Liên Xô lần lượt bị chồng bà sát hại, chính sách cải cách kinh tế của chủ nhân điện Kremli đẩy từ 4 đến 6 triệu con người vào cõi chết, thì ngày mồng 7 tháng 11, năm 1932 nhân đại lễ mừng Cách Mạng Thành Công, Stalin hào hứng nâng ly, thề "tiêu diệt hết kẻ thù". Vợ ông như băng đá.

Tác giả cuốn sách về thâm cung bí sử của điện Kremli, Larissa Wassiljewa tiết lộ :

"Nadezhda Alliluyeva từ chối nâng ly. Stalin thúc vào người bà, bảo 'Này, đứng lên !'. Nadeja lạnh lùng trả lời, "Tôi không phải là Này". Vài giờ sau, người hầu bước vào phòng ngủ của vợ Stalin, Nadezhda Alliluyeva, chỉ còn là cái xác không hồn trên một vũng máu. Stalin đã gầm rú vang trời khi nhìn thấy xác vợ. Alliluyeva để lại một bức thư tuyệt mệnh cho Stalin, nhưng không ai biết được bà đã viết những gì. Stalin xem vụ tự sát này như một sự phản bội và ông không bao giờ tha thứ. Từ đó trở đi không một ai dám nhắc đến tên Nadezhda Alliluyeva trước mặt ông hay ở bất kỳ một nơi nào khác".

(Hết phần 1- Kỳ tới, RFI Việt ngữ sẽ đề cập đến vai trò của hai bà Khrushev và Gorbachev trên con đường chinh phục phương Tây của đảng Cộng Sản Liên Xô)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét