Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Chuyện anh sinh viên không muốn xã hội thay đổi



Có một nhóm bạn sinh viên lâu ngày tụ họp với nhau, hỏi han đôi ba cầu trước rồi cũng bàn sang chuyện chính trị. Một người sinh viên đứng dậy can ngăn đám bạn: “ Tao thấy sống như thế này là được rồi, hạnh phúc rồi, còn thay đổi gì nữa.” Trong khi đó, anh ta đi học đại học nhờ tiền cô em gái ruột nai lưng ra làm ô-sin nuôi anh. Nghe bạn mình nói như vậy, những người còn lại trong nhóm bạn, lòng ai nấy đều cảm thấy ghê tởm.

Ở  Việt Nam, con số những kẻ không muốn cải tạo đất nước quá nhiều. Họ không muốn đặt những tiền đề để giảm bớt bất công, giảm bớt dối trá trong xã hội.  Gặp phải nền văn minh như Cơ-đốc ở  phương Tây hay nền văn minh Hồi giáo ở Trung Đông, các dân đó sẽ giải quyết bằng được vấn đề, hay ít nhất là giảm thiểu tối đa, đấu tranh cho đến lúc nào có công bằng mới nghe. Ai cũng cảm thấy xã hội có gì đó không ổn, ai cũng cảm thấy phải làm gì đó để thay đổi tình hình theo một hướng tốt hơn, không ai chấp nhận thực tại bất công kìm nén cả. Nhưng một nền văn minh lúa nước như Việt Nam, tâm lý sống thế nào cũng được tràn lan, từ đời cha ông đến đời con cháu. 


Nhiều người hy vọng dùng học vấn để thay đổi đất nước cũng dường như đã thất vọng từ lâu. Một người có thể nạp thêm học vấn, nhưng có đi kèm nạp thêm khí chất hay không? Đối với một dân hám danh như dân Việt Nam thì học vấn có khi lại càng tai hại, người ta đi học vì bằng cấp chứ không phải vì hiếu học. Trường đại học càng mở ra tràn lan thì càng có nhiều sinh viên phát biểu một cách xuẩn động như anh sinh viên sống bám vào em gái như ở đầu bài.

Trong một cuộc trao đổi riêng, tôi có dịp nói chuyện với giáo sư Anh Thơ Andres, hiện đang giảng dạy trong chương trình Văn hóa- Giáo dục của Liên Hợp Quốc. Cô nói riêng với tôi rằng, “các nước cần bao nhiêu nhân lực thì đào tạo bấy nhiêu sinh viên, riêng Việt Nam thì đào tạo tràn lan, không căn cứ vào nhu cầu xã hội cho nên thất nghiệp nhiều và đổ bể như bây giờ”. Trong các mùa tư vấn tuyển sinh đại học ( mà thực chất là mùa mà các trường đại học “quảng cáo sản phẩm”), người ta bảo sinh viên phải chọn trường theo nhu cầu xã hội. Nhưng Bộ giáo dục và  các trường có  đưa ra bảng kê nhu cầu xã hội và phân bố? Tại sao lại bắt học sinh cuối cấp phải khảo sát nhu cầu xã hội trong khi việc này đáng lẽ thuộc về các cơ quan của chính phủ? Nói thật ra, chính phủ thì bất lực, mà các trường đại học thì chỉ biết ăn. Quan chức các trường đại học không muốn cải tạo xã hội, cho nên văn hóa trong trường đại học cũng là văn hóa bằng cấp, từ giáo sư cho đến sinh viên chẳng ai buồn họp nhau lại để mà cải tạo xã hội, còn các lễ kỷ niệm, lễ 20/11, lễ này lễ nọ thì tràn lan vui vẻ giả tạo. Phần đông sinh viên Việt Nam không muốn cải tạo xã hội, an phận thủ thường. Tâm lý đó xuất phát từ nền văn minh lúa nước và dân tộc tính. Dù bao nhiêu sin, cos, vi phân tích phân đi vào đầu thì cũng tính cách trì trệ, “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” cũng khó mà ra khỏi con người.

“Tao thấy sống như thế này là được rồi, hạnh phúc rồi, còn thay đổi gì nữa.”, câu nói này phát ra từ miệng một người nam ăn bám em gái, mà em gái phải đi làm thuê trong Sài Gòn để gửi tiền học hàng tháng cho mình, khó mà không ghê tởm cho được. Anh ta không thấy có lỗi với người em gái của mình ư? Có thể người sinh viên này bản chất không đến nỗi ác, nhưng do bị nhồi sọ quá lâu, đầu óc đã trở nên mụ mị quá rồi. Vô số sinh viên Việt Nam có miếng ăn là được, chẳng cần đắn đo xem miếng ăn đó đến từ đâu. Nhận thức như vậy, theo nhiều người bạn khác, không xứng đáng vào đại học. Một mai, khi em gái đi làm thuê vất vả nuôi anh sinh viên nọ bỗng dưng đột quỵ, khi đó may ra anh sinh viên này mới tỉnh ra được, rằng xã hội này có cần phải thay đổi hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét