Mộ của cố thủ tướng Hungary Imre Nagy tại nghĩa trang Budapest, 23/11/2011.REUTERS
“Trong
tiếng chuông nguyện cầu, thành phố hoang vu không một bóng người; trên
đường phố, chỉ có tiếng xe tăng của quân chiếm đóng gào rú, làm tan bầu
không khí yên lặng. Một cảnh tượng kinh ngạc và bi thảm kéo dài 1 giờ
đồng hồ ngày 23/11 tại thủ đô câm lặng”.
Cách
nay 59 năm, tại Hungary, vào một ngày trung tuần tháng 06/1958, sau một
phiên tòa ngụy tạo và dàn dựng do Điện Kremlin giật dây, thủ tướng Hung
Nagy Imre và các đồng sự của ông bị giảo hình do đã tham gia và đứng về
phía nhân dân trong cuộc cách mạng và cuộc chiến giành tự do dân tộc
năm 1956, diễn ra chỉ trong vòng mươi ngày.
Thủ lĩnh của một cuộc cách mạng tinh khôi
Những
người được chứng kiến sự kiện ngày hôm ấy còn nhớ vị thủ tướng đeo cặp
kính cận, dáng vẻ buồn bã, ưu tư, ngoại hình có phần giống một trí thức
phương Tây hơn là một người Hung điển hình. Hai khuỷu tay ông bị cột vào
đùi, người ta phủ lên đầu ông một cái rọ để ông không thể mở miệng và
không thể cử động được phần vai. Rồi, Nagy Imre bị đưa đến trước giá
treo cổ.
Người
con ưu tú của nước Hung thế kỷ 20 đã lặng lẽ ra đi vào một ngày thứ
Hai, một năm rưỡi sau ngày cả thế giới biết đến tên ông với lời tuyên bố
và cầu cứu bi thảm cuối cùng được phát đi bằng nhiều thứ tiếng, vào hồi
5 giờ 20 phút sáng ngày 04/11/1956, từ nơi nhiệm sở cuối cùng của ông
khi chiến xa Liên Xô đã bao vây tứ bề tòa nhà Quốc hội Hungary:
“Đây,
Nagy Imre, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Cộng Hòa Nhân Dân Hungary. Rạng
sáng hôm nay, các đạo quân Xô Viết đã tấn công thủ đô của chúng ta với ý
đồ rõ ràng là lật đổ chính phủ dân chủ của nước Hung. Quân đội chúng ta
đã chiến đấu. Chính phủ ở vị trí của mình. Tôi thông báo điều này với
toàn dân Hung, và với công luận thế giới!”.
Sau
lời tuyên bố, Quốc ca Hung vang lên, và có thể nghe rõ tiếng đại bác
gầm rú trong đoạn băng ghi âm. Phát biểu của Thủ tướng Nagy Imre dẫu chỉ
vỏn vẹn vài câu ngắn ngủi, nhưng từng được liệt vào hàng những phát
biểu, diễn văn có sức mạnh và tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 và là một
tư liệu bi thương về cuộc cách mạng Hungary.
Cùng
nhiều lời cầu cứu, khẩn nài khác được phát trên các kênh truyền thanh
cách mạng Hungary (nhiều khi không rõ nguồn gốc) và được gửi đến Liên
Hiệp Quốc, cũng như toàn thể thế giới, với hy vọng có một sự trợ giúp
vào buổi sáng và trưa định mệnh ấy, những lời của Nagy Imre là một tiếng
kêu cứu vô vọng của một cuộc cách mạng lãng mạn và trong sáng hiếm thấy
trong lịch sử thế giới. Một cuộc cách mạng của những niềm hy vọng ngây
thơ, bồng bột, nhưng vô cùng đẹp đẽ, giữa cảnh rối ren cùng cực của
chính trường thế giới!
Không chỉ là một người hùng
Sau
khi Hungary thay đổi thể chế vào năm 1990, một tượng đài Nagy Imre đã
được dựng tại quảng trường Liệt Sĩ (Budapest) và điêu khắc gia đã tạc vị
thủ tướng rất có “thần”, có hồn. Pho tượng đặc tả một người đàn ông
trung niên, gương mặt khắc khổ, đau đớn và đầy suy tư hướng về phía Tòa
nhà Quốc Hội, đứng trên một chiếc cầu chằng chịt những vết chiến xa dày
xéo...
Cách
khắc họa dung dị ấy đã khiến không ít người ấn tượng và có nhiều cảm
xúc về một chính khách xuất hiện trong hình ảnh một trí thức, một nhà tư
tưởng. Và, Nagy Imre là một con người chứ không hề đơn thuần là một
người hùng trước sau không gì lay chuyển nổi, hoặc giả, một vị thánh tử
vì đạo! Vị thủ tướng phức tạp, đa dạng và mâu thuẫn hơn nhiều so với hậu
thế thường nghĩ!
Bởi
lẽ, trong đời, Nagy Imre đã có nhiều hành động sai lầm và dao động,
lưỡng lự và hạn chế. Nhiều khi, ông chưa vượt quá được những rào cản của
một cán bộ đảng, một viên chức tận tụy - một con ốc trong cỗ máy lớn!
Trước sau Nagy Imre không chủ định lật đổ thể chế cộng sản, mà ông chỉ
có ý thực hiện một mô hình CNXH “mang bộ mặt nhân tính”.
Đó là tấn thảm kịch lớn của ông, một người, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn tin tưởng vào khả năng có thể cải đổi của “CNCS hiện thực”. Nhưng
điều khiến Nagy Imre trở nên lớn lao là nhà cách mạng kiêm viên chức
ấy, trong giờ phút cuối cùng, trái với thể trạng và niềm tin của ông,
vẫn dám dấn thân hành động, hòa mình vào nhân dân và nhận cái chết một
cách quả cảm.
Chỉ riêng sự kiện Nagy Imre không công nhận bản án áp đặt cho ông, không xin ân xá, cũng như không “khai man”, không vò đầu bứt tai “thú tội”, “hối lỗi” hòng
cứu mạng sống như rất nhiều lãnh tụ cộng sản cựu trào từng bị xét xử
trong các phiên tòa ngụy tạo do Matxcơva dàn dựng, đã khiến ông trở
thành một con người xác tín và được hậu thế đánh giá xứng đáng.
Sự phản kháng âm thầm
Và Nagy Imre đã có những người dân đồng hành cùng ông trong nỗ lực để Hungary được tự do, độc lập và dân chủ. Đó là biết bao “những chàng trai Pest” còn
ở độ tuổi đến trường, hầu như tay không hoặc chỉ có vũ khí thô sơ, dùng
bom xăng chống lại chiến xa Liên Xô với lòng dũng cảm vô song. Ngày hôm
trước còn đến trường và còn run rẩy vì bài chưa thuộc, hôm sau các em
đã ra chiến lũy.
Và
đó còn là rất nhiều thường dân, với nhiều cách khác nhau, đã tạo nên
một bản đồng ca tuyệt vời của sự phản kháng sau khi cuộc cách mạng bị đè
bẹp. Ngay cả khi họ lặng thinh, thì điều đó cũng tiềm ẩn một sức mạnh
của sự bất tuân, bất bạo động, khiến quân thù phải run sợ và kính nể.
Như trong cuộc biểu tình câm lặng ngày 23/11/1956, kỷ niệm 1 tháng ngày
khởi đầu cuộc cách mạng.
Đó
là sự phản kháng lớn nhất, đoàn kết nhất của người dân Budapest, gần 3
tuần sau khi thủ đô Hungary bị quân đội Liên Xô chiếm đóng, và cuộc cách
mạng bị dìm trong bể máu. Theo đề xuất của hội đồng Trí Thức Cách Mạng
Hungary, hội đồng Công Nhân trung ương đã kêu gọi toàn thể cư dân thủ đô
tham gia một buổi tổng đình công câm lặng.
Chiều
thứ Sáu hôm ấy, tất cả phố phường và quảng trường ở Budapest đều không
có một bóng người. Khách bộ hành vào hết các tòa nhà, ai nấy tụ tập bên
cửa sổ, nhìn ra đường và tưởng nhớ những người đã hy sinh cho độc lập
dân tộc. Tại đại lộ Vòng Cung (con đường chính ở trung tâm Budapest),
vang lên âm hưởng bản Quốc ca Hung, cầu thánh thần bảo vệ cho con dân
Hungary, và ngay lập tức, cư dân các phố xá lân cận đã đồng thanh hát
theo.
Những nhân chứng tham gia sự kiện động lòng này thuật lại:
“Chúng
tôi không muốn khiêu khích, mà chỉ muốn thuyết phục bằng sức mạnh của
lẽ phải. Chúng tôi tìm một hình thức đấu tranh mà không thiệt hại đến
tính mạng con người. Cuộc biểu tình câm lặng ngày 23/11 là như thế: bản
chất của nó là, sau 12 giờ trưa, sẽ không ai ra đường. Các bạn có hình
dung ra không, cảnh tượng kinh khủng của thủ đô khi đồng thời tất cả đều
ngừng lại: tàu điện, xe buýt, cả thành phố hoang vu và câm lặng?”.
“...
Đột nhiên chúng tôi nảy ra ý định này, ngày một ngày hai. Chúng tôi
tranh luận xem có nên làm thế không, có nực cười hay không? Từ khoảng 12
giờ trưa đến 1 giờ chiều, có ai chịu vào nhà không? Chúng tôi làm các
loại truyền đơn và dán khắp nơi, để tạo cho mình sự kiên trì và không bỏ
cuộc... Trên đại lộ Vòng Cung và đường Rákóczi, chúng tôi bảo những
tiểu thương rằng sẽ có biểu tình. Hãy tham gia cùng chúng tôi!
Tôi nhớ hôm đó trời mưa, đường lầy lội bẩn thỉu. Tôi nhìn đồng hồ. 12 giờ kém 5 phút rồi!
- Các vị không tham gia à? - chúng tôi hỏi.
- Có chứ - họ trả lời -, còn đợi thời điểm bắt đầu mà.
Đúng
12 giờ, chuông khắp nơi vang lên. Cậu cảnh sát cũng chạy vào cửa tòa
nhà. Cả đại lộ Vòng Cung trống rỗng và câm lặng. Nhưng toán chiến xa Nga
thì nổ máy, chúng thấy im lặng quá nên nghĩ rằng một cái gì sắp xảy ra.
Không làm sao có thể dàn dựng được hoàn hảo hơn.
Trong
tiếng chuông nguyện cầu, thành phố hoang vu không một bóng người. Trên
đường phố, chỉ có tiếng xe tăng của quân chiếm đóng gào rú, làm tan bầu
không khí yên lặng. Một cảnh tượng kinh ngạc và bi thảm kéo dài 1 giờ
đồng hồ ngày 23/11 tại thủ đô câm lặng”.
Thời
gian đã trả lời cho nỗ lực của cố thủ tướng Nagy Imre và cho sức mạnh
âm thầm của sự phản kháng câm lặng ấy: Hơn 3 thập kỷ sau, Hungary vươn
mình trở thành một quốc gia độc lập, dân chủ và tự do, mà không tốn một
giọt máu nào. Máu của người Hung năm 1956 đã chảy không vô ích cho tương
lai của đất nước này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét